Chủ Nhật, 2025-01-12, 4:24 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2012 » Tháng Mười » 8 » Minh bạch - Vũ khí chống sở hữu chéo
6:39 PM
Minh bạch - Vũ khí chống sở hữu chéo
2012-10-05

Sở hữu chéo đã lộ rõ mối nguy hiểm cho hệ thống tài chánh Việt Nam ngay sau khi các thành viên trong Hội Đồng Quản trị ngân hàng ACB bị truy tố.

AFP photo

Một dự án bất động sản ở ngoại ô Hà Nội bị trì hoãn lâu năm do Vinaconex làm chủ đầu tư. Ảnh chụp hôm 04/10/2012.

Thờ ơ hay bất lực?

Chức năng chính của Ngân hàng thương mại cổ phần là gom tiền huy động từ người dân rồi cho vay ra nền kinh tế, do đó dòng tiền phải được kiểm soát từ Ngân hàng Nhà nước một cách triệt để. Phải rõ ràng, minh bạch để bảo đảm sự an toàn cho hệ thống cũng như quyền lợi của người dân.

Thế nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trả lời trước quốc hội là ông không biết tiền từ đâu để tập trung một lượng lớn trong việc thâu tóm ngân hàng SacomBank là điều khó thể giải thích với người dân và nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thiếu minh bạch trong con số của hệ thống dẫn đến sự luồn lách của các ngân hàng khi báo cáo lên NHNN. Ngân hàng ACB là một ví dụ về tính không minh bạch của nhà nước kéo theo sự lợi dụng của các nhân vật trong Hội đồng quản trị. Những thành viên cao cấp trong hội đồng ACB lạm dụng vai trò của sở hữu chéo thành nơi làm giàu bất chính và lũng đoạn thay vì dùng nó để sáng tạo những mô hình kinh tế lợi ích cho cả hai bên: doanh nghiệp và ngân hàng như các nước Nhật, Hàn quốc từng áp dụng.

TS Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng viện IDS đưa ra những thí dụ mà những thành viên trong một ngân hàng luồn lách để nắm nhiều cổ phiếu hơn so với quy định của nhà nước:

Tôi nghĩ nếu họ chỉ ra những lỗ hổng như thế thì họ sẽ tìm cách để đưa ra những quy chế để kiểm soát. Thí dụ như số tiền vượt quá bao nhiêu thì phải báo cáo như các nước văn minh. Không thể chuyển khoản những số tiền rất lớn mà nhà chức trách không biết chúng đi đâu thì đấy là một câu hỏi rất lớn về tiền tệ và nhất là trong việc quản lý các giao dịch tài chính.

Một người có tỷ lệ bao nhiêu ở một công ty phải đựơc thông báo. Ở Việt Nam thì mới có chuyện là người ta nhờ anh chị, vợ chồng hay những người có liên quan cũng phải báo cáo thì lúc đó mới có thể giảm bớt đi chuyện như người ta kêu ca vừa rồi. Tôi nghĩ rằng vấn đề cơ bản vẫn ở chỗ hỏng ở pháp luật, và những người ở cơ quan nhà nước mới là người phải chịu trách nhiệm.

Doanh nghiệp: nạn nhân đầu tiên

ban-xang-250.jpg
Một cây xăng ở Hà Nội. RFA photo
Sở hữu chéo hiện nay không những trở thành mối lo cho nhà nước mà nó còn gây ác cảm cho doanh nghiệp và cả cho người dân. Trong các bài phóng sự của báo chí không ít doanh nhân cho rằng họ là nạn nhân của sở hữu chéo vì nó đã cấu kết với nhau thành một khối để áp đặt lãi suất, bóp méo khả năng vay vốn tạo cơ hội đút lót cho ngân hàng để vay được vốn có lãi suất ưu đãi. Sở hữu chéo còn tận dụng quyền lực để dùng nguồn vốn ngân hàng mà họ sở hữu để đầu tư rất lớn vào sân sau chẳng hạn như bất động sản. Trong những năm qua khi giá bất động sản tăng mỗi ngày khiến giá đất tại Việt Nam tương đương tại những đô thị lớn như New York hay Toronto thì hàng trăm ngàn tỷ đồng chạy từ ngân hàng vào các dự án bất động sản của các nhóm lợi ích sở hữu chéo.

TS Vũ Đình Ánh, Chuyên gia Nghiên cứu Thị trường và Giá cả của Bộ tài chánh cho biết nhận xét của ông về hiện tượng này:

Tôi cho rằng sở hữu chéo ở Việt Nam về mặt nguyên tắc thì không có gì đáng ngạc nhiên so với các nước khác bởi vì thật ra Việt Nam cũng đã đoán trước được việc này và đã có quy định rất rõ liên quan đến sở hữu chéo phải phù hợp với những luật của các tổ chức tín dụng kể cả luật ban hành năm 2010. Nhưng vấn đề của Việt Nam liên quan đến các ngân hàng hiện nay tức là sở hữu chéo và các doanh nghiệp sân sau thiếu công khai, minh bạch gần như không kiểm soát nổi. Ai thực sự là chủ ngân hàng và người nào thực sự chi phối một định chế tài chính đến mức độ như thế nào và tiềm lực của người ta đến đâu thì khó mà biết được.

