Báo cáo vừa được Ủy
ban Kinh tế Quốc hội công bố cho thấy tỷ lệ thuế - phí trên GDP ở Việt
Nam cao gấp 1,4 - 3 lần so với các nước trong khu vực. Ủy ban Kinh tế Quốc hội ngày 4/9 chính thức công bố Báo cáo kinh tế
vĩ mô 2012 với tựa đề "Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu". Dài
hơn 300 trang, bản báo cáo được thực hiện trong khuôn khổ Dự án "Hỗ trợ
nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ
mô” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, với sự tài trợ của Chương
trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP). Đây là lần
đầu tiên, Ủy ban Kinh tế Quốc hội xuất bản một ấn phẩm quy mô như vậy
nhằm cung cấp một bức tranh vừa tổng quát, vừa chi tiết về sức khỏe nền
kinh tế tình hình kinh tế. Và như mong muốn của Ban Quản lý dự án (do
Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Giàu làm Trưởng ban Chỉ đạo), báo cáo sẽ
cung cấp tới đại biểu Quốc hội và các nhà hoạch định chính sách một bức
tranh toàn cảnh về tình hình kinh tế của mỗi năm, đồng thời thông qua
những phân tích chuyên sâu về những vấn đề kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn
và dài hạn sẽ góp phần nâng cao được khả năng nhận biết các vấn đề và
thay đổi một cách tích cực tư duy chính sách của giới làm chính sách. Báo
cáo gồm 7 chương, trong đó dành hẳn một chương phân tích sâu về rủi ro
thâm hụt tài khóa. Theo các chuyên gia, kinh tế Việt Nam đang trải qua
những năm tháng khó khăn nhất kể từ khi bắt đầu đổi mới vào những năm
đầu thập niên 1990. Tăng trưởng kinh tế liên tục suy giảm, từ mức trên
8,2% trong giai đoạn 2004-2007, xuống còn xấp xỉ 6% trong giai đoạn
2008-2011. Trong khi đó, tỉ lệ lạm phát liên tục ở mức cao, thâm hụt
thương mại trầm trọng, và đặc biệt là thâm hụt ngân sách cao và nợ công
tăng nhanh. Thâm hụt ngân sách trong những năm gần đây lên tới xấp xỉ
5-6% GDP, trong khi đó nợ công và nợ công nước ngoài lần lượt tăng nhanh
lên mức 57% và 42% GDP vào cuối năm 2010. Trong khi nhu cầu chi
tiếp tục gia tăng thì nguồn thu ngân sách có nhiều dấu hiệu bất ổn, và
quá lệ thuộc vào thuế, phí. Báo cáo của Ủy ban chỉ ra rằng, tỷ lệ thuế
và phí ở Việt Nam vào hàng cao nhất khu vực vậy mà nguồn thu đang có dấu
hiệu kém bền vững này lại được sử dụng một cách chưa hợp lý. Nước Thuế phí / GDP Ấn Độ 7,8% Indonesia 12,1% Malaysia 15,5% Philippines 13% Thái Lan 15,5% Trung Quốc 17,3% Việt Nam 21,6% Dựa
trên các số liệu từ Bộ Tài chính, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế
nhận thấy thu ngân sách của Việt Nam giai đoạn 2007 - 2011 khá ổn định,
khoảng 29% GDP. Trong đó thu từ thuế - phí là 26,3%, trong đó thu từ dầu
thô đang có xu hướng giảm. Nếu loại trừ nguồn này, tỷ lệ thuế - phí so
với GDP là 21,6%. "Mức này rất cao so các nước khác trong khu
vực”, báo cáo nhận định. Cùng với những thiệt thòi do lạm phát, Ủy ban
Kinh tế cho rằng người Việt đang phải gánh chịu tỷ lệ thuế phí cao từ
1,4 đến 3 lần so với những nước láng giềng. Xét
riêng về thuế thu nhập, các chuyên gia nhận thấy Việt Nam có các thang
bậc thuế suất khá tương đồng so với các nước trong khu vực, song khoảng
thu nhập chịu các thang thuế suất tương ứng lại thấp, nên tính chung số
thuế phải nộp là khá cao so với khu vực. Ví dụ mức thu nhập phải chịu
thuế 10% tại Việt Nam khoảng 3.450 - 5.175 USD một năm, thì ở Thái Lan
là 4.900 - 16.400 USD, Trung Quốc là 3.800 - 9.500 USD một năm. Tương tự
với thuế thu nhập doanh nghiệp hiện được thu ở mức 25% đối với mọi
doanh nghiệp, trong khi tại các nước, thuế suất dao động 2 - 30%. Đó là
chưa kể đến các khoản thuế cao đánh vào tiêu dùng thuế tiêu thụ đặc
biệt, thuế nhập khẩu) cũng như các khoản chi phí không chính thức khác.
