Thứ Bảy, 2024-11-23, 4:18 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Mười Hai » 22 » Muốn chống tham nhũng Tư pháp phải độc lập
9:15 PM
Muốn chống tham nhũng Tư pháp phải độc lập

Ngô Nhân Dụng

 
Cựu Thủ Tướng Han Myeong-Sook
Ngày Thứ Tư, một tòa án ở Nam Hàn đã ra lệnh bắt giam cựu Thủ Tướng Han Myeong-Sook để truy tố về tội nhận hối lộ 50,000 đô la Mỹ vào năm 2007. Bà Han Myeong-Sook (Hàn Minh Thụ, đọc theo âm Hán Việt), bị tố cáo đã nhận số tiền trên để giúp đưa một người lên làm chủ tịch Công ty Ðiện lực Hàn Quốc. Bà là người phụ nữ đầu tiên làm thủ tướng Hàn Quốc, dưới thời cố Tổng Thống Roh Moo Huyn (Lư Vũ Huyền).

Tổng Thống Lư Vũ Huyền đã đắc cử năm 2003 nhờ đưa mục tiêu chống tham nhũng lên hàng đầu, và ông đã thực hiện những cải tổ nhằm giúp các cơ quan điều tra về hối lộ hoạt động có hiệu quả hơn. Chính vị cựu tổng thống này là đã tự tử vào Tháng Năm vừa qua để chứng tỏ mình trong sạch; sau khi ông được mời hỏi cung về một vụ tham nhũng nhỏ khác liên can tới gia đình của ông. Ông Lư Vũ Huyền công nhận bà vợ ông có nhận một triệu đô la từ một nhà kinh doanh sản xuất giầy, nhưng bà coi đó là một món tiền vay nợ chứ không phải tiền cho không. Ông chọn cái chết để đánh thức dư luận dân Nam Hàn về một tệ nạn chính trị ở xứ ông, là mỗi chính phủ mới lên lại bới móc để tố cáo các quan chức chính quyền cũ về tội tham nhũng. Sau khi ông qua đời, người Ðại Hàn đã khắp nước đã nhiệt liệt bày tỏ lòng kính trọng đối với ông. Nhưng điều đó cũng không ngăn cản được việc chính quyền mới điều tra và chuẩn bị truy tố bà Hàn Minh Thụ. Hiện nay bà đang làm cố vấn cho Ðảng Dân Chủ đối lập với vị tổng thống đương nhiệm, và bà tố cáo việc truy tố bà là một âm mưu bôi nhọ vì chính trị đảng phái.

Ðây là chuyện chính trị bên Hàn Quốc mà chúng ta không biết rõ nội tình để phê phán. Ðiều đáng chú ý đối với người Việt Nam là bộ máy chống tham nhũng ở Ðại Hàn Dân Quốc có hoạt động thật. Những người chống tham nhũng ở đó có thể đã lạm dụng quyền điều tra và truy tố vào mục tiêu chính trị phe đảng. Nhưng nhờ thể chế tự do dân chủ thật sự cho nên không đảng phái nào có thể nắm quyền mãi mãi để che giấu các vụ tham nhũng của phe đảng mình. Mỗi vụ tố cáo tham nhũng đều được điều tra và quyết định sau cùng là của tòa án. Trong ba lần bầu cử trong mười năm vừa qua, ba vị tổng thống đắc cử thuộc các đảng chính trị khác nhau, nhưng hệ thống tư pháp vẫn độc lập với những người nắm quyền hành pháp và lập pháp. Tuy thói quen bới móc những chính quyền tiền nhiệm để bêu xấu về chính trị là điều đáng trách, nhưng chính nhờ "thói xấu” đó mà những người đang cầm quyền sẽ phải lo bảo vệ thanh danh nhiều hơn, không những không được nhận hối lộ mà còn phải tránh đừng để bị hiểu lầm là mình tham nhũng. Việc truy tố một vị cựu thủ tướng về một mối nghi ngờ nhận 50,000 đô la cho thấy dù số tiền hối lộ nhỏ tới đâu pháp luật cũng không thể bỏ qua.

Số tiền hối lộ mà bà Hàn Minh Thụ bị tố cáo, chỉ có 50 ngàn đô la, thật là nhỏ trong đời sống kinh tế Nam Hàn, nơi mà lợi tức bình quân là 18,000 đô la một năm. So với số tiền mà một công ty Nhật Bản đã đưa cho ông Huỳnh Ngọc Sỹ, một viên chức ở Sài Gòn lên tới hơn hai triệu thì bà Hàn Minh Thụ "ăn quá ít.” Mà ở Việt Nam, lợi tức bình quân của người dân chỉ có 1,100 đô la một năm. Nhưng khi guồng máy công lý ở một nước dân chủ tự do chạy, thì số tiền nhỏ hay lớn không quan trọng, quan chức ăn bẩn một đồng cũng bị gọi là tên ăn cắp! Ở Mỹ, báo chí đang "bới móc” việc các nghĩ sĩ đã dùng công quỹ khi đi ra nước ngoài, trong đó ngoài công vụ còn có mục đích du lịch. Những vụ "lạm dụng” này, nếu có thật, cũng chỉ đáng dưới 10,000 đô la! Trong một nước tự do dân chủ báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các hành động lạm quyền, không khác gì các cơ quan tư pháp độc lập.

