Ngô Văn
Cô dâu Thạch Thị Hồng Ngọc và chồng trong ngày cưới
Vụ cô Thạch Thị Hồng Ngọc (20 tuổi) bị người chồng Hàn quốc 47 tuổi mắc
bệnh tâm thần đâm chết một cách thảm thương tại Pusan vào ngày
08/07/2010 không chỉ đánh động lương tâm người dân Hàn quốc mà còn làm
xao động dư luận các nước trong vùng. Báo chí và truyền hình Nhật đã
liên tục đưa tin về vụ này để nói về các thảm trạng của những cuộc hôn
nhân gượng ép. Theo các điều tra và thú nhận của thủ phạm thì bệnh
trạng tâm thần của đương sự đã được giấu kín trong suốt giai đoạn "kiếm
vợ”. Ngày 26 tháng 7, Tổng thống Lý Minh Bác đã lên đài truyền hình
quốc gia gởi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình nạn nhân
và hứa sẽ đặc biệt quan tâm để ngăn chận những trường hợp tương tự như
thế trong tương lai. Cụ thể là chỉ thị cho ban ngành chính phủ đi điều
tra kỹ các trung tâm môi giới lấy vợ nước ngoài ở Hàn quốc, xét thật kỹ
càng trước khi cấp chiếu khán nhập cảnh, và buộc các trung tâm môi giới
phải cho biết hồ sơ bệnh trạng của cả 2 phía.
Nghị sĩ Han Sun Kyo (đứng) thay mặt người dân Hàn Quốc xin lỗi
cha mẹ cô Thạch Thị Hoàng Ngọc (bên phải). Ảnh: NLĐ
Trong khi đó từ phía nhà nước VN, người ta không thấy quan chức nào lên
tiếng về chuyện này, ngoại trừ một vài câu của ông Nguyễn Tấn Dũng nói
với Bộ trưởng Ngoại giao Hàn quốc tại Hà Nội vào ngày 23 tháng 7 nhân
dịp hội nghị ASEAN mở rộng. Ông yêu cầu chính phủ Hàn quốc không được
để tái diễn những trường hợp tương tự trong tương lai. Và thế là hết.
Ông không có chỉ thị nào thêm cho các cơ quan Việt Nam.
Báo đài lề phải trên toàn quốc cũng có đưa tin về vụ này, nhưng chủ yếu
là trình bày sự kiện chứ không đào sâu vào nguyên nhân. Họ cho đăng một
bản tin nói về việc một hội Cựu chiến binh Hàn quốc đến chia buồn và ủy
lạo 15 ngàn mỹ kim cho gia đình nạn nhân ở Cần Thơ. Bên cạnh đó, lại
đưa tin khá lớn về chuyện 8 cô dâu Việt Nam tại Hàn quốc đưa gia đình
về thăm quê ngoại với sự hỗ trợ tài chánh của công ty ôtô GM Daewoo
Vidamco. Đọc loạt báo này, người đọc hẳn nhiên có ấn tượng là rất nhiều
cô dâu Việt Nam sống hạnh phúc bên người chồng Hàn quốc, và vụ cô dâu
Thạch Thị Hồng Ngọc chỉ là trường hợp cá biệt. Cả làng báo lề phải
không dám đi ngược lại chính sách xuất cảng cô dâu hiện nay của Nhà
nước. Một chính sách vẫn đang cho phép các công ty môi giới tiếp tục
cách sắp hàng vài chục thiếu nữ Việt lõa lồ để từng gã đàn ông nước
ngoài "chọn vợ”. Phẩm giá và số phận của những "người vợ” này đã được
định đoạt ngay tại kiểu cách mua bán nô lệ thời Trung Cổ này.
Băng rôn quảng cáo lệ phí giới thiệu cô dâu Việt với giá 790000 Won,
tương đương 680 Mỹ kim tại Nam Hàn
Chính vì thế mà những câu chuyện khốn khổ của phụ nữ Việt trên đất Hàn
đã nhiều đến độ đài truyền hình biến nó thành cả truyện kịch nhiều tập.
Trước cô dâu Ngọc, đã có nhiều trường hợp cô dâu Việt Nam khác bị chồng
Hàn quốc đánh cho đến chết. Tháng 6 năm 2007, cô dâu Huỳnh Mai (20
tuổi) bị chồng đánh gảy 18 cái xương sườn, chết ngay tại nhà mà chẳng
ai biết. Tám ngày sau thi thể bốc mùi nên hàng xóm báo cho cảnh sát ập
vào khám xét mới phát hiện ra thi thể của cô Mai. Dư luận Hàn quốc chấn
động lớn vào lúc đó. Ông Kim, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ người nước
ngoài ở Hàn quốc nói rằng nếu cô Mai biết được văn phòng chúng tôi mà
đến nhờ giúp đỡ thì sự việc chắc chắn sẽ khác.
