Thứ Sáu, 2024-11-22, 5:07 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Tư » 3 » Mekong tan rã
10:12 AM
Mekong tan rã
Nguyễn Huỳnh Thái

Khi đọc tin Ngân hàng Thế giới (WB) tuyên bố "Việt Nam là một trong các nước có thu nhập trung bình” [1] tôi chợt nhớ đến lời bình luận của một Hai Lúa về GDP đầu người trên báo Tuổi Trẻ: "Một người ăn nguyên một con gà, một người chỉ đứng nhìn, tính bình quân mỗi người ăn được… nửa con gà. Nghe 800 USD tui ham lắm, nhưng chừng nào tui và gia đình tui mới có được!”. [2] Con số thật trừu tượng! Nếu nhìn vào 17 triệu dân ở miệt đồng bằng này, đâu đâu cũng thấy những con người khốn khó, cái đói bám sau lưng, cái nghèo còn trước mặt thì cụm từ "thu nhập trung bình” nghe sao khó tưởng tượng.

Những vị quan chức có tinh thần lạc quan chê trách: dân đồng bằng mắc "bệnh than” mãn tính, hãy nhìn sản lượng lương thực, hãy nhìn dòng ngoại tệ chảy về vượt quá chín con số mỗi năm, đâu đó cũng có cái nghèo nhưng mang tính "cục bộ”… đó là mặt trái của kinh tế thị trường. Vâng, "kinh tế thị trường” là một cuộc chơi đa thành phần, có quy chế, Nhà nước làm trọng tài; thế nhưng ngay từ khi tiếng còi bắt đầu những người nông dân đã bị thiên vị.

Trò chuyện với nông dân Miền Tây bao giờ cũng cho ta nhiều thú vị, ngoài bản tính chất phát, hào sảng…và giờ đây khi ở trong vận "kinh tế thị trường” thì những con người này cũng đã kịp trang bị cho mình những kiến thức rộng về thời cuộc. Họ có những suy tư, trăn trở về kinh tế, về công bằng xã hội… nhưng hiếm được lời giải đáp thoả đáng… Thật thích thú khi được trải lòng cùng họ, những Hai Lúa đồng bằng.

Những người đi mở đất

Sau năm 1975, Miền Tây hẵn còn là một vùng đất phèn, hoang vu đầy cỏ năng, sậy, muỗi, mòng, đĩa, vắt… sau những cuộc thăm dò, kiểm tra địa chất các nhà khoa học lắc đầu tuyên bố: "đất này không thể trồng lúa được”. Nhưng kết luận đó không làm cho những người nông dân này ngã lòng, dường như cái máu anh hùng của cha ông một thời đi mở đất Phương Nam đã trở thành bản tính. Với chiếc ghe Tam Bảng mui trầm, vài cây phãng, xoang nồi…chuẩn bị cho cuộc sống trên sông nước, họ bắt đầu chèo ghe đi tìm đất khai hoang với ý chí không có gì ngăn trở được.

Trong ký ức Hai Lúa, ngày hai vợ chồng dắt díu nhau vào vùng đất khỉ ho cò gáy Xà No vẫn còn in đậm:

- Sau giải phóng đất hoang nhiều lắm, ai nhắm sức mình làm được bao nhiêu thì cắm, rồi chạy ra xã xác nhận cái ‘Đơn xin khai hoang’, sau thì đắp bờ, cải tạo… Phải chi biết đất là vàng như bây giờ thì hồi xưa tôi cắm cả nghìn mẫu luôn…

Nói xong ông cười, nụ cười hào sảng của anh nông dân hiền lành, đôn hậu. Thì nghe vậy nhưng đâu ai biết việc khai hoang, cải tạo đất trần ai, khoai củ lắm; đất loại tốt thì mọc đầy cỏ năng kim, cỏ ráng, sau cùng là sậy, cây tạp… Mỗi ngày hai vợ chồng ông đội nắng, dầm mưa, trầm mình dưới làn nước nhổ cỏ năng, phát sậy, công việc đó phải làm đi làm lại những bốn năm rồi việc trồng lúa mới có thể bắt đầu.

- Trong bốn năm đó, vợ chồng tôi sống trên chiếc ghe Tam Bảng đi giăng lưới, đặt lờ bắt cá kiếm cơm, mấy ngày không có tiền mua gạo thì nhổ năng, bồn bồn, lá hẹ… ăn độn…

Nhìn cánh đồng lúa chín vàng, trù phú bên kia con kênh tôi mường tượng rằng đã không có biết bao người như Hai Lúa đã đổ mồ hôi, nước mắt xuống đất này; họ đè nén cái đói, cái khát, đấu tranh với rắn rết, đĩa, muỗi, mòng. Với họ đất đai đi liền khúc ruột.

