Thứ Sáu, 2024-04-26, 6:18 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Chín » 24 » Một đầu tàu nhà nước bất ổn làm dậy sóng ở Việt Nam
10:00 AM
Một đầu tàu nhà nước bất ổn làm dậy sóng ở Việt Nam
JAMES HOOKWAY và PATRICK BARTA
Phạm Hữu chuyển ngữ
vina.jpg

Hà Nội – Một trong những công ty nhà nước hàng đầu gần sụp đổ của Việt Nam đã phơi bày những hạn chế của thời kỳ phục hồi kinh tế đất nước.

Được cho là một trong những ngôi sao của các thị trường mới nổi thế hệ mới, nước Việt Nam do những người Cộng sản lãnh đạo đã vươn dậy từ những năm chiến tranh tới việc trở thành một mắt xích quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, đang sản xuất mọi thứ từ linh kiện máy tính, điện thoại di động đến tôm, giày dép, và dầu mỏ.

Phần lớn tăng trưởng đến từ công ty tư nhân nhỏ với hệ thống nhà xưởng sản xuất hàng hóa cho châu Âu hoặc Mỹ, trong khi đó các nhà đầu tư nước ngoài rót hàng tỉ USD vào các nhà máy giày dép, quần áo và điện tử. Tuy nhiên, chiếm khoảng 1/3 trong nền kinh tế của Việt Nam là do các công ty nhà nước kiểm soát – đây là một phần của chính sách nhằm đảm bảo cho các ngành công nghiệp chủ chốt như dầu mỏ, khai khoáng và đóng tàu vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Việt Nam.

Giờ đây, những nguy cơ của chiến lược này trở nên rõ ràng hơn giữa một vụ bê bối tài chính lớn tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam gọi tắt là Vinashin, vụ bê bối này khiến các nhà đầu tư ngày càng hồ nghi về việc Việt Nam có thể đủ sức hỗ trợ cho các tập đoàn nhà nước bao lâu nữa.

Vài tuần gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã sa thải liên tiếp hai người phụ trách tập đoàn Vinashin sau khi khối nợ của công ty lên đến 4,7 tỉ USD, đẩy công ty vốn là một trong những tập đoàn lớn nhất của Việt Nam tới bờ vực phá sản. Cựu Chủ tịch Phạm Thanh Bình bị bắt hồi tháng 8 với cáo buộc giả mạo các báo cáo tài chính của tập đoàn cũng như vi phạm các quy định pháp luật khác; người thay thế, ông Trần Quang Vũ cũng bị tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra về những hành vi của ông khi điều hành xưởng đóng tàu của công ty.

Cả ông Bình và ông Vũ đều không thể liên lạc được để có những bình luận quanh việc này. Các nhà phân tích pháp luật nói rằng, theo hệ thống luật pháp Việt Nam, họ không thể có luật sư cho tới khi được đưa ra tòa.

Cả ba nhà quản trị khác cũng bị bắt giữ, gồm một cựu kiểm soát tài chính, hai nhà quản lý chi nhánh và không thể liên lạc được để có lời giải thích vụ việc. Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí địa phương trước khi bị bắt, ông Vũ nói rằng, ông "choáng váng” với những kết luận phơi bày thực trạng Vinashin.

Vấn đề cơ bản của Vinashin, theo các tài liệu nội bộ chính phủ mà Wall Street Journal được biết, là sự mở rộng quá gấp gáp trong nỗ lực để trở thành hãng đóng tàu lớn trên toàn cầu. Giám sát lỏng lẻo và phớt lờ các quy định tài chính đã đóng góp vào cuộc khủng hoảng này, tài liệu cho biết. Một số nhà phân tích độc lập cho hay, những mối quan hệ chính trị vững chắc của công ty cũng ngăn cản việc xem xét các vấn đề khó khăn tại Vinashin từ khi mới nổi lên cho tới lúc công ty đứng bên bờ vực tai họa.

Cựu chủ tịch tập đoàn, ông Bình, đã đầu tư mạnh tay vào các lĩnh vực bên ngoài chuyên môn của tập đoàn như khách sạn, bảo hiểm, sản xuất bia rượu trong khi lại mua sắm các tàu cũ phục vụ việc vận tải hàng hóa trên biển của Vinashin, các nhà phân tích tình hình của chính phủ cho biết. Một trong những tàu mà ông Bình mua sản xuất tại Ba Lan năm 1973 nhưng không thể đưa vào hoạt động vì thân tàu nứt vỡ.

