Thứ Tư, 2024-04-24, 4:11 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Bảy » 29 » Những ngộ nhận về Điều 4 Hiến Pháp 1992
10:37 PM
Những ngộ nhận về Điều 4 Hiến Pháp 1992

Lê Nguyên Hồng

Kể từ khi ra đời Hiến Pháp năm 1992, với Điều 4 nói về vấn đề lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN). Hầu hết mọi cá nhân và tổ chức người Việt Cộng Sản cũng như không Cộng Sản, trong nước và nước ngoài, đều có sự dễ dãi khi xem xét và nghiên cứu về Điều 4 ấy.

Ngoại trừ gần đây có bài phát biểu phân tích được đánh giá là nhiều tích cực của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ hồi tháng 06/2010 trên đài VOA. Tuy nhiên, bài phát biểu ấy còn có những chi tiết, nếu đi sâu vào phân tích, chắc chắn sẽ gây tranh cãi, và tiến sĩ Vũ vẫn khẳng định: "Nguyên nhân của quái trạng pháp luật ở Việt Nam chính là sự độc quyền lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản được Hiến pháp ghi ở Điều 4”. Không ít những luật gia và các nhà lý luận chính trị khác cũng đã từng "mổ xẻ” Điều 4 của Hiến Pháp năm 1992. Nhưng dường như người ta chỉ theo cảm nhận mà ủng hộ hoặc phê phán nó, thay vì phân tích tính chất khoa học của văn từ, chiết xuất từ ngữ nghĩa của điều khoản này…




Xin trích dẫn đầy đủ Điều 4 Hiến Pháp năm 1992 như sau:
"Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.


Trước hết, chưa cần phải phân tích gì, ai cũng có thể hiểu được đoạn từ: "Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh”, mục đích chính, là để khẳng định vị thế, và thể hiện sự ca ngợi (một cách sáo rỗng) đường lối tư tưởng của ĐCSVN mà thôi. Về câu cuối của Điều 4 thì vẫn lại là câu thừa, vì chuyện "mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” là điều hiển nhiên. Vì một chính đảng là một tổ chức, mà đã là một tổ chức thì nó phải trong khuôn khổ điều chỉnh của pháp luật. Không có một tổ chức chính trị nào trong một quốc gia, trên thế giới này có quyền cao hơn, hoặc đứng ngoài luật pháp…

Câu quan trọng nhất trong Điều 4, chính là: "Là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Câu này cố gắng chỉ rõ, ĐCSVN là lực lượng tham gia cầm quyền (lãnh đạo nhà nước và xã hội). Có lẽ người chắp bút soạn thảo ra Điều 4 này, muốn khẳng định quyền (độc quyền) cầm quyền của ĐCSVN, nhưng người viết đó lại bỏ đi hai từ quan trọng, đó là cụm từ "duy nhất”. Nếu viết đầy đủ sẽ là: "Là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội”.

Cũng chính vì thiếu mất hai từ "duy nhất” cho nên người ta có quyền hiểu rằng: Còn có những lực lượng khác, có quyền tham gia lãnh đạo nhà nước và xã hội. Vì trên thế giới, trong mỗi quốc gia thường có nhiều thành phần tham gia vào bộ máy cầm quyền.

Bản thân hai từ "lực lượng” mà người soạn thảo Hiến Pháp 1992 sử dụng để chỉ ĐCSVN cũng không thích hợp. Để vận hành một chính quyền trong một quốc gia, người ta cần một cơ cấu tổ chức khoa học giống như một bộ máy, chứ không bao giờ cần một lực lượng. Cụm từ "lực lượng” chỉ nói lên sức mạnh về số lượng và chất lượng cụ thể trong lĩnh vực quân sự, hoặc một giới hạn nào đó về sức người mà thôi. Xét cho cùng, nếu có một "lực lượng" nào đó thì nó đơn thuần chỉ là công cụ cho nhà cầm quyền sử dụng, chứ nó không bao giờ là chính nhà cầm quyền.