Gắn chặt với ruộng đồng ở đây là kênh, những con kênh có nhịêm vụ xổ phèn, dẫn nước, làm thuỷ lộ thông thương nhưng điều ngạc nhiên là những con kênh này cũng do chính tôi bàn tay của những người nông dân này đào đắp. Chỉ con kênh trước nhà, ông nói:

- Mấy con kinh nhỏ như vầy là do dân tụi tui đào hết đó. Trước những năm chín mươi, Nhà nước bắt đàn ông mỗi người hằng tháng phải có năm ngày làm công tác, chủ yếu là đi đào kinh dẫn nước…

Cả vùng này có không dưới năm mươi con kênh như vầy, sức dân bỏ ra không ít, với họ điều gì có lợi cho cộng đồng, gia đình thì xắn tay vô làm, không suy tính. Dường như nông dân luôn là người "đứng mũi chịu sào”, những người lính tiên phong trong những cuộc hô hào, vận động.

Thế kỷ XXI này, khi mà thuỷ lộ bắt đầu trở nên bất tiện, xe cộ thành phương tiện lưu thông hợp thời thì nông dân lại bị bỏ quên trong các chính sách đầu tư của Nhà nước. Những con đường đất lầy lội đã ngăn cản họ bước ra bên ngoài nhưng "…con đường trán xi-măng này cũng dân tụi tui làm luôn, đất của ai người nấy bỏ tiền ra mua vật liệu, đường lầy lội ngồi đợi Nhà nước không biết tới kiếp nào…”. Ô hay, ở những vùng đất tăm tối không có ánh sáng "mặt trời” soi tới thì những người nông dân này đã tự mình bước đi, họ không trông đợi cứu cánh từ "bề trên”. Ở đâu đó, báo chí lại phát hiện những công trình, những dự án to lớn bị thất thoát tiền tỉ, rồi những khoản phí phạm của các quan…Bổng nhiên trong đầu tôi loé lên câu hỏi vô cùng ngốc ngếch, phải chi họ dùng tiền đó làm đường, kéo điện cho nông dân? Rồi phải chi…?

Nông dân và cuộc chiến vệ đất

Khi mà đất đai dưới bàn tay cải tạo, chăm bón của những người nông dân trở thành miếng bánh màu mỡ, thu về hoa lợi và giá trị của đất được tính bằng vàng thì họ lại đối mặt với nguy cơ trong cuộc "tranh giành” không cân sức, nguy cơ mất đất.

Miếng bánh đất đai quá hấp dẫn cùng với pháp luật không rõ ràng, cơ chế hành xử không tạo đồng thuận…đã trở thành công cụ để quan chức trưng thu đất của nông dân mà không phải bồi thường hoặc bồi thường không thoả đáng. Sự trưng thu được dựng dưới nhiều hình thức: lập nông trường, hợp tác xã, phục vụ an ninh quốc phòng, phục vụ xã hội, xây dựng sân golf, lập nông trại, chia đất cho "người nghèo”… nhưng hiếm nhận được sự đồng thuận từ những người mất đất. Với sự vô cảm, không minh bạch… quan chức thường hay nhắm vào sự thiếu hiểu biết về pháp luật của nông dân; lạm dụng quyền lực thực thi công vụ; trong khi nông dân không có năng lực kiểm soát Nhà nước: biết, bàn, kiểm tra. Vì vậy, những vụ trưng thu này phần lớn để lại thiệt hại nghiên về phía người dân.

Trong khi đó nông dân chưa bao giờ có đầy đủ điều kiện để thoát nông: nghề nghiệp mới, kỷ năng làm việc, khả năng hoà nhập môi trường lao động khác nghề nông, nguồn vốn tích lũy và Nhà nước thiếu hỗ trợ đầy đủ. Mức bồi thường đất đai do trưng thu được tính bằng giá "công” trong khi giá trị thật sự nằm ở giá "tư”, giữa giá "công” và giá "tư” chênh lệch nhau hơn 100 lần; vì vậy, trong nhiều trường hợp nông dân mất 1.000m2 nhưng số tiền bồi thường chỉ mua đủ 100m2 đất mới. Cho nên việc mất đất đối với nông dân là thảm hoạ, đất đai không thể tự do xâm phạm.

Cuộc tranh cãi (đôi khi dẫn đến bạo động) giữa nông dân và chính quyền liên quan đến đất đai thường hay xãy ra. Nhưng trong cuộc chiến này, nông dân bao giờ cũng thất bại. Giao đất thì bị gạt ra bên lề xã hội, không giao thì bị khép tội "chống chính sách”, phản đối thì được cho là "chống người thi hành công vụ”; cuối cùng thì những người nông dân mất đất này sẽ phải đến một trong hai nơi: nhà tù hoặc lề đường.

Hai Lúa uống cạn ly rượu, giọng nói run run, đứt đoạn…dường như nỗi kinh hoàng về ngày bị chính quyền cướp đất hãy còn đấy:

- Nghĩ cũng hên đó chú, miếng đất lớn của tôi nằm trong hậu không ai ngó tới, chớ miếng đất nhỏ ở rìa ngoài hồi năm tám lăm, tám sáu mấy ổng trưng thu làm nông trường hết. Lúc đầu tụi tui phản đối dữ lắm: cất chòi, cầm dao mác đòi tử thủ không cho Nhà nước lấy đất, nhưng công an họ tràn vô đông quá, họ bắt hết đàn ông, rồi họ đưa xáng cạp vô múc… đất dân thành đất Nhà nước….

