Thứ Sáu, 2024-03-29, 6:32 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Ba » 31 » NGHĨ GÌ TỪ CHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ : THÁO GỠ BIỂN "GIA ĐÌNH VĂN HÓA" GẮN Ở NHÀ DÂN
10:26 AM
NGHĨ GÌ TỪ CHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ : THÁO GỠ BIỂN "GIA ĐÌNH VĂN HÓA" GẮN Ở NHÀ DÂN
Câu chuyện về "gia đình văn hóa"…

Giữa tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch "gỡ bỏ" bảng hiệu "Gia đình văn hóa" gắn lên nhà các gia đình được công nhận là… gia đình văn hóa. Việc làm này được xem là một trong những biểu hiện của sự tự điều chỉnh chính sách sau thời gian các chính sách đi vào thực tiễn, phát sinh nhiêu khê, bất hợp lý, vừa lãng phí vừa phản tác dụng.

Việc công nhận "gia đình văn hóa", "khu phố văn hóa", "làng văn hóa" rộ lên khắp nơi nhiều năm trước, thể hiện chủ trương xây dựng nếp sống văn hóa mới tại các hộ gia đình, khu dân cư, cộng đồng. Chủ trương đó là đúng, khi ngành chức năng thấy được sự xuống cấp trầm trọng của đời sống đạo đức, sự hỗn loạn giữa các giá trị sống - căn bản của đời sống văn hóa, nguy cơ mất mối liên lạc giữa truyền thống và hiện tại… trong khi đất nước hội nhập quốc tế, với yêu cầu xác định bản sắc dân tộc để hòa nhập mà không bị hòa tan, để xác lập vị trí của đất nước trên bản đồ thế giới.



Sự tương phản giữa biển hiệu và thực tế.

Nhưng điều đáng nói là, qua nhiều năm, chủ trương trên đi vào đời sống xã hội chủ yếu bằng… hình thức, bằng các hội nghị "điển hình tiên tiến" và đến với các cơ sở - gia đình, tập thể qua các giấy chứng nhận. Một số gia đình được địa phương công nhận là "gia đình văn hóa" được gắn… biển hiệu lên trước nhà. Việc làm này giống như việc người ta gắn mác "hàng Việt Nam chất lượng cao" lên một số sản phẩm hàng hóa nào đó. Đôi khi, chính gia đình được công nhận là gia đình văn hóa, được gắn biển công nhận cũng không lấy làm hoan hỷ, tự hào. Hoặc đôi lúc, chính cái mác ấy đã góp phần làm trò cho người ta mỉa mai, bông đùa với các giá trị văn hóa mà lẽ ra không nên coi thường chút nào. Và như thế, chủ trương đúng nhưng không thực tế, nói như đạo Phật là "phi thời" - thì phản tác dụng, làm cho các giá trị văn hóa trở nên bị xáo trộn thêm.

Không dừng lại ở đó, một số chùa chiền cũng được chính quyền địa phương công nhận là… "gia đình văn hóa", thậm chí là "công sở văn minh". Điều đáng nói là việc làm ấy đôi khi được sự đồng thuận của một số vị trụ trì, sự đồng thuận đó được nói lên qua việc họ đường đường treo những chứng chỉ công nhận ấy nơi trang trọng nhất của phòng khách của chùa.

Đó là chưa kể đến việc những người đứng đầu các làng xã, khu phố chạy đua để có được danh hiệu "văn hóa", để rồi tổ chức hội hè đón rước linh đình, phần lớn chỉ nhằm phô trương hình thức, chạy theo thành tích - một hội chứng xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai hại ảnh hưởng đến việc xây dựng nếp sống lành mạnh, ổn định và bền vững.

Bệnh thành tích, hình thức

Câu chuyện "Gia đình văn hóa" không chỉ dừng lại ở cuộc sống thế tục mà đi vào cả trong chùa chiền ở một số vùng, địa phương.