Xét đến câu "là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”, ta lại thấy có vấn đề ở chỗ: Nhà nước (bất luận là nhà nước Dân Chủ hay Phi dân chủ) đương nhiên phải cần có sự lãnh đạo bởi một nhóm người, trong đó mỗi người có vị trí, trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ nào đó. Một người hay một nhóm người có thể lãnh đạo được một bộ phận cấu thành nào đó của xã hội, có thể chi phối hoặc gây ảnh hưởng lên xã hội. Nhưng toàn xã hội không bao giờ cần có sự lãnh đạo, và không ai, hoặc tổ chức nào có thể lãnh đạo nổi một xã hội, vì xã hội (hiện nay) có đặc thù "mở” bao gồm nhà nước, mọi công dân, mọi thành phần, mọi giới. Với đặc thù ấy, xã hội chỉ cần một cơ chế quản lý, định hướng cho nó phát triển…

Một ví dụ điển hình là ngay từ khi mô hình nhà nước chưa ra đời, thậm chí xã hội Thị Tộc chưa hình thành thì vẫn có xã hội Cộng Sản Nguyên Thủy. Tuy chẳng cần sự lãnh đạo nào, nhưng sau này chính từ sự phát triển của xã hội đó, thì nó lại tạo ra mô hình nhà nước. Như vậy câu này của Điều 4 Hiến Pháp 1992 (nếu ta tạm chấp nhận hai từ "lực lượng”) sẽ cần phải sửa lại là: "Là lưc lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và quản lý xã hội”.

Về mặt ngữ nghĩa của ngôn từ như đã nói ở trên, trong Điều 4 quan trọng nhất là câu: "Là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Nhưng quan trọng nhất trong câu này lại là từ "là”. Từ này trong cấu trúc câu, có nhiệm vụ khẳng định quyền hạn của ĐCSVN. Chúng ta sẽ tìm hiểu một chút về mặt ngữ pháp của từ này:

Theo nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ Việt học, từ "là” đảm nhận khá nhiều vai trò: Danh từ, Phó từ, Liên từ, Động từ. Trong mỗi vai trò vừa kể, từ "là” lại được dùng với một mục đích khác nhau, ví dụ trong Phó từ, người ta dùng từ "là” làm từ đệm, hoặc từ nhắc lại (lặp lại). Còn trong Động từ thì nó lại được dùng trong nhiều trường hợp như: Là quần áo, di chuyển sát bề mặt, ngang bằng về giá trị toán học của phép Cộng hoặc Phép nhân trong phạm vi 10, ví dụ: Chín thêm một là 10, hai lần 3 là 6. Cũng trong giới hạn Động từ thì từ "là” còn trực tiếp chỉ ra các giá trị như tên hoặc nghề nghiệp của một người, bản chất sự vật, thuộc tính của hiện tượng.

Như vậy thì rõ ràng là người soạn thảo Hiến pháp 1992 đã mắc một sai lầm quá lớn về ngữ pháp. Vì trong trường hợp hành văn cần độ chuẩn xác cao, người ta không thể dùng từ "là” để chỉ ra một nghề nghiệp, tên gọi, thuộc tính, hay bản chất của một tổ chức chính trị như ĐCSVN. Tất nhiên là người ta chẳng bao giờ, và chẳng thể nào áp dụng từ "là” với vai trò Liên từ, Phó từ, Danh từ để chỉ quyền hạn của ĐCSVN được, vì nó khác nhau hoàn toàn về mọi phương diện của ngữ pháp, đặc biệt là nó không phục vụ mục đích của người soạn thảo ra Điều 4 Hiến Pháp 1992.



Gỉa sử như ta có thể "bắt ép” được từ "là”, trong vai trò Động từ, để giải nghĩa câu: "Là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”, thì cũng chỉ có thể gán ghép dùng cho nghĩa về Thuộc tính của ĐCSVN. Nhưng nhiều chuyên gia hàng đầu về Triết học Cộng Sản như các giáo sư tiến sĩ từng là Uỷ viên Bộ chính trị, giám đốc và cựu giám đốc Học viện chính trị quốc gia Nguyễn Đức Bình, Lê Hữu Nghĩa, hay là các vị như: Trung tướng tiến sĩ Lê Minh Vụ, giám đốc Học viện Chính trị quân sự, giáo sư Ngô Thành Dương Trưởng khoa Triết học Học viện chính trị quốc gia vv.., cũng chỉ có thể liệt kê ra các thuộc tính tốt đẹp (!) của Đảng như: Đạo đức, văn minh, tiên phong, sáng tạo, trung thành, chứ họ không thể đào đâu ra thuộc tính của ĐCSVN là làm lãnh đạo, để mà "lãnh đạo nhà nước và xã hội”.