Nhìn vào mắt ông, tôi thấy cảnh những người nông dân bị chích roi điện, bắt trói rồi bị mang đi như những "chú” heo đến ngày gã cho thương lái; những người phụ nữ bất lực cởi áo, nằm vật vã, gào thét trong tức tưởi… phản đối tịch thu đất, nhưng vô phương.

- Chổ đó bộ đội họ vô ở được khoảng hai năm thì họ rút đi, không làm nông trường nữa, đất thì họ không trả lại mà họ đem cho dân mướn. Bà con tụi tui làm đơn gửi đi khắp nơi để xin lại nhưng không ai trả lời, đi ra tới Hà Nội gặp Thanh tra Chính Phủ, ở đó người ta ra công văn yêu cầu tỉnh giải quyết nhưng họ im lặng, riết rồi dân cũng mệt mỏi… nói thiệt với chú, tụi cán bộ giờ nó lì như gốc cây…
"Lì như gốc cây” nghĩa là vô tri, không! họ có tri giác chứ, nhưng tri giác đó đã bị bán cho lòng tham không đáy. Không thể tưởng tượng được, khắp vùng đồng bằng này đâu đâu cũng có chuyện cán bộ lấy đất của dân chia nhau, khi bị phát hiện lại biện bạch bằng những lời chỉ thấy có ở những vị quan "cầm cân nảy mực” xứ này: "… do nhận thức còn hạn chế…”.

Nạn nhân của dự án ba không: không nghiên cứu, không để dân biết (bàn), không sửa sai. [3]

Với nếp nhăn trán, tóc điểm hoa râm, cuộc đời dầm sương, dãi nắng đã hun đúc Hai Lúa thành gã đàn ông có khí khái phong trần, bàn bạt sương gió… Đưa đôi mắt nhìn xa xăm vào không trung, Hai Lúa nhớ lại lúc mình ngã lòng trước khó khăn, giả từ cây lúa.

- Hồi năm chín tám, thấy làm ruộng nghèo quá tôi một mình đi qua Bạc Liêu mướn vuông nuôi tôm. Mấy năm đầu nuôi trúng lắm, lời hơn làm ruộng nhiều, chừng năm rưởi sau thì mấy ổng đắp đập bắt trồng lúa, do nước phèn nên tôm thả con nào…chết con đó…tui trắng tay luôn.

Choáng ngợp trước con số ngoại tệ thu được từ hạt gạo, năm 2000 Chính phủ quyết định thực hiện dự án "Ngọt hoá bán đảo Cà Mau” do Bộ NNPTNT làm chủ đầu tư, với số vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng vay từ Ngân hàng thế giới. Thông qua việc xây dựng hệ thống cống ngăn mặn tại các con sông chảy ra biển, lấy nước ngọt từ sông Hậu đổ về qua những kênh, rạch, sông chằn chịt ở các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang; mục đích là chuyển đổi 450.000 ha đất từ nuôi tôm sang trồng lúa.

Với dự án có số vốn to lớn, ảnh hưởng đến đời sống của hàng vạn nông dân như vậy, đáng lẽ Bộ NNPTNT phải có sự khảo sát, nghiên cứu nghiêm túc, tham khảo ý kiến người dân trước khi tiến hành, thế nhưng những "khoản tối” trong các dự án đã nâng quyết tâm thực hiện của họ lên mức: bất chấp hậu quả.

Trước khi dự án được tiến hành, đây là vùng đất nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất đồng bằng, giá trị của con tôm đã giúp người dân thoát đói nghèo, nâng cao mức sống. Cùng với thời gian xâm mặn lâu năm, chịu sự bồi lắng của nước cáo (nước biển có chứa bùn) làm độ lầy của bùn cao gần 1m (ở những vùng đất thấp); đất phèn nặng, các loại thực vật nước mặn: mắm, xú, cỏ nước mặn, năng kim, năng tượng… mọc hoang khắp nơi (những vùng đất cao), xác thực vật phận huỹ tạo thành một lớp bùn thúi dày. Theo nhận định của người dân, vùng đất này không đời nào cải tạo được, các nhà khoa học thì không có ý kiến…

Bất chấp phản đối của người dân nằm trong vùng quy hoạch, dự án vẫn được thực hiện với lời khuyến cáo đầy "khoa học”, trong thời gian quá độ nông dân cần lựa chọn "trồng cây gì, nuôi con gì” cho phù hợp; thế nhưng "cây nào, con gì” thì không thấy chính quyền nhắc tới. Trong khi nông dân phải dò dẫm tìm cách thích ứng với dự án thì truyền hình địa phương bắt đầu ca ngợi thành quả "ngăn mặn, dẫn ngọt”; đâu đó vài bác nông dân "công” phát biểu "ý Đảng hợp lòng dân” với vụ thu hoạch ngô, khoai "ước tính” sẽ đếm tiền chục triệu, với hàm ý dường như cái công to lớn ấy nhờ "ơn trên” ban cho.
Sau hai năm dự án đưa vào sử dụng, không một hạt lúa nào chịu nãy mầm, hoa màu trồng xuống thì teo tóp. Những đồng tiền tích lũy từ những vụ tôm trước chảy theo cải tạo đất nhưng không hiệu quả, dân đói gai gắt, có những ngôi nhà trông khang trang bề thế nhưng người bên trong thì "bửa cháo bửa rau”.

