Nguyễn Ðạt
Chăm lo cho trẻ ở độ tuổi chưa đến trường học cấp 1 - hiện nay cũng gọi là trường tiểu học như miền Nam
thuở trước - luôn là vấn đề quan trọng đối với mọi gia đình người dân.
Ở đây chúng tôi muốn nói tới các trường mẫu giáo dân lập - hay trường
mẫu giáo tư thục, chiếm đa số trong hệ mẫu giáo, tức giáo dục mầm non
tại Sài Gòn.
Lớp mẫu giáo dân lập nhìn từ bên ngoài. (Hình: Nguyễn Ðạt)
Các
trường mẫu giáo nhận các cháu ở độ tuổi từ 4-6 tuổi, vào những lớp mầm,
chồi, lá. Ngành giáo dục-đào tạo thành phố thừa nhận, từ nhiều năm nay
các trường mẫu giáo công lập đều quá tải, không đáp ứng được nhu cầu.
Chính quyền thành phố luôn nêu quyết tâm, mỗi phường-xã thuộc Sài Gòn
ít nhất phải xây dựng được một trường mẫu giáo công lập. Nhưng
trong thực tế, dù hàng chục trường mẫu giáo công lập mới được xây dựng
thêm vào đầu năm học 2009-2010, thì hiện nay Sài gòn vẫn còn hàng chục
phường, xã chưa có được một trường mẫu giáo công lập. Thực tế
này lại càng làm nảy sinh tình trạng các giáo viên mẫu giáo được đào
tạo ra trường, không có đủ trường lớp để thu dụng. Thời gian vừa qua,
công bố "việc thực hiện chính sách pháp luật về nhiệm vụ giáo dục và
đào tạo đối với hệ mẫu giáo”, ngành giáo dục-đào tạo thành phố đặc biệt
phấn khởi về sự phát triển xã hội hóa giáo dục mầm non. Ngành giáo
dục-đào tạo cho biết: có trên 70% kinh phí đầu tư cho giáo dục mầm non
của dân, chỉ có chưa đầy 30% là của nhà nước.
Trong
tình hình như vậy, phụ huynh các cháu ở độ tuổi mẫu giáo-mầm non, dù
muốn hay không, cũng phải gửi các cháu tại các trường mẫu giáo dân lập,
tư thục, có khi là các nhóm trẻ gia đình -hiện nay ở Sài Gòn có khoảng
800 nhóm trẻ gia đình nhận nuôi dạy trẻ, khi các trường mẫu giáo công
lập đã quá tải, không thể nhận thêm.
Nói
chung, các trường mẫu giáo dân lập, tư thục và các cơ sở nhóm trẻ gia
đình, thường là trường lớp chật hẹp, không có sân chơi, có nơi thiếu
giáo viên đủ tiêu chuẩn sư phạm... Ðặc biệt, vụ việc tiêu cực ở một vài
nhà trẻ - mẫu giáo đã xảy ra, như tại tỉnh Ðồng Nai, một bảo mẫu hành
hạ cháu nhỏ không khác tra tấn tội đồ, tại quận Phú Nhuận, trong lớp
mầm non tư thục Thiên Thơ, một bảo mẫu dán băng keo bịt miệng cho trẻ
không khóc... thật đúng là "con sâu làm rầu nồi canh”! Chúng tôi có dịp
vào thăm một trường mẫu giáo mầm non dân lập, trong khuôn viên nhà thờ
Phanxicô Xaviê, tức nhà thờ cha Tam, đường Học Lạc, quận 5. Ðây là một
trường mẫu giáo ngoài công lập mà nhiều phụ huynh mong muốn gửi con em,
hơn cả gửi vào những trường mẫu giáo của nhà nước. Tại đây có trường
lớp rộng rãi, sân chơi thoáng đãng, không thua kém những trường mẫu
giáo công lập tốt nhất ở Sài Gòn. Lúc chúng tôi tới trường mẫu giáo dân
lập này, vào giờ ăn trưa của các cháu thuộc nhóm lớp mầm - 4 tuổi, đa
số các cháu đã ăn xong, bát đĩa được lau rửa ngay và xếp gọn. Có những
cháu chưa ăn xong, các cô bảo mẫu vẫn tiếp tục đút từng thìa cơm cho
vài cháu chưa biết tự ăn.