 
 
Ngày hôm qua, một tin sôi nổi hơn là phán quyết của Tòa án Tối cao Pakistan khiến đương kim Tổng Thống Asif Ali Zardari không còn được miễn chấp về những tội hối lộ mà ông từng bị truy tố rồi đã được vị tổng thống trước tạm xóa bỏ trước đây hai năm. Năm 2007, dưới áp lực của Hoa Kỳ và Anh Quốc, cựu Tổng Thống Pervez Musharraf đã ký một nghị định "ân xá” khoảng 8 ngàn chính trị gia và công chức trong những vụ truy tố về hối lộ, tham nhũng, mang tên là quyết định hòa giải dân tộc. Mục đích của quyết định này là mở đường cho nhiều chính trị gia đối lập đang lưu vong được trở về nước. Ông Zardari đã từng ở tù 11 năm trong lúc bị truy tố mà chưa đem xử; ông và vợ là bà Benazir Bhutto đã được hồi hương để tham dự vào sinh hoạt chính trị. Bà Bhutto đã từng làm thủ tướng Pakistan hai lần, họ phải sống lưu vong vì hai vợ chồng đã bị truy tố nhận hối lộ hàng tỷ đô la, nếu về nước sẽ bị bắt. Sau khi về nước được hai tháng nhờ quyết định ân xá trên, trong lúc đang đi vận động chính trị bà Bhutto đã bị ám sát.

Năm 2008 ông Zardari đắc cử, trở thành tổng thống Pakistan sau khi Tướng Musharraf từ chức. Tuy nhiên, ngay lúc đó phe đối lập đã nộp đơn khiếu kiện tính chất hợp pháp của quyết định ân xá ông Zardari và bà Bhutto. Chính phủ Mỹ trước đây đã hết sức ủng hộ Tướng Musharraf nhưng sau vẫn ủng hộ ông Zardari, vì ông được Quốc Hội bầu lên theo thể thức dân chủ. Hơn nữa, ông Zardari được coi là ủng hộ chính sách chống khủng bố của chính phủ Mỹ khi quân đội Pakistan mở các cuộc tiễu trừ nhóm Taliban ở vùng Bắc xứ này. Ngày hôm qua, Ðô Ðốc Michael Mullen, tham mưu trưởng quân đội Mỹ đang thăm viếng Pakistan để bàn việc gia tăng phối hợp quân sự để chống phe Taliban là tàn quân al Qaeda đang lập chiến khu trong vùng biên giới Pakistan với Afghanistan.

Nhưng hôm Thứ Tư, Chánh thẩm Tòa án Tối Cao, ông Iftikhar Mohammed Chaudhry, cùng tất cả 17 vị Thẩm phán tối cao đã kết luận rằng quyết định năm 2007 của cựu Tổng Thống Musharraf là bất hợp pháp, trở thành vô hiệu ngay lập tức. Tổng Thống Zardari, cùng với nhiều nhà chính trị khác, trong đó có hai vị bộ trưởng Quốc Phòng và Nội Vụ có thể sẽ bị truy tố trở lại về những vụ tham nhũng mà họ bị tố cáo trước khi có quyết định ân xá. Ông Zardari, 54 tuổi, tuyên bố ngay rằng ông tôn trọng quyết định của tòa án. Tuy nhiên theo Hiến Pháp thì trong khi còn đang giữ chức tổng thống ông có thể được miễn ra tòa về những vụ truy tố như vậy.

Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Pakistan được giới luật gia nước này xuống đường hoan nghênh vì tinh thần thượng tôn pháp luật, mặc dù sẽ khiến cho bàn cờ chính trị xứ này thêm rắc rối và chính phủ Mỹ lo ngại việc chống khủng bố sẽ bị sao lãng trong khi ông tổng thống bận lo các vấn đề pháp lý của riêng mình. Tuy nhiên, ông tổng thống đã nhường rất nhiều quyền quyết định cho ông thủ tướng; và chính sách chống khủng bố của Mỹ tùy thuộc vào bộ máy quân sự nhiều hơn là các nhà chính trị.

