Thứ Sáu, 2024-11-22, 4:34 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Năm » 8 » Nhà nước lại răn đe báo chí vượt rào.
9:26 PM
Nhà nước lại răn đe báo chí vượt rào.
Nguồn ảnh: congthuong.net











Nguồn ảnh: congthuong.net






















Dù tất cả truyền thông báo chí Việt Nam đều là quốc doanh, nhưng Nhà nước vẫn luôn lo ngại những đứa con của mình đi chệch hướng. Vấn đề này một lần nữa được nhấn mạnh trong hội nghị báo chí toàn quốc tổ chức tại Hà Nội hôm 5/5 vừa qua.

Hình bên: Ông Trương Tấn Sang Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng đang phát biểu tại Hội nghị báo chí toàn quốc ở Hà Nội hôm 05/05/2010.

Ông Nguyễn Quốc Thái, nguyên Tổng Thư Ký Báo Doanh Nghiệp xác định với chúng tôi, ở Việt Nam không nhìn nhận quan niệm về tự do báo chí theo kiểu phương tây: Báo chí ở Việt Nam có qui chế khác với báo chí ở các nước khác có những tờ báo của tư nhân. Tất cả báo chí Việt Nam đều là một cơ quan nào đó của nhà nước.

Việt Nam hiện có 706 cơ quan báo chí in, bao gồm 178 báo và 528 tạp chí. Ngoài ra có 21 báo điện tử, 160 báo in có thêm trang điện tử, chưa kể hàng ngàn trang tin điện tử của các tổ chức, cơ quan, đơn vị. Về phát thanh truyền hình có 67 đài. Số lượng nhà báo có thẻ là 17 ngàn người, chưa nói tới lực lượng đông đảo cộng tác viên và những người làm báo không được cấp thẻ nhà báo.

Xu hướng báo chí thương mại

Theo báo điện tử VnExpress, phát biểu tại hội nghị 5/5 ông Trương Tấn Sang Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng cho rằng, báo chí hiện nay đang chạy theo xu hướng thương mại hóa, ít tuyên truyền giới thiệu những yếu tố tích cực mà thiên về tô đậm những yếu kém, tiêu cực, mặt trái của xã hội.

Cũng tại hội nghị, ông Tô Huy Rứa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nói thêm: Viết về cái xấu, cái tiêu cực không thể chỉ là sự liệt kê, phô bày một cách giản đơn, tự nhiên chủ nghĩa. Càng không thể lợi dụng nó để tạo xì-căng-đan, tạo thành tiêu điểm giật gân, câu khách trên báo chí.

Theo báo SGGP, hội nghị xoay quanh vấn đề định hướng báo chí trong quá trình thông tin tuyên truyền các vấn đề lớn, nhạy cảm; yếu tố kinh tế thị trường và đạo đức nhà báo; các khuôn khổ pháp lý để xử lý sai phạm cũng như bảo vệ nhà báo trong quá trình tác nghiệp; việc phát triển kinh tế báo chí thời kỳ mới.

Chúng tôi nêu câu hỏi về ý nghĩa định hướng báo chí ở Việt Nam, ông Nguyễn Trung Dân, nguyên phó tổng biên tập phụ trách Báo Du Lịch, người bị cách chức vì đưa tin phản ánh lòng yêu nước sớm hơn chỉ đạo đưa ra nhận định: Ví dụ như kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa. Khi còn đảng cộng sản lãnh đạo thì chắc chắn phải có cái định hướng đó. Điều 4 hiến pháp đã qui định như vậy, nếu không có gì thay đổi thì vẫn phải đi con đường đó thôi. Báo chí được thông tin nhiều chiều nhưng phải có định hướng thì tôi nghĩ là cái kiểu định hướng xã hội chủ nghĩa đó thôi.

Tường thuật hội nghị báo chí, báo điện tử Vietnamnet trích lời ông Trương Tấn Sang Thường trực Ban Bí thư, chỉ đạo báo chí phải phản ánh và góp phần tạo không khí dân chủ, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, triển vọng phát triển của đất nước.

Siết mạng xã hội-blog

Theo SGGP, tại hội nghị ông Nguyễn Quang Thông tổng biên tập Báo Thanh Niên và ông Nguyễn Anh Tuấn tổng biên tập báo điện tử Vietnamnet cho rằng xu hướng phát triển truyền thông qua các mạng xã hội, blog là sự tất yếu hiện nay.

Hai ông tổng biên tập cho rằng, vấn đề quan trọng là phải có những biện pháp kịp thời, hiệu quả để định hướng thông tin trên lĩnh vực này và cần xem đó là một kênh truyền thông quan trọng với sức tác động lớn trong xã hội nhất là đối với lớp trẻ Việt Nam.