Như vậy ngoài việc không nhận ra Điều 4 Hiến Pháp 1992 là vô nghĩa vì sai lệch ngữ pháp, ngộ nhận Điều 4 Hiến Pháp 1992 xác quyết ĐCSVN là lực lượng duy nhất độc quyền cầm quyền trong thể chế chính trị "dân chủ” kiểu Cộng Sản. Nhiều người còn lầm lẫn cho rằng ĐCSVN được toàn quyền (vì có khả năng?) lãnh đạo xã hội. Đây là yếu tố quan trọng, đã dẫn đến hàng loạt sai phạm có tính chất tội ác của ĐCSVN (tạm tính riêng từ năm 1992 đến nay). Trên giấy trắng mực đen, họ không được hiến pháp cho phép độc quyền về chính trị, nhưng lại tự cho mình là tổ chức chính trị duy nhất được phép cầm quyền và chi phối theo hướng khống chế, lèo lái sự phát triển của xã hội.

Chẳng khó khăn lắm, những người có sự quan tâm đến chính trị xã hội Việt Nam những năm đầu thập kỷ 90, đều biết rõ sự hiện diện của ông tổng bí thư ĐCSVN Đỗ Mười. Ông Mười lên làm tổng bí thư ngày 28/06/1991, thì ngày 15/04/1992 Quốc hội Việt Nam hoàn tất việc phê chuẩn bản hiến pháp mới. Chắc chắn là bản Hiến Pháp 1992 phải có sự chỉ đạo chặt chẽ kể từ khâu soạn thảo của Bộ Chính Trị trung ương ĐCSVN. Vì vào thời gian ấy, cơ cấu của Ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Nam vẫn do 100% đảng viên ĐCSVN nắm giữ. Thậm chí, các đại biểu chủ chốt của quốc hội đều thuộc Bộ Chính Trị ĐCSVN.

Đọc kỹ Điều 4 Hiến Pháp 1992, ta thấy rõ: Người chắp bút (cho điều 4 này) là một người không giỏi về văn phạm. Một điều khoản hết sức quan trọng của hiến pháp một quốc gia, và tất nhiên là quan trọng cả cho ĐCSVN. Lẽ ra phải được viết một cách chuẩn xác, ngắn gọn, xúc tích, trong sáng, và dễ hiểu, thì đã được viết một cách thiếu khoa học, dài dòng, tối nghĩa, và đầy mâu thuẫn. Người này theo dự đoán, chỉ có thể là chính ông Đỗ Mười – Một người ít học, "sống lâu lên lão làng” – Cũng là hình ảnh chung của các lãnh tụ Cộng Sản ở Việt Nam.

Vẫn là chuyện ngộ nhận. Người dân Việt Nam, nhất là các nhà bất đồng chính kiến và nhiều nhà đấu tranh chính trị chống CSVN luôn cho rằng: Vì Điều 4 Hiến Pháp 1992 nên ĐCSVN mới có cơ hội lộng hành tác quái. Suy nghĩ đó hoàn toàn là một sai lầm! Từ năm 1992 trở về trước, nước Việt Nam Cộng Sản vẫn sử dụng bản Hiến Pháp năm 1959 và sau đó là Hiến Pháp năm 1980. Hiến Pháp 1959 thì không đả động gì đến ĐCSVN (Đảng Lao Động) cả. Hiến Pháp 1980 thì chỉ nói sơ qua về ĐCSVN, xin trích Điều 4: "Đảng tồn tại và phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam”.

Thử hỏi, trước năm 1992 ĐCSVN có độc tài độc đoán không? Có gây tội ác không? Ai gây ra cuộc thảm sát đồng bào trong Cải Cách Ruộng Đất? Ai đã gây nên hai cuộc chiến mà hơn 3 triệu người Việt phải bỏ mạng? Những khoảng thời gian đó ĐCSVN đâu cần có Điều 4 Hiến Pháp 1992?