Dân bắt đầu khiếu kiện đến Trung ương, nhưng phản hồi nhận được là lời khiển trách "địa phương để dân khiếu kiện đông người”. Những cuộc trấn áp, đón lõng, giăng bẫy dân đói đi kiện diễn ra hầu khắp các địa phương. Dân bắt đầu phá rào, họ khoan giếng lấy nước mặn dưới tầng nước ngầm, dùng máy bơm đưa nước vào đất của mình để nuôi tôm. Phương tiện bị tịch thu, người đi ngược chủ trương bị tống giam với tội danh "chống chính sách”.

Hai năm sau khi "dự án ngọt hoá bán đảo Cà Mau” đi vào thực tế, xóm làng xơ xác, thiếu đói xảy ra trên diện rộng; các vị đại biểu quốc hội, đại diện bộ NN PTNT, Thanh tra Chính phủ…tiếp cận, tìm hiểu nguyện vọng của nông dân và đi đến quyết định nửa nạc nửa mỡ "sáu tháng ngọt, sáu tháng mặn”; nghĩa là sáu tháng mùa mưa nông dân phải trồng lúa, sáu tháng mùa khô nông dân được nuôi tôm.

Cuối năm 2002, hơn một vạn nông dân không chịu được cái đói đã tập hợp lại, đồng loạt dùng những phương tiện sẵn có của mình: vá, máy khoan đất, xáng cạp… phá các đập ngăn mặn dọc theo quốc lộ 1A từ tỉnh Bạc Liêu đến huyện Tân Thành (tỉnh Cà Mau) và một số đập nằm trên huyện Thái Bình tỉnh Cà Mau. Ngày đó, nông dân hừng hực khí thế; công an, bộ đội đứng vây quanh những người dân phá đập quay phim, chụp ảnh nhưng không can thiệp. Một tuần sau, những người được cho là chủ mưu "huỷ hoại tài sản XHCN” bị bắt giam, các con đập được Nhà nước bỏ tiền ra vá lại.

Nhận thấy không thể đi ngược với ý dân, đến năm 2003 nhà nước nhượng bộ đến bước cuối cùng, cho phép nông dân nằm trong dự án được tự do nuôi tôm, các đập ngăn mặn được giữ lại với vai trò "điều tiết nước”. Từ đó đến nay, các đập này được giao về các tỉnh, các tỉnh giao cho Phòng nông nghiệp. Tuy nhiên sự điều tiết không hợp lý giữa các huyện, tỉnh đã làm cho nước mặn xâm thực vào vùng trồng lúa mỗi khi nước Sông Hậu xuống thấp; nông dân trồng lúa bị nước mặn xâm lấn gây thiệt hại, trong khi người dân nuôi tôm lại thiếu nước mặn; Nhà nước gọi đây là "tranh chấp giữa hai dòng mặn ngọt”?

Rõ ràng, dự án "ngọt hoá bán đảo Cà Mau” bị phá sản hoàn toàn, 1.400 tỷ đồng vay từ Ngân hàng Thế giới "chìm” theo sự hoang tưởng của quan chức Nhà nước, con cháu thế hệ sau phải gánh nợ. Chưa một "bề trên” thực hiện dự án này bị "lôi ra ánh sáng”, bởi vì họ không bao giờ nhận sai lầm, nguyên nhân được đẩy cho nông dân, những người cố tranh chấp "giữa hai dòng mặn ngọt”.

Cuộc mưu cầu tri thức của những người "chân đất”

Điểm ấn tượng của giáo dục đồng bằng: đa số ít học, chỉ đến cấp I hoặc II. Dường như con đường mưu cầu tri thức của những con người ở đây cũng cam go, cực khổ như phương kế tìm sinh nhai của họ vậy. Hệ thống trường mẫu giáo là con ze-rô tròn vo, trường tiểu học dưới bán kính 10km, cấp II mỗi xã một trường, cấp III mỗi huyện từ một đến hai trường. Cứ thế, số lượng học sinh ít dần theo mỗi cấp học, theo quảng đường mà chúng sẽ bước đi, theo chi phí mà cha mẹ chúng phải trả.

Dọc theo kênh Tám Ngàn, những ngôi nhà nhỏ, thấp bé nép mình vắng lặng dưới những rặng dừa, xoài trong nắng trưa. Ẩn dấu dưới bầu không khí trong lành nó hiện ra bộ mặt thiếu sinh khí của vùng quê nghèo khó đến nỗi tưởng chừng như thời gian đang đứng lại để thử thách óc chịu đựng của con người. Trên đường đi tôi đã gặp những cô cậu bé có hình thể phiên bản nông dân đang vui đùa hồn nhiên trước ngôi trường rách toang hoát, bụi bặm. Phải đến gần mười km mới có những ngôi trường như vậy, phương tiện nào đã đưa các em vượt đường xa để mưu cầu tri thức hay chính là đôi bàn chân bé nhỏ của các em lại phải dò dẫm bước đi?

