Thứ Bảy, 2024-11-23, 8:25 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2013 » Tháng Giêng » 17 » Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
7:18 AM
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

VRNs (17.01.2013) – Sài Gòn - "Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”

Hai câu thơ trong tác phẩm "Truyện Kiều” của Nguyễn Du, cũng là suy nghĩ của tôi và có lẽ của rất nhiều người trong những ngày đầu năm mới 2013 nhiều biến động này.

Sự kiện gây chấn động mạnh mẽ, không những đối với người Việt Nam, mà còn với chính trường và dư luận thế giới, là việc Tòa án tỉnh Nghệ An xét xử 14 thanh niên Công giáo và Tin lành, với tội danh "hoạt động lật đổ chính quyền”, sau quãng thời gian "tạm giam” đằng đẵng! Phiên tòa diễn ra vào sáng ngày 8.1 và kết thúc ngay chiều ngày hôm sau. Những diễn biến từ trước, trong và sau phiên tòa khiến cho những người theo dõi không khỏi quan ngại, phẫn nộ. Có lẽ ít thấy một sự phản ứng nào đồng loạt và mạnh mẽ như vậy trong dư luận cũng như cộng đồng quốc tế.

Từ cuộc trả lời phỏng vấn Đài tiếng nói Hoa Kỳ của luật sư bào chữa Trần Thu Nam (ngoài ra còn có ba luật sư bào chữa khác là Vương Thị Thanh, Hà Huy Sơn, Nguyễn Thị Huệ) cũng đủ để người ta nhận thấy rõ ràng đây là một phiên tòa hoàn toàn thiếu khách quan, không thuyết phục. Tệ hơn, tòa đã đưa ra những chứng cứ buộc tội thiếu trung thực! Đồng thời bỏ ngoài tai những lập luận sắc bén và những bằng chứng vô tội mà các luật sư trình bày. Ấn tượng nhất là hình ảnh hiên ngang của các anh chị trước tòa. Dù bị kết án nặng nề nhưng các anh chị vẫn khảng khái tuyên bố mình vô tội và sẵn sàng chấp nhận những tù đày vì khát vọng tìm công bằng, sự thật, tự do thực sự cho Việt Nam! Những hành động của các anh chị trước lúc bị bắt chính là lời bào chữa đẹp nhất. Đó là việc nhiệt thành tham gia các hoạt động xã hội, hỗ trợ người tàn tật, học sinh nghèo, bảo vệ sự sống, chống phá thai, phản đối Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa, Trường Sa…

Sau khi phiên tòa kết thúc, gần như ngay lập tức Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã lên tiếng bày tỏ thái độ "vô cùng quan ngại” và kêu gọi trả tự do cho các thanh niên. Liên hiệp quốc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Pháp, Tổ chức Ân xá Quốc tế, Phóng viên không Biên giới, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền… cùng nhiều tổ chức quốc tế khác mạnh mẽ phản đối phiên tòa, kêu gọi trả tự do cho các thanh niên và các tù nhân lương tâm bị giam giữ từ trước.

Trước phản ứng dữ dội của cộng đồng quốc tế, Hà Nội dường như vẫn "bình chân như vại!” Thái độ này hoàn toàn dễ hiểu. Nó không chỉ xuất hiện gần đây, mà đã trở thành một "đường lối hành động” từ nhiều năm nay, qua rất nhiều vụ án liên quan đến những nhà hoạt động dân chủ và bất đồng chính kiến. Có thể gọi đây là lối hành xử theo kiểu bất chấp, "cả vú lấp miệng em!”

Trước ngày diễn ra phiên tòa này, một tin tức gây chấn động khác là việc luật sư Giuse Lê Quốc Quân bị bắt với cáo buộc "trốn thuế” vào sáng 27.12.2012. Tội danh này dường như được sử dụng khá nhiều trong thời gian gần đây, khi chính quyền muốn bắt giữ và kết án một ai đó, đặc biệt những nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền. Người ta có cảm tưởng rõ ràng rằng một "tấm lưới sắt” đã bủa vây lấy gia đình luật sư Quân và việc kinh doanh của họ. Em trai luật sư Quân là anh Lê Đình Quản, giám đốc công ty Vietnam Credit, cũng bị bắt với cáo buộc "trốn thuế”! Cùng bị bắt với anh Quản còn có người trợ lý Nguyễn Thị Oanh, cũng đồng thời là em họ. Điều đáng lên án là chị Oanh bị giam giữ trong hoàn cảnh đang mang thai. Đây là một hành động đi ngược lại luật pháp và đạo lý!

