Thứ Ba, 2024-11-05, 8:40 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2011 » Tháng Tám » 6 » Miệng nhà quan…
8:34 PM
Miệng nhà quan…
2011-08-05

Báo chí ‘lề phải’ có bữa tiệc no về thông tin 8 lần biểu tình chống Trung Quốc qua cuộc họp báo của Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an Hà Nội vào ngày 2/8.

Screen capture

Báo Hà Nội Nới ngày 02 tháng 8 năm 2011 đăng tin về vụ việc liên quan chuyện Anh Nguyễn Chí Đức bị đạp vào mặt.



Nói như thế là vì báo chí Việt Nam đã không được phép đưa tin về những sự kiện chính trị nhạy cảm, đặc biệt là biểu tình phản kháng Trung Quốc. Nhưng bây giờ Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, qua những phát biểu của ông đã giúp nhà báo truyền tải được thông tin biểu tình và cả hiệu ứng ngược mà tướng Nhanh không mong muốn. Vụ gọi là cú đạp lịch sử trong cuộc biểu tình ngày 17/7 ở Hà Nội, sự phủ nhận của người lãnh đạo Công an Thủ đô kiêm Phó Tổng Cục trưởng An ninh II Bộ Công an bằng các chứng lý tưởng là thuyết phục, đã bị anh Nguyễn Chí Đức nạn nhân bị làm nhục làm rõ trắng đen.

Danh dự bị xúc phạm

Họ đã chính thức đẩy tôi, nếu mà họ tiếp tục đẩy tôi vào đường cùng, thì tôi cũng chả còn gì để mất cả tại vì họ đã dùng báo chính thống để họ "chơi” đồng chí của họ.

Nguyễn Chí Đức

Trên tất cả báo mạng mà chúng tôi xem được, như VnExpress, Vietnam Net, Thanh Niên Online… Tướng Nhanh xác định không chủ trương trấn áp người biểu tình, cũng như không có căn cứ xác định anh Nguyễn Chí Đức bị lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự đánh đạp trong cuộc biểu tình ngày 17/7. Công an Hà Nội công bố rằng trong bản tường trình anh Nguyễn Chí Đức đã khẳng định không bị ai đánh, chỉ có sự xô đẩy khi đưa anh Đức lên xe buýt, bác sĩ cũng không phát hiện thương tích hay tổn thương trên người anh Nguyễn Chí Đức. 

Trả lời phỏng vấn của Phóng viên Khánh An Đài chúng tôi, anh Nguyễn Chí Đức cho biết bản thân là đảng viên đảng cộng sản, anh đi biểu tình là vì Đảng. Sự việc anh bị bạo hành mà công an khẳng định là không có, làm cho anh vừa buồn vừa phẫn nộ vì danh dự bị xúc phạm. Ngay chính thân phụ anh khi được xem clip video anh bị nắm tứ chi bị khiêng ngửa và bị đạp vào cổ vào mặt đã phải thốt lên "Đây là quân phát xít.”:   

"Nên nhớ rằng bố mẹ tôi là người Nghệ An, họ hàng tôi là Nghệ An, rất nhiều người theo đảng rồi, từ thời Việt Minh năm 1930, tức là trước khi Hồ Chí Minh về nước, ông nội tôi, anh em ruột của ông nội tôi và rất nhiều đồng chí khác đã theo đảng, theo Việt Minh và họ đã chết trước khi Hồ Chí Minh về nước, nhưng mà họ không có gì phải buồn phiền đó là vì lý tưởng cao đẹp.

bieu-tinh-danap3-250.jpg
Một công an đứng trên xe buýt đạp liên tục vào mặt Anh Nguyễn Chí Đức trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc hôm 17-07-2011 tại Hà Nội. Screen capture.
Nhưng bây giờ, hệ thống chính trị kết hợp với công an làm như thế này thì tôi rất buồn. Họ đã chính thức đẩy tôi, nếu mà họ tiếp tục đẩy tôi vào đường cùng, thì tôi cũng chả còn gì để mất cả tại vì họ đã dùng báo chính thống để họ "chơi” đồng chí của họ. Thực sự là họ đã ‘chơi’ một đồng chí của họ chứ không phải là ‘chơi’ một công dân nữa.”

