Theo Bút Long’s Site
Phát biểu tại phiên khai mạc Quốc hội hôm qua, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm nhấn mạnh trong chuỗi chính
sách siết giảm lãi suất huy động vừa qua: "Cả người đi vay và người gửi
tiết kiệm đều bị thiệt, chỉ các ngân hàng được lợi”. Còn trả lời báo chí bên hành lang về lý do chậm giảm giá xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ nói "sẽ theo dõi thêm vài ngày tới”, bởi bây giờ nếu giảm chỉ được vài trăm đồng/lít.
Một số bạn đọc đã ngay lập tức có ý kiến rằng các doanh nghiệp, ngân hàng có hiệp hội để "kêu cứu” hoặc lobby chính
sách giùm, chỉ có người dân thấp cổ bé họng là không có ai bênh vực.
"Mỗi năm Quốc hội chỉ họp hai lần thì tiếng nói của MTTQ cũng chỉ có
ngần ấy cơ hội nêu với Chính phủ. Vậy thì ăn thua gì, trong khi hằng ngày chúng tôi vẫn phải đi chợ” – một ý kiến nhận xét.
Theo quy định, người dân có nhiều diễn đàn khác để bày tỏ nguyện
vọng, như các kỳ họp HĐND, thông qua các tổ chức xã hội – nghề nghiệp
hay các phương tiện thông tin đại chúng xuất bản hằng ngày. Thế nhưng ý
kiến đó không phải là không có căn cứ khi mà các tổ chức xã hội đại diện
cho họ hoạt động cũng theo kiểu xuân thu nhị kỳ, còn Quốc hội thì chỉ
họp hai kỳ/năm.
Chỉ có kênh truyền thông đại chúng là còn tích cực phản ánh.
Thế nhưng dù các cơ quan truyền thông có liên tục đưa tin, rằng
giá xăng A92 tại Singapore đang giảm mạnh, doanh nghiệp nhập khẩu lời
đến 1.700 đồng/lít xăng thì vẫn không có ai hồi đáp. Bị chất vấn bên lề
Quốc hội đến mức không thể thoái thác, Bộ trưởng Huệ cũng đối đáp rằng
giá xăng dầu vừa giảm cách đây chín
ngày, trong khi chu kỳ lưu kho xăng dầu là 30 ngày. Hơn thế, khi giá
tiếp tục giảm, bộ này vẫn nghiêng theo quán tính… cân nhắc tăng thuế
nhập khẩu?!
Vậy kỳ vọng giảm cả ngàn đồng/lít như khi tăng thì "hãy đợi đấy”!
Tương tự thế, với bốn lần siết lãi suất huy động ngân hàng (từ 16%
xuống 14% rồi 13%, 12%), dù doanh nghiệp dân doanh đã không thể cầm cự
vì cạn vốn, lãi suất cho vay vẫn không giảm tương đương. Không chỉ phải
vay với lãi cao (vẫn ở mức 17%-18%), hiện nhiều doanh nghiệp cũng không
thể ký được hợp đồng tín dụng do ngân hàng "thắt hầu bao” sợ rủi ro…
Nhiều người còn nhớ lúc mới nhậm chức Bộ trưởng Huệ có tuyên
bố: "Vì hơn 80 triệu người dân chứ không phải vì mấy chục công ty xăng
dầu”; hoặc khi Thống đốc Bình được một tờ báo bình
chọn là "nhân vật của năm” vì quyết tâm chấn chỉnh ngân hàng, cử tri
nghe mà thấy mừng. Nhưng sau đó doanh nghiệp xăng dầu lãi mỗi ngày hàng
chục tỉ đồng; ngân hàng cáo bạch hằng quý lãi cả ngàn tỉ đồng… mà bộ
trưởng, thống đốc vẫn còn đủng đỉnh, vẫn "sẽ xem xét, đợi vài ngày” thì
họ chẳng biết nói sao!
Chẳng lẽ tình trạng "mỗi năm chỉ được kêu hai lần” cứ kéo dài mãi?
|