Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết nợ xấu tiếp tục tăng và không dễ giải quyết trong phiên trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 13/11.
Theo công bố của ông Nguyễn Văn Bình, tỷ lệ nợ xấu tính đến tháng Chín năm nay chiếm 8,82% tổng số nợ hiện tại, gần gấp đôi con số các ngân hàng đưa ra.
Trong năm ngoái, nợ xấu tăng 64% và đến 10 tháng đầu năm nay thì nợ xấu tăng khoảng 66%.
Ông Bình cũng cho biết đây là tỷ lệ "hợp lý hơn cả" giữa các cách tính khác nhau trên toàn hệ thống.
Hiện tại, tổng dư nợ tín dụng cả nước đạt khoảng 2,7 triệu tỷ đồng, trong đó có hơn 66% được đảm bảo bằng bất động sản.
Trách nhiệm về ai?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về nguyên nhân của tỷ lệ nợ xấu hiện tại, vị Thống đốc cho biết chất lượng tín dụng ở nhiều ngân hàng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng cổ phần nhỏ thì chất lượng tín dụng "hết sức nguy hiểm".
Tính đến 30/9, mức nợ xấu mà các ngân hàng báo cáo là 4,93%, trong đó "có tổ chức báo cáo nợ xấu chỉ 1-2%, rõ ràng hơn thì trên 3% nhưng thanh tra kiên quyết thì nợ xấu lại lên đến vài chục phần trăm," ông nói.
Ông Bình cho rằng, nợ xấu tăng cao như hiện nay trước hết là trách nhiệm của các tổ chức tín dụng.
"Nợ xấu có thể giải quyết được, mặc dù không dễ dàng"
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Văn Bình
"Họ thậm chí phải dùng luôn vốn tự có, vốn điều lệ để đi xóa nợ. Lúc đó, các cổ đông phải chấp nhận bán tài sản để xử lý nợ xấu," Thống đốc bình luận.
Cũng theo ông Bình, tỷ lệ huy động vốn huy động của nhiều ngân hàng tại Việt Nam hiện tại ở khoảng 93-96%, cao hơn so với mức 60-70% trên thế giới. Trước đây, tỷ lệ này thậm chí còn hơn 100%, điều này khiến các ngân hàng dễ thiếu thanh khoản.
Ngoài ra, các ngân hàng quốc tế thường trích ít nhất 30% để đầu tư vào công cụ có thanh khoản cao, trong khi các ngân hàng Việt Nam hoàn toàn đầu tư vào tín dụng.
Các nhóm nguyên nhân gây nợ xấu còn lại, theo ông, bao gồm các doanh nghiệp vay vốn, cơ chế chính sách vĩ mô và phát triển ngành, môi trường kinh doanh trong cũng như ngoài nước và quá trình thanh tra giám sát.
‘Có thể giải quyết được’
"Nợ xấu có thể giải quyết được, mặc dù không dễ dàng,” ông Bình khẳng định.
Tổng số nợ cơ cấu lại đã tăng từ 36 nghìn tỷ từ 30/6 đến 252 nghìn tỷ tính đến 30/9, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước.
"Nếu không có giải pháp quyết liệt như này, nợ xấu của các tổ chức tín dụng không chỉ là 4,93%", ông nói.
Ông Bình cho rằng với mức trích lập dự phòng rủi ro chiếm 2,5-3% nợ xấu, "nợ xấu có thể bị làm cho chững lại, không gia tăng".
Thống đốc cũng cho biết thêm mức dự phòng rủi ro được trích lập hiện tại là 75 nghìn tỷ đồng, riêng trích lập dự phòng rủi ro mới đã tăng 14 nghìn tỷ, trong đó có 12 nghìn tỷ đồng được xử lý từ số dự phòng này.
Cao nhất Đông Nam Á
Việt Nam là nước có tỷ lệ nợ xấu cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Tỷ lệ nợ xấu những năm qua tăng cao trong bối cảnh tín dụng được bơm bừa bãi để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Bối cảnh u ám của kinh tế toàn cầu cũng như trong nước trong năm nay đã hạn chế đáng kể khả năng giải quyết nợ xấu của nước này.
Số liệu từ phía chính phủ Việt Nam cho thấy tỷ lệ hàng tồn động hiện tại là 20,3%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Văn Bình là người chịu trách nhiệm tái cơ cấu ngân hàng và củng cố thể độc quyền của nhà nước về vàng, vốn đang gây nhiều tranh cãi.
Ông đã hứa sẽ cải thiện vấn đề nợ xấu bằng cách giới thiệu những gói kích thích nhu cầu mua nhà, cũng như cộng tác với bộ tài chính, công nghiệp và kế hoạch để giải quyết các vấn đề liên quan.
Vào tháng Chín, hãng xếp hạng tín dụng Moody's hạ bậc tín nhiệm đối với Việt Nam xuống mức thấp nhất từ trước đến giờ với lý do hệ thống ngân hàng cần "sự hỗ trợ đáng kể".