Rất nhiều lĩnh vực kinh doanh của Vinashin "nằm ngoài tầm kiểm soát”, theo một báo cáo kết luận của chính phủ đưa ra ngày 4/8, và chia sẻ với các chủ nợ. Việc quản lý với "các doanh nghiệp nhà nước và tập đoàn kinh tế nói chung và Vinashin nói riêng là kém hiệu quả và không tương xứng”, báo cáo nhấn mạnh.

Thêm vào đó, Vinashin còn phải đối mặt với những thách thức trong một ngành công nghiệp nơi các rào cản để tiếp cận khá cao, và các công ty Hàn Quốc cũng như Trung Quốc đã được củng cố.

Các quan chức tài chính của chính phủ và văn phòng thủ tướng đã không có hồi đáp về các câu hỏi của chúng tôi. Hai năm trước, trong một cuộc phỏng vấn với The Wall Street Journal, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng, doanh nghệp nhà nước cần hoạt động hiệu quả hơn và Việt Nam nên có cả lĩnh vực nhà nước, tư nhân mạnh mẽ.

Các nhà phân tích và giới đầu tư khẳng định, không có dấu hiệu nào chứng tỏ những công ty nhà nước chủ chốt khác của Việt Nam (bao gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia) là đang gặp khó khăn. Kinh tế Việt Nam nói chung tiếp tục phát triển bất chấp những vấn đề của Vinashin.

Nhưng, những sai lầm đã làm giới đầu tư lo lắng. Trong khi các thị trường chứng khoán ở những nước lân cận như Indonesia và Philippines đạt mức cao kỷ lục, chỉ số chứng khoán chính của Việt Nam lại giảm 8,3% kể từ đầu năm nay khi nhà đầu tư lo lắng về mức độ ổn định của sự bùng nổ Việt Nam.

Nó cũng có thể cảnh báo các nhà sản xuất nước ngoài khi họ đang tăng cường lựa chọn Việt Nam như một khu vực sản xuất thay thế Trung Quốc, khi mức lương tại nước này đang gia tăng nhanh chóng. Intel Corp., Tập đoàn Công nghệ Foxconn và Canon là những nhà đầu tư lớn nhất ở đây. Những bất ổn ấy lại được tăng thêm bởi vấn đề tiền tệ, và trong khi chi phí ở một số lĩnh vực thấp hơn, thì giá nhập khẩu nguyên liệu thô lại gia tăng, đôi khi xảy ra trường hợp thiếu đô la.

"Chúng tôi than phiền nhiều năm – đôi khi là thất vọng – về việc sử dụng các nguồn tài nguyên của doanh nghiệp nhà nước. Họ hất cẳng các doanh nghiệp tư nhân hiệu quả hơn – đối tương có lúc gặp khó khăn để đảm bảo nguồn vốn”, đó là ý kiến của ông Nguyễn Quang A, người đứng đầu một nhóm chuyên gia cố vấn kinh tế độc lập của Việt Nam cho tới khi những nhà sáng lập chọn cách đóng cửa nhóm này vào năm ngoái giữa bối cảnh chính phủ thắt chặt kiểm duyệt. "Chính phủ sẽ không thay đổi những điều này. Họ nói rằng đó là ý thức hệ, nhưng đó chỉ là sự ngụy biện. Thực chất là việc nắm giữ quyền lực kinh tế”.

Rất nhiều trong số 4.000 doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam đã mở rộng tầm với trong những năm gần đây khi dòng vốn chảy vào đất nước. PetroVietnam mở rộng sang lĩnh vực du lịch, thành lập các công ty con về tài chính và xây dựng một khách sạn năm sao ở Hà Nội. Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì đầu tư mạnh vào các mạng lưới điện thoại di động và bơm 250 triệu USD vào dự án nghỉ dưỡng bên bờ biển.

Việc này đã gây nên sự giận giữ từ các doanh nghiệp và người dân – vốn thường xuyên phải chịu cảnh thiếu điện từ sự can thiệp của chính phủ về giá điện đã ngăn cản việc đầu tư vào kinh doanh lĩnh vực cốt lõi của EVN , thậm chí dù nhu cầu điện đang tăng 15%/năm.

