Sáng nay (15/10/2010), Toà án nhân dân TP.HCM mở phiên xử đồng chí
Huỳnh Ngọc Sĩ, cựu Giám đốc BQL dự án Đại lộ Đông – Tây. Lý do là đồng
chí này vừa bị truy tố thêm về tội danh "lãng xẹt”: nhận hối lộ trên
260.000 USD từ quan chức PCI Nhật Bản.
Thực ra thì số tiền trên chỉ bằng 1/10 số tiền mà PCI cam kết sẽ
"lại quả” cho đồng chí Sỹ vì thành tích mà đồng chí này đã chấm cho PCI
trúng thầu tư vấn dự án Đại lộ Đông- Tây.
Ở xứ Thiên đường, việc trúng thầu phần lớn phụ thuộc vào tỷ lệ lại
quả là bao nhiêu phần trăm. Chuyện này là "xưa như trái đất”. Trước
đây, công chúng từng được biết đến chuyện đồng chí Dũng (tổng) trong vụ
PMU 18 cũng đã ứng xử theo cách ấy. Đây là "lệ làng” ở xứ thiên đường.
Nếu không có lệ ấy, ngu gì mà bao nhiêu kẻ bỏ tiền ra kiếm ghế trong bộ
máy công quyền. Mỗi chiếc ghế đều được định giá, tuỳ theo cơ hội mà
chiếc ghế đó được tiêu bao nhiêu tiền từ tài chính công.
Thằng bạn Chủ tịch, vừa từ trong bộ máy này bước ra đời sống dân sự,
nói một câu đầy triết lý: Ở đó, "người ta nói dối từ sáng đến tối”.
Sống trong môi trường ấy, chỉ có thể trông vào các khoản phần trăm từ
những nguồn chi tiêu công. Hắn cũng là người đề nghị đưa "Hoa hồng”
thành Quốc hoa của Việt Nam, y như người Hà Lan thờ hoa Tuy líp, Nhật
Bản thờ hoa Anh đào vậy.
Trở lại việc của đồng chí Sỹ, khi biết Nhật Bản sẽ tài trợ vốn ODA
cho dự án Đại lộ Đông – Tây ở Sài gòn, các quan chức PCI quá hiểu xứ
Thiên đường bèn lên kế hoạch chi cho các "sếp” phụ trách để nhận được
các gói thầu tư vấn dự án. Ban lãnh đạo PCI tìm cách tiếp cận đồng chí
Huỳnh Ngọc Sĩ, giám đốc Ban quản lý dự án lúc đó.
Thông qua đ/c Nguyễn Thanh Hoàng, TGĐ công ty Norfolk cũng là chủ
của khách sạn mang tên này, nơi mà các quan chức PCI trú ngụ khi vào
VN. Đồng chí Hoàng là bạn đánh golf với đ/c Huỳnh Ngọc Sĩ. Chủ tịch
cũng đã có lần gặp hai ông này ở sân golf, nhưng không đánh cùng.
Trong một lần gặp nhau tại nhà hàng của khách sạn Norfolk, vấn đề
làm thế nào để được trúng thầu tư vấn thiết kế được nêu lên. Do có mặt
đ/c Hoàng nên đ/c Sĩ đã làm ngơ. Tuy nhiên, ngay sau khi các quan chức
PCI rời nhà hàng, đ/c Sĩ đã điện thoại nhận lời và yêu cầu: "Không được
nói việc này với bất cứ ai. Chúng ta sẽ gặp nhau tại nơi khác”.
Tháng 2/2001, hai bên thống nhất gặp nhau ở một quán karaoke. Tại
đây, đ/c Sĩ đòi phía PCI phải "chung” 20% giá trị hợp đồng. Con số này
cũng là thông lệ mà các nhà thầu VN thường phải "chung” khi muốn trúng
các gói thầu xây dựng hay tư vấn.
Phía PCI cho rằng hơi cao, nên sau nhiều lần kì kèo, đ/c Sĩ bớt còn
10%. Dứt giá, phía PCI đề nghị đ/c Sĩ cung cấp bản tiêu chuẩn đánh giá
chi tiết hồ sơ dự thầu để PCI soạn thảo hồ sơ dựa trên tiêu chí này. Có
như thế, việc trúng mới hợp lý. Đứa nào dẫu có đa nghi hay thóc mách
cũng phải "tâm phục khẩu phục”. PCI còn ra thêm điều kiện: "Mong đ/c
nhanh chóng thanh toán tiền trả trước cho hợp đồng tư vấn thiết kế
này”. Đ/c Sỹ đồng ý.
Để có tiền lại quả mà vẫn có lãi, khi lập hồ sơ dự thầu gói này,
phía PCI đã tính toán đưa đơn giá lương chuyên gia tư vấn nước ngoài ở
mức cao ngất ngưởng. Đ/c Sỹ chả lạ gì chuyện này và vẫn vô tư chấp
thuận, tăng thêm lương chuyên gia nước ngoài lên gần 7 tỷ VN đồng, cắt
hạ lương của chuyên gia trong nước 2,4 tỷ VN đồng so với dự toán được
duyệt.