Khi hỏi chuyện học hành của các cháu, Hai Lúa trả lời, đôi môi mấp máy… làm từng lời vỡ vụn... Chắc là ông đang soi rọi vào ký ức tuổi thơ thất học đau thắt của con, của cháu ông…

- Tui có bốn đứa con, hai đứa đầu vì không có trường nên không được học chữ nào, đứa thứ ba học đến lớp 9 thì cho nghĩ luôn vì ra huyện khó khăn quá, đứa út thì đang học cấp III trường huyện. Thì tui cũng mong muốn cho con cái nó học đàng hoàng nhưng ngặt đường xá xa xôi, đi lại vất vã quá…

Vào mùa mưa, những cô cậu bé học trò xắn quần đến gối, tay cầm dép, tay xách tập vỡ, những ngón chân nhỏ xíu bám chặt vào con đường trơn ướt, lầy lội… cô cậu nào không vững chân lỡ chụp ếch sẽ đến trường với quần áo lầm lem bùn. Đến nỗi người ta hay trêu chọc, những anh chị hai lúa dù tô vẽ bên ngoài thế nào thì nhìn những ngón chân to bè biết là hai lúa rặt… Hình ảnh đó tưởng chừng đã là quá khứ nhưng những nơi người dân chưa đủ lực bê tông hoá đường ra bên ngoài thì vẫn còn đấy.

Qua được cấp II đã là một kỳ tích, những cô cậu cố gắng "đèo bòng” đeo đuổi con chữ sang cấp III cũng còn nhiều chướng ngại phải vượt khi mà mọi chi phí được tính bằng những hạt lúa, không thừa mà luôn thiếu. "Con tôi mỗi lần về thì mang gạo, cá khô theo để dành; ở nhà trọ phải biết tự nấu ăn cho đỡ tốn tiền…”.

Cả huyện có hai ngôi trường cấp III, một trường dân lập, một trường bán công, mỗi năm vài nghìn học sinh thi chuyển cấp, chỉ tiêu tuyển sinh dưới năm trăm, số còn lại "được” ném trở về đồng ruộng "sống chết mặc bây”. Thế là các em lại vướng vào cái vòng luẩn quẩn, ít học dẫn tới nghèo, nghèo dẫn tới ít học... Đã nhiều lần cái gọi là hội nghị bàn tròn về giáo dục đồng bằng được tổ chức, nguyên nhân được ghi nhận: ý thức về giáo dục của dân đồng bằng kém, đa số còn nghèo nên chi phí dành cho giáo dục ít, cơ sở hạ tầng thấp…Nguyên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nhận định, giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long cần một cuộc cách mạng lớn, [4] thế nhưng cuộc cách mạng đó đã chết từ khi nó còn chưa được bắt đầu…

Học phí đại học đã tăng, những ngành đỉnh mỗi năm trên mười triệu đồng, ngành trung bình sáu triệu đồng và năm sau sẽ còn tăng nữa. Nguyên nhân do các trường "lời giả lỗ thật” hay là học phí phải cập nhật theo mức sống thu nhập thuộc loại trung bình của thế giới? Không có câu trả lời, nhưng rõ ràng chính sách giáo dục đang bắt đầu nằm ngoài tầm với của người nghèo.

"Kể ra không được học cũng hay chớ chú, ai cũng đi học rồi lấy người đâu mần ruộng…”. Tôi chợt giật mình vì câu triết lý của Hai Lúa, "…ai cũng học rồi lấy người đâu mần ruộng…”, không biết sự nghiệp giáo dục phát triển với tốc độ "rùa bò” của đồng bằng nguyên nhân nằm ở cán bộ "yếu”, thiếu ngân sách hay lý do nằm ở câu nghi vấn kia…?

Nông dân và bài toán kinh tế thời hiện đại: giá lúa.

Ở miệt đồng bằng này, điệp khúc lúa "được mùa mất giá, được giá mất mùa” cứ lặp đi lặp lại những hơn hai thập niên mà không thấy lối ra. Ngay cả những người nông dân cũng mường tượng được cái gì đã "đè” lên giá lúa của mình khiến nó không "ngóc đầu” lên được, nhưng họ e ngại đưa ý kiến. Trong khi Nhà nước thì không vội, họ thong thả tổ chức hội thảo, thong thả nghiên cứu và sau ngần ấy năm họ kết luận, "giá đầu vào cao hơn đầu ra”.

Tôi còn nhớ có vị quan chức trả lời phỏng vấn trên báo về cách giải quyết vấn đề phân bón, thuốc trừ sâu giả, vật tư nông nghiệp có giá quá cao. Ông trả lời, vật tư nông nghiệp có giá cao là do qua nhiều đại lý trung gian, nó thuộc về quy trình kinh doanh của nhà sản xuất, Nhà nước chưa có chế tài nên khó xử lý?

