Le Nguyen (danlambao) -
Những ngày đầu năm Tết Nguyên Đáng "đám mây mù tri thức” bất ngờ chợt
kéo đến che khuất những biến động xã hội do bất công của chế độ gian
tham, bạo ngược, độc ác công sản gây ra cho dân tộc đất nước này. Ngoài
ra cũng không có cơ sở để phủ nhận "đám mây mù tri thức” là không do chủ
ý của tuyên giáo trung ương đảng cộng sản nhằm đánh lạc hướng mối quan
tâm, bức xúc những sự kiện cực kỳ man rợ của đám quan chức ngang nhiên
đứng trên luật pháp cướp của, giết người, tống tù những người dân lương
thiện và "đám mây mù tri thức” đã làm che khuất những mảng tối sa đọa
biến chất, suy đồi đạo đức đáng xấu hổ của tầng lớp cán bộ, đảng viên
độc tài toàn trị cộng sản Việt Nam.
Sự kiện được gọi là "đám mây mù tri thức”, là câu chuyện thời sự dưới
dạng trả lời phỏng vấn của giáo sư Ngô Bảo Châu được đăng tải trên tờ
Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Thật ra, những ý tưởng trong bài trả lời phỏng vấn
của Ngô Bảo Châu cũng không có gì đặc biệt quan trọng lẫn nghiêm trọng
nhưng nó đã thu hút một số lượng không nhỏ người đọc cũng như người viết
quan tâm đến thời sự Việt Nam, chỉ thua kém biến cố nông dân Đoàn Văn
Vươn vùng dậy ở Tiên Lãng, Hải phòng. Về sự kiện Ngô Bảo Châu có một số
người biểu lộ bất bình lên tiếng phản bác, bình luận, chỉ trích chừng
mực vừa phải mang tính nhân văn cao, cũng có người không dằn được cảm
tính nên chửi bới không tiếc lời theo ngôn ngữ đường phố, và không ai có
thể phủ nhận tên Ngô Bảo Châu có sức hút nhất định của đông đảo lớp trẻ
hiện nay, có thể nói là trên cả "thần tượng” Hồ Chí Minh!?
Nội dung trả lời phỏng vấn của Ngô Bảo Châu có lời lẽ vừa đủ hơi kín
kẽ, không chuyên chở tư tưởng cao siêu, bí hiểm khó hiểu của tri thức
vượt tầm, cũng như lời lẽ không tầm thường thô tục như cán bộ, đảng viên
cộng sản Việt Nam. Châu có một thái độ tỉnh táo, một phong cách đỉnh
đạc đối mặt thử thách đầy tự tin khi đề cập đến công việc "tổ chức” thật
ngổn ngang trong nhà nước xã hội chủ nghĩa… Châu phải xây dựng viện
toán học cao cấp từ con số không tức mọi thứ tồn tại trong nhà nước này
đều phải vất đi. Châu cũng không ngần ngại bàn sơ lược, thoáng qua bản
lãnh lãnh đạo của đảng cộng sản, tuy nói ít, nhè nhẹ về phong cách lãnh
đạo nhưng có chiều sâu. Cuối cùng, nội dung cốt lõi của bài phỏng vấn là
bàn về vai trò cũng như định lại nghĩa trí thức với phản biện xã hội và
chính nội dung trí thức với phản biện xã hội của bài phỏng vấn đã bùng
nổ nhiều tranh cãi đi quá xa đến độ không cần thiết, thậm chí cắt rời
mạch văn, tấn công cá nhân hơn là phê phán, phản biện ý tưởng của Ngô
Bảo Châu! Tất cả ý tưởng trong bài phỏng vấn đều không mới, nếu không
nói là đã cũ được Ngô bảo Châu đúc kết, tóm lược lại sau nhiều năm tháng
sống, học tập và làm việc trong các nước dân chủ văn minh tiến tiến
hàng đầu của nhân loại theo ngôn ngữ mang sắc thái độc đáo của Ngô Bảo
Châu.
Câu chuyện thời sự nóng bỏng của "đám mây mù tri thức” Ngô Bảo Châu
trong thời gian ngắn đã có nhiều bài phê bình máu lửa, phê phán gay gắt ý
kiến, quan điểm bàn về trí thức và phản biện xã hội của Ngô bảo Châu
theo hướng xấu dở, tiêu cực qua đoạn trích dẫn ý tưởng bị cắt rời vốn
được Ngô Bảo Châu cân nhắc, cô đọng rất ít chữ không thể ít chữ hơn cho
một đề tài rộng lớn, bao la dễ gây tranh cãi nhất. Dưới đây là đoạn văn
của Ngô Bảo Châu bị cắt đuôi trích dẫn, phản bác nhiều nhất.
"Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để
được phong hàm "trí thức”. Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được
phong hàm "trí thức”?
Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người
lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động
của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của
sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã
hội.”
Có lẽ, người nổ phát súng đầu tiên vào phát ngôn của Ngô Bảo Châu còn
rất nhiều bí ẩn? Họ đã cố tình tách rời, diễn giải cho mọi người hiểu
"giá trị của trí thức là gía trị của sản phẩm anh ta làm ra” theo hướng
"sản phẩm” là những công trình nghiên cứu chuyên ngành có giá trị hoặc
vô giá tri của mỗi trí thức chứ trí thức không liên quan gì đến vai trò
phản biện xã hội rồi dẫn dắt, định hướng những cá nhân dễ tính vào những
việc như căn hộ vài triệu đô, vài trăm tỷ đồng cho viện toán học do nhà
nước cộng sản cấp và việc tiền đô, tiền đồng đều không liên quan gì đến
nội dung, quan điểm của Ngô Bảo Châu bàn về vai trò trí thức và phản
biện xã hội?
Thật ra, bài phỏng vấn có hai khả năng xảy ra: một là người thực hiện
phỏng vấn không nắm bắt được ý nghĩ của Ngô Bảo Châu; hai là cố tình
viết cho độc giả hiểu theo ý "trí thức không liên quan gì đến vai trò
phản biện xã hội” nhằm cung cấp "đạn” cho những cá nhân dễ tính bắn Ngô
Bảo Châu. Nếu tỉnh táo, công bằng, trung thực hoặc có tấm lòng rộng mở
tích cực sẽ không bị dẫn dắt vào mê hồn trận của vũng lầy lý luận không
lối thoát và đọc ý kiến, quan điểm của Ngô Bảo Châu với tâm thế thoải
mái, bao dung hơn sẽ đọc ra ý tưởng tích cực của Ngô Bảo Châu. Có thể
đọc với ý tưởng đẹp, với tình người, không sân hận sẽ nhận ra trọn vẹn ý
nghĩ vai trò trí thức và phản biện xã hội của Ngô Bảo Châu. Giả dụ đọc
tròn mạch văn, không cắt đuôi theo như cách dưới đây:
"Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để
được phong hàm "trí thức”. Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được
phong hàm "trí thức”?
Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người
lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động
của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của
sản phẩm mà anh ta làm ra. Ở đây, sản phẩm có nghĩa là ý kiến, tư tưởng
phản biện của anh ta chứ "hàm” trí thức không liên quan gì đến vai trò
phản biện xã hội.
Mặt khác, cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức,
tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết
lâm sàng.”
Nếu không cắn chữ, bẻ chữ, bóp chữ có chủ ý và đọc ý tưởng Ngô Bảo
Châu như đoạn văn trên sẽ không khó để nhận ra ý kiến tích cực về tư duy
nhận thức liên quan đến vai trò trí thức và phản biện xã hội của Ngô
Bảo Châu. Không những thế Ngô Bảo Châu còn đề cao vai trò của phản biện,
vai trò tối quan trọng của động lực phát triển xã hội, qua ý tưởng
"không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng”và ngoài việc đề cao vai
trò phản biện xã hội, Châu còn mở rộng, kêu gọi mọi người trí thức hoặc
không trí thức cùng tham gia công tác phản biện xã hội. Tất cả thiện chí
đều tập trung vào mục đích tốt đẹp cho xã hội, tuy có khác ý với một số
người đấu tranh không khoan nhượng với độc tài cộng sản!
Đọc đến đây chắc có một số bạn đọc cho rằng "tên này láo” ngụy biện
bênh vực, bao biện cho Ngô Bảo Châu, xin khẳng định với các bạn, người
viết không có nhu cầu bênh vực hay bao biện cho hành động của Ngô Bảo
Châu hay cho bất cứ ai. Nhưng theo thói quen quan sát sự việc từ xa trên
diện rộng và thường phân tích sự việc đa chiều dưới nhãn quan khác,
không phê phán theo số đông, không "đọc tin tức” theo bản tin mà "đọc ý
đồ” phía sau các thông tin. Do đó, với sự kiện vai trò trí thức và phản
biện xã hội đã có nhiều, thậm chí thừa thãi phê phán gay gắt những mặt
tiêu cực của Ngô Bảo Châu, cho dù người viết có phản biện theo hướng
tiêu cực cũng không giúp cho vai trò của trí thức với phản biện xã hội
tốt hơn hoặc xấu hơn.
