Ngô Văn
Đầu năm dương lịch 2010, chế độ cộng sản Việt Nam đưa nhiều nhà dân chủ
ra tòa án ở Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng xử với những bản án thật nặng
nề. Những người ngồi ghế xét xử chỉ vào trong gọi là để "hội ý” chừng
15 phút là đã có ngay bản án dài lê thê, chỉ đọc không cũng đã mất
khoảng 45 phút. Đúng như dư luận tố cáo, điều này cho thấy bản án đã có
sẵn, với những quyết định đã có từ trước để đáp ứng cho nhu cầu trấn áp
của cộng Sản Việt Nam, mà toà án chỉ là công cụ của bộ máy trấn áp này.
Đây là một kịch bản bịp bợm đã được cộng sản Việt Nam diễn đi diễn lại
một cách lộ liễu từ trước đến nay. Tuy nhiên, sự trí trá và gian manh
trong các phiên toà vừa qua thì đã lên đến một cao điểm mới.
Ở đây không cần nhắc lại chi tiết những bài bản trong tiến trình trấn
áp những người yêu nước, từ việc dùng truyền thông của đảng bôi bẩn, vu
cáo các bị cáo và kết án trước khi xét xử ở toà; đến những trò sách
nhiễu, triệt hạ nguồn sống của các bị cáo; hoặc dùng đám côn đồ trộn
lẫn công an hành hung, hay dùng kiểu "toà án nhân dân” ở các tổ dân phố
để trù dập các nạn nhân một cách bẩn thỉu, v.v... Ở đây chỉ cần nêu lại
một điểm cốt lõi, mà lẽ ra đều phải có trong bất cứ vụ xử án nào. Đó là
tang chứng cho vụ án. Ở các phiên toà nêu trên, tang chứng đã hoàn toàn
vắng bóng.
Một cách tổng quát thì các tang chứng sẽ là nền tảng cho một vụ án, để
từ đó công tố viên buộc tội, các luật sư phản biện. Tất cả những yếu tố
này sẽ được hội đồng xét xử thẩm định cùng với sự giải thích những điều
luật tương ứng, để xem bị cáo vi phạm luật pháp như thế nào. Có cấu
thành tội trạng hay không ? v.v...
 | Cô Phạm Thanh Nghiên, 4 năm tù ở và 3 năm quản chế
| Trong
các phiên toà ở Hà Nội và Hải Phòng, tội trạng được đưa ra để kết án
đều xoay quanh hành vị "treo biểu ngữ” và phát tán tài liệu phỉ báng
chế độ. Tuy nhiên, những biểu ngữ mà các nhà dân chủ đã treo tại một số
nơi công cộng,... dù đã bị công an thu giữ (tức là không hề mất đi
đâu), nhưng lại không được đưa ra làm vật chứng căn bản cho vụ án. Các
tài liệu được gọi là "chống phá nhà nước” cũng vậy. Biểu ngữ "Hoàng sa,
trường Sa là của Việt nam” mà cô Phạm Thanh Nghiên dùng trong lúc tọa
kháng và bị bắt, cũng không được trưng ra ở toà án để làm bằng chứng.
Chánh án phiên toà lấp liếm rằng, biểu ngữ đó và việc cô Phạm Thanh
Nghiên kết án công hàm bán nước Phạm văn Đồng "chưa được phát tán rộng
rãi trên internet” (*), nên được toà "miễn truy cứu”. Tương tự, trong
phiên toà tại Sài Gòn các "tang chứng” về hành vi lật đổ nhà nước của 4
nhà trí thức đấu tranh cũng bị toà án dấu biệt. Chúng chỉ được nêu lên
trong bản cáo trạng để kết án, và cũng không hề dám tranh biện về nội
dung của các tang chứng đó.
Điều này tự nó đã tố cáo sự bối rối cùng cực của Hà Nội trong việc đối
phó với những phương thức đấu tranh hợp pháp và đầy chính nghĩa của các
nhà dân chủ. Do đó họ phải xử vội vã, lấp liếm cho xong. Toà án lẽ ra
là nơi để lập lại công lý, nhưng với toà án cộng sản Việt Nam thì ngược
lại. Bởi vậy, dư luận quốc tế phê phán đó là các phiên toà "nhạo báng
công lý” là hoàn toàn chính xác.
Chuyện xử án theo kiểu tương tự cũng đã diễn ra ở Trung Quốc trước đó không lâu.
Vào cuối năm 2009, toà án Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên đưa luật sư
Đàm Tác Nhân (Tan Zuoren) ra xử và kết án ông 5 năm tù ở và 3 năm quản
chế, về tội danh "âm mưu lật đổ chính quyền”, qua một số bài viết trước
đây của ông về Phong trào Dân chủ và biến cố Thiên An Môn.
