Ngô Nhân Dụng
Ở một nước bình thường, trong một nền kinh tế thị trường thật sự, một
cơ sở kinh doanh như Tập đoàn Vinashin sẽ phải tuyên bố phá sản, đem tổ
chức lại theo pháp luật, hoặc cho chết luôn. Vinashin có số công nhân
60,000 người, con số lớn nhưng không thể so sánh với những đại công ty
như General Motors với 243,000 nhân viên hay nhóm cửa hàng bán lẻ Kmart
với 244,000 nhân viên. Cả hai công ty Mỹ đó đã được tuyên bố phá sản.
Những công ty lớn như Enron với tổng cộng tài sản 62 tỷ Mỹ kim,
WorldCom trị giá 107 tỷ Mỹ kim, đã được xóa sổ không thương tiếc, các
quản đốc bị đưa ra tòa xử tù.
"Con dê tế thần" Phạm Thanh Bình
Vinashin chỉ trị giá 90,000 tỷ đồng Việt Nam, tương đương 4.7 tỷ đô la
Mỹ. Nhưng tổng số nợ đã lên tới 80,000 tỷ đồng, bằng 4.2 tỷ Mỹ kim, mà
trước mắt là gần 4,000 tỷ đồng nợ quá hạn không trả được; bằng 91% tổng
số nợ quá hạn của cả 7 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trước mối nguy
khánh kiệt, giữa Tháng Bảy đảng Cộng Sản Việt Nam đã phải "thanh toán”
Vinashin bằng cách xé lẻ, trao một số "công ty con” cho các tập đoàn
khác gánh nợ. Gánh "nợ” thật, bởi vì các "chủ nhân mới,” cũng là những
tập đoàn của đảng và nhà nước, sẽ phải lo trả nợ cho các đứa con nuôi
này - trong khi chính họ cũng nợ đùm đìa. Ðó là một cách đánh bùn sang
ao, xí xóa vết tích và trách nhiệm trong sự thất bại, từ trên xuống
dưới.
Trong khi đó, đảng Cộng Sản sử dụng guồng máy tuyên truyền của họ trút
hết tội lỗi lên đầu một nhóm, tiêu biểu là Phạm Thanh Bình, người đứng
đầu cả đảng ủy và ban quản đốc. Tất cả các báo, đài trong nước bị bắt
buộc đồng lõa với chiến dịch tuyên truyền trút tội này. Vì họ không
được phép điều tra, không thể tìm tòi tin tức nào khác, ngoài những gì
mà bộ máy tuyên truyền của đảng tiết lộ. Trong tương lai, Phạm Thanh
Bình sẽ đưa đầu chịu tội thay cho đảng, và có thể vài người trong gia
đình ông ta. Sau mấy năm tù, sẽ trở về như các đảng viên kinh tài khác.
Sau khi đổ tội cho Phạm Thanh Bình, đảng Cộng Sản hy vọng người dân sẽ
quên trách nhiệm của toàn thể Bộ Chính Trị, trung ương đảng và tất cả
những người đang ăn trên ngồi chốc trong chính phủ và Quốc Hội! Nhưng
làm sao một cá nhân như Phạm Thanh Bình, 57 tuổi, có khả năng đi vay
hơn 4 tỷ đô la trong vòng hơn ba năm, từ khi Vinashin được thành lập
cho tới năm nay? Phạm Thanh Bình là người của đảng, được đảng chọn, đưa
ra cai quản, sử dụng gần 5 tỷ đô la tài sản. Tiền nợ hơn 4 tỷ sẽ do
công quỹ cả nước Việt Nam phải trả, làm sao một cá nhân như Phạm Thanh
Bình có thể đè cổ 85 triệu người dân bắt gánh lấy thứ của nợ đó?
Cho nên phải công khai vạch rõ trách nhiệm của nhóm lãnh đạo đảng Cộng
Sản Việt Nam về vụ phá sản này. Các nhà quan sát độc lập, như các ông
Hà Trí Anh, Nguyễn Quang A trên mạng lưới Bauxite, ông Nguyễn Sỹ Phương
ở Ðức hay ông Lê Diễn Ðức ở Ba Lan, đều kết luận rằng đầu mối của cuộc
khủng hoảng Vianshin là do phương thức và mô hình quản trị kinh tế của
đảng Cộng Sản. Ðảng còn cai trị dân theo đường lối cố hữu của họ, thì
đất nước sẽ đi vào khủng hoảng liên tiếp, không khác gì vụ tập đoàn
Vinashin.
