J.B Nguyễn Hữu Vinh
"Làng kia có đúc một ông voi
Đủ cả đầu đuôi đủ cả vòi… "
Cao Bá Quát
Tin tượng đài Thành Gióng được đúc bằng đồng nặng cả trăm tấn, tốn cả
trăm tỷ đồng… là tượng đài Thánh Gióng lớn nhất, không làm người ta
ngạc nhiên. Chỉ vì ở nước ta, có nhiều cái nhất: Đánh thắng hai đế quốc
to nhất, anh hùng nhất… vì đất nước ta "cứ ra ngõ là gặp anh hùng”.
Không nhất được thế giới, thì cũng nhất Đông Nam Á hoặc nhất… Đông
Dương. Chẳng hạn: Cầu dài nhất, hầm lớn nhất, cảng biển to nhất, con
đường gốm sứ dài nhất…
Cao hơn, lớn hơn là chế độ Xã hội chủ nghĩa đã biến đất ta là ta thiên
đường loại nhất, thành quả của chúng ta là lớn nhất do đường lối ta
đúng đắn nhất, đảng ta vĩ đại nhất. Đến mức bọn người phương Tây man rợ
còn mơ ước rằng sau một đêm ngủ dậy được trở thành người Việt Nam.
Chuyện đó thường rồi, nên khi nghe chuyện đúc Thánh Gióng lớn nhất cũng
chẳng có gì lạ. Tượng đài phải lớn nhất mới xứng tầm 1.000 năm Thăng
Long được tổ chức hoành tráng nhất và cũng… tốn kém nhất từ trước tới
nay.
Riêng tượng đài Thánh Gióng này không chỉ có một cái nhất mà là có đến nhiều cái nhất. Tạm kể ra ba cái nhất sau:
- Cái nhất thứ nhất: Có một tượng đài Thánh gióng lớn nhất, điều này
chẳng phải bàn, không những tượng đài lớn mà tiền đổ vào cũng lớn.
- Cái nhất thứ nhì: Là được người đứng thứ nhất nước quan tâm nhất: Chủ
tịch nước Nguyễn Minh Triết đến từ khi đổ mẻ bê tông đầu tiên, rồi đến
đổ giọt đồng cuối cùng và sau đó là đến khánh thành đều có mặt.
Một người đứng đầu đất nước mà bỏ ra chừng đó thời gian để quan tâm thì
chẳng nhất là gì? Thời gian của Chủ tịch nước đâu phải để đi chơi? Cả
triệu dân Miền Trung đang ngụp lặn trong bão lụt, mất xác trong nước lũ
mà đâu có quan trọng bằng chuyện đi khánh thành này? Vậy không quan tâm
nhất là gì.
- Cái nhất thứ ba: là không chỉ người đứng thứ nhất nước quan tâm, mà
người đứng thứ nhất chính phủ cũng quan tâm không kém, lại còn có sáng
kiến độc đáo nhất: Đúc tim cho tượng người và tượng ngựa.
Cái nhất thứ 3 này, được nhiều người bàn tán.
Người thì cho rằng đó là chuyện đùa, trên thế giới chưa hề có chuyện
này. Tượng chứ đâu phải là người thật, ngựa thật mà không có tim thì
chết. Nếu quả tim được treo tòn teng ra phía ngoài cho thiên hạ ngắm
nhìn mà thấy "trái tim bao la của ngài” thì còn được. Nhưng ở đây chỉ
vì trong ruột con ngựa nó rỗng nên đúc tim bỏ vào kín mít phía trong.