Dấu hiệu của sự tận cùng

Ngay sau cuộc họp báo của Tướng Nhanh và phản ứng của anh Nguyễn Chí Đức trong cuộc phỏng vấn của Phóng viên Khánh An đài RFA, nhà văn Nguyên Ngọc, hiện sống và làm việc ở Đà Nẵng đã có bài viết phổ biến trên nhiều trang mạng xã hội. Ông Nguyên Ngọc đặt câu hỏi với Tướng Nguyễn Đức Nhanh là trả lời thế nào? khi anh Nguyễn Chí Đức nói là mình bị đẩy vào đường cùng và thân phụ của anh Đức đã gọi sự bạo hành của công an đối với con ông là  hành động của quân phát xít. Bài viết của Nhà văn Nguyên Ngọc có đoạn nhắc tới tình trạng gọi là sĩ phu đang quay mặt với Nhà nước, còn cách ứng xử của công an Hà Nội trong cuộc biểu tình ngày 17/7 và tuyên bố của Tướng Nguyễn Đức Nhanh trong cuộc họp báo ngày 2/8 là một báo động đỏ. Trả lời Nam Nguyên, nhà văn Nguyên Ngọc phát biểu:

Khi ở tận cùng xã hội người ta thấy không thể sống được ở cái xã hội đó nữa, thì tôi gọi đó là dấu hiệu của sự tận cùng.

Nhà văn Nguyên Ngọc

"Về việc nhân viên an ninh dùng bạo lực với những người biểu tình và đặc biệt đối với anh Nguyễn Chí Đức thì việc ấy chúng ta biết cả rồi. Nhưng điều quan trọng là thế nào, theo tôi khía cạnh quan trọng ở chỗ, anh Nguyễn Chí Đức là người hết sức bình thường và thậm chí việc đạp vào mặt anh, anh cũng không coi trọng việc đó…và anh hoàn toàn tin tưởng ở Nhà nước ở Đảng. Trong lời nói của anh và sau khi ông Nguyễn Đức Nhanh có cuộc họp báo thì anh cho biết, hôm đó sau khi bị đạp vào mặt và lúc gặp lại những người công an đó anh vẫn nói là anh làm việc này vì Đảng thôi.

Đây là một người vô cùng trung thành nhưng cũng là người ở tận cùng xã hội, những người muốn bình yên không muốn làm bất cứ việc gì để  nổi bật cả mà bây giờ đến mức những người đó trở thành phẫn nộ. Sau khi ông nguyễn Đức Nhanh chối cãi những việc hành hung của nhân viên của ông, thì cuối cùng anh Nguyễn Chí Đức nói là anh  không sợ nữa đâu. Tôi thấy đây là những dấu hiệu hết sức quan trọng, tôi nghĩ những người làm chính trị phải rất nhạy cảm về chính trị và nhạy cảm không phải là nhạy cảm với cấp trên mà nhạy cảm với những động thái như thế, khi ở tận cùng xã hội người ta thấy không thể sống được ở cái xã hội đó nữa, thì tôi gọi đó là dấu hiệu của sự tận cùng.”

Lập luận không thuyết phục

Cuộc họp báo được tổ chức chiều 2/8 ở Thủ đô của Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II Bộ Công an kiêm Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, là để đáp ứng thư của mười nhân sĩ trí thức đề nghị Giám đốc công an Thành phố trả lời về sự việc một số người tập trung biểu tình tự phát ngày 17/7 phản đối Trung Quốc gây hấn tại Biển Đông đã bị công an đàn áp thô bạo. Các sĩ phu Bắc Hà ký tên bức thư này gồm các ông Nguyễn Quang A, Lê Dũng, Phạm Duy Hiển,  Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Văn Phương và Đặng Bích Phương.