Thế cho nên, người viết không bàn thêm theo hướng xấu, hướng tiêu cực
mà cố gắng nói về những mặt tích cực của Ngô Bảo Châu. Có lẽ, mọi người
đều biết Ngô Bảo Châu sống, học tập, làm việc ở các nước dân chủ tiên
tiến nhiều năm, có thể nói là cả thời tuổi trẻ, tuổi năng động mạo hiểm
thích phiêu lưu khám phá và Châu có quốc tịch "nước ngoài” (không phải
quốc tịch nước ngoài Trung Cộng, Triều Tiên, Cuba) là giáo sư đại học
Chicago của "đế quốc Mỹ”, trước khi về nước nhận căn nhà nhiều triệu đô
(ai tung tin căn hộ của Châu có giá nhiều triệu đô là không đúng) được
cấp 650 tỷ đồng để xây dựng viện nghiên cứu toán học cao cấp.
Có thể, Ngô Bảo Châu biết trở về hợp tác với cộng sản là một việc
phiêu lưu nên đã xin nhập tịch nước ngoài để bảo đảm có đường lùi khi
cần, như thế trong tư tưởng của Ngô Bảo Châu cộng sản không phải là đối
tượng đáng tin cậy nhưng Châu vẫn cứ về với động lực khác thôi thúc mãnh
liệt hơn: một là từ kiến thức tổ chức học được ở các nước văn minh, qua
góc hẹp của viện toán học cao cấp, Châu sẽ vực dậy những ngành khoa học
khác để lần lượt tháo gỡ chỗ nghẽn của giáo dục; hai là viện toán học
không nghiên cứu theo đơn đặt hàng nghĩa là hoạt động độc lập sẽ sản
sinh nhiều tài năng thật sự, biết suy nghĩ bằng cái đầu và đi trên chính
đội chân của họ, những tố chất cần thiết cho tiến trình dân chủ hóa lẫn
xây dựng đất nước thời hậu cộng sản; ba là viện toán học còn là nơi
tiếp nhận "thông điệp” từ ngoài vào cũng như là cửa ngõ cho "chuẩn” nhân
tài bên trong Việt Nam tiếp cận với thế giới văn minh.
Về việc nhận căn hộ cao cấp với cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh để tránh
nghẽn mạch trong việc tiếp nhận, chuyển tải thông tin qua các phương
tiện kỹ thuật hiện đại là cần thiết cho hoạt động nghiên cứu, tổ chức và
làm việc của Ngô Bảo Châu. Nên biết đàng sau Ngô Bảo Châu là đại học
Chicago và các đại học hoa Kỳ là nơi hình thành chiến lược, sách lược
vượt tầm của Hoa Kỳ. Tại sao Ngô bảo Châu không trở về với các đại học,
học viện quân sự, chính trị , kinh tế…lẫy lừng của Hoa Kỳ như West
Point, Harvard, Princeton… còn là nghi vấn cho các lãnh đạo cộng sản
Việt Nam?
Những điều trình bày ở trên không có gì bí mật, không phải đảng cộng
sản Việt Nam không biết, không những biết mà chúng còn lo xa nên tuyên
giáo cộng sản chỉ đạo bồi bút cò mồi bóp méo phát biểu, tấn công cá nhân
Ngô Bảo Châu trên các diễn chính thống lẫn không chính thống nhằm giảm
sức hút của giới trẻ đối với Ngô Bảo Châu vì chúng biết giới trẻ là chủ
lực của mọi cuộc cách mạng. Mặt khác, chúng giả dạng tiếng nói đối lập
sử dụng ngôn ngữ "chợ” chữi bới thô tục gây thù hằn, hiềm khích nhằm tạo
ra lằn ranh giữa Ngô Bảo Châu với những người đấu tranh cho dân chủ.
Thủ đoạn này không mới, thủ đoạn gây nghi kỵ, tạo hiềm khích thậm chí
đẩy cấp thừa hành nhúng tay vào tội ác để không còn đường lùi về với
nhân dân, thủ đoạn này đã từng được cộng sản sử dụng trong quá khứ, điển
hình là trường hợp của Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Hoàng Phủ
Ngọc Tường… bị đẩy vào trách nhiệm vấy máu đồng bào trong năm Mậu Thân
1968 ở Huế, để chặn đường lùi về với dân.
Trường hợp của Ngô Bảo Châu có vài khác biệt, chúng không đẩy Ngô Bảo
Châu nhúng tay vào tội ác vì không thể nhưng chúng sử dụng thủ đoạn lá
mặt lá trái, ngoài mặt ve vuốt nhưng bên trong tìm cách cô lập, vô hiệu
hóa khả năng thu hút, tập họp giới trẻ cũng như phá thế liên kết giữa
Ngô Bảo Châu với các cá nhân, tổ chức đấu tranh cho dân chủ nhằm ngăn
ngừa hậu hoạn. Có thể, đảng cộng sản Việt Nam và Ngô Bảo Châu, cả hai
phía đều biết con bài tẩy của nhau. Vậy, ai sẽ thắng trong cuộc đấu cân
não này, cuộc chiến còn dài xin đừng nôn nóng cứ chờ xem ai thắng ai
trong cuộc đấu trí này?
Le Nguyen