Lầm lẫn lớn nhất của đảng Cộng Sản là họ vẫn theo "chủ thuyết kinh tế
Ðỗ Mười,” lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo. Khẩu hiệu này được ông ta
nêu ra trong một bài viết trước Ðại hội 9, cho tới nay vẫn là kim chỉ
nam của đảng. Ông ta còn nhấn mạnh tấm gương Liên Xô đã thành công
trong quá trình công nghiệp hóa, để chứng tỏ kinh tế xã hội chủ nghĩa
cũng có hiệu quả, còn xài được.
Phan Văn Khải, rồi Nguyễn Tấn Dũng đã thi hành chủ trương đó. Họ không
dám theo kiểu Liên Xô thời 1930-40, mà muốn bắt chước Ðại Hàn Dân Quốc
trong những thập niên 1960-70. Những tổng công ty, rồi đến các tập đoàn
được đảng Cộng Sản lập ra, cho giống những "chaebol” kiểu Hyundai,
Samsung, Deawoo, LG, Posco ở Hàn Quốc. Ngay sau vụ Vinashin, có nhà trí
thức trong nước đã đặt câu hỏi: "Tại sao Hàn Quốc lại thành công lớn
như vậy trong việc ‘sinh thành dưỡng dục’ những tập đoàn kinh tế của
họ, còn chúng ta lại không thành công?”
Có phải vì quan chức Việt Nam ai cũng ngu dốt, tham lam, gian trá hơn
người Cao Ly hay không? Chắc không hoàn toàn như vậy, tuy có đúng một
phần. Tổng Thống Phác Chánh Hi (Park Chung-hee) nắm quyền từ năm 1961
là một người trong sạch, sống khắc khổ, tận tụy hy sinh, suốt đời chỉ
với mục đích xây dựng đất nước ngăn chặn làn sóng Cộng Sản. Với người
lãnh đạo như vậy, những người được ông mời cộng tác cũng hết lòng vì
công việc phát triển đất nước. Sau khi ông bị ám sát năm 1979, đến nay
người dân Hàn Quốc dần dần mới bày tỏ lòng biết ơn đối với cá nhân ông,
mặc dù vẫn trách ông quá độc tài.
Khi ông Park Chung-hee mời ông Chung Ju-yung phát triển công ty Hyundai
thành một công ty đóng tàu thủy vào năm 1962, ông Chung Ju-yung phải
chinh phục các ngân hàng quốc tế về khả năng đóng tàu của người Cao Ly
để vay tiền; phải đi tuyển dụng người có khả năng; phải lo nhập cảng
các kỹ thuật mà nước ông chưa biết; rồi tìm cách "bán hàng.” Một số
ngân hàng Anh Quốc đã cho vay; năm nước Âu Châu chịu cung cấp máy móc
thiết bị, và một công ty hàng hải Hy Lạp đặt mua 3 chiếc tàu thủy đầu
tiên, vì giá hạ so với tàu Nhật Bản. Sau ba năm, Hyundai đã làm song
chiếc tàu thủy đầu tiên, chứng tỏ được khả năng kỹ thuật không thua
Nhật Bản. Ðể đào tạo nhân lực, chính phủ Nam Hàn khuyến khích sinh viên
học ngành này, mỗi năm có 600 sinh viên vào học kỹ thuật hàng hải và
đóng tàu. Tiếp theo đó, Phác Chánh Hy mời một doanh nhân khác, Park
Tae-joon thành lập một công ty luyện thép, năm 1968 công ty POSCO ra
đời. Park Tae-joon và 39 người cộng sự thề không để phí phạm một đồng
nào của dân Hàn Quốc. Họ sống trong những căn nhà lụp xụp trên bãi cát
như tất cả các công nhân khác; đêm ngủ cuốn trong chăn, bát cơm ăn cũng
đầy những cát vì không mua thứ gạo đắt tiền. Năm năm sau, POSCO sản
xuất hơn một triệu tấn thép một năm. Năm 2006, số thương vụ lên tới
trên 10 tỷ đô la Mỹ, với 124,000 nhân viên.
Người Hàn Quốc quả nhiên là giỏi thật. Nhưng cũng không thể coi mọi
người Việt Nam là thua kém. Nếu các tổng công ty và tập đoàn của nước
ta thất bại, phần lớn là vì họ không được cơ hội làm đúng sức, phải nằm
trong một cơ chế phản thị trường, quen dùng chính trị lấn áp kinh tế.
Và nhất là họ không thấy những tấm gương hy sinh vì quyền lợi dân tộc
như Park Chung-hee, Park Tae-joon. Ngay trong các tổng công ty, các tập
đoàn đang hoạt động hiện nay, chắc cũng có những người có tài, biết
công việc, có những người muốn tận tụy vì công ích. Cái hỏng là do cơ
chế Cộng Sản. Nằm trong cơ chế đó, người tốt, người giỏi cũng không làm
gì được.
