Vũ Đông Hà
Sau ngày anh Điếu Cày bị kết án, chị tâm sự: "mình
chợt trở thành con chó ghẻ!. Chung quanh chỉ còn những ánh mắt quay đi,
những bước chân rẽ sang ngõ khác. Và đó là những người trước đây tưởng
là thân thiết. Chỉ vì mình quen biết anh Hải…”. Mới đây vài tháng, trong lúc dư luận lên cơn sốt với
phiên tòa Định, Thức, Long, Trung chị gửi lời nhắn qua skype: "Đất
nước này nó khốn nạn thế đó em. Sợ hãi đã làm người ta quăng tình người
vào sọt rác…".
Tuần trước đọc tâm tình của blogger Mẹ Nấm: "Làm sao không cô đơn
được khi những người xung quanh mình đang phải sống trong sợ hãi với
trăm ngàn mối lo không tên và chỉ có chúng ta dám đối diện với nó??? Làm
sao không cô đơn được khi không ai chứng minh được là chúng ta đã sai,
và cũng không ai dám giang tay che chở cho chúng ta vì chúng ta đã đúng…”.
Mẹ Nấm bắt đầu bài viết bằng một dấu chấm than thêm một dấu chấm than
giữa cho quá nhiều dấu chấm than đang tồn tại trong đầu tôi và kết thúc
bằng một câu hỏi đến bao giờ chúng ta mới thôi cô đơn?
Vài ngày sau, một blogger trẻ tuổi hơn NguocDongLichSu viết
lên trang blog của mình những lời Đầu Thú Trước Bình Minh: Em
đi đầu thú, vì em đã làm cho gia đình em lo lắng, lo lắng vì sao, vì
trước ngày 13/6/2009, gia đình em chả bị tai tiếng gì, đến khi ngày ấy
đến, nhà em trở thành "chuyện” cho một số người dòm ngó, đàm đạo, ai
cũng khoái bàn chuyện một con nhóc làm việc tại một "ổ phản động”. Em
đầu thú, vì em làm bạn bè quen biết xa gần (không phải blog) có thời
lánh mặt em, xóa số điện thoại của em, vì nghĩ "nhỡ nó bị hốt, mình
liên can, chết cha…”. Em đầu thú, vì một số bạn bè can đảm gặp em phải
chịu khổ, vì đám bạn kia hay hỏi thăm trung gian rằng em sống chết thế
nào…
Có những người đang cô độc trong giấc mơ lý tưởng và vị tha của chính
mình.
*
Văn hóa, truyền thống hay bất kỳ một khuôn vàng thước ngọc nào đó đều
quy đến một điều: lòng ái quốc không những là một cảm xúc mà còn là một
nghĩa vụ. Nhưng ở đất nước chúng ta, bày tỏ cảm xúc này là công phu của
một người làm xiếc, thực hiện nghĩa vụ này bằng hành động cụ thể là một
phiêu lưu đầy rẫy bất trắc. Hình bóng của bất trắc là những nhân viên
an ninh mật vụ trước ngỏ, điều 79, 88 viết sẳn như những sợi dây thòng
lọng trong tư thế sẳn sàng, và cửa tù đang thấp thỏm chờ. Tuy nhiên,
nhiều lúc sự gậm nhấm của cô đơn lại như lưỡi dao cùn cứa lên da thịt và
đau đớn hơn cả vết chém nhanh ngọt của một bản án tù đày. Từ thờ ơ cho
đến chống đối của gia đình; từ những khoảng cách vừa phải cho đến thái
độ ghẻ lạnh của bạn bè, đồng nghiệp; từ những khuôn vàng thước ngọc lên
lớp về cách sống thức thời cho đến những ủng hộ bằng lời rẻ rúng; từ
những kỳ vọng phải sống xứng đáng với những gì được cuộc đời ca tụng cho
đến những soi mói theo dõi từng lời ăn tiếng nói, nhất cử nhất động…
tất cả đã dựng lên những song sắt vô hình bao vây những con người dấn
thân.
