Về phương diện chính trị, ở Việt Nam, năm 2010 có thật nhiều biến động quan trọng. Tuy nhiên, tôi lại không muốn liệt kê hay kể lại các biến động ấy. Chắc chắn có rất nhiều đồng nghiệp của tôi, ở trong và ngoài nước, sẽ đảm nhậm vai trò đó. Và chắc chắn nhiều người trong họ sẽ làm tốt công việc ấy hơn tôi: Họ theo dõi thường xuyên và kỹ lưỡng hơn, có người theo dõi từ bên trong với những nguồn tin mà tôi không thể nào có được.
Biết thân biết phận, tôi chỉ xin dừng lại ở những nhận định có tính
chất khái quát về một đặc điểm mà tôi cho là đáng kể nhất trong năm
2010 sắp sửa kết thúc: đó là năm khả năng lãnh đạo của nhà cầm quyền
Việt Nam bị thử thách một cách nghiêm trọng, có thể nói là nghiêm trọng
nhất kể từ sau sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Nga và Đông Âu
vào những năm 1989-1990.
Khả năng ấy bị thử thách, trước hết, bởi công luận, đặc biệt công luận ngay trong nước.
Phải nói ngay là, ít nhất từ sau năm 1975, dân chúng hiếm khi đồng ý và
đồng tình với chính phủ. Tuy nhiên, trước thời đổi mới, khi quyền tự do
ngôn luận hoàn toàn bị bóp nghẹt, ngay cả những lời bàn tán ở chỗ riêng
tư, giữa bạn bè với nhau, quanh một bàn nhậu, cũng bị theo dõi gắt gao,
không ai dám lên tiếng một cách công khai.
Mà có dám thì cũng bất khả. Toàn bộ hệ thống báo chí, từ báo in đến truyền thanh và truyền hình, đều nằm trong tay nhà nước. Công luận chỉ có một lối thoát duy nhất: các truyện tiếu lâm có nội dung chính trị được truyền khẩu, hầu hết, một cách lén lút, từ người này đến người khác.
Có điều, nội dung của những sự phê phán trong các truyện tiếu lâm và những lời chỉ trích quanh các bàn nhậu ở Việt Nam giai đoạn này thường chỉ tập trung vào lãnh vực kinh tế. Dường như nhiều người đồng ý với nhau: giới lãnh đạo Việt Nam giỏi về chính trị nhưng lại dốt về kinh tế. Cái dốt ấy nằm ngay trong căn bản học vấn của họ: trừ một số nhà lãnh đạo thuộc thế hệ thứ nhất, hầu hết đều dấn thân vào các hoạt động chính trị từ rất sớm, lúc chưa kịp hoàn tất chương trình giáo dục phổ thông. Nó thể hiện ở sự thất bại thê thảm của các chính sách kinh tế và có thể thấy rõ ngay trong đời sống bần cùng khốn khó của mọi người.
Sau này, vào thời đổi mới, khi báo chí được ít nhiều cởi trói, giới cầm bút, một mặt, được tự do lên tiếng, dù một cách khá hạn chế; mặt khác, tiến ra ngoài phạm vi kinh tế, phê phán bản chất bất công và thối nát của tầng lớp lãnh đạo, chủ yếu là cấp lãnh đạo ở địa phương, qua nhiều truyện ngắn và bút ký nảy lửa, cuối cùng, dẫn đến việc bãi nhiệm chức Tổng biên tập báo Văn Nghệ của nhà văn Nguyên Ngọc.
Gần đây, một số trí thức, trong đó có khá nhiều người thuộc giới cầm bút, từ giới viết văn đến giới làm báo, cương quyết giành lại quyền phát biểu của mình, có khi ngay trên diễn đàn Quốc Hội hoặc nhiều hơn, qua các phương tiện truyền thông hiện đại như website hoặc blog. Có người gay gắt đến độ đề nghị Quốc Hội bỏ phiếu tín nhiệm (hoặc bất tín nhiệm) Thủ tướng; cũng có người đòi khởi kiện Thủ tướng về các chính sách sai lầm của ông cũng như của chính phủ do ông lãnh đạo. Đông hơn là những người phê phán những sai lầm của chính phủ trên nhiều phương diện, từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, xã hội, và giáo dục.
