Như
chúng tôi đã đưa tin, tuần trước, có ba Việt Kiều là Nam Nguyễn, Kim
Nguyễn và An Nguyễn ở thành phố Philadelphia đã nhận tội trước Tòa án
liên bang Hoa Kỳ đã hối lộ các quan chức Việt Nam để đổi lấy các hợp
đồng bán hàng béo bở, vi phạm đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài.
Dịp này, chúng tôi đã nhờ Luật sư Nguyễn Đỗ Phủ giải thích thêm một số
điểm pháp lý xoay quanh vụ án Nexus, tên công ty của 3 Việt Kiều vừa
nêu. Mời quý vị cùng theo dõi với Huy Phương.
Huy Phương | Washington, DC Thứ Bảy, 27 tháng 3 2010
Luật sư Nguyễn Đỗ Phủ
VOA: Luật
sư Nguyễn Đỗ Phủ ở California có nhiều kinh nghiệm qua các vụ tranh
tụng thương mại, đặc biệt là vụ công ty phần mềm VNI của người Việt ở
California, kiện đại công ty Microsoft về vấn đề bản quyền gõ chữ Việt
trên máy tính. Xin ông tóm tắt đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài
(FCPA).
LS Đỗ Phủ: Đạo luật chống tham
nhũng của Hoa Kỳ có nghĩa là các công ty Hoa Kỳ khi ra nước ngoài làm
ăn không thể dùng tiền của công ty để hối lội các quan chức của nước
ngoài để lấy hợp đồng nào đó có lợi cho công ty mình.
Phần
đông các nước dân chủ và văn minh trên thế giới đều có luật như vậy,
chẳng hạn như Nhật Bản cũng có luật cấm nhân viên dùng tiền để hối lộ
để ảnh hưởng đến nhân viên chính phủ của đệ tam quốc gia, những nước
nghèo để có lợi nhuận và lấy hợp đồng về cho công ty của mình.
Cũng theo luật này, những người nào xài tiền công ty để hối lộ sẽ bị ở tù.
VOA: Luật này có đặt doanh nhân người Mỹ ở vào vị trí bất lợi so với doanh nhân các nước khác, ví dụ như Trung Quốc?
LS Đỗ Phủ:
Một số công ty Mỹ đã đưa vấn đề này ra nhưng theo tôi nghĩ, và các công
ty lớn của Mỹ cũng nghĩ luật này là một luật công bằng. Thứ nhất, Hoa
Kỳ là một nước lớn, Nhật Bản cũng vậy. Hoa Kỳ tượng trưng cho tự do của
thế giới trong vấn đề dân chủ, nhân quyền, một nước gọi là công bằng
trong vấn đề pháp lý. Một nước như vậy mà lại cho phép làm những chuyện
đó, dùng quyền lực của một đại công ty để ra ngoại quốc hối lộ để mang
về lợi nhuận cho công ty của mình, thì trên phương diện pháp lý và thế
đứng của Hoa Kỳ trên thế giới sẽ mất ngay hình ảnh của một nước lãnh
đạo thế giới.
Cho nên đặt vào cương vị đàn anh không làm được,
cương vị nhân bản cũng không làm được. Trung Quốc dù sao cũng là một
nước cộng sản nên họ có thể làm được những chuyện đó.
VOA: Xin trở lại với vụ này. Chúng ta đang ở giai đoạn nào của vụ này?
LS Đỗ Phủ:
Ba bị can này đã nhận tội. Thủ tục nó như thế này. Một khi mình bị
chính phủ liên bang nắm, nếu mình xem qua lời complaint, buộc tội của
chính phủ, thường thường 90% là mình thua; vì phía liên bang họ có
tiền, có FBI, có các nhân viên điều tra khác.