Sau khi trúng thầu tư vấn thiết kế với giá trị hợp đồng là 9 triệu
USD, theo tính toán của PCI, công ty này sẽ phải đưa tiền hối lộ cho
đ/c Sỹ là 900.000 USD.
Từ phi vụ này, PCI tiếp tục nhờ đ/c Sỹ chỉ định thực hiện gói thầu
tư vấn giám sát mà không phải qua đấu thầu. Tại cuộc gặp gỡ, không để
mất thời gian, phía PCI đã hỏi thẳng đ/c Sỹ: "Bao nhiêu?”. Đồng chí
chốt ngay: "Không đối thủ cạnh tranh, không danh sách ngắn dài, để nhận
được hợp đồng này, 15%”. Lại thêm một cuộc trả giá, đ/c Sỹ bớt còn 12%.
Cuối cùng phía PCI đề nghị lấy giá trung bình là 11%. Đ/c Sỹ ok!
Giá trị hợp đồng này khoảng 15,5 triệu USD và PCI phải "chung” cho
đ/c Sỹ 1,7 triệu USD. Con số này quy thóc có vẻ lớn, nhưng so với các
đồng chí đang quản lý những dự án hàng ngàn tỷ thì chỉ là "chuyện nhỏ
như con thỏ”.
Sau nhiều lần nhận lót tay, tháng 4/2003, đ/c Sỹ gọi điện cho PCI
yêu cầu đưa tiếp 262.000 USD của hai lần làm ăn trên. Lúc này, do quỹ
của Văn phòng PCI tại Sài Gòn không đủ nên PCI Nhật Bản phải chuyển
tiền sang Việt Nam để chung chi cho đ/c Sỹ. Một tháng sau, các quan
chức PCI phải gom góp nhiều nguồn mới đủ số tiền trên và giao cho đ/c
Sỹ ngay phòng làm việc của đ/c tại Ban quản lý dự án.
Ngày 28/5/2003, đích thân ông Sakano Tsuneo (Trưởng Văn phòng đại
diện PCI tại Việt Nam) và ông Takasu Kunio (thành viên HĐQT, nguyên
giám đốc điều hành PCI) vừa từ Nhật Bản bay qua đã mang túi xách đựng
262.000 USD đến Ban QLDA. Trên đường đi, ông Sakano đã gọi điện thông
báo với đ/c Sỹ là đang cùng một người bạn đến. Đến phòng đ/c Sỹ, ông
Sakano gõ cửa và được đ/c cho vào phòng để nói chuyện. Còn ông Takasu
Kunio phải đứng ở ngoài vì đ/c Sỹ cho là "người lạ mặt”.
Một người dày dạn kinh nghiệm như đ/c Sỹ thì chuyện này chỉ là
chuyện đồn thổi, làm sao có chứng cớ. Nhưng, không biết rủi ro thế điếu
nào, việc các quan chức PCI đưa hối lộ cho đ/c Sỹ bị phía Nhật Bản xử
lý về tội "vi phạm luật chống cạnh tranh không lành mạnh” theo luật
pháp nước này. Đây chính là vận đen của đ/c Sỹ. Khi phía Nhật bản thu
thập đủ hồ sơ chứng cứ, và chuyển cho phía VN, các đồng chí của ta cũng
đã hết sức thông cảm nhưng vì "án tại hồ sơ”, chính vì vậy mà đ/c Sỹ bị
rơi vào vòng lao lý.
Thực ra thì ngoài lần "bỏ túi” 262.000 USD trên, đ/c Huỳnh Ngọc Sỹ
còn 6 lần nhận tiền hối lộ của PCI . Tuy nhiên, chứng cứ về các lần
"lót tay” này phía Nhật Bản chưa cung cấp kịp nên cơ chức năng tạm gác
lại.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính VN, năm ngoái, tổng chi ngân sách của
VN xấp xỉ 550.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 140.000 tỷ chi cho đầu tư
phát triển. Tính sơ sơ theo "lệ làng” lại quả khiêm tốn 20% của khoản
chi này thì các đồng chí quản lý nguồn vốn này (hầu hết là chưa bị lộ)
đã có một khoản xấp xỉ 28.000 tỷ đồng, tương đương với 1,4 tỷ USD.
Vậy mà đ/c Sỹ chỉ vì nhận 262.000 USD, chỉ vì bị lộ mà có nguy cơ
phải đối mặt với án tử hình. Rõ ràng, đây là một nỗi oan mang tên
"Huỳnh Ngọc Sỹ”. Chúng ta bày tỏ lòng thông cảm sâu sắc với nỗi oan ấy.
Phan Thế Hải