Nguyễn Tường Thụy (danlambao) - Nếu
không đi biểu tình, không bị bắt thì làm sao tôi cảm nhận hết được tình
thương yêu, đoàn kết của những người bị bắt với nhau trong những lúc
khó khăn hoạn nạn. Làm sao tôi cảm nhận hết được lòng yêu nước của
nhân dân ta mãnh liệt đến thế...
Dù
bị đàn áp thô bạo nhưng tôi cho rằng, cuộc biểu tình đã thành công
nhiều mặt đối với tôi, với các bạn và với Tổ quốc Việt Nam thân yêu của
chúng ta.
1. Vừa khởi hành thì bị bắt
Gần
8h30 tôi có mặt tại Điện Biên Phủ. Lúc này, đoàn biểu tình đã tập hợp
thành đội ngũ trước vườn hoa Lê Nin. Đoàn đang đứng tại chỗ và hô to
những khẩu hiệu. Tôi nhanh chóng gia nhập đoàn. Vài phút sau thì việc
bắt bớ xảy ra. Mọi người bảo nhau kiên quyết không cho bắt người.
Thấy
có một thanh niên bị 3 tay công an túm đưa lên xe, tôi xông vào kéo em
này ra. Giằng co nhau được một lúc thì tôi được một cô gái giúp sức,
thế là chúng tôi giằng lại được. Mấy cảnh sát nhìn tôi chắc thấy tôi
đứng tuổi nên thôi (tạm thôi). Tôi nhanh chóng đẩy em thanh niên này ra
phía sau lẫn vào đoàn người còn tôi lại len lên phía trước trông chừng
(nhưng sau đó, tôi để ý không thấy em này đâu, chắc là bị bắt lại).
Tôi
bảo mấy cháu CSCĐ rằng, các cháu ăn cơm của dân, đừng làm gì không phải
với dân. Các cháu không nói gì. Một cậu mang hàm đại úy bảo thế bác bảo
chúng tôi không yêu nước à. Tôi nói yêu nước sao lại bắt những người
phản đối TQ đang âm mưu cướp nước ta. Các anh không thể bắt người khác
yêu nước theo kiểu của các anh.
Chúng
tôi đi về hướng Bờ Hồ nhưng cảnh sát thỉnh thoảng lại đột nhập vào đoàn
biểu tình bắt đi từng người một. Lúc này, lực lượng họ quá đông nên
chúng tôi không làm gì được.
Còn
sót lại chừng 40 người, chúng tôi tiếp tục đi. Một cháu thanh niên đưa
cho tôi tấm biển ngữ có dòng chữ "Ngày 17/7 cách đây 45 năm trước, Bác
Hồ đã dạy "Không có gì quí hơn độc lập tự do”. Đến barie đường sắt Điện
Biên Phủ thì đoàn bị ách lại. Chúng tôi đứng lên vỉa hè, đối diện với
cảnh sát, giăng biển ngữ và tiếp tục hô khẩu hiệu.
Được
chừng mươi phút thì một chiếc xe buýt đến. Thế là chúng xông đến bắt
chúng tôi lên xe. Họ túm vào xô đẩy, lôi, kéo và đấm đạp rất thô bạo
chẳng khác gì lũ lưu manh vô học. Tôi bảo để tôi tự lên xe nhưng chúng
vẫn cứ thế. Gói thuốc lá của tôi trên túi ngực văng ra cửa xe, một
thằng nhanh nhẹn nhặt lấy đút túi. May mà tôi đã tính trước, cất tiền
vào chỗ an toàn nhất không thì trưa nay chúng lại được bữa nhậu. Lên xe
rồi tôi tiếp tục quan sát việc bắt bớ. Bỗng huỵch một cái, chúng ném
một người lên, nằm xoài trên sàn xe như là vứt một con vật lên bàn mổ.
Đó là một thanh niên. Tôi hỏi chuyện, em cho biết em là Nguyễn Trí Đức,
sinh năm 1976. Em kể bị chúng nó đạp 1 cái vào bụng và 2 cái vào mồm.
Lực
lượng bắt người mặt đầy tử khí, hành động rất thô bạo, nói năng chửi
bới tục tĩu, chúng đối xử với con người như súc vật. Mấy người bị bắt
với tôi cho biết, đấy là những thành phần bất hảo, côn đồ được CA thuê
đến.
Lúc này chừng 9 giờ.