Trong nhiều trường hợp, Vinashin và các công ty nhà nước khác được khuyến khích để mở rộng và nhận lấy rủi ro hơn vì chính phủ mong muốn họ trở thành các tổ chức toàn cầu, những nhà kinh tế học cho biết, rất giống với mô hình chaebol của Hàn Quốc – những tập đoàn khổng lồ trợ giúp trực tiếp công cuộc công nghiệp hóa nhanh chóng của nước này và sản sinh ra các tên tuổi như Hyundai hay Samsung.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, thường thì các công ty này quá thiếu khả năng để cạnh tranh trên vũ đài toàn cầu. Lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân đã mở rộng sản lượng công nghiệp của họ lên 16% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 8; con số này ở lĩnh vực nhà nước chỉ là 8%. Chính phủ chỉ thị cho các ngân hàng nhà nước mở rộng các khoản cho vay lãi suất thấp với các công ty có liên quan tới chính phủ, đặc biệt là trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khiến các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ hơn đang vật lộn để bảo đảm nguồn tín dụng bất bình, các nhà phân tích địa phương cho biết.

Quan chức tài chính chính phủ đã không trả lời khi được yêu cầu đưa ra bình luận.

Các công ty nhà nước cũng đang góp phần làm trầm trọng thêm thâm hụt ngân sách, dẫn tới ba lần phá giá tiền tệ trong chín tháng qua làm giảm giá trị đồng tiền Việt Nam khoảng 10% so với đồng đô la Mỹ vào thời điểm rất nhiều chính phủ châu Á khác đang vật lộn để kiểm soát sự tăng giá của đồng bản tệ.

Jonathan Pincus, phụ trách Chương trình Kinh tế Fulbright của Đại học Harvard tại thành phố Hồ Chí Minh nói, đó là vì các doanh nghiệp nhà nước đồ sộ của Việt Nam sử dụng quá nhiều vốn – khoảng một nửa tổng vốn đầu tư của đất nước – và sản xuất quá ít trong sự so sánh với lĩnh vực tư nhân, buộc Việt Nam phải nhập khẩu thêm nguồn vốn chứ không làm khác được.

Việt Nam đã tiến hành quá trình tái cơ cấu lớn lĩnh vực quốc doanh trong những năm 1990 như một phần của tiến trình đổi mới giữa bối cảnh Liên Xô sụp đổ. Trong khi các nền kinh tế vệ tinh khác của Liên Xô cũ đi theo con đường khác hẳn, nhanh chóng tư hữu hóa các ngành công nghiệp và dỡ bỏ vai trò nhà nước khỏi các doanh nghiệp lớn, thì Đảng Cộng sản Việt Nam lại vẫn nắm quyền lực và đi theo cách làm thận trọng, tự do hóa từng bước trong khi vẫn duy trì kiểm soát chính trị chặt chẽ như của Trung Quốc.

Việt Nam đã giảm số lượng công ty quốc doanh từ 12.000 năm 1989 xuống còn khoảng 4.000 hiện tại thông qua liên doanh liên kết và tư nhân hóa. Doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 1/3 nền kinh tế Việt Nam hiện tại, so với mức gấp đôi trong một thập niên hoặc hơn trước đây.

Nhưng quá trình đại tu được cho là diễn ra chậm chạp trong những năm gần đây, theo đánh giá của giới phân tích và nhà đầu tư, một số công ty nhà nước còn trở nên lớn hơn. Trong số 50 công ty doanh thu lớn nhất của Việt Nam, 34 công ty là nhà nước bao gồm chín tập đoàn hàng đầu.

Một số người Việt trong trao đổi riêng tư đã nhìn nhận biểu hiện lỡ trớn từ Thủ tướng Dũng. Một chú lính gia nhập du kích quân Việt Cộng với vai trò giao liên và nhanh chóng được thăng chức, ông đã trở thành thủ tướng trẻ nhất của Việt Nam vào năm 2006 ở tuổi 56 và nổi tiếng là một nhà cải cách táo bạo. Nhiều nhà quan sát dự đoán ông Dũng sẽ thúc đẩy tốc độ tư nhân hóa và tái cơ cấu.

Thay vào đó, ông Dũng, hiện ở tuổi 60, đã mở rộng ảnh hưởng của khu vực kinh tế nhà nước, đưa rất nhiều công ty lớn nhất của Việt Nam vào nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông thay vì giám sát họ thông qua những bộ ngành chính phủ khác nhau như các trường hợp trước đây. Ông hy vọng nhanh chóng phát triển các tập đoàn địa phương trở thành những công ty quốc tế lớn. Việc khuyến khích các tập đoàn lớn cũng phù hợp với mục tiêu của Việt Nam là giữ các ngành công nghiệp chủ chốt trong tay nhà nước.

