BBC
 Cô Trịnh Kim Tiến cho AFP xem tấm hình chụp bố khi nằm cấp cứu ở bệnh viện
Tổ
chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch (HRW) nói họ vẫn tiếp tục
lo ngại về việc công an Việt Nam dùng bạo lực với người dân, nhiều
trường hợp dẫn đến chết người.
Một báo
cáo của tổ chức đặt trụ sở ở New York, tháng Chín năm ngoái, trích
dẫn có 19 trường hợp cảnh sát thô bạo, trong đó có 15 vụ gây
tử vong, dựa trên tin báo giới chính thống.
Gần một năm đã trôi qua, và HRW cáo buộc rằng hầu như vẫn không có thay đổi nào tại Việt Nam.
Nói
với hãng tin AFP, phó giám đốc khu vực châu Á của HRW, ông Phil
Robertson, nhận xét: "Cơ bản mà nói, cảnh sát tự tiện lạm dụng quyền
hành ngược đãi người bị bắt giữ. Chuyện này vượt quá tầm kiểm
soát rồi.”
Vụ gần đây gây bức bối cho dư
luận trong nước là vụ ông Trịnh Xuân Tùng, phường Thịnh Liệt, Hà Nội,
bị công an đánh gãy xương cổ rồi chết ít ngày sau đó.
Thuật
lại những gì bố của mình kể lại trước khi chết, cô con gái 21
tuổi của ông Tùng, Trịnh Kim Tiến, nói bố mình bắt xe ôm đi ra
một bến xe buýt ở Hà Nội vào một buổi chiều hồi đầu năm.
Ông cởi mũ bảo hiếm sang một bên để gọi điện thoại trên đường
đi.
Việc không mang mũ khi đi xe máy
là phạm luật, vì thế một cảnh sát đã tạm giữ phương tiện
và phạt người lái xe 150,000 đồng, trị giá khoảng ba ngày lương.
AFP
trích lời con gái ông Tùng nói, lái xe đã không chịu trả tiền
phạt dẫn đến việc tranh cãi và xô xát khiến ông Tùng cố gắng
can ngăn.
Cô Trịnh Kim Tiến nói: "Sau đó cảnh sát tấn công bố tôi.”
Ông
Tùng kiếm sống bằng nghề bán chim và "chưa bao giờ có vấn đề
với bất kỳ ai”, bị đánh vào cổ và lưng trước khi bị đưa tới
đồn công an.
Tại đây, con gái ông tìm thấy ông trong tình trạng bị còng cả chân và tay, kêu rằng không thể cử động được.
"Họ nói bố tôi đang cố giả vờ và không ai làm gì ông ấy cả. Sau đó, ông đã chết trong bệnh viện.”
"Có vẻ Bộ Công an quan tâm việc bảo vệ chính mình hơn là bảo vệ người dân Việt Nam"
HRW
nói trường hợp này làm nổi bật sự báo động về việc lạm
quyền trong lực lượng công an Việt Nam, nơi mà chỉ những vi
phạm nhỏ có thể gây ra những kết cục bi thảm.
Tổ
chức này kêu gọi chính quyền Việt Nam nhanh chóng mở các cuộc điều tra
kỹ lưỡng và minh bạch về hàng loạt ca tử vong do công an sử dụng vũ lực
chết người gây nên, và xử lý những cán bộ có trách nhiệm trong việc này.
Bảo vệ ai?
Bản
báo cáo hàng năm của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ về vấn đề nhân
quyền ở Việt Nam dẫn ra 9 vụ tử vong trong năm 2010, tăng so với
năm 2009 là không có trường hợp nào và năm 2008 là 1 vụ.
Báo cáo hồi tháng Tư nói: "Trong gần như tất cả các vụ, công an cáo buộc rằng nạn nhân đã tự sát.”
Trong
một trong các vụ lạm quyền đáng chú ý nhất, ông Nguyễn Văn
Khương chết trong lúc bị bắt giam sau khi ông này bị công an
chặn lại vì vi phạm luật lệ giao thông ở tỉnh Bắc Giang vào
năm ngoái.
Một nhà ngoại giao nước
ngoài không cho biết tên nói với AFP rằng cả ngàn người đã biểu
tình trước cái chết của người thanh niên trẻ và một nhân viên
cảnh sát đã bị mức án 7 năm tù, một hình phạt chưa từng có
cho việc công an lạm dụng quyền lực kiểu này.
Ông
nói, mỗi một quốc gia, ở mức độ nhất định, đều phải đối mặt với
các vấn đề trong ngành cảnh sát nhưng "cách giải quyết vấn
đề đó như thế nào cũng định hình việc giải quyết các vấn đề
nhân quyền nói chung. ”
Bộ Công an đã
không trả lời đề nghị phỏng vấn của AFP. Tuy nhiên, chính quyền
nói rằng luật pháp "nghiêm cấm việc sử dụng vũ lực bất hợp pháp
khi thi hành công vụ.”
Ông Phil Robertson chỉ trích: "Có vẻ Bộ Công an quan tâm việc bảo vệ chính mình hơn là bảo vệ người dân Việt Nam.”
|