Xin lưu ý là tất cả những trí thức ấy đều sống trong nước và tất cả đều đang hoặc đã từng là những cán bộ ăn lương nhà nước. Hầu hết đều không muốn bị chính trị hóa. Họ không trực tiếp đề cập đến quyền lãnh đạo của đảng Cộng Sản như một số nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng như Hà Sĩ Phu, Trần Khải Thanh Thủy hay Lê Thị Công Nhân. Cái quyền ấy, theo đảng Cộng sản, nằm ở ba yếu tố chính: Một, họ có công đầu trong việc giành lại độc lập và thống nhất cho đất nước; hai, họ đại diện cho giai cấp công nhân và nông dân, nghĩa là đại đa số quần chúng Việt Nam; và ba, chỉ có họ mới có đủ khả năng lãnh đạo đất nước trong hiện tại cũng như trong tương lai.
Dường như không ai trong số các trí thức hoặc blogger lên tiếng phát biểu về các vấn đề trọng đại của đất nước hiện nay bàn đến cái quyền ấy. Chính vì thế, phần lớn họ không bị xem là đối lập với chính quyền. Họ chỉ bị xem là những kẻ đi bên lề trái của con đường xã hội chủ nghĩa. Nói cho đúng, họ chỉ muốn làm những trí thức độc lập và tự trọng, lên tiếng bảo vệ tự do, công lý và nền độc lập của dân tộc.
Nhưng khi lên tiếng như vậy, dù muốn hay không, họ cũng đụng đến một vấn đề gai góc: khả năng lãnh đạo của giới cầm quyền.
Khả năng lãnh đạo thường được biểu hiện ở ba lãnh vực chính: khả năng hoạch định chính sách; khả năng ‘bán’ chính sách (tức khả năng giải thích, thuyết phục để giành được sự ủng hộ của quần chúng); và khả năng hiện thực hóa các chính sách ấy.
Rất hiếm, nếu không nói là chưa có ai ở Việt Nam trực diện đặt ra những vấn đề ấy với những phân tích cụ thể và thẳng thắn. Tuy nhiên, qua những vấn đề họ đề cập, như các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên; kế hoạch cho người ngoại quốc, trong đó có khá nhiều công ty Trung Quốc, thuê rừng dài hạn (nhiều khu rừng ở những địa điểm có ý nghĩa chiến lược cao, có thể trở thành nguy cơ đối với nền quốc phòng Việt Nam); cách phản ứng của chính phủ Việt Nam trước thái độ ngang ngược của Trung Quốc đối với vấn đề biển Đông và đặc biệt, với các ngư dân Việt Nam; việc vỡ nợ của tập đoàn kinh tế Vinashin và cùng với nó, vai trò của nền kinh tế quốc doanh; kế hoạch xây dựng đường sắt cao tốc xuyên Việt; cách đối phó của chính phủ trước nạn lũ lụt làm chết nhiều người ở miền Trung; và phương thức tổ chức đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, v.v…
Qua những vấn đề được các trí thức độc lập ở Việt Nam đề cập, phân tích và bàn luận, người ta được biết được khá nhiều sự thật, có khi chỉ là những chi tiết nho nhỏ nhưng lại có khả năng tiết lộ nhiều về năng lực lãnh đạo của nhà cầm quyền. Chúng cho thấy rõ ít nhất một số điều: Một, dường như giới lãnh đạo Việt Nam không có một chính sách nào thật rõ ràng và nhất quán liên quan đến những vấn đề sinh tử của quốc gia; hai, cách thức làm việc của họ vừa quan liêu lại vừa kém hiệu quả ngay cả ở những vấn đề ngỡ như đơn giản và dễ dàng nhất như nắm chắc các số liệu liên quan đến vụ vỡ nợ của tập đoàn kinh tế Vinashin hay chi phí tổ chức đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; và ba, họ thiếu hẳn khả năng thuyết phục quần chúng về các chính sách mà họ theo đuổi.
Tất cả những vấn đề ấy trở thành một thử thách quan trọng nhất đối với giới lãnh đạo Việt Nam: Để tồn tại, họ phải chứng tỏ năng lực lãnh đạo thực sự của mình thay vì lấp liếm dối quanh hay ba hoa vớ vẩn (kiểu Nguyễn Minh Triết đòi "phân hóa nội bộ” chính phủ Mỹ), hoặc tập trung đánh phá các trang mạng hay blog độc lập và bôi bẩn hay trấn áp các trí thức có tinh thần phản biện.
Liệu, trong năm 2011 sắp tới, với Ban lãnh đạo mới sẽ được bầu trong kỳ Đại hội đảng vào tháng Giêng này, họ có vượt qua được thử thách ấy hay không?
Không ai chắc cả.
Riêng tôi, thú thực, tôi hoàn toàn không tin một chút nào.
Nguồn: Blog Nguyễn Hưng Quốc (VOA)