Khi có nghe rằng đó là chính là cái "Ai đìa” của Thủ tướng thì còn
chống chế: Biết đâu lại là Thủ tướng nói đùa rồi mấy ông nghễnh ngãng
tưởng thật như chuyện "nặn bánh” ngày xưa cũng nên. Chuyện rằng:
Hồi mới có bột mỳ đến Việt Nam, có một ông mua được mấy lon bột mỳ muốn
làm bánh đãi bạn. Sau khi đưa bột về nhà giao cho vợ thì mời bạn đến
thưởng trà chờ ăn bánh. Vì là lần đầu có bột mỳ nên vợ ông không biết
cách làm bánh ra sao. Bạn đến chờ đã lâu mà bà vợ quê mùa vẫn loay hoay
không biết cách chế biến đành đánh bạo lên hỏi nhỏ: "Bố nó ơi, nặn bánh
hình gì?” Tưởng sắp được ăn, đến giờ mới thấy vợ lên hỏi thì ông này
ngượng với bạn quá nên quát xẳng lấy oai: "Trời
đất. Đến giờ chưa xong còn hỏi nặn hình gì à? Nặn, nặn cái con c. tao
đây này, lát nữa không có bánh nhanh lên thì mẹ con mày liệu hồn”.
Bà vợ hoảng hồn chạy xuống bếp, một hồi sau thì bánh cũng xong và đưa
lên, trên chiếc đĩa lổm ngổm bánh to, bánh nhỏ, đúng hình… con giống.
Hai ông cũng ngồi im lặng thưởng thức. Ông chồng ngượng quá đành chữa
thẹn: "Mẹ nó nặn vớ vẩn thế mà ngon”.
Nhiều người không hiểu chuyện đúc tim tượng là chuyện đùa hay chuyện thật.
Chừng như để chứng minh chuyện này là nghiêm túc, với Thủ tướng đùa là đùa thế nào được, ông Đại Đức Thích Thanh Quyết bật mí:
"chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gợi ý cho chúng tôi về việc đúc
trái tim của đức Thánh với hình dáng như thật, thậm chí còn có hai dây
nối tượng trưng cho động mạch và tĩnh mạch của trái tim…”
À thì ra là vậy, sáng kiến độc đáo thật khó có ai nghĩ ra. Xưa nay trên
thế giới người ta có thể đúc tượng muôn vàn loài vật và người, nhưng
chưa ai có ý tưởng độc đáo này.
Mấy ông thợ xẻ nghe tin đó ngồi bàn tán với nhau suốt mấy ngày nay.
Một ông chừng như là fan của Thủ tướng quả quyết:
- Thủ tướng ta tưởng thế mà lại giỏi, dù nghề nghiệp y tá đi nữa thì
vẫn có những phát kiến mang tầm thời đại. Bởi suy cho cùng thì có lẽ vì
quả tim là quan trọng nhất. Con vật mà không có tim sao sống được, làm
con người mà không có trái tim thì càng vứt đi, nhất là đã thành thần
thánh nữa. Thủ tướng ta cũng phải có trái tim rộng lớn mới nghĩ ra được
thế chứ cứ như ông suốt ngày đi xẻ thì chẳng biết ý tứ gì cao siêu.
Ông kia vặc lại:
- Vậy sao không đúc luôn bộ óc đặt vào? Sinh ra trong con người, cái gì
chẳng quan trọng. Quả tim bỏ vào ở đây hẳn là cho đầy đủ bộ phận của
người và ngựa chứ đâu phải để ngắm hay để thờ. Nếu đã cho đầy đủ bộ
phận thì sao các bộ phận khác của Thánh Gióng và ngựa Gióng đều có mà
không đúc lại đúc mỗi quả tim? Tôi nói khí không phải nhưng nếu không
có cái… cái… như bánh nặn đó thì ông có sống được không? Sao không đúc
luôn thứ đó bỏ vào? Thì nó cũng bị khuất đi như trái tim thôi mà, nhưng
thiếu nó đâu có được. Tôi dù chỉ chấp nhận làm nghề thợ xẻ nhưng cũng
đã học hết lớp 7 bằng thật chứ đâu phải loại học dốt, bằng giả rồi phán
bừa làm khổ thiên hạ đâu mà ông bảo trù ẻo tôi nhé.
