Thanh Trúc, phóng viên RFA
2012-04-09
Việt Nam ban hành Nghị Định 24 hồi tuần trước, nhắm tới việc thu
hẹp và dễ dàng kiểm soát thị trường vàng trong nước hơn. Quyết định này
có đặt ngành kinh doanh vàng nội địa vào sự khó khăn và nguy cơ nào
không?
RFA photo
Một tiệm mua bán vàng ở Hà Nội, ảnh minh họa.
Nhà nước sẽ độc quyền
Với mục đích dễ quản lý hơn khi thu hẹp thị trường vàng, Nghị Định
24, được chính phủ Việt Nam ban hành tuần trước, sẽ có hiệu lực ngày 25
tháng Năm tới đây. Theo nội dung của nghị định 24, doanh nghiệp kinh
doanh vàng miếng cần hội đủ những điều kiện như phải có vốn điều lệ từ
một trăm tỷ đồng trở lên.
Riêng đối với các tổ chức tín dụng thì phải có vốn điều lệ từ ba ngàn
tỷ đồng trở lên. Bên cạnh đó, muốn kinh doanh vàng miếng thì phải có
hơn hai năm kinh nghiệm trong việc mua và bán vàng, trong hai năm liên
tiếp có số thuế nộp cho chính phủ mỗi năm từ năm trăm triệu hoặc hơn và
phải có giấy chứng thực của Cơ Quan Thuế Vụ, có mạng lưới chi nhánh hoặc
địa điểm kinh doanh ở ba thành phố trực thuộc trung ương.
Tin trên báo Thanh Niên Online cho thấy rất ít tiệm vàng trong nước
đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh như yêu cầu của Nghị Định 24, dẫn tới
sự việc có thể hàng loạt tiệm vàng sẽ đóng cửa tháng tới, chưa kể những
nguy cơ khác mà ngành kinh doanh vàng miếng phải đối diện trong nay
mai.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia nghiên cứu giá cả thị trường hàng đầu
của Việt Nam, nói rằng ông tán thành và ủng hộ Nghị Định 24. Hai vấn đề
ông Vũ Đình Ánh phân tích rõ ở đây:
"Tôi ủng hộ các nội dung của Nghị định 24 bởi vì then chốt của nó
là thứ nhất giải quyết cái việc nhà nước sẽ độc quyền về vấn đề sản
xuất, xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu, tránh chuyện biến độc quyền nhà
nước thành độc quyền doanh nghiệp.
Vấn đề thứ hai, đối với các điều kiện về phân phối, tức hệ thống
mua bán vàng miếng, tôi cho rằng các điều kiện như thế cũng phù hợp với
hoàn cảnh Việt Nam, phải coi vàng miếng như một loại tiền tệ đặc biệt.
Do đó, những người làm nhiệm vụ kinh doanh cái tiền tệ đặc biệt ấy là
phải có qui định có chuẩn mực của nó, tương tự các chuẩn mực về trong
hệ thống ngân hàng khi kinh doanh tiền tệ."
Nhà nước sẽ độc quyền về vấn đề sản xuất, xuất nhập khẩu vàng nguyên
liệu, tránh chuyện biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh
nghiệp.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh
Một điểm khiến tiến sĩ Vũ Đình Ánh băn khoăn và cho rằng cần được cụ thể hoá và cần được xử lý ngay:
"Thứ nhất liên quan tới chuyện khi đã phát luật SJC (Saigon
Jewelry Company Limited) là loại vàng đóng vai trò là nhà nước độc quyền
sản xuất, thì cần phải có những hướng dẫn để chuyển đổi từ các loại
vàng miếng khác sang vàng SJC, thì cái này cần phải làm nhanh.
Thứ hai, phải triển khai hệ thống cũng như các qui định nêu trong
Nghị Định 24, để làm sao tạo ra một thị trường vàng thông suốt trong cả
nước.
Điểm thứ ba, mà tôi cho rằng Nghị Định chưa đề cập rõ,là cơ chế
trong việc huy động và sử dụng vàng miếng như thế nào bởi vì đây cũng là
nguồn lực tài chính quan trọng.
Điểm thứ tư mà tôi cho rằng tới đây phải xử lý tiếp, là liên quan
tới cái gọi là vàng tài khoản hay các loại chứng chỉ liên quan tới vàng,
cái đó cũng phải triển khai."