Tuy nhận thức vấn đề nguy hiểm nhưng nếu công an kinh tế làm đúng với chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là bắt giữ tất cả những kẻ mà ông cho là thu tóm ngân hàng thì một sự sụp đổ giây chuyền sẽ xảy ra vì quá nhiều đại gia hiện nay có sở hữu chéo, kể cả các tổng công ty nhà nước. Lạm dụng vị trí và sự ưu đãi của nhà nước nên hầu như tập đoàn nhà nước nào cũng có những đầu tư ngoài ngành mà bất động sản và ngân hàng là hai lĩnh vực phổ biến nhất. Nếu tuyệt đối và cấp thời chấm dứt sở hữu chéo sẽ xảy ra hiệu ứng đổ vỡ hàng loạt trên thị trường chứng khoán vì hầu như tập đoàn nào cũng có tên trên bảng mua bán cổ phiếu hàng ngày.

Ai thực sự là chủ ngân hàng và người nào thực sự chi phối một định chế tài chính đến mức độ như thế nào và tiềm lực của người ta đến đâu thì khó mà biết được.
TS Vũ Đình Ánh

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại, hiện là thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ quốc gia cho biết:

Thật ra sở hữu chéo tại Việt Nam chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là ngân hàng có sở hữu trong các doanh nghiệp, nó vừa là chủ ngân hàng vừa là chủ doanh nghiệp và nó cho phép tài trợ cho doanh nghiệp và do đó có nhiều hậu quả mà thế giới người ta đã lên tiếng phản đối từ lâu. Qua kinh nghiệm các cuộc khủng hoảng 97-99 người ta đã loại bỏ ra rồi và Hàn quốc là một thí dụ. Thứ hai là có sở hữu chéo giữa các ngân hàng, một ông vừa chủ ngân hàng này mà lại vừa có vốn ở một ngân hàng khác như vậy nên sinh ra rất nhiều bất cập trong quản lý ngân hàng. Thậm chí ngân hàng còn vay lẫn nhau và thông đồng tài trợ này kia.

Những lộ trình cần thiết

Ngan-hang-Nha-nươc-250.jpg
Ngân hàng Nhà nước VN. RFA photo
Nhóm sở hữu chéo có khả năng vốn rất mạnh vì nó đang là chủ nhân thật sự của nhiều doanh nghiệp lớn. Quyền lực ngầm của nó không thể xem thường là lý do khiến nhà nước chùn tay khi đụng tới sở hữu chéo. Ông Trương Đình Tuyển cho biết ý kiến của mình:

Anh nói hoàn toàn đúng tức là đối với nền pháp luật còn yếu kém của Việt Nam thì để giải quyết chuyện này không phải là đơn giản, đấy là một thực tế nhưng bây giờ cũng buộc phải làm và cần có nhiều lộ trình xóa bỏ nó chứ không phải dập một cái là được ngay.

Phải từng bước một đặc biệt trong tình hình thị trường chứng khoán đang cón rất là tối tăm hiện nay. Việc đầu tiên là phải công khai minh bạch tất cả các sở hữu chéo rất rõ ràng và chặt chẽ. Trong lộ trình xóa bỏ sở hữu chéo ấy cũng không phải là đơn giản vì ngay bây giờ các ông tập đoàn kinh tế của chúng ta nó cũng có sở hữu chéo, nó cũng đầu tư vào chứng khoán, vào ngân hàng, bất động sản.

Muốn xóa bỏ nó tại thời điểm này thì không đơn giản vì họ bỏ vốn vào thị trường chứng khoán nhưng với tình hình chứng khoán thế này thì nếu bán đi vốn sẽ sụt giảm ngay. Phải có nghiên cứu nếu anh không nghiên cứu có thì khó đề ra một giải pháp đúng được. Nếu để nó tiếp tục thế này thì rất phức tạp cho nên tôi nghĩ có hai bước cơ bản, một là công khai minh bạch cho thật rõ ràng để thấy cái bức tranh thực của nó như thế nào và từ bức tranh ấy mình xem xét lộ trình loại bỏ nó cho phù hợp với thực tế, bảo đảm tổn thất ít nhất và không gây ra biến loạn trong các hoạt động kinh tế.

Phải từng bước một đặc biệt trong tình hình thị trường chứng khoán đang cón rất là tối tăm hiện nay. Việc đầu tiên là phải công khai minh bạch tất cả các sở hữu chéo rất rõ ràng và chặt chẽ.
Ông Trương Đình Tuyển

Kinh tế Việt Nam đang đặt dưới sự theo dõi của nhà đầu tư ngoại quốc vì đối với họ, Việt Nam có biểu hiện quay trở lại cái mốc ban đầu khi tập trung nguồn lực chứng minh đất nước này thật sự muốn đổi mới để hòa nhập với thế giới. Khi ấy nhà đầu tư ngoại quốc chiếm được ưu thế nhân công rẻ, thuế quan ưu đãi và mặt bằng nhà máy được cho thuê với cái giá như cho. Khi nhà máy của họ bắt đầu sản xuất những sản phẩm đầu tiên thì đồng vốn của họ chắc chắn sẽ đựơc thu lại nhanh chóng.

Trong tình hình hiện tại người đầu tư khó thể tin rằng khi bỏ tiền vào Việt Nam thì họ sẽ được lợi thế như cách đây hơn hai chục năm. Từ những sự kiện  vừa trình bày người ta sẽ không ngạc nhiên khi tờ New Week hôm 1 tháng 10 có bài viết "Từ hổ đến mèo: Kinh tế Việt Nam trật đường rày” hay Reuters không ngần ngại giật tít "Việt Nam là gương xấu”. Cả hai tác giả đều tỏ ra rành rẽ từng chi tiết của kinh tế tài chánh Việt Nam hơn là người trong cuộc. Đây là điều mà dân gian Việt Nam thường bảo "trong thì tối mà ngoài thì sáng”.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 552 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0