Khi
xe đi về Mỹ Đình, chúng tôi kiểm quân, đếm được 21 người, tất nhiên
không tính những người áp giải chúng tôi, Có một tay thanh niên chừng
ngót 30 tuổi. Hỏi gì hắn cũng không nói, chỉ ngơ ngác nhìn. Mọi người
bảo, nó không nói được, vậy đúng là an ninh TQ rồi. Chợt nhớ tới cuộc
biểu tình lần thứ 5, có nghi vấn rằng an ninh TQ cũng tham gia giám sát
biểu tình. Nếu vậy thì ... thôi rồi, đất nước ơi!
Về
đến công an Mỹ Đình, người bị bắt lên các xe liên lạc với nhau, tính
ra: xe thứ nhất có 18 người, xe thứ 2 có 7 người (xe này một số họ thả
dọc đường), xe thứ ba có 21 người, cộng lại là 46 người bị bắt đến Mỹ
Đình. Còn ngoài ra họ bắt về đâu nữa thì tôi không rõ.
Về
đến đồn CA Mỹ Đình, tôi nhận được tin còn một đoàn nữa đang ở Bờ Hồ
(chắc đoàn này bị tách ra ngay từ Điện Biên Phủ). Tôi liền gọi điện cho
Nhà thơ Nguyễn Trọng tạo thông báo vắn tắt tình hình ở Mỹ Đình và nói
với anh rằng tình thần mọi người rất vững vàng, tự tin.
2. Biến nơi tạm giữ thành "lớp học”
Họ
bảo chúng tôi vào một lớp học, chung sân với đồn công an Mỹ Đình. Mọi
người ngồi vào kín các bàn, trông giống như một lớp học vậy. Thấy thế,
tôi tưởng tượng ra đây là một lớp học nên tôi lên đóng vai giảng viên,
với mục đích chỉ là làm cho mọi người vui cho bớt căng thẳng. Một em
nhanh chóng lên xóa bảng và điền vào góc trái: sĩ số 46, có mặt 46. Tôi
cầm phấn viết lên bảng:
Bài 1: Tổ quốc Việt Nam.
Rồi
tôi "giảng”: Tổ quốc là cơ đồ tổ tiên ta gây dựng, đã thầm mồ hôi từ
buổi bình minh dựng nước, thấm máu tươi từ mấy ngàn năm giữ nước. Vậy
mà đất tổ tiên nay đang hóa thành đất người. Ngư trường quen thuộc của
ta từ bao đời nay đã hóa thành biển lạ. Ngư dân ta bị hải quân TQ bắt,
bị cướp, bị giết không khác gì hành động của bọn cướp biển ... Thử hỏi
người yêu nước chân chính ai mà không đau đớn, xót xa, tủi nhục ...
Dù là đóng giả nhưng tôi vừa nói vừa nghẹn ngào.
Rồi xúc động quá, tôi đọc mấy câu thơ trong bài "Tổ quốc” của tôi:
Tổ quốc ơi tôi yêu đến vô cùng
Một thước đất cũng một phần Tổ quốc.
Một "em học sinh” giơ tay:
- Thưa thấy, xin thầy cho biết tên ạ.
Tôi giới thiệu đầy đủ họ tên, "cả lớp” ồ lên: "Thì ra thầy là ...”
Đến
đây, có mấy công an vào lôi tôi khỏi bục giảng: "Đây không phải là chỗ
cho anh tuyên truyền”. Tôi bảo tuyên truyền về tình yêu Tổ quốc có gì
sai mà cấm? Rồi kẻ lôi, người đẩy. Tôi giật tay ra: "Các anh để tôi tự
đi, không được xô đẩy tôi như thế”.
3. Đoàn kết - Giữ vững tinh thần:
Tất
cả những người bị bắt không một ai tỏ ra sợ hãi, lo âu. Đặc biệt tinh
thần đoàn kết rất cao. Mọi người gọi điện về cho người nhà rất tự tin
và bảo hãy yên tâm.
Nhờ
bị bắt về đồn, tôi biết thêm được nhiều người mà tôi đã biết tiếng như
blogger Vũ Quốc Ngữ, em Ngô Duy Quyền - chồng Luật sư Lê Thị Công Nhân,
em Phương - người đọc Tuyên cáo tại Nhà hát lớn hôm biểu tình lần thứ
5, Phương Bích mà tôi đã đọc nhiều bài viết của cô trên các trang web,
bác Hùng - cán bộ của Nhà xuất bản Thanh niên đã nghỉ hưu, anh Vinh Anh
blogger, cháu Vinh là học sinh đang du học ở Malaysia, người hô khẩu
hiệu khỏe nhất ... Người buôn gió tôi gặp ở Điện Biên Phủ nhưng không
thấy ở đây, không biết bị bắt đi đâu hay là họ đã ngán không muốn bắt
anh nữa.