Trong một tin tức khác, vào sáng ngày 6.1 vừa qua, tại nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra lễ an táng hài cốt Anh hùng, Liệt sĩ Lê Đình Chinh, được xem là người lính đầu tiên hi sinh trong giai đoạn hai nước Việt – Trung căng thẳng ở biên giới năm 1978-79. Tuy vậy, hầu hết báo chí nhà nước đều chỉ nói ông Chinh hi sinh khi "chiến đấu chống quân xâm lược”, chứ không nhắc hai chữ "Trung Quốc”! Báo Tiền Phong nói ông Chinh "đã hi sinh khi đang chiến đấu bảo vệ đồng đội và người dân khỏi quân xâm lược từ bên kia biên giới”. Báo Tuổi Trẻ tường thuật "khi đang chiến đấu bảo vệ đồng đội và cán bộ của mình, anh Lê Đình Chinh đã hi sinh”. Một trang mạng khác, báo Dân trí, nói ông bị sát hại vì "những tên ‘côn đồ’ từ bên kia biên giới kéo sang”. Dường như báo Thanh Niên là cơ quan truyền thông nhà nước duy nhất viết ông Chinh "hi sinh tại biên giới phía Bắc khi đang chiến đấu chống lại quân xâm lược Trung Quốc”.

Cách đưa tin này của truyền thông nhà nước đã tạo nên luồng dư luận sục sôi trên một số trang mạng! Tôi xin mượn ý trong bản tin của đài BBC để nói về sự phẫn uất này. Blogger Trương Duy Nhất gọi cách đưa tin hôm 6.1 là "bi hề và nhục nhã”. "Đọc những dòng tin trên báo hôm nay, có ai nhận ra mình đã khóc, nước mắt sót cay? Có ai phải nghiến răng bóp chặt tay thành nắm đấm căm giận… Không có sự hèn hạ nào hèn hạ bằng. Không có sự khiếp nhược nào khiếp nhược đến thế!”

Trong khi báo chí Việt Nam "cúi đầu” như vậy thì truyền thông của chính quyền Trung Quốc vẫn thường tuyên truyền rằng "Trung Quốc đã tiến hành một cuộc chiến chính nghĩa để dạy cho Việt Nam một bài học!” Đọc bài báo nói về người lính Lê Đình Chinh ngã xuống trong chiến tranh biên giới với Trung Quốc, tôi lại nhớ đến những người lính của Việt Nam Cộng hòa ngày trước đã hi sinh trong trận hải chiến với Trung Quốc để bảo vệ Hoàng Sa năm 1974. Những người lính anh hùng nằm xuống vì giang sơn để rồi chiến công và sự hi sinh của họ bị nhà nước cố tình đẩy vào quên lãng trong mấy mươi năm! Hành động đó, như lời của ông Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, "không những không công bằng mà phải nói là vô ơn, bất nhân.”

Tạm gác sang một bên những câu chuyện "chính trị”. Ở một khía cạnh khác, hôn nhân đồng tính từ lâu đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi trong xã hội hiện nay. Đa số các quốc gia phản đối, nhưng một số nước đã công nhận. Ngày Chúa nhật 13.1.2013 vừa qua, trên các đường phố của Paris đã có hơn một triệu người, theo ban tổ chức, xuống đường phản đối việc Tổng thống Hollande đang cố gắng hợp pháp hóa hôn nhân giữa những người đồng tính và quyền được nhận con nuôi của họ. Tuy nhiên theo cảnh sát, ước tính số người tham gia biểu tình khoảng hơn 340 nghìn. Người Công giáo Pháp, người Hồi giáo và người Do Thái mang các biểu ngữ "Made in Mom and Dad” và "Family is Man and a Woman”… Trong cuộc biểu tình cũng có cả đại diện của giới đồng tính! Báo Le Figaro cho biết đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ 30 năm nay.

Cùng ngày tại Rome, khi Giáo hoàng Benedicto XVI đang có buổi đọc Kinh Truyền tin và chia sẻ Lời Chúa tại Quảng trường Thánh Phêrô, thì một nhóm gồm bốn người thuộc tổ chức nữ quyền Femen của Ukraine bất ngờ cởi áo, khỏa thân nửa trên cơ thể và hét lên phản đối! Họ viết trên lưng dòng chữ "In gay we trust” (tạm dịch là "chúng tôi tin vào hôn nhân đồng tính”) và hướng về phía Giáo hoàng hô to "Shut up” ("Hãy im đi”). Hầu hết đám đông có mặt đều bị sốc, bàng hoàng đứng nhìn cảnh tượng này, nhưng một phụ nữ đứng tuổi đã bày tỏ sự phẫn nộ trước những người biểu tình bằng cách dùng chiếc ô của mình đánh một cô gái và gọi họ là "ác quỷ”. Cảnh sát nhanh chóng có mặt và tạm giữ những người gây rối này!

Thực tình tôi không ủng hộ hôn nhân đồng tính. Chắc chắn là không bao giờ. Nhưng tôi cảm thông với nỗi khổ của họ và phản đối những hành vi phân biệt.

Lúc đọc những tin tức như vậy, chúng ta không khỏi cảm thấy đau lòng. Tôi nhận thấy rằng sự tự do của con người nhiều lúc đã bị lạm dụng đến mức khó chấp nhận. Con người đang tự đánh mất những giá trị căn bản khi chọn lựa những điều trái quy luật tự nhiên, trái luân lý nhằm thỏa mãn một lý tưởng mơ hồ nào đó!

