Lâm Thế Nguyên (ĐVDVN)
Trong
công cuộc đấu tranh giành lại quyền sống và sự sống, người Việt chúng
ta cần bình tĩnh, sáng suốt và khôn ngoan để không gây ta thêm đổ vỡ và
đau thương. Như vậy, đối với chế độ đương quyền ở Việt Nam, giải pháp
nào là thích hợp nhất cho hoàn cảnh của đất nước Việt Nam: Lật đổ, Giải
thể hay Chuyển thể?
Lật Đổ. Có thể
nói, nếu căn cứ vào các động lực được thúc đẩy bằng sự hận thù và lòng
căm phẩn phát xuất từ quá khứ lẫn hiện tại, thì có lẽ hầu hết những
người có kinh nghiệm đau thương với đảng CSVN đều muốn lật đổ chế độ
độc tài này càng sớm càng tốt. Lật đổ ở đây là triệt hạ toàn bộ nhân sự
và cơ cấu thống trị các cấp của chế độ hiện thời.
Giải Thể. Đối
với những ai nhận thức được hậu quả của những cuộc thay đổi quyền lực
đột ngột trên thế giới thì theo đó, biện pháp dung hoà tương đối an
toàn nhất là giải thể. Với sự giải thể này, mọi cơ chế lãnh đạo, điều
hành quan trọng ở trung ương và địa phương phải được thay đổi rốt ráo;
song sĩ quan trung cấp trở xuống trong quân đội và cán bộ nhà nước mang
tính chuyên môn, thừa hành sẽ được chính quyền mới cứu xét lưu nhiệm.
Chuyển Thể.
Biện pháp thứ ba là chuyển thể, với sự thay đổi cơ cấu nhân sự lãnh
đạo, điều hành từng bước một theo một quy trình cải cách chính trị được
các phía đồng thuận qua một giải pháp chính trị. Cơ bản của sự chuyển
thể là đảng cầm quyền hiện nay phải chấp nhận đối thoại với các tổ chức
đối lập ôn hoà và lắng nghe nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, để
thành hình một lộ trình đổi mới chính trị thích hợp với hoàn cảnh xã
hội nước ta.
Trước hoạ xâm lăng từ phương Bắc và sự khủng hoảng,
đe doạ trong nhiều lãnh vực quan yếu của quốc gia, tâm lý người Việt
mong muốn có được sự thay đổi thật sớm sủa, dù là ở hình thức nào. Song
để giải quyết những vấn đề của đất nước và dân tộc, người Việt chúng ta
cần mạnh dạn bước qua những xúc cảm tồn động từ hậu quả của cuộc chiến
ngày nào hay bối cảnh chính trị phức tạp hiện nay. Cùng lúc đó, chúng
ta phải nhận định hiện tình đất nước một cách khách quan để có một
thái độ và hướng đấu tranh thích hợp nhất.
Cuộc chiến tranh bom
đạn đã chấm dứt từ hơn 30 năm trước nhưng cho đến nay, hậu quả của nó
vẫn còn hoành hành thân phận dân tộc ta ở cả trong và ngoài nước. Nước
Việt phải có Dân Chủ, Người Việt phải có Tự Do, đó là mục tiêu chúng ta
phải đạt cho được bằng mọi cách. Tuy nhiên, chúng ta phải cân nhắc ảnh
hưởng và hậu quả có thể có, để không phải đánh đổi dân chủ, tự do bằng
máu xương và sự đau khổ của một thành phần dân tộc nào đó. Nói rõ hơn,
chúng ta phải thay đổi đất nước như thế nào để không có một thành phần
dân tộc nào sẽ phải là nạn nhân của chế độ mới; tránh lập lại lỗi lầm
lịch sử như Cộng sản Việt Nam đã đối với quân cán chính VNCH và thân
nhân của những người này sau tháng 4/1975. Bài học lịch sử cận đại bằng
máu và nước mắt của chính dân tộc ta vẫn còn đó như là một nhắc nhở đầy
nghiêm khắc. Và vì vậy, để giải phóng dân tộc, chúng ta chỉ có hai con
đường là Chuyển Thể hoặc Giải Thể chế độ Cộng sản đương quyền.