Đối với trồng lúa, chi phí vật tư nông nghiệp chiếm đến 2/3 giá thành, nếu chẳng may sử dụng vật tư giả hoặc là giá tăng thêm thì mùa vụ đó nông dân coi như mất trắng. "Mỗi lần nghe dầu, phân tăng giá là tui lo…nông dân tụi tui có cái khổ là không định được giá lúa, vật tư tăng đồng nào tụi tui lỗ đồng đó”.

Thật mừng khi được tin, hiện nay Nhà nước bắt đầu tăng cường kiểm soát giá lúa bằng cách quy định giá lúa thu mua tối thiểu, hay gọi là "bảo hiểm” giá cho nông dân. [5] Theo cách tính của Hiệp hội lương thực, giá lúa Nhà nước đưa ra nông dân đã có lời tối thiểu 30%. Hai Lúa trầm ngâm:

- Tôi cũng không biết mấy ổng tính giá làm sao, bán lúa giá đó tụi tui có… gạo ăn sống qua ngày, coi như mình cực khổ đi làm mướn; giá đó còn bị hàng sáo ép nữa, có khi nào họ mua đúng cái giá đó đâu, mình thiếu nợ thì mình chịu bán thôi…

Những vị tính hộ giá nông dân chắc lại là các GS-TS khả kính, những vị ngồi bàn giấy ôm computer, chưa từng lội ruộng, sử dụng số liệu "trời ơi”, cộng như nhân chia, thế là có đáp án và tuyên bố "giá lúa này nông dân đã có lãi tối thiểu 30%”. Đám nông dân này không hiểu cái "lãi tối thiểu” nó trông như thế nào hay cái "lãi” ấy là cái hũ đựng gạo để nông dân no bụng, vững chân sống qua vụ mùa sau "cày” tiếp.

- Làm ruộng sức mấy mà làm giàu chú, mỗi hộ phải có bốn mẫu trở lên mới khá được, hai mẫu trở lên thì trung bình, dưới hai mẫu thì nghèo không thấy đường ra…nhưng mà vùng này chỉ còn mấy hộ có đất trên bốn mẫu…

Điệp khúc trúng mùa rớt giá, mất mùa được giá lại cứ thấy diễn ra, vấn đề được đặt dấu chấm hỏi, không thấy "nhà” nào có đáp án nhưng thấy họ đá quả bóng trách nhiệm, Nhà nước bảo nhà xuất khẩu cần phải có kho tạm chứa, nhà xuất khẩu nói Nhà nước hãy cho vay vốn ưu đãi…? Vấn đề thì nằm đấy, còn nông dân đang trong vòng vây của đại lý vật tư, thương lái, đại gia "gạo”… những người này có đủ "chiêu” để nâng giá, đè giá. Vụ nào trúng mùa thì thương lái "ém quân”, nông dân muốn bán lúa không có người mua, đợi đến giờ G thì họ "tung quân” đi mua ép giá, cái giá "bảo hiểm” lại là cái cớ để họ hạ giá…Rốt cuộc, thành quả hơn ba mươi năm phát triển nông nghiệp làm thương lái "béo” lên, các vị xuất khẩu gạo thành đại gia, còn nông dân thì vẫn vậy, nghèo.

Với những nan đề đó, dường như ngay cả Nhà nước cũng chịu "bó tay”? Họ không thể phá được vòng vây, gần đây lại có biện pháp được đưa ra: tập trung thương lái nhằm tuyên truyền, học tập, nâng cao "đạo đức” con buôn? Kết quả ra sao chắc ai cũng biết được.

Tả tơi những phận người

Thu nhập từ trồng lúa thấp đã kéo theo nguồn vốn tích lũy của nông dân hầu như rất ít, có những gia đình diện tích đất trên 4 ha, sau hơn hai mươi năm trồng lúa mức tích luỹ chỉ có từ 100 – 150 triệu đồng; những hộ có diện tich 2-3 ha số tiền tích luỹ vào khoảng 50-100 triệu đồng; dưới 1ha thì số tích luỹ hầu như con số không. Trong khi đó, họ phải đối mặt với nhiều vấn đề của cuộc sống: chăm lo sức khoẻ, chi phí giáo dục, các chi phí rủi ro khác…

”Tui chỉ cầu trời phật đừng đau bệnh, còn khoẻ còn làm ra tiền được, chứ đau bệnh nặng nằm một chổ thì thà chết để tiền, để đất lại cho con cháu nó sinh sống…”. Với những con người này, bệnh tật và mất đất đai là sự sợ hãi không thể đoán trước được… ”Tui có thằng em bị bệnh thận gần bảy năm rồi, trị hết tiền, ba mẫu đất cũng bán luôn, giờ đang nằm chờ chết, vợ con đói khổ quá phải đi làm mướn trên Sài Gòn…”.

