Thứ Bảy, 2024-12-21, 8:58 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Ba » 14 » Người nghèo và ''kiểm định''
5:59 PM
Người nghèo và ''kiểm định''
Pleiku ngày 14.3.2010

Chị L. thân mến.

Thế là đoàn quân kiểm định do ông Bí thư thành ủy Đà Nẵng lại kéo về làng Cồn Dầu. Có lẻ chuyện đã đến lúc phải làm càn rồi đó chị. Người ta bảo rằng: "Ổng đã lỡ bán đất cho chủ đầu tư rồi nên nay đến hạn giao đất, bất cứ giá nào cũng phải lấy cho bằng được.” Tôi cam đoan chị ở bên đó chưa hiểu hết ý của từ "kiểm định” đâu. Đó là tiếng nghe bùi tai, vô thưởng vô phạt nhưng thực chất "cho kiểm định” là đồng ý nhận một số tiền đền bồi tượng trưng rồi giao tất cả nhà cửa đất đai, gia tài tổ tiên cho cán bộ tùy ý định liệu.

Dân chúng đóng cửa nhà chạy trốn ngay từ sáng sớm, diễn lại cảnh vườn hoang nhà trống trong chiến tranh, bà con trong làng người chạy trốn cán bộ kiểm định như chạy giặc, trốn bom đạn. Nhà nào có khả năng thì làm cổng sắt, chốt khóa cẩn thận, còn nhà nào không có thì bó gai tre hay lùm cây đặt ngay cổng để cản ngay lối vào nhà.

Ông bà già Đến không di tản được, đóng cửa ở nhà. Một cán bộ đạp cửa vô nhà, tự tiện đo đạc, ông cản ngăn, cán bộ quật ông ngã xuống. Ông cụ ngất xỉu, bà cụ la làng, toán kiểm định chạy sang nhà khác lập biên bản: kết tội ngăn trở việc kiểm định. (Trước đó, trong một lần họp dân, có người hỏi: "Không kiểm định có lỗi luật không?” ông Bí thư đã trả lời: "Không lỗi luật”).

Mợ tôi bình thường ai làm chi mặc ai, mợ ít bàn tán nghị sự, nhất là chuyện chính trị, xã hội. Ấy vậy mà khi gặp tôi mợ đã buộc miệng nói: "Mợ đã sống trên tám mươi tuổi đời, chưa từng thấy cái chính quyền nào như thế này.” Tôi nghĩ mợ tôi không có ý nói phản động ở đây mà chỉ có ý nói về phương diện đạo đức.

Tôi còn nhớ ông ngoại tôi hồi còn nhỏ đi chơi với chúng bạn ăn cắp hai trái dưa leo của ai đó bên xóm Cồn Dầu. Chỉ có vậy mà bảy tám mươi năm sau trước khi chết, ông tôi một mực xin mời cha tới để xưng cho được cái tội này rồi mới xuôi tay nhắm mắt! Với những con người mà lương tâm về đức công bằng đại loại như thế thì họ làm sao hiểu được, chấp nhận được chuyện hai bên chưa giải quyết được bài toán bồi hoàn cho ổn thỏa mà một bên đã xua quân đến bắt ép bên này phải giao đất giao nhà.

Suốt tuần lễ hành quân, không kiểm định thêm được nhà nào. Lần trước một ông cán bộ xã huyện tới xin cha xứ kêu gọi giáo dân đồng ý cho kiểm định trong bài giảng lễ. Lần này thì chính cấp lãnh đạo Đảng cao nhất của thành phố này đến yêu cầu, rồi thậm chí bắt ép cha xứ động viên giáo dân. Rõ ràng ông Bí thư đang huy động thêm sức mạnh để đập vào khối dân lành đang đồng tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Nhưng chuyện nhà cửa đất đai của giáo dân, cha xứ lấy quyền gì mà bảo họ sang, bán, chuyển nhượng cho người khác! Ở đây làm sao không đặt ra những chữ ‘nếu’ chết người. Nếu như đây là cái án ‘tân phân tháp’ đặt lên một giáo xứ bé nhỏ mà kỳ cựu, ….? Nếu đàng sau tấm bản họa đồ qui hoạch trưng bên sông kia là những thủ đoạn mờ ám đút lót, chạy chọt, ăn chia chén cơm manh áo của người nghèo …? Và ai biết rồi số phận họ sẽ ra sao sau khi ký giấy giao nhà giao đất.