Luật sư của Đàm Tác Nhân nói với các kỷ giả rằng, những bài viết về
phong trào Dân chủ và biến cố Thiên An Môn chỉ là lớp khói che đậy ý đồ
của nhà cầm quyền Trung Quốc. Đối với họ, ông Đàm Tác Nhân có tội chỉ
vì ông đã đứng ra giúp đỡ nhiều gia đình có con cái bị thiệt mạng trong
vụ động đất ở Tứ Xuyên năm 2008. Trong vụ động đất đó, các trường học
đã bị xụp đổ một cách dễ dàng, làm thiệt mạng gần 19 ngàn học sinh. Lý
do là vật liệu xây dựng trường ốc đã bị các quan chức tham nhũng rút
ruột, các toà nhà trường học có phẩm chất xây dựng kém đến nỗi được gọi
là những toà nhà "tàu hũ” và trở thành những cái bẫy sập, chỉ cần cơn
địa chấn nhỏ là xụp đổ ngay. Ông Đàm Tác Nhân thiết lập danh sách các
trẻ em nạn nhân, thu thập bằng chứng về vấn đề này và sắp sửa cho công
bố thì bị bắt. Trước phiên toà xử luật sư Đàm Tác Nhân 2 ngày, toà án
Trung Quốc cũng bác đơn kháng án của nhà dân chủ Hoàng Kỳ (Huang Qi).
Ông Hoàng Kỳ cũng bị xử 3 năm tù về tội "tiết lộ bí mật nhà nước” trong
một phiên toà vào tháng 11 năm ngoái, trong khi trên thực tế thì ông
chỉ tìm cách thu thập tài liệu về việc xây cất các ngôi trường ở Tứ
Xuyên.
| LS Đàm Tác Nhân (Tan Zuoren), 5 năm tù ở và 3 năm quản chế | Ông
Ngãi Vị Vị, kiến trúc sư hàng đầu của Trung quốc, người đã thiết kế vận
động trường "tổ Chim" (nơi làm lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh), cũng bị
chế độ cho vào sổ đen, chỉ vì dám lên tiếng phê phán nhà nước Bắc Kinh
muốn che dấu thông tin liên quan đến trận động đất ở Tứ Xuyên. Vị kiến
trúc sư này tưởng rằng Thủ tướng Ôn Gia Bảo là người thật lòng muốn cải
cách, nên khi đến dinh Thủ tướng để nhận huân chương tưởng thưởng công
lao và tài năng trong việc xây vận động trường Tổ Chim, ông đã thỉnh
nguyện ông Ôn Gia Bảo công bố danh sách các nạn nhân bị thiệt mạng, đặc
biệt là các em học sinh bị đè chết trong những ngôi trường đổ nát. Đồng
thời, ông cũng yêu cầu phải công bố họa đồ kiến trúc tất cả các ngôi
trường bị sụp để tìm nguyên nhân, hầu cải thiện việc xây cất trường học
về sau này. Ngay lập tức, thủ tướng Ôn Gia Bảo thay đổi thái độ từ niềm
nở sang lạnh nhạt. Biết lãnh đạo muốn che dấu sự thật, dù thỉnh nguyện
thêm cũng vô ích, nên ông Ngãi Vị Vị quyết định đứng ra kêu gọi bạn bè
tham gia cuộc điều tra để lập danh sách các nạn nhân và những trường
học bị sụp đổ. Thế là ông bị công an hăm dọa ngay sau khi trang mạng
nhật ký (blog) của ông đăng tải những điều mà ông và bạn bè đã thu thập
được. Vì tiếng tăm của ông Ngãi Vị Vị quá lớn nên chính quyền Bắc Kinh
không dám bắt ông bỏ tù, mà chỉ ghi vào sổ đen, và thường xuyên bị công
an hay những băng đầu gấu do công an thuê đến hăm dọa .
Phiên tòa xử luật sư Đàm Tác Nhân cũng vội vã và trí trá như những
phiên toà của CSVN xử các nhà đấu tranh, và cũng không hề dám xét đến
những tang chứng thực sự. Mặc dù công an phong tỏa khu tòa án rất
nghiêm ngặt từ sáng sớm, nhưng vẫn có trên 200 dân oan khiếu kiện kéo
đến phản đối phiên xử án này.
Hiện nay, các toà án rừng rú của hai nước cộng sản Việt Nam và Trung
Quốc nhất thời có thể đàn áp được những người đi tìm sự thực và đấu
tranh cho công bằng, công lý. Nhưng về lâu về dài họ sẽ không thể nào
dập tắt được các cao trào đấu tranh một khi người dân đã nắm bắt và áp
dụng được những phương thức đấu tranh bất bạo động. Vụ xử án giáo dân
Thái Hà, toà án Hà Nội đã phải nhục nhã lùi bước trước số lượng đông
đảo và sự nhất trí của người dân phản đối một cách công khai. Đây chính
là yếu tố đầu tiên trong những bước của đấu tranh bất bạo động để đưa
đến thành công.
— -
(*) Ghi chú: Thời gian trước phiên toà xử cô Phạm
Thanh Nghiên, dùng Google tìm trên internet bằng nhóm từ "Phạm Thanh
Nghiên” người ta tìm được khoảng 4 triệu 2 trăm ngàn kết quả. Dù có
loại bỏ đi những kết quả không chính xác vì sự trùng lập tên, chữ, thì
trường hợp của cô Phạm Thanh Nghiên chắc chắn cũng đã được phổ biến vô
cùng rộng rãi trên internet.
|