Lý do đầu tiên ai cũng thấy là các chaebol của Nam Hàn làm ăn dựa trên
căn bản tư nhân, trong khi các tổng công ty, các tập đoàn ở Việt Nam
thuộc quyền đảng Cộng Sản, làm ăn theo chủ thuyết Ðỗ Mười, các quyết
định được đánh giá theo tiêu chuẩn chính trị, phe phái, chứ không phải
là lợi nhuận. Mỗi phe nhóm lên nắm quyền trong đảng Cộng Sản sẽ đưa các
người của phe mình vào điều khiển các doanh nghiệp của nhà nước. Những
người này không biết bao giờ phe mình sẽ bị xuống, tự nhiên, họ phải
kiếm chác gấp. Thì bày ra càng nhiều dự án càng tốt và càng thu lợi cho
cá nhân nhiều hơn. Ông Phạm Thanh Bình giữ ba chức, bí thư đảng ủy, chủ
tịch và tổng giám đốc; rồi bổ nhiệm con trai và em ruột làm nhiều chức
vụ quan trọng. Trong ba năm, tập đoàn Vinashin đẻ ra đến 200 công ty và
tổng công ty tùy thuộc. Mỗi một công ty con đó là một cơ hội để gia
tăng quyền hành và kiếm thêm tiền cho chính mình.
Sau khi đưa các quan chức quản lý bất tài ra nắm các tập đoàn và công
ty, nhóm lãnh đạo đảng lại thúc đẩy đám đàn em này "phát triển nhanh,
phát triển mạnh,” bất chấp ý kiến ngược lại của các chuyên gia kinh tế.
Trước khi bỏ vốn đầu tư, ai cũng phải nghiên cứu đủ mọi mặt. Vinashin
đã bỏ gần trăm triệu Mỹ kim để mua một chiếc tàu về, sơn lại coi như
của mình, chạy được một năm thì bị bỏ nằm trong bến vì đáy tàu bị nứt
từ trước khi mua mà không biết! Họ chưa đóng được chiếc tàu nào của
mình thì đã đẻ ra 200 công ty con, tổ chức khách sạn, mua bán chứng
khoán, để làm gì?
Các công ty lớn, chaebol ở Nam Hàn đến năm 1998, khi gặp cơn khủng
hoảng kinh tế, đã chứng tỏ là cơ cấu làm ăn của họ không thực sự ích
lợi; từ đó họ đều phải giải tư bớt nhiều công ty con, chú trọng đến
công việc kinh doanh chính. Nhưng đảng Cộng Sản Việt Nam không biết rút
lấy bài học đó, vẫn cho các tập đoàn phát triển ra bốn phía, mười
phương, không cần nghiên cứu, suy xét gì cả. Cho nên công ty dầu khí
PetroVietnam đã chuyển sang làm cả ngành ngân hàng và du lịch, công ty
Ðiện Lực Việt Nam thì đầu tư vào bưu chính viễn thông, vân vân.
Vinashin đã bước vào mấy chục lĩnh vực đầu tư từ xuất nhập cảng, khu
nghỉ mát, mua bán chứng khoán, đến sản xuất bia. Ðọc bản danh sách 200
công ty con của Vinashin người ta có cảm tưởng chỉ những người điên mới
trong ba năm trời mà đi lập bấy nhiêu công ty mới ra, để chơi vui!
