Trà Mi-VOA | Washington DC
Một
nhà bất đồng chính kiến trẻ tuổi vừa mãn án tù 3 năm về tội "tuyên
truyền chống phá nhà nước” vào ngày 1/7 năm nay. Anh Ngô Quỳnh, sinh
viên trường đại học Nông Lâm ở Thái Nguyên, từng có các hoạt động phản
đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam và bắn giết ngư dân Việt
trên Biển Đông trước khi bị kêu án. Người thanh niên Bắc Giang 27 tuổi
đã đứng ra tổ chức cuộc biểu tình ôn hòa ở Hà Nội nhân cuộc rước đuốc
Thế vận hội Bắc Kinh diễn ra tại Việt Nam vào tháng tư năm 2008.
Ngô Quỳnh: "Chính những tri thức về dân chủ mang đến cho chúng tôi sức mạnh."
Anh
từng đích thân đi Thanh Hoá tìm gặp thân nhân của các ngư dân bị hải
quân Trung Quốc bắn giết. Ngoài ra, Ngô Quỳnh cũng tham gia thả bóng
bay cổ động nhân quyền, treo biểu ngữ, rải truyền đơn ở Hải Dương và
Hải Phòng để kêu gọi nhà nước thực thi dân chủ, cho phép đa đảng. Trò
chuyện với Tạp chí Thanh Niên trong ngày được phóng thích, Ngô Quỳnh
khẳng định anh không làm gì sai hoặc đi ngược lại với lợi ích của dân
tộc, và nhấn mạnh rằng khát vọng dân chủ cũng như lý tưởng tranh đấu
cho dân chủ trong anh không thay đổi.
Ngô Quỳnh: Họ nói chúng tôi ‘tuyên truyền chống phá
nhà nước’. Là công dân, khi nhà cầm quyền hay đảng đi ngược lại lợi ích
của dân tộc, chúng tôi sẽ phê phán. Hành vi đó khác với ‘tuyên truyền
chống phá’. Chúng tôi treo băng rôn, khẩu hiệu, với nội dung cổ võ cho
dân chủ, đa nguyên, không chống nhà nước. Không hiểu luật pháp của họ
thế nào. Hầu như họ không trả lời được những chất vấn của chúng tôi,
nhưng họ vẫn kết án và không cần biết chúng tôi có lý lẽ thế nào.
Trà Mi:
Là một công dân trẻ ở Việt Nam, khi tham gia những hoạt động đó, anh có
ý thức được các hoạt động ấy có thể gây rắc rối cho bản thân, hoặc anh
có tìm hiểu về điều 88 trước khi tham gia các hoạt động đó không?
Ngô Quỳnh:
Mọi việc chúng tôi làm xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim của mình
thôi. Ví dụ như biểu tình hay đòi hỏi sự tiến bộ về nhân quyền đó là
các hành động nhằm thúc đẩy sự văn minh của đất nước. Khi bị kết tội
như vậy, chúng tôi rất bàng hoàng. Chúng tôi không có được sự bảo vệ
cần thiết của pháp luật, nên chúng tôi vẫn bị xử án.
Trà Mi: Anh
nói các hoạt động của anh cũng chỉ là những quyền cơ bản của công dân
để bày tỏ quan điểm. Ở Việt Nam có lập luận cho rằng quyền tự do của
công dân được tôn trọng, nhưng không có nghĩa là ai muốn làm gì thì
làm, phải trong khuôn khổ pháp luật.
Ngô Quỳnh: Thế
nhưng khi chúng ta bị xâm lược, ngư dân chúng ta bị nước ngoài bắn chết
mà chúng ta không lên tiếng, nói đơn giản hơn, như khi ra đường bị
cướp, việc tối thiểu là chúng ta phải hô lên để mọi người cùng biết và
bênh vực.
Trà Mi: Còn hoạt động treo biểu
ngữ và đi phát truyền đơn mà anh cùng tham gia với các bạn đồng chí
hướng, theo nhà nước, đó là hoạt động nhằm kích động quần chúng, có thể
dẫn tới những xáo trộn, gây hại cho an ninh quốc gia. Anh nghĩ thế nào
về lập luận đó?
Ngô Quỳnh: Chính quyền lập
luận thì dân cũng phải chịu thôi, vì khi chỉ có một đảng cầm quyền, lập
luận của họ chính là luật. Sống ở Việt Nam, bạn hãy chịu khó, dù thấy
khó chịu, cũng phải chịu khó ngồi yên. Nếu bạn có những quyết định hay
việc làm nhanh nhạy và hợp lý hơn chính quyền hoặc bạn có những ý kiến
xác đáng hơn chính quyền, rất có thể bạn sẽ bị đi tù, vì bạn đang
‘chống phá nhà nước’. Cho nên, khi bạn muốn thể hiện tấm lòng của mình
với đất nước, ở Việt Nam, bạn phải dè chừng và ‘mặc áo chống đạn’. Nếu
không, rất có thể bạn phải vào tù bất cứ lúc nào.