Nếu một lần đặt chân đến các bệnh viện công ở Sài Gòn như Ung Bứu, Bình Dân…ta thấy hình ảnh những gương mặt chất phát, lam lũ từ những vùng quê nghèo khó có số lượng đông nhất. Trong đó, rất nhiều những con người đang vật vã chịu đựng những đau đớn thể xác, tinh thần vì đã chữa đến hết tiền mà bệnh chưa hết; những người đến thời điểm cần phẩu thuật nhưng chưa đủ chi phí phải nằm chờ; những người không đủ tiền nhập viện phải vật vã ngoài hành lang; những thân nhân nuôi bệnh ngơ ngác, đói khát, vật vờ…đi đứng dập dìu trong viện. Đến mới biết dưới bàn chân của những vị "tiểu thiên” là phận người cỏ rác...

Một bác sĩ tâm sự với tôi, "Thấy những người nghèo như vậy em cũng thương lắm nhưng mà sức mình không làm được gì nhiều để giúp họ; những người bệnh nặng quá mà không có thuốc uống thì em qua chổ BHYT xin thuốc, nhưng lâu lâu mới có một lần. Đa số bác sĩ khám nếu thấy họ bị bệnh nặng thì kêu họ về mà không cho nhập viện, vì nếu có điều trị họ cũng không theo được mà có khi mất hết tài sản nữa...”. Y đức của bác sĩ chỉ có thể dừng ở mức đó. Cũng có thể hiểu được, với sức của một vài cá nhân thì không thể làm điều gì to lớn hơn trong khi Nhà nước ngó lơ. "…hiện giờ có BHYT tế thì người nghèo họ đỡ hơn nhưng mà cái này nhiều người nghèo chưa tiếp cận được vì BHXH có quy định của họ…”.

Nông dân nghèo luôn ái ngại khi tiếp cận với dịch vụ y tế, đau bệnh nhẹ thì họ cố chịu đựng, uống thuốc nam hoặc tự liệt kê triệu chứng để nhân viên hiệu thuốc "chẩn đoán” bệnh rồi mang thuốc về uống. Bệnh nặng hơn, khi dịch vụ y tế công từ chối chữa trị thì họ chuyển sang chữa bệnh bằng đức tin, bằng nhân điện, đông y…họ biết tuy không có nhiều hy vọng nhưng vẫn phải theo vì tiết kiệm được chi phí và nhỡ trời phật thương xót biết đâu sẽ khỏi?

Chỉ những ngôi nhà vắng chủ nhỏ xíu, thấp lè tè ở hướng tây, Hai Lúa nói:

- Mấy nhà đó người ta bỏ đi Sài Gòn làm hết rồi, đất ít quá mà làm ruộng sao sống nổi, mười phần bỏ đi hết tám rồi, giờ vô vụ cắt lúa tìm đỏ mắt không có người làm…

Thỉnh thoảng truyền thông lại đưa tin, xí nghiệp A có vài nghìn công nhân đình công đòi tăng lương, doanh nghiệp B công nhân đình công đòi chế độ BHXH, công ty Z quỵt lương công nhân…Nhà nước chỉ can thiệp với trách nhiệm đảm bảo trật tự, hoà giải với mục đích đảm bảo lợi ích cho chủ doanh nghiệp còn lợi ích công nhân thì chỉ ghi nhận… rồi sẽ giải quyết sau.

Ai đó hãy thử sắm vai công nhân mới biết cuộc sống đó như thế nào: những phòng trọ ẩm thấp đông người chen chúc, những con người ăn theo chế độ 3.000 đồng/buổi phải bám xưởng đến 16giờ/ngày, đi trễ trừ lương, nghỉ việc dù bất cứ lý do nào cũng trừ lương…dường như sức lao động của họ dành cho giới chủ bóc lột? Tích lũy của công nhân chủ yếu có từ việc hạn chế chi tiêu cá nhân đến mức tối thiểu, kể cả việc ăn uống… Trong khi đó, Công đoàn đã chết, Pháp luật được Nhà nước đưa ra với mục đích kiềm hãm và đe doạ những con người này hơn là bảo vệ họ. Trên đường phố, những mộ bia "…công nhân: lực lượng tiên phong…” nằm phô trương đầy ở chốn đông người, dường như có những cái chết đã bắt đầu?

Trong ký ức xa xăm của tôi, bất kỳ một chàng trai xa lạ nào đến đồng bằng, hình ảnh chiếc áo bà ba thấp thoáng sau đồng ruộng, vườn cây đủ để níu chân họ ở lại đến "răng long đầu bạc”. Giờ thì những em gái đồng bằng xin xắn đã trở thành những lưu dân trôi giạt từ Nam đến Bắc, họ thấp thoáng sau những quán cà-phê đèn mờ, bia ôm, vũ trường…thân phận họ có khi là vợ hờ, bồ nhí, gái gọi, tiếp viên hay đến mức "hết thời” bị cuộc đời vứt ra lề đường "đón khách”. Ai bất hạnh hơn thì trở thành nô lệ dục tình, bị bày bán thân xác từ Campuchia, Thái Lam, Mã Lai, Sing…đến khi "hoa tàn nhuỵ rữa” lại chắc vùi thân mình nơi đất người. Gọi là may mắn khi có người theo chồng về "xứ lạ” với danh chánh ngôn thuận, nhưng lại không biết cuộc đời mình tương lai rồi sẽ ra sao. Đến khi sự thật làm dâu đất người được phơi bài: bị ngược đãi, bị bán, bị giết chết…ta mới biết họ vẫn là nô lệ.