Vinashin không phải là tập đoàn duy nhất được điều khiển bấp chấp quy
luật kinh tế. Ðảng Cộng Sản đã lập những tập đoàn kinh tế trong những
ngành Than - Khoáng sản, Ðiện lực, Cao su, Dầu khí, Xăng dầu, Ðường
sắt, Hàng hải, Hàng không, Xi măng, Mía đường, Thép. Tài nguyên đất
nước, do tổ tiên để lại hoặc do các nông dân, người lao động chân tay
và trí óc tạo ra, có khoảng 60-70% nguồn lực của nước ta hiện nằm trong
tay các doanh nghiệp nhà nước, mà nhóm lãnh đạo đảng Cộng Sản dùng làm
chỗ dung túng các cán bộ trong phe cánh của họ. Những nguồn vốn của nhà
nước được cung cấp cho những tập đoàn này, hoặc do các ngân hàng nhà
nước cho họ vay với điều kiện ưu đãi thuận lợi nhất. Doanh nghiệp tư
nhân đóng nhiều nhất vào việc phát triển sản xuất cũng như trong việc
sử dụng người để giảm bớt nạn thất nghiệp, nhưng đã bị đẩy ra ngoài
vòng để các xí nghiệp của đảng được ưu tiên sử dụng tài nguyên. Ðó là
căn bản chính sách kinh tế của đảng Cộng Sản. Những tập đoàn và tổng
công ty đóng vai độc quyền trong nhiều lãnh vực, khiến tư nhân muốn
bước vào cũng không thể chen chân được. Mà ai cũng biết tư nhân làm
kinh doanh có hiệu quả gấp trăm lần nhà nước. Ngay trong lãnh vực sản
xuất điện, tập đoàn EVN của nhà nước chỉ chiếm dưới 70% số điện sản
xuất nhưng vẫn chiếm độc quyền mua điện của các công ty nhỏ khác, và
độc quyền phân phối điện cho người tiêu thụ. Khi một công ty chiếm độc
quyền, hiệu quả đã thấp vì thiếu cạnh tranh, công ty đó lại là cha
chung không ai khóc nữa, thì làm sao khá được?
Mặt khác, khi tài nguyên quốc gia được đem dùng vào những doanh vụ
không có lợi và còn bị ăn cắp, lãng phí, thì tất nhiên nhiều hoạt động
khác của quốc gia sẽ thiếu tiền. Có nhà kinh tế đã phân tích thấy số nợ
80,000 tỷ đồng Việt Nam của Vinashin lớn gấp bốn lần tổng số vốn dùng
để kích thích kinh tế trong đợt suy thoái năm qua. Con số đó cũng lớn
gấp 2 tới 3 lần tổng số vốn đầu tư cho chương trình xóa đói giảm nghèo
trong cả nước.
Vụ Vinashin cho thấy chủ trương và chính sách kinh tế của cả đảng Cộng
Sản là sai lầm từ lý thuyết đến thực hành. Họ vẫn còn bám lấy "chủ
thuyết Ðỗ Mười,” bảo vệ khu vực quốc doanh chỉ vì cần dùng tài nguyên
quốc gia nuôi các lãnh tụ lớn, nhỏ. Suốt 20 năm qua, đảng Cộng Sản Việt
Nam không chịu đổi mới toàn diện như các nước Cộng Sản cũ Tiệp, Hung,
Ba Lan, cho nên đã làm phí thời gian 20 năm của cả dân tộc đang cần
chạy nhanh theo chân các nước lân bang. Ðảng Cộng Sản không thể tiếp
tục đem cả tương lai dân tộc làm thí nghiệm trong 20, 30 năm năm nữa!
Năm 2001, sau vụ Eron, Quốc Hội Mỹ đã mở nhiều cuộc điều tra; các nhà
kinh tế, báo chí cả nước Mỹ đua nhau tìm các thông tin, tìm hiểu và
giải thích lý do; bao nhiêu bộ óc cùng suy nghĩ xem trong hệ thống luật
lệ về kế toán, về kiểm tra, điều lệ các công ty có gì trục trặc hay
không mà để đến nỗi có những hành vi gian trá lọt con mắt kiểm tra lâu
như vậy. Sau đó, Quốc Hội đã làm ra những đạo luật mới để phòng ngừa
cho tương lai. Nhưng ở Việt Nam thì khác. Các báo, các đài không ai
được phép đi tìm tin tức hay thảo luận trên trang giấy về vụ Vinashin.
Các chuyên gia có được nhà báo ngoại quốc hỏi cũng chỉ nêu lên những
khuyết điểm trong lề lối quản trị chứ không ai dám nói thẳng chính đảng
Cộng Sản là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng Vinashin.
Việc che giấu, ém nhẹm tin tức và cấm đoán thảo luận về vụ Vinashin này
cũng không khác gì chuyện ông Tô Huy Rứa ra lệnh các báo đài không được
điều tra, loan tin về vụ tập đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh Hà Giang dụ dỗ,
ép các nữ sinh vị thành niên phục vụ tình dục các quan chức. Tô Huy Rứa
coi hành động dâm ô của mấy cán bộ đảng cũng lớn lao quan trọng không
kém những bí mật quốc gia! Báo Le Monde bên Pháp nhận xét ông Rứa có
rất nhiều triển vọng sang năm sẽ lên thay Nông Ðức Mạnh làm tổng bí thư
đảng Cộng Sản. Nếu chuyện đó thành sự thật thì, kể từ thế kỷ thứ nhất,
từ năm 39 đến giờ, một người họ Tô mới lại cầm vận mệnh dân Việt ta.
http://www.nguoi-viet.com/
|