Tôi
hơi tiếc một điều là không nhận ra chị Bình Nguyên con gái tướng Nguyễn
Trọng Vĩnh cũng bị bắt với mình và khi Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đến
thăm bà con thì tôi cũng không biết là anh.
Bị
bắt cùng chúng tôi có cả các cháu bé mới hơn 10 tuổi, trong số đó có
con của anh Lê Dũng, Anh Lê Dũng bị chúng giẫm nát 1 cái kính, hỏng 1
chiếc máy ảnh và cướp đi 2 lá cờ Tổ quốc.
Tôi
thấy vui khi biết tên tôi, nhiều người nhắc đến những bài báo tôi đã
viết. Đặc biệt, Phương Bích còn đọc thuộc cho tôi nghe cả đoạn mà cô
tâm đắc.
Sau khi thẩm vấn hết, lập xong danh sách, họ bỏ đi, không nói rằng đã xong việc hay chưa.
Bỗng
một người đến hỏi tôi, anh đi biểu tình, người ta gọi điện về làm chúng
tôi phải lên. Tôi hỏi lại, thì ra đó là một an ninh của huyện Thanh
Trì. Tôi bảo, việc quái gì mà các anh phải lên, họ bắt các anh lên đây
để giải quyết cái gì? Hỏi thêm chút nữa, tôi nhớ ra đó là người quen,
đã từng tháp tùng chúng tôi khi tôi dẫn đầu bà con khiếu nại lên thành
phố hồi 2003. Hình như chỉ có trường hợp tôi, họ mới gọi cho an ninh
địa phương lên thì phải.
Ngay
từ khi bị bắt lên xe cho đến khi vào đồn công an, mọi người bức xúc nói
lên sự phẫn nộ về việc bắt người theo luật rừng, về hành động gây hấn
của TQ và cướp bóc xua đuổi đánh đập ngư dân ta. Nhiều chuyện lắm. Rồi
đấu lý và tranh thủ tuyên truyền cho các cậu công an có vẻ như chưa bị
nhiễm tư tưởng "còn đảng còn mình”.
Về
phần tôi, sau khi lôi tôi ra khỏi "lớp học”, họ đưa tôi vào phòng trực
ban. Tôi bảo: "Chú nói trước, các cháu chỉ cần biết danh tính của chú
là đủ. Chú không thể trả lời nhiều. Muốn biết kỹ hơn về cha mẹ, anh em
và các thông tin khác về chú thì gọi điện sang bên an ninh sẽ có đầy
đủ”.
Khi hỏi về nghề nghiệp, tôi bảo cựu chiến binh, đi bộ đội từ thời chống Mỹ cho đến khi về hưu. Khi ấy, chắc cháu chưa sinh ra.
Cậu
ta bảo mời mọi người đến đây chỉ có mục đích là hỏi xem vì sao mọi
người đi biểu tình và có nguyện vọng như thế nào. Rồi lại vẫn bài quen
thuộc: việc ấy đã có Chính phủ lo. Tôi bảo vì Chính phủ phản ứng quá
yếu ớt trước hành động gây hấn của TQ nên chúng tôi phải có hành động
hậu thuẫn cho Chính phủ. Chúng tôi hưởng ứng lời thủ tướng phát biểu
tại Nha Trang rằng cần tiếp tục khẳng định mạnh mẽ và thể hiện ý chí
quyết tâm cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong việc bảo
vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Chúng tôi đi biểu tình vì Tổ quốc đang đứng trước hiểm họa xâm lăng của TQ, vì ngư dân VN đang tiếp tục bị TQ bắt bớ cướp bóc.
Tôi chưa kịp nói nguyện vọng thì cậu ta đã bỏ ra ngoài mất.
Một lát sau cậu khác đến hỏi, tôi bảo, tôi trả lời rồi, anh hỏi cái cậu vừa thẩm vấn tôi ấy, tôi không nói lại.
Ngay
trong sân đồn, chúng tôi lại tiếp tục hô khẩu hiệu, chụp ảnh kỷ niệm.
Cô Bùi Thị Minh Hằng, công dân ở Bà Rịa – Vũng Tàu là người hô khẩu
hiệu và đối chất rất hăng hái, đứng ra nhận lo bữa ăn trưa cho tất cả.
Cô rút tùm lum ra một nắm tiền. TS Đỗ Xuân Thọ đau chân chống gậy tập
tễnh, được CA cho riêng 40 000 đồng nhưng anh góp luôn vào đấy. Các
cháu thanh niên cầm tiền đi mua về đủ loại bánh, trứng và nước uống.
