Trước thềm phiên tòa phúc thẩm xét xử ba cây viết blog thuộc Câu lạc bộ nhà báo Tự do, các luật sư bào chữa đều bày tỏ hy vọng phiên tòa sẽ diễn ra theo đúng trình tự tố tụng để quyền lợi của các bị cáo được đảm bảo.
Phiên tòa phúc thẩm sẽ diễn ra vào thứ Sáu ngày 28/12 tới tại Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong phiên tòa sơ thẩm hôm 24/9, các ông bà Nguyễn Văn Hải, tức Điếu Cày, Tạ Phong Tần, chủ blog Công lý và Sự thật, và Phan Thanh Hải, tức Anh Ba Sài Gòn, đã nhận các mức án lần lượt là 12, 10 và 4 năm tù giam vì tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật hình sự.
Tuy nhiên phiên tòa này đã bị chỉ trích là thiếu công bằng và sai về trình tự tố tụng khi nhiều yêu cầu của luật sư không được đáp ứng trong khi các luật sư và bị cáo đều bị cản trở trong việc bào chữa.
‘Nhiều sai sót tố tụng’
Trao đổi với BBC, ông Nguyễn Thanh Lương, luật sư của bà Tạ Phong Tần, nói rằng việc tòa sơ thẩm kết án thân chủ của ông chiếu theo những điều luật hiện hành là ‘chưa thỏa đáng’.
"Hy vọng phiên phúc thẩm sẽ cởi mở hơn, thoáng hơn,” ông nói, "Luật sư sẽ có cơ hội trình bày để đem hết khả năng của mình giúp cho các bị cáo.”
Ông than phiền về quyền bào chữa của cả bị cáo lẫn luật sư đều không được bảo đảm, các chứng cứ thu thập chưa xác đáng và một số yêu cầu của luật sư về triệu tập giám định viên và triệu tập nhân chứng cũng không được đáp ứng trong phiên tòa sơ thẩm.
Còn luật sư của ông Nguyễn Văn Hải là Hà Huy Sơn cũng bày tỏ hy vọng tương tự.
"Tôi hy vọng phiên tòa sắp tới thực hiện tốt thủ tục tố tụng. Họ sẽ lắng nghe các luật sư và bị cáo tranh tụng với Viện Kiểm sát,” ông nói và cho biết ông ‘rất khó khăn’ thực hiện quyền bào chữa của mình trong phiên sơ thẩm.
"Tòa phải thực hiện phần đối đáp đầy đủ theo luật định chứ không thể cắt bỏ ngang nhiên như trong phiên sơ thẩm,” ông nói.
"Nếu (Tòa) khách quan xem xét trình bày của ông Hải và luật sư thì cũng có khả năng có thay đổi (trong bản án),” ông nói và nhận định cơ hội của các bị cáo là ‘nhiều’ nếu phiên tòa thực hiện đầy đủ trình tự tố tụng.
Về việc các thân nhân bị cáo có được dự phiên tòa hay không, luật sư Lương nhận định rằng khả năng này ‘rất khó khăn thậm chí là không tham gia được’ vì yêu cầu ‘giữ gìn an ninh trật tự’ cũng như ‘yêu cầu chính trị’.
Ông cũng nói rằng ‘về nguyên tắc các thân nhân và quần chúng đều có thể dự khán được’ vì đây là phiên tòa công khai.
‘Không nhận tội’
Mặt khác, cả hai luật sư này đều cho biết các thân chủ của họ vẫn kiên quyết không thừa nhận tội như cáo trạng.
Luật sư Hà Huy Sơn đã được gặp ông Hải hôm 19/12 còn luật sư Nguyễn Thanh Lương cũng đã vào trại giam gặp bà Tần một ngày sau đó.
Do đó, luật sư Lương cho biết ông sẽ bào chữa theo hướng là thân chủ của ông không nhận tội và cũng không xin giảm tội.
"Cô Tần nói cô không làm gì trái pháp luật. Cụ thể cô không chống lại Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo như cáo buộc của cơ quan tố tụng mà chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí theo tinh thần các công ước quốc tế,” ông nói.
Ông cho biết ông sẽ xoáy vào các ‘sai sót’ trong phiên tòa sơ thẩm như ‘những vấn đề chưa được đối chất’, ‘những vấn đề mâu thuẫn’, ‘các kết luận giám định’... để bào chữa cho thân chủ của mình.
Về phần mình, luật sư Sơn nói ông và thân chủ của ông đã thống nhất yêu cầu tòa xuất trình chứng cứ chứng minh những bài viết mà ông Hải bị buộc tội ‘xuất phát từ máy chủ nào’ và ‘lần đầu tiên được đăng tải vào lúc nào’.
"Đại diện Viện kiểm sát phải chứng minh hành vi (của ông Hải) là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng,” ông cho biết và nói thêm rằng thân chủ của ông cũng yêu cầu tòa triệu tập một số nhân chứng được nhắc đến trong cáo trạng để ‘làm rõ bản chất của vụ án’.
Cũng giống như bà Tạ Phong Tần, bị cáo Nguyễn Văn Hải ‘từ trước đến nay đều nói là không có tội’, luật sư Sơn nói, và rằng ông chỉ ‘thể hiện quan điểm suy nghĩ như thế thôi’.
"Ông Hải chuẩn bị tinh thần rất cao,” ông Sơn nói, "Dù sao ông ấy cũng sẽ phản ánh đúng lập trường quan điểm tại tòa rằng mình không có tội và ông ấy cũng sẵn sàng cho sự trả giá cao nhất.”