Ổn định thị trường
Vàng nữ trang và vàng miếng SJC bày bán trong một cửa hàng vàng ở HN. RFA photo
Về mặt cơ bản, ông Vũ Đình Ánh nhấn mạnh rằng những điểm vừa nêu cần
phải sớm được triển khai và làm rõ nếu muốn có một thị trường vàng hợp
lý và thông suốt trên cả nước.
Với câu hỏi Nghị định 24 liệu có khả dĩ đặt thị trường vàng nội địa
trước một hay những nguy cơ nào không, ông Vũ Đình Ánh trả lời:
"Tôi cho là sẽ không có nguy cơ nào cả bởi thực ra mục tiêu chính
của Nghị Định 24 này là giảm thiểu và đi tới xoá bỏ những nguy cơ những
rủi ro vốn tồn tại trong thị trường vàng Việt Nam thời gian vừa qua. Nội
dung này là nội dung để khắc phục nguy cơ hơn là tạo ra nguy cơ."
Có một vấn đề cần quan tâm, tiến sĩ Vũ Đình Ánh khuyến cáo, là khoảng
cách từ chính sách cho tới chuyện triển khai và thực hiện chính sách đó
trong thực tế. Đôi khi chính sách, chủ trương và đường lối không sai,
ông nói tiếp, thế nhưng trong khi triển khai và thực hiện mà nếu có
những sai sót quá lớn thì sẽ làm giảm hiệu lực của chính sách.
Ông Trần Thanh Hải, tổng giám đốc Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Kinh Doanh
Vàng Việt Nam, gọi tắt là VGB, cho rằng chỉ các ngân hàng và các công ty
lớn mới đáp ứng được những điều kiện của Nghị định 24. Từ việc này, vẫn
theo nhận định của ông Trần Thanh Hải, các doanh nghiệp kinh doanh vàng
có quan hệ từ một đến hai ngân hàng sẽ có khả năng lách qua qui định
bằng cách ẩn thân vào trong các cơ sở được phép kinh doanh vàng trong
thời gian tới.
Liệu điều này có phải một viễn ảnh không mấy hay một khi nhà nước
muốn thiết lập một thị trường vàng thông suốt trên cả nước? Tiến sĩ Vũ
Đình Ánh giải thích:
"Ý kiến đó hoàn toàn hợp lý. Bởi nếu không có sự kiểm tra, giám
sát, tổ chức và thực hiện tốt thì chắc chắn người ta sẽ lợi dụng những
kẽ hở, thậm chí vận dụng để lách qua những qui định đấy, kể cả những qui
định nghiêm khắc nhất.
Để khắc phục thì vấn đề quan trọng là như tôi đã nói đầu tiên là
tổ chức, triển khai, thực hiện một cách nghiêm túc. Khâu thứ hai là giám
sát, kiểm tra, phải coi thị trường vàng miếng ở Việt Nam là một loại
tiền tệ đặc biệt, phải thanh tra chặt chẽ y hệt như với thị trường tiền
tệ ngân hàng hiện tại ở Việt Nam. Thậm chí còn phải hoàn thiện hơn để
tránh trường hợp lách qua các qui định như vừa nêu."
Mục tiêu chính của Nghị Định 24 này là giảm thiểu và đi tới xoá bỏ
những nguy cơ những rủi ro vốn tồn tại trong thị trường vàng Việt Nam
thời gian vừa qua.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh
Thêm một vấn đề khác mà báo chí trong nước đưa ra và cho rằng cần
phải dự liệu là thời gian giao dịch vào khi thị trường vàng miếng bị thu
hẹp lại. Trước giờ, Việt Nam có nhiều tiệm vàng trải đều trên cả
nước, hoạt động bảy ngày một tuần, từ sáng sớm đến chiều tối chứ không
mở cửa từ tám hoặc chín giờ sáng và đóng cửa lúc bốn hoặc năm giờ chiều
như ngân hàng hoặc công ty nhà nước. Chính vì thế đang có sự quan ngại
là người dân có nhu cầu khẩn cấp trong việc mua bán trao đổivàng thì sẽ
gặp khó khăn trong hai ngày cuối tuần, tạo điều kiện cho sự nảy nở không
tránh khỏi của những mạng lưới chợ đen, tức mạng giao dịch chui hay
giao dịch ngầm.
Xem ra mọi chuyện còn trong vòng chờ đợi, chí ít cho đến khi nhà nước
thực sự áp dụng, triển khai cũng như giám sát một cách nghiêm túc ngành
kinh doanh vàng miếng trên thị trường nội địa đúng theo tinh thần và
nội dung của Nghị Định 24 sắp trở thành hiệu lực trong hơn một tháng nữa
|