Nhưng
sự chuyển thể hay giải thể đó không tự nhiên mà có. Muốn thành hình một
giải pháp chính trị để dẫn đến một cuộc chuyển thể, chúng ta cần có đủ
sức mạnh áp lực từ mọi phía và mọi lãnh vực. Chỉ khi phải đối đầu với
một sức mạnh không thể cưỡng lại được thì thành phần bảo thủ đảng CSVN
mới có thể chấp nhận tương nhượng để trao lại quyền lãnh đạo cho toàn
dân. Đây là xu hướng ôn hoà nhất song cũng đòi hỏi một thái độ và hành
động quyết liệt nhất. Thiếu sức mạnh đó, đề nghị về một giải pháp chính
trị sẽ vẫn tiếp tục là những điều thiếu thực tế, bất khả thi. Hơn nữa,
hành động quyết liệt đó không thể chỉ là nỗ lực của một số cá nhân
những nhà đấu tranh dân chủ đơn lẽ hay của một vài tổ chức có khuynh
hướng tiền phong, mà phải là sự đồng tâm hiệp lực của các lực lượng đấu
tranh có thực lực ở cả trong và ngoài nước qua một mặt trận chung.
Phương
thức giải thể cũng không phải là bất khả thi, nếu như nó được tiến hành
bởi các tổ chức có cùng quyết tâm thay đổi cơ chế lãnh đạo độc tài. Yêu
cầu quan trọng để dẫn phương thức này đến thành công là phải có sự hậu
thuẫn của những người yêu nước tiến bộ trong hàng ngũ đảng viên, cán bộ
nhà nước CSVN. Muốn đạt được yêu cầu đó, một chính sách bao dung, hoà
đồng và đoàn kết dân tộc không thể thiếu được. Điều quan trọng của sự
Giải thể là thay đổi cơ chế và thành phần lãnh đạo, chứ không phải là
đập đổ và tiêu diệt những người trong bộ máy cầm quyền hiện nay. Mặt
khác, mặt trận dân chủ cũng phải có được sự chuẩn bị hợp lý và đầy đủ
về mặt nhân sự để điền khuyết cho bộ máy chính phủ khi thành công. Đồng
thời, chính sách lưu dụng cán bộ các ban, ngành chuyên môn phải được dự
liệu một cách thực tế và khoa học.
Với thực tế chính trị của đất
nước ngày nay, chúng ta không trông đợi gì ở thiện chí của thành phần
bảo thủ, tham lam, ích kỷ. Thành phần này chỉ nhượng bộ ở giờ phút sau
cùng khi biết chắc là họ không còn có thể nắm được quyền lực nữa. Điều
chúng ta phải cố gắng thể hiện và vận động là sự tin tưởng và hợp tác
đấu tranh của những người yêu nước tiến bộ trong bộ máy nhà nưóc hiện
nay. Muốn hiện thực hoá được đường lối đó, chúng ta cần phải có một chủ
trương bao dung, hoà đồng và đoàn kết thật nhân bản để tạo niềm tin và
đủ sức mạnh để tạo tính thuyết phục.
Điều quan trọng hơn hết là
dù trong bất cứ hàn cảnh nào, chúng ta cũng phải quyết chí thực thi
quyền tự quyết của dân tộc, ngăn chận mọi khuynh hướng “cõng rắn cắn gà
nhà” hay cố tình gây ra cảnh “nhồi da xáo thịt”.
Nói tóm lại,
muốn giải quyết các bế tắc của đất nước, chúng ta vừa phải có một đường
lối nhân bản có khả năng mở một lối thoát an toàn và hợp lý cho toàn
dân tộc, đồng thời phải có đủ sức mạnh thực tiễn để thực hiện các chủ
trương đấu tranh.
Trước bối cảnh đầy thử thách hôm nay, đất nước
ta có thể tồn tại và cất cánh được hay không là tuỳ vào lòng yêu nưóc
và ý chí đấu tranh của các thế hệ con dân Việt ở cả trong và ngoài
nước. Việt Nam sẽ thay đổi chính thể qua con đường bị lật đổ, bị giải
thể hay chuyển thể? Câu trả lời không hẳn chỉ là do ý chí của mặt trận
đối kháng và đối lập, mà còn tuỳ thuộc nào thái độ của đảng CSVN và
thiện chí của những người yêu nước trong bộ máy cầm quyền hiện nay.—
Nguồn: Ðảng Vì Dân
|