IMG-1540-200.jpg
Anh Nguyễn Chí Đức. Photo courtesy of Nguoibuongio's blog.
Bên cạnh vụ việc Nguyễn Chí Đức và tác giả ‘cú đạp lịch sử’ nay được công bố họ tên đầy đủ là Đại úy Phạm Hải Minh an ninh Công an quận Hoàn Kiếm. Đại diện công an Hà Nội nói rằng, chưa xác định được clip trong đó đại úy Minh đạp nhiều lần vào mặt anh Đức là do ai phát tán hình ảnh lên mạng, công an cũng không thể xác định được clip có bị cắt ghép chỉnh sửa gì hay không.

Nhiều người không hẳn đồng ý với lập luận này, vì Việt Nam có nhiều chuyên gia giỏi về lãnh vực công nghệ thông tin và an ninh mạng, có thể xác minh việc này không đến nỗi quá khó khăn. Cũng là trớ trêu khi Giám đốc Công an Hà Nội nhìn nhận một nửa clip video mà các blogger gọi là cú đạp lịch sử, phần được nhìn nhận đó là 4 công an viên đã khiêng anh Nguyễn Chí Đức rời hiện trường bằng cách nắm cả tứ chi khiêng ngửa. Còn tác giả cú đạp lịch sử đại úy Phạm Hải Minh thì báo cáo cấp trên là chỉ từ trên xe buýt bước xuống để phụ đưa anh Nguyễn Chí Đức trong tư thế khiêng ngửa lên xe buýt chứ không có hành vi bạo hành. Tướng Nhanh đã tạm đình chỉ công tác cả 5 nhân viên cảnh sát để kiểm điểm, nghiêm khắc phê bình và rút kinh nghiệm. Đặc biệt Tướng Nhanh phát biểu rằng, ông cũng không đồng ý với việc cảnh sát khiêng người lên xe buýt, vì đây là người biểu tình yêu nước, không phải là đối tượng hình sự, nên cần phải rút kinh nghiệm chấn chỉnh ngay.   

Hôm đó sau khi bị đạp vào mặt và lúc gặp lại những người công an đó anh vẫn nói là anh làm việc này vì Đảng thôi.

Nhà văn Nguyên Ngọc

Xem các bài báo tường thuật cuộc họp báo của Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, người đọc báo có thể nhận ra một vài dấu hiệu khác thường, người Nhà nước đã dùng từ biểu tình thay vì gọi là tụ tập và hành động biểu tình được cho là xuất phát từ lòng yêu nước. Lần đầu tiên một giới chức an ninh cao cấp xác nhận: Thủ đô Hà Nội trong những ngày qua đã xảy ra 8 cuộc biểu tình phản kháng Trung Quốc diễn ra vào mỗi buổi sáng Chủ Nhật tập trung trước khu vực Đại Sứ Quán Trung Quốc. Cuộc biểu tình lần đầu qui tụ 300 người, những lần sau chừng 50-60 người. Đặc biệt Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh mô tả những cuộc biểu tình này là hành động của các người dân bày tỏ lòng yêu nước phản kháng Trung Quốc xâm lấn Biển Đông. Theo lời Tướng Nhanh người biểu tình bao gồm mọi thành phần trong xã hội như trí thức, sinh viên học sinh, công nhân lao động….

Nhiều người am hiểu chính trị cho rằng, một khi Tướng Nhanh khẳng định không có chủ trương trấn áp người biểu tình yêu nước thì ông nên đưa vụ ‘cú đạp lịch sử’ ra ánh sáng. Nếu một cá nhân hành động tự phát thì nên đưa người này ra tòa án, nạn nhân Nguyễn Chí Đức là người cùng Đảng với Tướng Nhanh đã xác định là mình bị đạp túi bụi vào đầu vào cổ, thì vụ việc không thể phủi tay một cách đơn giản như vậy.

Ngay trên cùng trang báo mạng tường thuật về cuộc họp báo 2/8, vô tình lại có tin một Trung úy Công an Cảnh sát Cơ Động bị tước quân hàm bắt tạm giam và truy tố ra tòa vì tát và đánh một cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Cú đạp lịch sử là chuyện lớn hơn rất nhiều hoặc nói như nhà văn Nguyên Ngọc đây là dấu hiệu của sự tận cùng. 



Category: Việt Nam ngày nay | Views: 610 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 457
Khách: 457
Thành Viên: 0