Giờ ăn trưa, các em nhỏ được bảo mẫu giúp ăn cơm. (Hình: Nguyễn Ðạt)
Có
những cháu bỏ dở ngang chừng, hoặc đã ăn cơm xong, tụ tập ngồi ngay
ngắn trên những cái "bô” ở một góc gần nơi tắm rửa. Trời nóng, thấy vài
cháu cởi trần cởi truồng chờ tắm cho mát.
Chúng
tôi cũng gặp người quen tới đây, chị Quế Nga, là chủ trường mầm non tư
thục Nguyễn Thị Tú ở quận Tân Phú. Chị cười, nói với chúng tôi: "Các
anh thấy không, trông nom các cháu mầm non chẳng khác gì nuôi con mọn.
Ngày nào chúng tôi cũng ngay ngáy lo sợ chuyện gì không hay xảy ra với
các cháu. Nói thật, đến trước giờ đi ngủ, không nghe ai gọi điện thoại
trách cứ gì về việc nuôi dạy các cháu ở trường, chúng tôi mới ngủ ngon
được...”
Chị
Quế Nga cho chúng tôi biết con số phát triển của mẫu giáo- mầm non
ngoài công lập hiện nay tại Sài Gòn, đã lên tới trên 1,100 cơ sở. "Có
lẽ những người đầu tư vào việc mở trường mầm non là những người ‘điếc
không sợ súng’. Thật ra chúng tôi ưa thích đầu tư vào việc nuôi dạy
trẻ, chuẩn bị cho các cháu vào trường học chính thức, thì mới dám mở
trường mẫu giáo dân lập, mẫu giáo tư thục. Còn thuần túy kinh doanh mà
đầu tư vào chỗ này là thua to đấy. Các trường mẫu giáo tư thục khác
chúng tôi không rõ lắm, chỉ nói về trường Nguyễn Thị Tú và trường này,
thì vào thời gian 3-4 năm đầu, mỗi năm chúng tôi phải bù lỗ khoảng 3
chục triệu đồng để trả lương cho giáo viên, chứ không có tính chi phí
khấu hao tài sản đâu đấy...” Chúng tôi đề cập tới vấn đề Thuế, như đợt
"ngành thuế lắng nghe ý kiến nguyện vọng của người nộp thuế” đang phát
động đúng thời điểm này. Chị Quế Nga nói ngay: "Nghe đến thuế là chúng
tôi sợ rét run. Sao lại có chính sách thuế tai quái đối với các trường
mầm non ngoài công lập như vậy. Vẫn là 5%, áp dụng từ lâu nay. Các
trường mẫu giáo tư thục đều lắc đầu khi nhắc đến thuế, thấy phi lý,
không khác nào nhà nước tính thuế trên tiền ăn của các cháu! Ở các
trường mẫu giáo ngoài công lập như chúng tôi, tiền ăn của các cháu là
trường thu hộ và chi hộ, làm gì có lời lãi ở đây. Các ông thuế vụ thì
luôn luôn hỏi hóa đơn đỏ khi mua thực phẩm nấu ăn cho các cháu. Các anh
biết không, mua thực phẩm ở chợ, hỏi hóa đơn đỏ, các bà tiểu thương ngó
mình như ngó quái vật vậy... Nói cho đúng, các trường mẫu giáo ngoài
công lập chỉ được nhà nước quan tâm suông, quan tâm qua các khẩu hiệu ở
hội nghị. Một vị nguyên giám đốc sở giáo dục-đào tạo thành phố, nay đã
về hưu, lúc đương nhiệm đã từng đề nghị nhà nước hỗ trợ các chủ trường
mẫu giáo tư thục 7% vào lương trả giáo viên, gồm 6% Bảo hiểm xã hội
cộng với 1% Bảo hiểm y tế như đã hỗ trợ cho các trường mẫu giáo công
lập, nhưng có thấy nhà nước hỗ trợ đâu. Kèm với những đề nghị như tạo
điều kiện về việc vay vốn kích cầu lãi suất thấp, hỗ trợ quỹ đất để các
cá nhân có điều kiện mở trường... Nghĩa là ai cũng đề nghị được, nhưng
thực hiện đề nghị là việc của nhà nước, cứ yên tâm chờ đợi!”