4. Biến đường về thành cuộc biểu tình:
Chúng
tôi đòi gặp người có trách nhiệm để yêu cầu mang xe chở về nơi đã bắt
chúng tôi đi. Loanh quanh mãi, không có ai đứng ra nhận là người có
thẩm quyền cả.
Khi
thấy CA không cho xe chở về như đã hứa, chúng tôi bàn nhau biến việc đi
về thành biểu tình. Dự kiến sẽ theo hướng Cầu Giấy rồi về Bờ Hồ. Thế là
chúng tôi sắp hàng, ra khỏi sân đồn công an.
Lúc này đã có vài người về trước. Tôi chạy lên đầu, đứng sang một bên đếm từ đầu đến cuối được hơn 40 người.
Vậy
là đoàn biểu tinh thoải mái giăng cờ, biển ngữ, vừa đi vừa hô khẩu
hiệu, có cả 2 loa điện hẳn hoi, không có công an nào bám theo cả. Đoàn
có 3 chiếc xe máy dùng để chở những ai mệt nhưng tất cả đều từ chối
không chịu làm "thương binh” trong những lúc thiêng liêng như thế này.
Tôi được các cháu mời lên đi xe nhưng cũng từ chối mặc dù khi ấy tôi đã
khá mệt. Thế là cả ba xe cứ thế dắt bộ. Cuối cùng, do trời nắng, một số
người đã xuống sức và xe buýt không cho lên nên đoàn tự giải tán ở đoạn
gần Bảo tàng Hà Nội.
Thế là, chỉ vì công an bắt về thì có xe, trả tự do lại không có xe nên chúng tôi được biểu tình thêm đoạn đường 3,4 km nữa.
5. Cảm xúc còn đọng lại:
Chưa
lần nào, người biểu tình bị đàn áp quyết liệt như thế. Những người bị
bắt, chẳng có tội gì hết ngoài tội hô khẩu hiệu phản đối TQ và hô bảo
vệ Tổ quốc Việt Nam.
Trực
tiếp bị bắt và quan sát cảnh bắt bớ, tôi không cần phải né tránh mà nói
rằng, đó là một lũ bất lương. Tôi không nghi ngờ gì khi nghe câu đây là
một chế độ công an trị.
Tôi không nghi ngờ gì khi nói đất nước này có một rừng luật nhưng lại xử theo luật rừng.
Quốc hội đâu mà để cho bao kẻ ngồi xổm lên pháp luật?
Tôi
đang khóc các bạn ạ. Các bạn có tin không? Lúc này, bàn phím của tôi
ướt nhiều hơn. Tôi khóc cho Tổ quốc tôi. Bây giờ là hai giờ sáng. Gần
trọn một ngày đêm, gần như không ngủ, không ăn để hành động, để suy
nghĩ. Tôi và các bạn yêu Tổ quốc của mình đến cháy bỏng mà người ta
không cho bày tỏ.
Tôi
đau đớn và không chịu được nhục. Tại sao, nước ta lại bị lép vế, sợ hãi
TQ đến vậy? Tư thế cha ông ta ngày xưa có bao giờ tới mức thảm hại như
thế này đâu. Tôi xót xa cho đồng bào tôi, ra vùng biển thân thuộc của
Tổ quốc đã từ bao đời, nay bị cướp bóc, bị xua đuổi, bị đánh đập như
những con vật. Những kẻ đàn áp biểu tình hôm nay nghĩ sao khi thấy hình
ảnh ngư dân mình phải vái lạy bọn cướp biển TQ?
Nhưng
dù sao, nếu hôm nay tôi không đi biểu tình, để rồi bị bắt, chịu đói,
chịu khát, chịu nắng hè cho đến gần như kiệt sức thì tôi còn ân hận hơn
nhiều. Ít nhất, tôi đã có thêm một việc làm vì Tổ quốc.
Tôi
khóc vì cảm kích trước dũng khí và những tấm lòng. Nếu không đi biểu
tình, không bị bắt thì làm sao tôi cảm nhận hết được tình thương yêu,
đoàn kết của những người bị bắt với nhau trong những lúc khó khăn hoạn
nạn. Làm sao tôi cảm nhận hết được lòng yêu nước của nhân dân ta mãnh
liệt đến thế.
Dù
bị đàn áp thô bạo nhưng tôi cho rằng, cuộc biểu tình đã thành công
nhiều mặt đối với tôi, với các bạn và với Tổ quốc Việt Nam thân yêu của
chúng ta.
|