Trong một số khía cạnh, cách tiếp cận của Việt Nam mang lại kết quả tốt. Ngân hàng Phát triển châu Á và các tổ chức khác đã đánh giá cao Việt Nam vì nhanh chóng mở rộng kinh tế trong khi tránh được bất bình đẳng gia tăng đang là vấn nạn với nhiều nền kinh tế tăng trưởng nhanh khác trong thế giới đang phát triển. Số lượng người đói nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 12% trong 91 triệu dân hiện tại. Con số này thấp hơn mức 25% đói nghèo ở Ấn Độ và 17% sống dưới mức nghèo khổ tại Indonesia.

Dù sao thì, đặt quá nhiều quyền lực vào tay các chủ doanh nghiệp nhà nước, đã đẩy họ vào những tình thế lúng túng – như những gì đã diễn ra tại Vinashin với cựu chủ tịch tập đoàn.

Ông Bình, 57 tuổi là một kỹ sư đóng tàu được đào tạo tại Đông Đức. Ông giữ trọng trách đứng đầu Vinashin vào lúc tập đoàn thành lập năm 1996 và bắt đầu hoạt động để đưa tập đoàn vào một cuộc đấu với các đại gia đóng tàu của Hàn Quốc. Một người đàn ông từng trải với khuy măng séc và chiếc áo vét hợp thời, ông rất khác so với những nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam.

Những người hiểu biết về ông Bình cho là ông "được lòng” các khách hàng nước ngoài khi ông vận động hành lang để họ vào Việt Nam. Năm 2008, Ngân hàng Deutsche Bank AG bổ nhiệm ông vào ban cố vấn châu Á – Thái Bình Dương của họ và xác nhận ông vẫn giữ vai trò này.

Đầu tiên, Vinashin tăng trưởng nhanh chóng, trung bình tăng từ 35-40%/năm, theo thống kê từ chính phủ. Tập đoàn xây dựng khối lượng nhân viên gồm 70.000 người và gia tăng 28 xưởng đóng tàu. Phần lớn các tàu này để phục vụ khách hàng nước ngoài, theo kế hoạch của chính phủ.

Nhưng khi kinh tế toàn cầu khủng hoảng năm 2008, Vinashin mất khoảng 8 tỉ USD giá trị các hợp đồng đóng tàu, lấy đi của công ty lượng tiền cần thiết để hoàn thành các dự án và dịch vụ nợ lại – bao gồm toàn bộ 750 triệu vay của chính phủ từ khoản tiền thu được của lần phát hành trái phiếu đầu tiên năm 2005.

Những chủ nợ của Vinashin bao gồm nhiều nhà đầu tư nước ngoài chưa xác định được, trong đó có một quỹ đầu tư ở Hong Kong. Credit Suisse đã thu xếp khoảng 600 triệu USD nợ nước ngoài cho Vinashin năm 2007.

Kết quả điều tra sơ bộ của chính phủ cho thấy, ông Bình đã vi phạm các quy định khi Vinashin mở rộng và sau đó vỡ tung, cáo buộc ông bổ nhiệm anh em, con cái vào các vị trí quan trọng trong công ty. Không thể liên lạc được với người em, và con trai của ông để có lời giải thích. Theo tài liệu của chính phủ, năm 2009 và quý một năm 2010, chính phủ đã cáo buộc ông Bình đệ trình các báo cáo tài chính khẳng định Vinashin vẫn thu lời trong khi thực tế là bị thua lỗ nghiêm trọng.

Những người thân cận với Bộ Chính trị của Việt Nam lo lắng rằng, bê bối Vinashin sẽ xói mòn danh tiếng quản lý kinh tế tốt của Hà Nội. Một trong những báo cáo nội bộ của chính phủ ngày 4/8 cảnh báo "điểm mấu chốt là ngăn chặn tình trạng suy yếu, vi phạm của Vinashin khỏi sự tổn hại đến những thành tựu lớn lao, toàn diện của đất nước chúng ta… và lòng tin vào Đảng, Nhà nước”.

Chính phủ đã bơm 3 nghìn tỉ đồng, 158 triệu USD vào công ty này trong năm 2009, theo tài liệu chính phủ.

Cuối cùng, ông Dũng đã sa thải ông Bình do những sai lầm tại Vinashin và sau đó tái cơ cấu tập đoàn bằng việc chuyển nhiều tài sản của công ty sang các tập đoàn khác, để công ty có thể tái tập trung vào công việc cốt lõi, người nắm rõ tình hình nói như vậy. Trong đánh giá nội bộ về tình hình tài chính của Vinashin, chính phủ nói công ty này có thể ổn định vào năm 2015.

Người dịch: Phạm Hữu
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2010

Nguồn: The Wall Streets Journal

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 515 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Chín 2010  »
SuMoTuWeThFrSa
   1234
567891011
12131415161718
19202122232425
2627282930
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0