Những biện pháp kịp thời vừa nêu có thể lý giải cho những đợt bắt giam, tạm giữ các nhà dân báo blogger hồi tháng ba vừa qua. Cũng như sự đánh phá bằng kỹ thuật cao, làm tê liệt các trang mạng của cá nhân và tổ chức, được cho là bất đồng ý kiến với Nhà nước như Bauxite Việt Nam, X-càphê…

Ngay cả Báo Tia Sáng online, cơ quan chủ quản Bộ Khoa Học và Công Nghệ, một diễn đàn nổi tiếng của giới chuyên gia trí thức Việt Nam, cũng bị đình bản xóa tên miền ngày 27/10/2009. Nguyên nhân xa là có nhiều bài viết không theo định hướng.

Nguyên nhân gần là một bài về giáo dục của GS Hoàng Tụy với tựa đề Xin cho tôi nói thẳng. Trong bài GS Hoàng Tụy nhận định rằng, giáo dục sa sút không phải vì Nhà nước thiếu tiền mà vì quản lý kém, Việt Nam cần cải cách giáo dục có hệ thống chứ không phải đổi mới vụn vặt và sau hết gíao dục không phải là phòng thí nghiệm.

Vào thời gian đó, GS Hoàng Tụy đã phát biểu với Đài RFA: Đúng là bị thu hồi tên miền tờ báo bị đình bản. Lý do là vì báo đăng bài của tôi. Nhưng lý do đó thì người ta không nói chính thức, người ta nói sau bài báo thì có những bình luận của người khác chen vào mà ban quản trị báo không biết… Nhưng mà thôi, những chuyện ấy thì không phải là khó hiểu.

Có blogger nói Báo Tia Sáng được tục bản cuối tháng 4 vừa rồi, tuy nhiên chúng tôi không vào được địa chỉ WWW.Tiasang.com.vn.

Không phải ngẫu nhiên, hội nghị định hướng báo chí Việt Nam được tổ chức ngay sau khi các nước đánh dấu 17 năm Ngày Tự Do Báo Chí Thế giới. Chúng tôi xin trích phát biểu của blogger anh ba Saigon với Đài RFA: Một khi báo chí còn là công cụ của chính quyền hoặc là của bất cứ thiết chế quyền lực nào đó, thì báo chí không thể nào tự do được. Có thể nói là dân báo và blog trong nước là giải pháp duy nhất hiện nay.

Trở lại hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan báo chí năm 2010, ông Phạm Đức Hải Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ được chính tờ báo của ông trích thuật nói rằng, hiện nay báo chí có ba nguy cơ, thứ nhất thiếu những bài báo hay, những bài báo bình luận sâu sắc, dự báo chính xác.

Theo lời ông Hải qua khảo sát một số độc giả cho thấy nhiều tờ báo chỉ mất khoảng hai phút là đọc xong vì không có gì để đọc, thứ hai là thiếu những cây bút thu hút được bạn đọc, thứ ba là lúng túng về chiến lược để tăng sự phát triển của báo chí, bối cảnh chung là có sự sụt giảm của báo chí thế giới, nhưng nhìn lại thì báo chí một số nước chung quanh vẫn có sự phát triển mạnh mẽ.

Ông Phạm Đức Hải dẫn số liệu báo in ở Thái Lan tăng 1,5 lần, riêng tờ Bangkok Post tăng gấp bốn lần số phát hành.

Bút đã tà…

Theo sự đánh giá của những người am hiểu, Tuổi Trẻ báo in từng có số phát hành và thu quảng cáo thuộc vào hàng cao nhất Việt Nam, trước kia tờ báo có nhiều phóng sự điều tra hấp dẫn và công phu, đặc biệt phanh phui các vụ tham nhũng của ngành công an, từ 'Đường Sơn Quán' cuối thập niên 80 gây chấn động dư luận cả nước, cho tới những cung đường mãi lộ của cảnh sát giao thông hay nạn cơm tù xe cướp trên QL.1A.

Nhưng Tuổi Trẻ và Thanh Niên là hai tờ báo gặp nạn trong vụ án PMU18, thông tin của các báo làm tiêu tan sự nghiệp của một vị thứ trưởng. Khi ông này trở về từ trại giam là lúc nhà báo Nguyễn Văn Hải của Tuổi Trẻ và Nguyễn Việt Chiến tờ Thanh Niên bị bắt và khởi tố. Nguồn tin của họ là một vị tướng cảnh sát cũng bị khởi tố dù đã bị cho nghỉ hưu trước đó.

Ngày 14/5/2008 tờ Thanh Niên dưới sự cai quản của nguyên Tổng biên tập Nguyễn Công Khế đã từng giật tít lớn Phải trả tự do cho các nhà báo chân chính.

Lúc ấy dư luận những tưởng báo chí Việt Nam đang được cởi trói, cả hai tờ báo đã có một chiến dịch ngoạn mục tạo ra một luồng dư luận đồng cảm với các nhà báo gặp nạn vì bị cuốn vào ma trận của tranh chấp quyền lực.

Một thời gian sau cả hai tổng biên tập Tuổi Trẻ và Thanh Niên đều bị thay thế.

Nhận định của Tổng biên tập tờ Tuổi Trẻ Phạm Đức Hải là báo chí hiện nay thiếu những bài báo hay, thiếu những cây bút thu hút bạn đọc quả là có nhiều ý nghĩa.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 733 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 23
Khách: 23
Thành Viên: 0