Trà Mi: Ba năm qua anh đã trải nghiệm thời gian trong trại giam như thế nào?
Ngô Quỳnh: Trong
thời gian tôi ở tù, gia đình, bạn bè, và những đồng bào, kể cả ở hải
ngoại, thường xuyên gửi lời hỏi thăm và hỗ trợ về mặt tinh thần lẫn vật
chất. Tôi đã được gửi những chiếc áo mùa đông. Tôi rất biết ơn những
tấm lòng đã quan tâm chia sẻ với tôi. Khi lên trại giam, chúng tôi bị
nhốt riêng. Tù nhân chính trị bị nhốt buồng riêng. Tôi được ở 1 năm
rưỡi với các anh em đấu tranh chính trị.
Trà Mi: Anh có được tiếp xúc với các phương tiện truyền thông đại chúng như TV hay sách báo chăng?
Ngô Quỳnh: Chúng tôi được xem TV, đọc báo Nhân Dân và sách về khoa học kỹ thuật.
Trà Mi: Sau 3 năm tù, hiện giờ hoạch định cho tương lai của anh như thế nào?
Ngô Quỳnh:
Trước khi bị bắt, tôi là một sinh viên đã ra trường, chuyên ngành kỹ sư
nông nghiệp. Tôi cũng đã trải qua nhiều công việc trước khi bị bắt. Ra
tù, giờ tôi còn bị quản chế thêm 3 năm nữa. Trong thời gian đó, tôi
không được ra khỏi nơi cư trú. Cho nên, tôi sẽ ở lại nhà và làm công
việc như trước khi đi tù tôi đã làm.
Trà Mi: 3
năm trong trại giam quả là rất dài đối với một thanh niên có nhiều lý
tưởng và hăng hái với những hoạt động xã hội như anh. Những ngày tháng
đằng đẵng trong tù đã cho anh những suy nghĩ gì? Anh đã có những trăn
trở thế nào về lý tưởng dân chủ, về những hoạt động dân chủ của mình,
và về tình hình chung của đất nước trong thời gian qua?
Ngô Quỳnh:
Theo tôi, trách nhiệm của một công dân là phải đóng góp cho nơi đã sinh
ra tôi và nuôi tôi lớn lên. Đơn giản vậy thôi. Tôi đi tù, tôi cũng
không hề ân hận về chuyện đó.
Trà Mi: Nhưng
những đóng góp của anh lại mang tới những hậu quả đáng tiếc cho chính
bản thân anh. Giờ đây, khi được trả tự do, anh cảm thấy những đóng góp
của mình có vai trò thế nào? Trong tương lai, liệu anh sẽ tiếp tục
những gì mà anh từng cho là lý tưởng của mình hay không?
Ngô Quỳnh:
Những gì đã nằm trong trái tim và tấm lòng của tôi sẽ vẫn mãi tồn tại.
Trong chừng mực nào đó tôi đóng góp được, tôi vẫn sẽ cố gắng có tiếng
nói cổ võ cho sự tiến lên, cho nền dân chủ và văn minh của Việt Nam.
Tôi sẽ vẫn giữ vững niềm tin của mình.
Trà Mi: Một
phần trong các hoạt động của anh dẫn tới bản án 3 năm phải kể đến những
hoạt động cổ võ tinh thần yêu nước, chống Trung Quốc. Bây giờ khi anh
ra khỏi trại giam sau 3 năm, tình hình chung chắc anh cũng biết là
những cuộc biểu tình-tuần hành của thanh niên trong nước phản đối Trung
Quốc một phần nào đó cũng đã được phép biểu hiện rõ ràng hơn so với
thời điểm 3 năm trước đây. Điều này cho anh cảm nghĩ như thế nào? So
sánh lại, anh có cảm thấy mình đã bị đối xử bất công hoặc anh có cảm
thấy đây là một dấu hiệu tích cực, tiến bộ từ phía chính quyền hay
không?
Ngô Quỳnh: Cách đây 3 năm, tôi có
các hoạt động tương tự như các bạn thanh niên, sinh viên bây giờ nhưng
tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là bị bắt giam. Điều đó chứng
tỏ nhà cầm quyền Việt Nam đã rất tự tin là họ có thể kham được các công
việc đó. Thế nhưng cho tới hôm nay, họ hiểu rằng họ không thể bí mật đi
đêm với Trung Quốc về vấn đề biên giới mà không cần cho người dân biết.
Họ buộc phải đưa ra để người dân cùng bênh vực họ vì họ cảm thấy không
kham được nữa rồi.