Theo báo cáo, do thuế phí cao, khả năng tích lũy, đầu tư phát triển
và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân đã bị hạn chế đáng
kể. Nó cũng khuyến khích các hành vi gian lận về thuế như chuyển giá tại
các doanh nghiệp FDI. Theo đó khu vực này chiếm khoảng 20% GDP nhưng
chỉ đóng góp trên dưới 10% thu ngân sách. Một hệ quả khác là
nguồn thu ngân sách ngày càng trở nên kém bền vững. Việt Nam hiện có 3
nguồn thu chính vào ngân sách là thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh
nghiệp và thuế xuất nhập khẩu - tiêu thụ đặc biệt. Do kinh tế khó khăn,
nguồn thu từ thu nhập doanh nghiệp đang có xu hướng giảm từ 36% (2006 -
2008) xuống còn 28% trong giai đoạn 2009 - 2011, làm gia tăng sự phụ
thuộc vào 2 nguồn còn lại (tăng từ 10% năm 2006 lên 14,5% năm 2010).
Điều này hoàn toàn không có lợi khi Việt Nam đang phải gỡ bỏ dần các hàn
rào thuế quan nêu trên trong những năm tới theo cam kết WTO. Một
nguồn thu khác cũng được báo cáo đề cập là từ bán nhà thuộc sở hữu nhà
nước và chuyển quyền sử dụng đất. "Tuy nhiên, về bản chất, việc làm này
cũng giống như việc một cá nhân bán tài sản đi để chi tiêu. Khoản vay
nợ của anh ta có thể giảm nhưng tài sản của anh ta cũng giảm tương ứng,
tức là anh ta đã nghèo đi”, nhóm nghiên cứu so sánh. Gánh nặng thuế phí của người Việt ngày một lớn. Ảnh: Zuma Đứng
trước thực tế này, báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho rằng nguyên nhân
chính gây áp lực lên ngân sách chính là do áp lực chi tiêu công quá lớn
trong thời gian dài. Quy mô chi tiêu tối ưu được các chuyên gia khuyến
cáo đối với các nền kinh tế đang phát triển nằm trong khoảng 15-20% GDP.
Số liệu so sánh quốc tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng Hong
Kong, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Singapore và Ấn Độ đều có mức
chi tiêu trong khoản 15-18% GDP. Trong khi đó, từ nhiều năm qua Việt Nam
đang nằm ở phía trên rất xa ngưỡng tối ưu này, ở mức hơn 30% GDP. Con
số này thậm chí còn cao hơn cả giai đoạn cuối thời kỳ kinh tế kế hoạch
hóa (22% vào năm 1990). Lo ngại hơn, các nhà nghiên cứu chỉ ra răng trong tổng chi tiêu hiện
tại, chi thường xuyên chiếm tỷ trọng rất lớn, trong khi đầu tư phát
triển lại có xu hướng giảm (từ 36,8% năm 2003 xuống còn 24,6% trong năm
2011). "Điều này phần nào cho thấy sự cồng kềnh và chi tiêu tốn kém của
bộ máy công quyền”, báo cáo nhận định. Về giải pháp, các chuyên
gia của Ủy ban Kinh tế đề xuất đặt mục tiêu chính của cải cách tài khóa
là điều chỉnh chi tiêu công, hệ thống thuế nhằm hướng tới một ngân sách
cân bằng và ổn định. Để làm được điều này, trước tiên, hạch toán ngân
sách phải được thực hiện một cách minh bạch theo chuẩn quốc tế. Các
khoản chi để ngoại bảng phải được tuyệt đối tránh, loại các khoản thu
kém bền vững và thu từ bán tài sản khỏi thước đo thâm hụt. Ngoài ra, các
gánh nặng ngân sách phát sinh trong tương lai, ví dụ như chi trả lương
hưu hay bảo hiểm y tế, cũng cần được đưa vào các dự báo về thâm hụt nhằm
có được bức tranh chính xác hơn về triển vọng tài khóa tương lại. Bên
cạnh đó, báo cáo cũng khuyến cáo cơ quan quản lý sớm giảm được chi tiêu
công và thu hẹp vai trò của Nhà nước. Việc cắt giảm phải dựa trên việc
đánh giá sàng lọc, có thứ tự ưu tiên… Đối với doanh nghiệp Nhà nước -
vốn tiêu tốn nhiều chi phí, cũng cần có sự tách bạch giữa mục đích công
ích thuần túy với những đơn vị kinh doanh có lợi nhuận. Cuối
cùng, hệ thống thuế cần được cải cách đảm bảo các tiêu chí tạo nguồn thu
bền vững, hiệu quả, công bằng và minh bạch. Gánh nặng thuế cần phải
được điều chỉnh giảm một cách hợp lý. Tuy nhiên, mức độ hợp lý này phụ
thuộc rất nhiều vào quá trình cắt giảm chi tiêu công. Gánh nặng thuế quá
cao sẽ khiến cho hệ thống thuế kém hiệu quả do nó khuyến khích việc
trốn thuế và bóp méo sự phân bổ nguồn lực. Hệ thống sắc thuế và phí cần
được rà soát tránh sự chồng lấn lên nhau. Các sắc thuế cần được điều
chỉnh nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người thu nhập thấp, khuyến khích
tiết kiệm, và hạn chế tiêu dùng, đặc biệt là hàng tiêu dùng xa xỉ nhập
khẩu. Nhật Minh - VNExpress
|