Ở thành phố ngoài đó hàng ngàn hộ đang đợi cấp đất tái định cư, bao nhiêu khu tái định cư đẹp như tranh vẽ trên giấy còn trong thực tế là những đầm lầy, hốc ruộng, không biết bao giờ mới ra được nơi ở xứng đáng! Trước sau, linh mục là người của Thiên Chúa, người của Giáo Hội, chứ đâu phải là kẻ ‘làm cò’ cho dự án sinh thái của các nhà đầu tư.

Là người của Chúa, của Giáo Hội, linh mục giảng Lời của Chúa và trình bày giáo huấn của Hội Thánh sao cho trung thực, đầy đủ cho giáo dân. Bằng ấy đã quá đủ. Về dự án sinh thái, nếu có nói được điều gì thì trong chức năng của mình, người của Chúa, của Giáo Hội cũng chỉ nói được mấy chữ ‘công bằng xã hội,’ ‘yêu thương người nghèo.’ Nếu họ có cổ võ cho ‘công ích’ thì phải là thứ ‘công ích’ tôn trọng ‘công bằng xã hội’ và ‘phẫm giá con người.’

Người của Chúa, của Giáo Hội nếu phải chọn lựa một chỗ đứng cho mình thì đó là một chỗ ở giữa Dân Chúa, giữa những người nghèo, những người bị áp bức bóc lột để bênh vực họ như Chúa Giêsu ngày xưa đã yêu thương gần gũi những hạng đau yếu tật nguyền, thu thuế, gái điếm, những kẻ người bị xã hội Do thái loại trừ.

Ông Bí thư thành ủy không muốn đảng viên cấp dưới lạm dụng chức quyền làm sai pháp luật thì Giáo Hội cũng chẳng muốn người của mình lạm dụng thánh chức mà làm những chuyện trái với Phúc Âm và giáo huấn Hội Thánh. Giáo Hội không làm chính trị, không làm nhà cải tạo xã hội, hay kinh doanh dịch vụ.

Giáo Hội làm ngôn sứ dựa trên cơ sở Lời Chúa. Ngôn sứ đơn giản là người đến gặp Thiên Chúa, tìm hiểu Ý của Ngài, rồi đem Ý đó truyền lại cho dân Chúa. Nếu như ngày xưa ngôn sứ Gioan Tiền Hô đã đến nói thẳng với bạo vương Hêrôđê: "Vua không được phép cướp vợ anh mình,” thì ngôn sứ ngày nay cũng sẵn sàng để nói thẳng với kẻ cướp đất: ông không được cướp đất của dân lành. Nếu Thiên Chúa là Đấng nhân từ và công bằng vô cùng, yêu dân nghèo, chuộng công lý thì Giáo Hội và người của Giáo Hội cũng không có chọn lựa nào khác.

Chị L. ơi! Người ta cho những người dân quê thích ‘ăn chắc mặc bền’ biết chỉ một nửa sự thật về dự án cho nên họ phải tham chiếu vào nửa sự thật còn lại để ứng xử! Ấy vậy mà không hiểu sao tôi lại tin rằng họ đang được dẫn vào ‘tất cả sự thật’ khi họ cùng giúp nhau làm chứng cho công bằng xã hội và phẫm giá của con người, nhất là của người nghèo thấp cổ bé miệng ngay tại quê hương mình.

Trần Văn Chương
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 605 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 7
Khách: 7
Thành Viên: 0