Người luật sư
biện hộ cho các vụ này thường thường họ thương lượng với chính phủ để
giảm tội, vì nếu mình ra tòa mình cãi thì họ lại tăng thêm điểm của
mình. Tức là anh nhận được complaint, anh ra anh cãi, họ lại tăng thêm
điểm, anh ra anh nói xạo, họ lại tăng thêm điểm. Những điểm đó cộng lại
khiến cho bản án mình trở thành nặng hơn. Còn nếu mình plea, thương
lượng sớm với chính phủ, nếu mình nhận tội sớm thì yếu tồ giảm khinh
mình sẽ có nhiều hơn.
Cho nên trong trường hợp này các luật sư của các bị can đã dùng giải pháp thương lượng với phía công tố viện để giảm án.
VOA:
Luật sư vừa nói đến thương lượng, vậy nếu luật sư được các bị can này
nhờ biện hộ thì luật sư sẽ thương lượng như thế nào để bớt tội cho họ? LS Đỗ Phủ:
Thứ nhất là mình coi số tiền là bao nhiêu. Thường thường khi liên bang
đưa ra tòa thì có những hướng dẫn về hình phạt của liên bang, federal
sentencing guidelines. Các hướng dẫn này dựa vào một số tiền để đưa ra
bản án, và sẽ trình cho quan tòa và quan tòa sẽ dựa vào số tiền này để
tham chiếu và tuyên án là bao nhiêu.
Luật sư đại diện sẽ tìm
cách giảm số tiền xuống, giảm được số tiền thì điểm xuống thấp, khi
điểm xuống thấp thì bản án sẽ nhẹ hơn, thời gian ở tù sẽ thấp hơn.
VOA: Tại sao có những mức án khác nhau trong vụ này, người thì 30 năm người thì 35 năm?
LS Đỗ Phủ: Ông
Nam và ông An bị kết vào 5 tội trong khi cô Kim Anh chỉ có 4 tội thôi.
Tất cả 5 tội của ông An và ông Nam đều giống nhau. Bởi vậy thời gian tù
của cô Kim Anh sẽ ít hơn hai ông kia.
VOA: Chúng
ta biết những công ty ở Việt Nam có liên quan đến vụ này là Sân bay
Vũng Tàu (VTA), Trung tâm Quản lý Bay miền Nam (SFMC), Liên doanh Dầu
khí Việt Xô (VSP), Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGC), và Công ty Du lịch
– Thương mại T&T. Tất cả đều do nhà nước đỡ đầu. Chúng ta cũng biết
tên nhiều công ty của Mỹ cũng liên quan đến vụ này. Liệu các công ty Mỹ
có phải ra tòa giống như công ty Nexus?
LS Đỗ Phủ: Tôi
đoán công ty Nexus chỉ là công ty đứng ra làm trung gian. Các công ty
giao hàng cho họ sẽ nói chúng tôi tuyệt đối không biết gì về chuyện hối
lộ này, chúng tôi chỉ giao cho công ty trung gian này bán cho phía Việt
Nam thôi. Cho nên rất khó truy tố những công ty Hoa Kỳ nào đưa hàng cho
Nexus, ngoại trừ khi nào các công ty Mỹ khi đưa hàng cho Nexus biết
chắc Nexus sẽ dùng cách hối lộ để có được hợp đồng.
VOA: Bài học pháp lý nào cho Việt Kiều về buôn bán, đầu tư tại Việt Nam?
LS Đỗ Phủ:
Tôi xin tóm tắt hai hệ thống luật của Mỹ và Việt Nam. Bên Mỹ là Rừng
Luật, còn Việt Nam là Luật Rừng, cho nên bên Việt Nam làm bất cứ chuyện
gì, kể ra ra tòa, cũng phải có hối lộ mới thành công. Cho nên những
Việt Kiều nào về Việt Nam làm ăn, nhất là đại diện công ty Hoa Kỳ như
ông Nam ông An thì tôi nghĩ mình nên suy nghĩ hai lần trước khi hối lộ
cho họ để có hợp đồng. Nếu không trả hối lộ thì cũng khó làm ăn.
Đó
là những sự suy nghĩ của những người về Việt Nam làm ăn vì Việt Nam là
nước chậm phát triển. Nên suy nghĩ thật kỹ, hai lần hoặc ba lần trước
khi về Việt Nam làm ăn.
|