Một cựu đại biểu quốc hội coi chuyện Trung Quốc mời các nước thành viên Ủy ban sông Mekong thăm đập Tiểu Loan xây đầu nguồn chỉ là hành động đối phó với dư luận quốc tế.
Theo Giáo sư-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, việc làm thực chất hơn là Trung Quốc cần chia sẻ số liệu thủy văn của sông Lancang (tên gọi sông Mekong trên lãnh thổ TQ), và chế độ vận hành các đập, để quốc gia hạ nguồn biết cách đối phó với tình trạng "mực nước thấp thất thường, dòng sông phơi đáy" thời gian gần đây.
Các nước hạ nguồn, theo ông Nguyễn Ngọc Trân hiện đang "mù tịt” về chế độ vận hành của bốn con đập dùng nước sông Mekong trên đất Trung Quốc.
Bài viết của Giáo sư-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XI, trên trang tuanvietnam.net ngày 14/3, nhấn mạnh đến nghĩa vụ của Trung Quốc, một quốc gia khai thác nước đầu nguồn sông Mekong.
"Trung Quốc cần cung cấp số liệu thủy văn trên sông Lancang và thông báo chế độ vận hành các đập chứ không phải mời sang tham quan một đập.
"Tình trạng mức nước sông Mekong tại các trạm thủy văn ở Lào, như ở Luang Prabang và Vientiane thấp đi rất nhiều so với trước đây đặt ra tính cấp thiết phải thông báo chế độ vận hành của 4 đập đã được xây dựng và đã đi vào hoạt động,” ông Trân, hiện là nhà nghiên cứu biến đổi khí hậu, viết.
Trung Quốc cần cung cấp số liệu thủy văn trên sông Lancang và thông báo chế độ vận hành các đập chứ không phải mời sang tham quan một đập
Giáo sư-TSKH Nguyễn Ngọc Trân
Và nhà khoa bảng có tiếng tại Việt Nam kêu gọi Trung Quốc nghĩ đến lợi ích của các nước hạ nguồn, trong đó có Việt Nam.
"Vì sông Mekong là một con sông quốc tế, nên mọi dự án trên lãnh thổ một nước thành viên phải được thông báo và bàn bạc trên cơ sở tôn trọng lợi ích, trước tiên là môi trường, của tất cả các quốc gia trong lưu vực, trước mắt và lâu dài.”
Chuyển nước
Theo Giáo sư-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, Trung Quốc có kế hoạch "đồ sộ” chuyển nước sông từ Nam lên Bắc, đưa nhiều chục tỷ khối nước từ sông Trường Giang sang sông Hoàng Hà để đưa về Bắc Kinh và Thiên Tân.
Và rất có thể nước sông Lancang (tên gọi sông Mekong trên lãnh thổ TQ) được dùng trong dự án này. Trong bối cảnh như vậy, theo ông Nguyễn Ngọc Trân, các nước hạ lưu Mekong càng cần thông tin hơn về quốc gia sử dụng nước phần thượng nguồn.
Chuyện bất bình thường đang xảy ra, theo Giáo sư-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, đó là Trung Quốc tìm cách chối bỏ mọi nghĩa vụ của một nước đang khai thác nguồn nước của sông Mekong.
"Trung Quốc chỉ tham gia họp hành nếu bàn về việc chia sẻ quyền lợi,” vị giáo sư cho hay.
Hành động yêu cầu nước thượng nguồn có trách nhiệm hơn khi sử dụng nước sông Mekong, theo Giáo sư-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, chính là bảo vệ quyền lợi quốc gia của Việt Nam.
Ông coi đây là nhiệm vụ "hàng đầu” của Ủy ban quốc gia sông Mekong. Cạnh đó ông Nguyễn Ngọc Trân kêu gọi, nên có thêm điều tra, nghiên cứu, "dùng chúng như là công cụ mạnh để đàm phán, bảo vệ quyền lợi chính đáng của quốc gia.”