Có những người chưa vào tù mà nhiều lúc đã mang cảm giác đang sống
trong tù.
*
Thế nào là yêu nước? Đối với đảng cầm quyền, yêu nước đồng nghĩa với
yêu xã hội chủ nghĩa và phục tùng sự cai trị của đảng. Yêu nước ngoài
vòng kim cô của đảng là Việt gian phản động. Yêu nước trong không gian ý
thức của những người ngoài đảng cầm quyền, tưởng dễ nhưng lại phức tạp
hơn. Làm công tác dân sinh: xây dựng nền móng xã hội công dân hay tiếp
tay với chế độ? Chấp nhận sự hiện hữu của đảng CSVN như mọi đảng phái
khác: tinh thần đa đảng đa nguyên hay bắt tay thỏa hiệp kẻ thù? Đấu
tranh trực diện với chế độ? Bị bắt: không khôn ngoan? Không bị bắt: hai
mang? Bị bắt: coi chừng khổ nhục kế!!! Dân chủ chính tông, dân chủ giả
hiệu, dân chủ buôn đô la, dân chủ buôn danh, dân chủ bức xúc vì đời đang
bắn pháo bông cho người khác mà quên bẵng mình? Ai là người yêu nước
chân chính? Cái gì là chân chính? Có còn vị trí khách quan nào để xác
định lòng yêu nước chân chính? Yêu nước đã trở thành một màu xám xịt.
Có những người phải im lặng trong yêu nước cách riêng của mình và
chấp nhận mọi sự ngờ vực trong vùng yêu nước xám xịt này.
*
Vậy mà họ vẫn kiên trì tiến bước. Không phải một năm, hai năm mà có
những người dong ruổi cả đời. Đã có những ngày một mình lủi thủi sang
sông của anh ngày nay đầu đã bạc. Đã có những buổi sáng một mình thả
thuyền ra giữa sông của bạn để gọi một cú phôn an toàn. Đã có những ngày
bác túi hết tiền phải ghé nhà người quen kiếm cớ mượn phone gọi nước
ngoài cho công việc chung. Và những buổi tối lang thang ngủ trọ vì người
anh đuổi ra khỏi nhà bởi những hành động đấu tranh; ngày nay em đã
không còn nỗi lo đó vì đã có ngục thất dung thân. Và những tháng ngày
chui rúc ở Miên, ở Lào, ở Thái chân muốn quay về nhưng đầu bảo phải trốn
xa. Và vẫn còn đó hơi lạnh của những đêm tối hôm qua trong tù và những
đêm tối hôm nay tự do co ro một mình; những lời khen ngợi đã im tiếng,
chỉ còn lại gánh nặng giang san vẫn đè nặng lên vai.
Có những người vẫn đeo đuổi một con đường. Có những người vừa mới
khởi hành, đích đến vẫn mù sương. Có những người đã nằm xuống khi ước mơ
chưa được sống trọn một ngày.
*
Mai này đất nước chắc chắn sẽ hồi sinh. Sẽ có những lãnh tụ, anh hùng
được ghi tên vào sử sách. Nhưng vẫn còn đó rất nhiều người âm thầm, vô
danh đang làm một giọt nước ở đáy ly cho một ngày ly nước tràn đầy, đang
làm một viên gạch ở tận đáy cùng cho nhà Việt Nam vươn lên. Họ âm thầm
trong cô đơn ngày hôm nay và sẽ vô danh trong cô độc ở những trang sử
mai sau. Họ sẽ bước vào quên lãng của cuộc đời để nhường chỗ cho những
chính trị gia bước vào sân khấu mới. Nhưng hôm nay họ vẫn tiến bước. Vì
yêu nước đối với họ không còn là quyết định lý trí, không còn là một
nhận thức về trách nhiệm phải cưu mang. Với họ, yêu nước là bản chất con
người của họ. Không thể sống khác.
Và họ mãi mãi vẫn là những kẻ cô đơn trong nhà tù mang tên yêu nước
của chính họ.