Hành động phản đối theo hình thức "bán khỏa thân” của nhóm Femen mà tôi đã nói trên đây cũng thật khó chấp nhận về mặt đạo đức. Tại một nơi trang nghiêm và luôn đề cao sự nghiêm túc, đúng mực như Tòa Thánh Vatican lại có thể xảy ra những việc khiến người ta bàng hoàng như vậy. Ai đó từng nói, "đến Rome mà không ghé thăm Tòa Thánh và nhìn thấy Giáo hoàng thì cũng coi như chưa đến!” Chúng ta biết, Giáo hoàng là người được bảo vệ bởi pháp luật của Liên hiệp quốc và các công ước quốc tế. Thậm chí không một tòa án nào trên thế giới được phép xét xử Giáo hoàng một khi chính ngài không đồng ý! Nói vậy để thấy vai trò và ảnh hưởng của Đấng kế vị Thánh Phêrô trên toàn thế giới. Mọi hành vi xúc phạm đến ngài, dù bằng hình thức nào, cũng thật khó chấp nhận và đáng bị lên án.

Những ngày đầu năm mới, chúng ta phải chứng kiến "những điều trông thấy mà đau đớn lòng!” Trong xã hội hiện đại, sự lựa chọn của con người ảnh hưởng rất lớn đến không gian mà họ sinh sống. Chúng ta nhìn thấy trong phiên tòa xét xử 14 thanh niên yêu nước, hay trong vụ bắt bớ luật sư Lê Quốc Quân cùng người thân những sự lựa chọn sai lầm và đáng lên án của nhà chức trách. Điều đó gây ảnh hưởng nặng nề đến dư luận trong và ngoài nước. Hình ảnh Việt Nam thêm một lần trở nên méo mó, thụt lùi trong quan hệ quốc tế. Cũng vậy, việc không dám nhắc đến "Trung Quốc” trong lễ an táng hài cốt Anh hùng, Liệt sĩ Lê Đình Chinh ở Thanh Hóa là một sự lựa chọn đáng hổ thẹn của giới cầm quyền. Không chỉ trong một buổi lễ an táng, mà điều này đã tồn tại từ hàng chục năm nay. Nó gây ra nỗi đau đớn, phẫn uất cho những người trẻ và những người quan tâm đến tình hình đất nước.

Bên cạnh đó, sự lựa chọn của người dân Pháp, tiêu biểu ở thủ đô Paris, về việc phản đối hôn nhân đồng tính, đã nhận được rất nhiều ủng hộ. Nước Pháp vốn được mệnh danh là "Trưởng nữ của Giáo hội Công giáo” đã chọn lấy cho mình sự lựa chọn đúng đắn nhất, phản ánh ý kiến của đa số nhân dân. Nhìn sang Rome, "kinh thành vĩnh cửu”, "Trái tim của đạo Công giáo”, người ta không khỏi đau lòng và lên án hành vi phản đối thiếu đạo đức của nhóm nữ quyền Femen khi tham dự buổi đọc kinh thường kỳ của Giáo hoàng. Dường như ngài không biết vụ việc đã xảy ra, nhưng tự nó – sự lựa chọn của Femen – đã tạo ra những hình ảnh xấu và gây ảnh hưởng không tốt cho đám đông.

Trong quãng thời gian đầu năm 2013 đầy ảm đảm này, có một tin tức mà tôi nghĩ làm nức lòng rất nhiều người, là việc nữ nghệ sỹ Kim Chi, người từng tham gia nhiều bộ phim lớn của điện ảnh cách mạng Việt Nam, đã từ chối làm hồ sơ xin khen thưởng nghệ sỹ của Thủ tướng vì cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng "đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân”. Trước đó, bà Kim Chi được Hội Điện ảnh Việt Nam gợi ý làm hồ sơ để đề nghị Thủ tướng khen thưởng, tuy nhiên bà đã gửi một lá thư cảm ơn tới Hội, đồng thời ghi rõ lý do từ chối. Bà nói rõ, "tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác mình bị xúc phạm.” Theo BBC, khi được hỏi liệu bà có sợ bị ảnh hưởng tới bản thân khi đưa ra lá thư này, nghệ sỹ nói, thậm chí cả khi người ta tạo ra những tai nạn để bà "chết” đi nữa, thì điều đó cũng không đáng sợ vì "tôi sống ngay thẳng, sống cho tử tế.”

Với cá nhân tôi, đây là một hành động đáng được xem là anh hùng của người phụ nữ Việt. Nó thể hiện khí phách hiên ngang của kẻ sĩ ngày xưa. Điều tưởng chừng không còn trong một xã hội dường như chỉ biết cúi đầu!

Tôi mượn hai câu Kiều của Nguyễn Du để bắt đầu bài viết, và khi kết thúc, trong đầu tôi hiện lên hình ảnh "Những dòng sông tranh đấu” của Điếu cày Nguyễn Văn Hải!

Antoine. Nguyễn

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1242 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Giêng 2013  »
SuMoTuWeThFrSa
  12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 13
Khách: 13
Thành Viên: 0