Ông kia vớt vát:
- Nhưng dù sao, thì với bức tượng quan trọng đó, có tim vẫn hơn không, quả tim là không thể thiếu được.
Ông này không chịu kém:
- Vậy cái tượng Bác Hồ và Bác Tôn hôm qua cũng mới khánh thành ở công
viên Thống Nhất có quan trọng không? Cũng rỗng ruột vậy có tim không?
Chẳng lẽ con ngựa còn có tim mà hai bác nhà mình lại không có? "Hay là
lý trưởng bớt đi rồi?” – ông này ngâm thơ.
Ông kia:
- Hai tượng đó không nghe nói đến, nhưng khả năng đúc tim, đúc thêm các
bộ phận khác kín phía trong tượng chắc cũng có mà không tiện nói ra
thôi. Tôi tin sẽ trở thành một phong trào để thực hiện "sáng kiến vĩ
đại” này của Thủ tướng. Mà không chỉ có một tượng Thánh Gióng bay về
Trời đâu nhé, sau đây còn có nhiều tượng Thánh Gióng khác nữa cho ông
xem.
- Lại còn thế nữa, một tượng đã tốn cả trăm tỷ đồng, nhà nước phải bỏ
ra cả mấy chục tỷ tiền dân, mà dân thì đang chết lụt trong kia còn hô
cứu trợ khắp nơi, lại còn vẽ vời thêm tượng khác nữa là sao?
Ông này chậm rãi giải thích:
- Đúng là ông chẳng hiểu gì chuyện lớn. Đói ở đâu, lụt ở đâu là một
chuyện, cùng lắm chết dăm bảy chục mạng người, mà người thì đầy ra đấy.
Đói thì kêu gọi đồng bào, đồng chí góp mỗi người một ngày lương, các
cháu học sinh nhịn ăn sáng mà cứu trợ. Nhưng tượng đài là phải làm, vì
để lợi ích cho muôn đời con cháu chúng ta.
Ông không xem Thời sự à? Tối qua TV đưa tin khánh thành tượng đài Thánh
Gióng, nghe Chủ tịch nước nói tôi mới biết thêm chi tiết rằng "Thánh
Gióng không phải là huyền thoại”.
Thậm chí Chủ tịch nước còn mang Thánh Gióng ra để so sánh rất chi là chính xác với tư duy của cán bộ nhà nước ta thời nay rằng:
"Công lao là như thế, tài năng là thế, nhưng mà không màng chức vụ,
danh lợi, không đòi hỏi ai cám ơn cả, không đòi hỏi phong chức, phong
tước gì cả, đánh giặc xong là thanh thản về Trời để sống một cuộc đời
vui thú điền viên, một cuộc đời thanh thản”. Tôi nói nguyên văn
đấy nhé, tôi thuộc vì tôi thích đoạn này. Chủ tịch nước nhà mình dù chủ
tịch nước nhưng vẫn suy nghĩ rất bình dân đấy nhé.
Vậy nghĩa là bây giờ Thánh Gióng vẫn đang sống cuộc đời vui thú điền
viên thanh thản, thì phải có bộ tượng Thánh Gióng đánh cờ, Thánh Gióng
nuôi gà, Thánh Gióng chăm cây cảnh, Thánh Gióng đang nghe điện thoại,
Thánh Gióng đang hút thuốc và cho cháu ăn, Thánh Gióng đang quàng khăn
cho các cháu, Thánh Gióng đang tập thể dục… cho nó đủ chứ. "Công lao là như thế, tài năng là thế” mà chẳng lẽ chỉ có tượng Thánh Gióng chạy về Trời là hết sao?
Câu chuyện đang dang dở, bỗng nghe những tiếng nổ lớn từ Mỹ Đình, khói
bốc mù mịt, lại nghe tin mấy người chết và bị thương, hai ông bỏ cưa
chạy dáo dác nên câu chuyện tạm gác lại.
Video
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Thánh Gióng về "Trời vui thú điền viên”:
|