Hương án tưởng niệm Huỳnh Mai, một cô dâu Việt bị người chồng Hàn Quốc sát hại năm 2008.
Ảnh: Anh Vân
Trước khi bị đánh chết, cô dâu Huỳnh Mai đã để lại 5 lá thư viết bằng
tiếng Việt kể về những ngày buồn khổ khi sang Hàn quốc làm dâu. Trung
tâm Bảo vệ người nước ngoài tại Hàn quốc đã cho dịch 5 lá thư này ra
tiếng Hàn rồi đăng trên website để chỉ rõ những việc làm vô trách nhiệm
của các công ty môi giới lấy vợ người nước ngoài và gióng lên một tiếng
chuông cảnh tỉnh cho những ai có ý định lấy chồng Hàn quốc qua công ty
môi giới. Trong tất cả 5 lá thư, cô Mai đều hứa với lòng mình là cố
gắng hết sức làm tất cả mọi chuyện có thể làm được để trở thành người
vợ hiền, mẹ tốt, một gia đình hạnh phúc, vậy mà chẳng hiểu tại sao hở
một tí là bị chồng đánh đập thẳng tay. Bị đánh quá đến nổi cô Mai viết
trong thư rằng nếu mà cho tôi được trở về nước thì tôi sẵn sàng tha thứ
hết mọi chuyện.
Bích chương quảng cáo giới thiệu cô dâu Việt ở Đài Loan:
Bảo đảm còn trinh, cưới trong vòng 3 tháng, không có phụ chi, không bỏ chồng trong vòng 12 tháng,
tất cả chỉ có 200 ngàn NTD (6300 Mỹ kim)
Cũng theo Trung tâm này thì hiện nay Việt Nam là nước có số cô dâu tại
Hàn Quốc đông nhất, lên đến trên 32 ngàn người. Chỉ trong năm ngoái, đã
có khoảng 14 ngàn lần các cô dâu Việt Nam liên lạc với Trung tâm để nhờ
giúp đỡ giải quyết chuyện bạo lực gia đình. Con số này đã tăng gấp 40
lần so với ba năm về trước. Giám Đốc Kim cho biết: "Trung tâm chúng tôi
cũng đã liên lạc với đại sứ quán Việt Nam để đề nghị hiệp lực giải
quyết, nhưng chỉ được đáp ứng bằng lời hứa chứ hành động thì không”.
Sau khi xảy ra vụ cô dâu Thạch Thị Hồng Ngọc bị chồng giết chết, báo
chí Hàn quốc đã điện thoại đến phỏng vấn ông Trần Trọng Toàn, Đại sứ Hà
Nội tại Seoul, nhưng lần nào cũng được trả lời là đi vắng hay đang bận
công vụ. Cho đến nay, chưa có tờ báo nào phỏng vấn được ông.
Cũng cần nói thêm, tình trạng các cô dâu Đài Loan cũng chẳng sáng sủa
gì hơn tại Hàn Quốc. Tuy nhiên các nạn nhân tại đây được sự trợ giúp
tận tình của một văn phòng do các linh mục công giáo gốc Việt, giáo hội
công giáo Đài Loan, và một số tổ chức phi chính phủ (NGO) sáng lập.
Trở lại sự việc tại Hàn Quốc, đáp ứng nguyện vọng của công chúng, Tổng
thống Lý Minh Bác đã bắt tay vào việc điều tra kỹ để nghiêm phạt những
trung tâm môi giới hôn nhân quốc tế nào đang vi phạm các quy định của
chính phủ. Trong khi tại Việt Nam các công ty môi giới này hầu hết trực
thuộc các cơ quan nhà nước và do cán bộ hay gia đình của họ đứng ra
điều hành. Do đó, ít có hy vọng sẽ có gì thay đổi. Sau cái chết thảm
thương của cô Thái Thị Hồng Ngọc thì hoạt động môi giới lấy chồng Hàn
quốc có khựng lại đôi chút, nhưng nay đã hoạt động trở lại bên cạnh
chiến dịch gia tăng tiếp thị, tạo ấn tượng của báo chí lề phải như đã
nêu trên.
Đây là một lãnh vực mà Làng Báo Lề Trái có thể đóng góp hữu hiệu qua
việc quảng bá sự thật và nối kết các nỗ lực giúp đỡ nhau, để góp phần
giảm bớt số nạn nhân Việt trên đất người, và quan trọng hơn nữa, để bảo
vệ phẩm giá của người phụ nữ Việt Nam và bảo vệ danh dự của Dân Tộc.
http://viettan.org
|