VRNs (17.10.2010)
- Hà Nội - Mấy ngày cuối của cái gọi là đại lễ Ngàn Năm Thăng Long – Hà
Nội do đảng cộng sản tổ chức, tôi thấy một nhóm người xưng danh là
đảng viên của Đảng Việt Tân, một đảng đối lập với đảng Cộng Sản phát
áo, mũ thông cáo kêu gọi lòng yêu nước chống hiểm họa Bắc Triều, chính
điều này như gợi hứng cho tôi có đủ can đảm và cảm xúc để viết bài này.
Một điều tất nhiên là lòng yêu nước
trong tôi đã có sẵn từ khi mẹ cha sinh ra tôi và bất cứ ai, đó là bản
tính tự hữu của con người, bất cứ ai – trong tôi. Nhưng lòng yêu nước
đó sẽ trổi vượt lên nhiều hơn nữa khi nó được một tác động nào đó khêu
ra. Tôi nói ở đây, trong tâm thức của một người yêu nước sâu sắc và rất
lo lắng. Lo lắng vì cái gì ư? Buồn, lo lắng đến sốt vó vì lịch sử đã để
lại và chứng minh, vì những diễn biến hết sức phức tạp luôn xảy ra, mà
cụ thể là Biển Đông trong mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Trung
Quốc.
Thực ra, đại lễ ngàn năm Thăng Long vừa
mới diễn ra được đảng cộng sản tổ chức với nguồn kinh phí khổng lồ,
được ước đoán lên đến trên dưới 4,5 tỉ đô la. Số tiền mà quý vị chia
cho mỗi đầu người dân Việt Nam phải gánh khoảng hơn 1 triệu đồng, nhiều
hơn với khoảng bổ đầu cho Vinashin. Một cái đại lễ không được lòng dân,
nhiều ý kiến phản biện được nêu lên, đến nỗi một nhà giáo, nhà văn nổi
tiếng vừa mới cho ra bộ sách giáo khoa lớp một phải thốt lên "đại lễ là
vớ vẩn”.
Đại lễ làm được gì, kêu gọi lòng yêu nước? thúc giục lòng yêu nước? hay chỉ chơi, chơi và "đại lễ buồn” và nợ.
Có một số người đã gợi ra cảm hứng cho
lòng yêu nước của tôi được triển nở. Họ là một nhóm người kêu gọi lòng
yêu nước, cảnh tỉnh trước âm mưu bành trướng của Trung Quốc. Họ là
những con người mặc áo xanh, đội mũ xanh, tay cầm khẩu hiệu "Vì Thăng
Long Ngàn Tuổi, Chống Hiểm Họa Bắc Triều”, đọc tuyên cáo chống Trung
Quốc đang có âm mưu bành trướng Biển Đông, mà cụ thể là Trường Sa,
Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngay giữa thủ đô Hà Nội ngàn năm văn
hiến, họ đã lên tiếng mạnh mẽ trong sự kiểm soát gắt gao của an ninh
mật vụ cộng sản. Họ đã "gãi đúng chỗ ngứa” của lòng yêu nước. Sau đó
tôi mới biết, họ là đảng viên của đảng Việt Tân.
Về nhà suy nghĩ, tìm hiểu về tiếng nói
và danh tiếng của đảng Việt Tân, mới thấy họ thật là những người "yêu
nước và đam mê". Trong một đất nước độc đảng cai trị, chỉ có đảng cộng
sản cầm trịch, tất cả các tiếng nói khác họ đều không được công nhận và
bị trù dập. Tôi tìm hiểu và thấy, nhiều đảng viên đảng Việt Tân bị bắt
bớ, truy tố và cầm tù, bị đảng cộng sản gán cho cái tên sặc mùi bạo lực
"tổ chức khủng bố".