Chánh Án Tối Cao Iftikhar Mohammed Chaudhry là nhân vật tượng trưng cho cuộc tranh đấu giữ quyền tư pháp độc lập ở Pakistan từ nhiều năm qua. Tuy được cựu Tổng Thống Musharraf bổ nhiệm vào chức vụ này, nhưng ngay từ đầu ông Chaudhry đã tỏ ra có tinh thần độc lập, pháp bất vị thân. Nhiều phán quyết của ông đi ngược lại với quyền lợi của chính quyền quân phiệt nên ông được giới luật gia ngưỡng mộ. Khi Tướng Musharraf cảm thấy Tòa án của Chánh Án Chaudhry có thể sẽ theo đúng hiến pháp phán quyết không cho phép ông ứng cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa, Tướng Musharraf đã cách chức ông chánh án. Vụ này gây phẫn nộ trong dân chúng, các luật sư và thẩm phán trẻ đã xuống đường biểu tình phản đối, họ coi ông Chaudhry là một thần tượng. Những cuộc biểu tình này đã làm 49 người thiệt mạng vì xô xát. Sau đó, Tòa án Tối cao đã họp xử và tuyên bố việc cách chức của ông Musharraf là bất hợp pháp. Ông tướng này đã phải nhượng bộ, tuyên bố sẽ tôn trọng quyết định của tòa án tối cao. Từ khi trở lại chức vụ, ông Chaudhry vẫn giữ óc độc lập, trọng pháp, vượt lên trên chính trị đảng phái, ông trở thành một biểu tượng của tinh thần tự do dân chủ ở Pakistan.

Tháng Tám mới đây, Tòa Án Tối Cao đã yêu cầu Quốc Hội Pakistan biểu quyết hợp pháp hóa quyết định ân xá năm 2007 của cựu Tổng Thống Musharraf, nhưng các phe nhóm trong Quốc Hội không thỏa hiệp được với nhau để biểu quyết. Ðúng kỳ hạn, ông Chaudhry đã họp tòa để xử, mà kết quả là quyết định "Hòa giải Dân tộc” của Tướng Musharraf đã bị xóa bỏ vì bất hợp pháp.

Cuộc đấu tranh chính trị giữa các phe đảng ở Pakistan sẽ còn tiếp tục. Nhiều người đang đòi ông Zardari và các bộ trưởng được ân xá trước đây nay phải từ chức và bị truy tố. Ông Zardari sẽ chịu thêm áp lực và có thể sẽ trao trả nhiều quyền hành cho quốc hội và vị thủ tướng là người khác đảng. Ðó là những quyền mà Tướng Musharraf đã giành về cho chức vụ tổng thống khi ông cầm quyền.

Chúng ta không biết chắc chính trị xứ Pakistan sẽ biến chuyển ra sao trong những ngày sắp tới; nhưng điều đáng chú ý là quốc gia này đang được thúc đẩy để tiến hành công cuộc dân chủ hóa. Lực lượng làm công việc thúc đẩy này bắt đầu từ trong ngành tư pháp, mà đa số là các luật sư.

Biến cố ở Pakistan cũng giống như ở Nam Hàn, cả hai đều dính đến những tội về tham nhũng, hối lộ. Ông Zardari và bà Bhutto đã từng bị tố cáo là tích lũy tài sản 1.5 tỷ Mỹ kim, tuy nhiên chính phủ Pakistan chỉ biết họ có 60 triệu Mỹ kim trong trương mục ở các ngân hàng Thụy sĩ. Tại Thụy Sĩ, một tòa án đã phạt hai ông bà mỗi người 50,000 mỹ kim vì tội rửa tiền, liên can đến số hoa hồng mà hai công ty Thụy sĩ đã trả cho họ. Tòa án Thụy sĩ cũng bắt họ phải hoàn lại 12 triệu cho chính phủ Pakistan mà họ đã nhận từ các công ty này. Quyết định ân xá của ông Musharraf năm 2007 đã tha cho ông Zardari và bà Bhutto về món nợ đó. Nhưng nay, Tòa Án Tối Cao Pakistan cho phép mở lại những hồ sơ tương tự, liên hệ đến hàng ngàn nhà chính trị khác, nhiều người đang nắm quyền! Ðây là một thắng lợi của tinh thần dân chủ, và của công tác chống tham nhũng!

Muốn chống tham nhũng cần phải có một hệ thống tư pháp độc lập. Phải có những cơ quan truyền thông tự do. Việt Nam hiện nay đang thiếu cả hai điều kiện đó. Khi một đảng độc quyền cai trị thì không thể nào chống tham nhũng có hiệu quả được.

Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 712 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Mười Hai 2009  »
SuMoTuWeThFrSa
  12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 6
Khách: 6
Thành Viên: 0