Một dẫn chứng khác, ngày 12/09/1967 tòa án của nhà nước do ĐCSVN (lúc đó là Đảng Lao Động) cầm quyền, đã đưa ra xét xử nhóm của ông Nguyễn Văn Tính ở Hải Phòng vì tội lập ra Đảng Nhân Dân Cách Mạng. Thời điểm ấy, Việt Nam (Miền Bắc) thậm chí vẫn có đa đảng, ngoài ĐCSVN còn có hai đảng điển hình khác, là Đảng Dân Chủ và Đảng Xã Hội. Tất nhiên hai đảng đó chỉ là vật trang điểm cho chế độ Cộng Sản mà không có bất kỳ một vị thế cạnh tranh chính trị nào với ĐCSVN, vì vậy nó mới được phép tồn tại…



Vậy Điều 4 Hiến Pháp 1992 chỉ là lý do, hoặc người ta tưởng đó là lý do, chứ không hề là nguyên nhân gây nên tình trạng độc quyền về chính trị tại Việt Nam. Chính cái bản chất độc tài của Chủ Nghĩa Cộng Sản và cách hành xử dùng bạo lực "lấy thịt đè người” đã gây nên thảm trạng chính trị, và từ đó đã khiến cho xã hội Việt Nam ngày nay phát triển một cách què quặt, phiến diện về hầu hết các phương diện...


Sự ngộ nhận tai hại về Điều 4 Hiến Pháp Việt Nam 1992, như vậy đã thể hiện rõ ràng trên cả hai vế: Người bị cai trị và kẻ cai trị. Kẻ cai trị thì cứ tưởng rằng mình là "ông trời” vì hiến pháp quy định như vậy. Người gánh nỗi thống khổ thì coi như mình là "con sâu cái kiến”, có trách nhiệm phải "sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”, mặc dù họ vẫn biết rõ là cái gọi là hiến pháp và pháp luật đó, có nhiều điều khoản bất minh. Hai cái sai gặp nhau, từ việc tùy ý áp đặt quyền lực của kẻ cai trị, và sự nhắm mắt cam chịu của người dân. Đã đẻ ra một kết quả là sự mất Tự do, mất Dân chủ, Nhân quyền không được tôn trọng, đẩy lùi sự phát triển đi lên của xã hội Việt Nam.
Hai cái sai gặp nhau, từ việc tùy ý áp đ
Sự ngộ nhận về Điều 4 Hiến pháp 1992 như vậy là đã rõ. Bởi vậy, việc cần làm ngay hiện nay, chính là cần phải vứt bỏ ngay lập tức cái điều khoản gây ngộ nhận kia. Tuy mười mươi là nó vô nghĩa, bất công và bất minh đấy, nhưng quyền xóa bỏ nó lại là đặc quyền của quốc hội. Mà quốc hội thì đại đa số vẫn là đảng viên ĐCSVN, vậy phải làm thế nào?

Câu trả lời: Nhân dân Việt Nam phải đưa sáng kiến giành quyền trưng cầu dân ý, nhằm yêu cầu quốc hội Việt Nam xóa bỏ Điều 4 Hiến Pháp 1992. Điều này hoàn toàn phù hợp với quyền phúc quyết của nhân dân, thông qua việc "Trưng cầu dân ý”, đã được chính hiến pháp 1992 - Quốc hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ban hành - Ba lần nhấn mạnh.

Nhưng nếu chuyện "xóa bỏ Điều 4 Hiến Pháp 1992” có xảy ra, thì đó cũng chỉ là một tia hy vọng nhỏ nhoi về một lộ trình dân chủ còn quá xa xôi, và điều đó cũng không có chút gì đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ có Tự Do, Dân Chủ. Người Việt khắp nơi (trong và ngoài nước), đã có đủ kinh nghiệm đau thương trải qua hơn 60 năm qua để hiểu rõ điều ấy.

"Tự do ai ban cho mà có? Tự do phải giành lấy cam go!”. Xin được mượn lời của một bài hát do ca nhạc sĩ Trường Hải thể hiện để làm lời kết cho bài viết này.

Lê Nguyên Hồng

* Mời quý vị đón đọc bài viết: Nhận định về "Hiện tượng Cù Huy Hà Vũ”
Category: Chính trị | Views: 838 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0