Trà Mi: Trải qua bản án 3 năm tù, bài học lớn nhất anh đã rút ra cho mình là gì?
Ngô Quỳnh:
Sau thời gian 3 năm tù, tôi đã rèn luyện cho mình về tinh thần. Tôi cảm
thấy 3 năm vừa qua chỉ là thử thách và làm cho tôi thêm vững vàng hơn
chứ tôi không hề thấy mình ân hận. Tôi vẫn cứ sẽ đi theo cách mà tôi đã
từng đi, thậm chí tôi sẽ đi một cách vững vàng và chắc chắn hơn trước.
Trà Mi: Một
lời nhắn gửi tới những người đồng chí hướng với anh, những thanh niên
yêu chuộng dân chủ, muốn đấu tranh cho dân chủ, và những người quan tâm
tới anh, anh Quỳnh sẽ nói gì?
Ngô Quỳnh:
Tôi xin cảm ơn những người đồng chí của tôi, những người quan tâm tới
tôi trong suốt thời gian tôi ở tù. Tôi mong các bạn luôn vững tin, cứ
viết thật nhiều, truyền bá những tư tưởng dân chủ qua các phương tiện
thông tin như internet.
Trà Mi: Theo anh,
vai trò của việc người trẻ quan tâm, có các hoạt động cổ võ, đóng góp
cho nền dân chủ đối với tình hình chung của đất nước và sự phát triển
của đất nước như thế nào?
Ngô Quỳnh: Chính
những tri thức về dân chủ mang đến cho chúng tôi sức mạnh. Ở trong
nước, chúng tôi không có cơ hội tiếp cận với những tri thức mới như
thế. Đây chính là sức mạnh lay chuyển và là sức mạnh để đất nước tiến
lên. Tôi mong các bạn hãy vì đất nước mà cố gắng. Ở Việt Nam, đôi khi
người ta bị bắt mà không biết lý do vì sao. Gần như chân lý là ý của
người cầm quyền. Qua phiên tòa của tôi, tôi thấy gần như họ không có ý
niệm về công lý.
Trà Mi: Trí thức trẻ khao
khát dân chủ, hy sinh vì dân chủ, thì cũng hy sinh sự tự do của chính
bản thân mình, mà bức tranh chung tại Việt Nam cho thấy chưa mấy gì
sáng sủa. Làm thế nào để có thể khao khát dân chủ, hy sinh vì dân chủ,
và đạt được mục tiêu dân chủ? Anh có suy nghĩ đến điều đó không?
Ngô Quỳnh:
Tôi cũng đã nghĩ tới điều đó. Theo tôi, cây nào cũng vậy, mình phải
gieo hạt, phải tưới, phải có thời gian để cho hạt hút nước, hút quang
học, lấy được khoáng chất từ đất thì hạt đó mới lớn. Tôi nghĩ thời gian
sẽ nuôi lớn dần những khát vọng ấy, và tôi mong là trong thời gian đó,
chúng ta không ngồi im, mỗi người chúng ta đóng góp một viên gạch để
xây dựng một ngôi nhà cho tương lai.
Vừa rồi là cuộc trao đổi
với nhà dân chủ trẻ, Ngô Quỳnh, từ Hà Nội, người vừa được trả tự do sau
3 năm tù về tội danh ”tuyên truyền chống phá nhà nước” vì các hoạt động
mà giới bảo vệ nhân quyền mô tả là cổ súy cho dân chủ. Ngô Quỳnh thuộc
nhóm các nhà bất đồng chính kiến ở Hải Phòng, trong đó có cô Phạm Thanh
Nghiên và nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, bị tuyên các bản án với mức cao
nhất tới 6 năm tù, hồi năm 2008. Các tổ chức nhân quyền quốc tế và
nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Mỹ đã bày tỏ quan ngại trước
các bản án này.
Trà Mi mời qúy thính giả đón nghe các câu
chuyện trên Tạp chí Thanh Niên của đài VOA vào tối thứ sáu và tối chủ
nhật hàng tuần. Qúy vị muốn chia sẻ quan điểm và trao đổi với độc giả
khắp nơi về trường hợp của Ngô Quỳnh cũng như các câu chuyện khác trên
Tạp chí Thanh Niên, xin mời vào chuyên mục Tạp chí Thanh Niên trên
trang web www.voatiengviet.com. Các bạn trẻ muốn góp tiếng trong những
chương trình thảo luận trên Tạp chí Thanh Niên của Đài Tiếng nói Hoa
Kỳ, xin email số phone về vietnamese@voanews.com. Trà Mi sẽ liên lạc
mời các bạn tham gia. Tạp chí Thanh Niên hẹn tái ngộ cùng quý thính giả
trong một chủ đề mới, vào giờ này, tuần sau.
|