Một thời, những vụ "cô dâu Việt” bị ngược đãi được truyền thông phơi bài, dư luận phẩn nộ nhưng đợi mãi mà không thấy Nhà nước thể hiện trách nhiệm của mình. Hình như số phận những con người nhỏ lẽ, thất học đó không xứng đáng gọi là "quốc gia đại sự” hay đấy là chuyện riêng tư của cá nhân phải chịu trong cái gọi là mặt trái của "nền kinh tế thị trường”, nơi mà phải bán buôn cả cuộc đời con người.

Lại nhớ đến các trung tâm gọi là "phục hồi nhân phẩm” mọc khắp nơi với mục đích đưa những người phụ nữ đã buộc phải lựa chọn con đường sinh nhai bằng thân thể mình đi lao động cưỡng bức. Vào mùa chiến dịch phô trương văn hoá đường phố chuẩn bị cho các đại hội lớn, lại thấy Công an truy quét, tống giam những người này vào trại. Họ đánh mất tính người ư? Không, họ chỉ làm xấu đi cái "ơn đức”, hạ thấp cái "thành tựu XHCN” mà "bề trên” đã "ban” cho chúng dân. Nếu so sánh những vị "tai to mặt lớn” tham nhũng, hối lộ, thiếu đạo đức…làm bao nhiêu con người phải điêu đứng thì xét lại, ai phải cần đi "phục hồi nhân phẩm” đây?

Tôi hay nghĩ ngợi rằng, cuộc đời những nông dân đồng bằng phải chịu đến ba kiếp nô lệ: đời cha làm nô lệ trên ruộng đồng; đời con làm nô lệ cho các đại gia lắm tiền, quan chức nhiều quyền lực, những gã đàn ông đầy thú tính; đời cháu làm nô lệ cho xã hội khi thân phận bị khinh rẽ…và có thể là đời sau nữa.

Tạm biệt đồng bằng

Trên đường về, với mong ước được ngồi trên xuồng Ba Lá ngắm đồng lúa chín ngã vàng rực dưới nắng chiều của tôi đã được Hai Lúa vui vẽ đồng ý. Gió thổi lồng lộng, thế nên chỉ cần vững tay lái, xuồng cũng nhè nhẹ trôi đi. Mùi ruộng đồng tinh khiết theo gió trôi lơ lững không trung, tôi hít một hơi sâu…thật ngất ngây. Trong thoáng suy tưởng, tôi thấy mình đứng trước một trụ sở to lớn, trước cổng ghi: "Hiệp hội những người trồng lúa Mekong”; bên trong ồn ào, náo nhiệt, trên loa truyền thanh đang truyền tải thông điệp:

"Thưa bà con trong và ngoài nước, những người ăn hạt gạo của Hịêp hội những người trồng lúa Mekông. Sau thời gian họp bàn, đắn đo suy tư trước khả năng mua được gạo của bà con thành thị thu nhập thấp. Do một số mặt hàng đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp như dầu, vật tư nông nghiệp, chi phí thu hoạch…đã tăng giá. Tôi Hai Lúa, đại diện Hiệp hội những người trồng lúa Mekông tuyên bố: điều chỉnh giá gạo tăng thêm 500 đồng, thời điểm bắt đầu từ hôm nay, trên toàn bộ hệ thống cửa hàng bán lẽ gạo của hiệp hội…”.

Trong loáng thoáng những trang sử vừa góp nhặt, tôi biết những người nông dân đồng bằng này đã che chở, nuôi chứa các chiến sĩ cách mạng từ ngày chiến tranh gian khổ; cứu đất nước khỏi buổi "ăn bắp, độn khoai” và mang ngoại tệ về chỉ với bằng hạt gạo… Tôi chợt nghĩ, ai bưng bát cơm với hạt gạo từ đồng bằng mà không do bàn tay mình làm ra đã mắc nợ những người ở đây. Họ đã đổ mồ hôi, nước mắt; chịu sự bất công, bất hạnh, khinh bạc của người đời… để đổi lấy giá gạo hợp túi tiền với đa số mọi người. Còn lại, các quan chức: kẻ thực thi chính sách dẫn đến phân phối lợi nhuận từ trồng lúa không công bằng, dung dưỡng bất công… làm đa số nông dân phải bần cùng. Chính các vị, các vị đã mang nợ máu với dân đồng bằng…

Tiếng xuồng khua mạnh đã ngắt dòng suy tưởng, thực tại kia rồi: những ngôi nhà nhỏ bé, rách nát đứng đìu hiu; những phận người khốn khó vẫn còn đó; những sự kiện bất hạnh đang chờ đợi cơ hội chụp lấy những con người trên sông nước này; nhân hoạ, thiên hoạ đang rình rập chung quanh họ…như những bụi lục bình trôi mãi theo dòng nước kia, có khi đến cuối đời chúng mới có cơ hội dừng lại.

Nguyễn Huỳnh Thái

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 631 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 16
Khách: 16
Thành Viên: 0