Chạy theo thành tích, người ta sẵn sàng treo biển công nhận văn hóa cả những nơi như thế này

Chùa chiền là cơ sở tín ngưỡng tôn giáo - văn hóa tâm linh của cộng đồng. Các tu sĩ là người từ bỏ cuộc sống gia đình, đời sống thế tục, sống độc thân để nguyện học và hành theo lý tưởng mà Đức Phật đã chỉ dạy. Do đó, chùa chiền đúng nghĩa là trung tâm văn hóa và hoạt động của các vị xuất gia đều xuất phát từ hạnh nguyện, nói cách khác, như một vị tu sĩ được cả thế giới biết đến, Ngài Đạt Lai Lạt Ma đã phát biểu khi Ngài được một tổ chức quốc tế trao tặng giải thưởng, rằng: Những gì Ngài làm không phải vì mục tiêu nào cao cả mà tất cả đều giản dị, là bình thường, Ngài chỉ thực hành theo lời dạy của Đức Phật và giới luật, như những tu sĩ Phật giáo đã thực hành trong hơn hai ngàn năm trăm năm qua. Ngài là một tu sĩ bình thường như bao nhiêu tu sĩ nguyện sống theo hạnh Phật và giới luật Phật chế. Tu sĩ làm việc thiện, giúp đỡ mọi người là việc làm tự nhiên, cũng như chùa chiền đương nhiên là cơ sở văn hóa.

Học theo phong trào gắn biển "Gia đình văn hóa" lên nhà dân, nghe đâu ở một số nơi có cả phong trào gắn biển công nhận "Chùa tinh tiến" lên một số cơ sở chùa chiền! Không biết những nơi chưa có những loại biển như thế thì sao? Chẳng lẽ là chưa đủ tiêu chuẩn là có… văn hóa, tinh tiến?! Vậy mà nghe đâu sẽ có cả một "bàn tròn" để bàn về các tiêu chí xây dựng… "chùa văn hóa"! Mong là điều đó sẽ không diễn ra, và mong những nơi nào có chủ trương trên sớm điều chỉnh để đừng góp thêm phần rối loạn và đảo lộn giá trị trong đời sống xã hội.

Căn bệnh chạy theo thành tích, hình thức dường như trở thành hội chứng xã hội, trỗi dậy những đợt sóng mạnh cuốn phăng các công trình chuẩn giá trị sống được đúc kết qua kinh nghiệm lịch sử lâu dài. Việc được công nhận là "văn hóa", là "tốt điển hình" có khi chỉ ở trên sân khấu hội nghị, đôi khi như một màn kịch được dàn dựng. Cái gì không chân thực, chỉ là hình thức thì chắc chắn quần chúng sẽ nhận ra. Vấn đề còn lại là thời gian. Chính điều đó đã tạo sự hoài nghi, bông đùa, thậm chí mỉa mai về các giá trị vốn thiêng liêng, cần phải tôn vinh.

Xây dựng là một quá trình điều chỉnh và tự điều chỉnh

Đã là bệnh thì tất phải chữa, vì nếu không chữa trị thì chắc chắn cơ thể mang căn bệnh ấy sẽ suy yếu. Có bệnh mà chỉ định cách điều trị không đúng, cho thuốc sai thì bệnh càng thêm nặng. Việc điều chỉnh của Thủ tướng về việc tháo gỡ biển công nhận "Gia đình văn hóa", dù muộn nhưng cũng là một biểu hiện điều chỉnh tích cực.



Từ 15-3-2010: Tháo gỡ biển "Gia đình văn hóa” gắn ở nhà dân trên cả nước

Xây dựng là một quá trình, nhất là đối với văn hóa của một xứ sở. Gần đây, nhiều phương tiện truyền thông phản ánh về các hiện tượng xã hội, trong đó có văn hóa - tín ngưỡng có biểu hiện thái quá, hoặc sự xuống cấp của đời sống đạo đức, sự đảo lộn các giá trị sống, đặc biệt là trong giới trẻ làm quan ngại đến việc xây dựng một xã hội ổn định và văn minh.

Việc Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ biển "Gia đình văn hóa" gắn trên nhà dân là một việc làm được nhiều người đồng tình. Rất mong có thêm nhiều sự điều chỉnh kịp thời khác nữa trong nhiều lĩnh vực để trả lại sự thiêng liêng cho các giá trị văn hóa - giá trị sống trước khi mọi thứ đã trở nên quá muộn.

Tuệ Khánh

nguồn http://www.giacngo.vn/xahoi/2010/03/29/53E458/
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 609 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0