Ai yêu nước? ai khủng bố? Hành động của
những con người xướng tên là đảng Việt Tân trong cái ngày đại lễ ngàn
năm đó có phải là lòng yêu nước không? Họ công bố cho bàn dân thiên hạ
biết về hiện tình đất nước, Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa. Họ lên án
những "thế lực thù địch" đang có âm mưu chống lại dân tộc, con người,
non sông đất nước Việt Nam. Họ lên tiếng vì bờ cõi, sơn hà xã tắc. Đích
thị đó là lòng yêu nước! Còn có một tổ chức nào đó lại im hơi tắt tiếng
trước hiểm họa Bắc Triều mà đáng ra họ buộc phải lên tiếng. Ai yêu nước
Việt Nam? ai khủng bố dân tộc Việt Nam?
Yêu nước và đam mê phải đánh đổi bằng
tù tội, những con người vì lòng yêu nước đang bị cầm tù phải cắt nghĩa
và gọi họ cho đúng là "những phạm nhân của lòng yêu nước và đam mê". Họ
là những con người thuộc mọi giai tầng, mọi tổ chức, là mọi nhân vị
sống động trong tâm tưởng của lòng yêu nước.
Lòng yêu nước và sự đam mê của họ đã
nhận được gì? Có hàng trăm, hàng nghìn con người đang phải chịu những
bản án tù đày bất công, vì quá nhiều nên tôi không thể liệt kê ra đây
từng cái tên một.
Để thể hiện lòng yêu nước đến cuồng si,
đến đam mê trong xã hội Việt Nam, họ đang phải đánh đổi tất cả. Nó gần
giống với câu chuyện những chú bé cố hì hục lăn một khúc gỗ to từ bên
này qua bên kia đường và chúng reo hò hồ hởi. Với cái nhìn lãng tránh,
đôi khi thấy khó hiểu và vô ích, thậm chí rất dại dột. Nhưng không hề
vô ích tí nào cả, bởi vì họ đang đánh đổi sức lực để lấy đam mê, lý
tưởng và lòng yêu nước đến tột độ.
Bản chất của đam mê thì tự nó đến, ý
nghĩa của niềm đam mê nằm ngay tự trong lòng yêu nước thôi thúc của mỗi
người. Từ đam mê dẫn đến hành động. Để có được đam mê, nó phải được
nuôi dưỡng và phát khởi từ trong trái tim con người. Lụa là, hương sắc,
vàng bạc không có ý nghĩa gì với đam mê. Tất cả đều không thể thay đổi
cho những chuẩn đích chính đáng mưu cầu hạnh phúc.
Đam mê, yêu nước và thể hiện hành động
để rồi vào tù, có đáng không? Có đam mê nào không phải trả giá. Tất cả,
ngay trong câu chuyện tôi mới đề cập về lũ trẻ, đánh đổi sức lực, lầm
lũi để đổi lấy đam mê. Những con người yêu nước đánh đổi, chấp nhận khổ
cực, tù tội để thể hiện lòng yêu nước, niềm đam mê. Con người không có
đam mê là con người hư khuyết sinh khí. Đam mê phải đam mê cái đẹp,
hoàn mỹ và nhân văn. Cũng có đam mê, nhưng nhiều con người đam mê quyền
lực, lợi lộc, tiền bạc và có khi là bạo lực.
Những con người vì lòng yêu nước trong
niềm đam mê đó tôi rất cảm phục, cảm phục lắm. Tôi được gợi hứng qua
lòng yêu nước và niềm đam mê của những con người đang dấn thân hoạt
động để lên tiếng đòi lại chủ quyền cho đất nước, đòi lại Hoàng Sa,
Trường Sa cho dân tộc Việt Nam. Tôi cũng có lòng yêu nước và niềm đam
mê, và tôi như bừng lên sự đó qua hành động của các bạn trong cái ngày
đại lễ ngàn năm Thăng Long – Hà Nội đó. Tôi xin cảm ơn các bạn vì đã
gợi hứng cho tôi thêm lòng yêu nước hơn nữa.
Hà Nội, 14/10/2010
Thăng Thiên