Ian Timberlake
Hà Nội (AFP) — Những hạn chế của Việt Nam đối với các cơ quan
truyền thông báo chí và các trang mạng Internet như Facebook đang đe
dọa tiến trình phát triển kinh tế nhanh chóng của đất nước, giới tài
trợ phương Tây được báo cho biết trong một buổi họp thường niên của
Ngân hàng Thế giới và nhiều viên chức khác vào hôm Thứ Năm vừa qua.
"Tăng trưởng và phát triển kinh tế đòi hỏi một môi trường khoáng đạt và
minh bạch cho tất cả các nhà đầu tư của Việt Nam cũng như quốc tế”, ông
Michael Michalak, đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam đã trình bày trong phần khai
mạc cuộc họp giữa Việt Nam và các nhà tài trợ, được biết qua danh xưng
Nhóm tư vấn.
Gần đây, hiện đang có một "sự thu hẹp lại trong khoảng không gian thông
tin trung thực đáng tin cậy”, ông Michalak cho biết ở buổi họp kéo dài
hai ngày này, là nơi mà những cam kết về viện trợ sẽ được thông báo.
Michalak và đại sứ Thụy Điển, ông Rolf Bergman, cả hai đều bày tỏ mối
quan tâm về nhiều tin tức mới đây cho biết là trang Facebook, một mạng
lưới trao đổi trực tuyến có tính cách xã hội phổ biến nhất trên thế
giới hiện đang bị ngăn cấm.
"Đây không phải là về việc trẻ em tán gẫu trên mạng. Đó là một vấn đề
về quyền tự do của con người được trao đổi với nhau, chia sẻ ý kiến và
để làm ăn buôn bán,” ông Michalak nói.
Một công ty cung cấp dịch vụ Internet cho biết hồi tháng trước rằng Bộ
Công an Việt Nam đã ra lệnh ngăn chặn trang Facebook, cũng giống như
những hệ thống trang mạng khác, tạo ra cơ hội để cho mọi người được bày
tỏ những điều họ không được phép đề cập đến trong hệ thống truyền thông
chính thống mà tất cả đều có quan hệ đến nhà nước cộng sản.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Doãn Hợp, hồi tháng
trước đã biểu lộ cho các đại biểu quốc hội biết rằng ông ta muốn củng
cố lại việc kiểm soát mạng Internet. Ông nói "những thông tin độc hại
với ý đồ xấu” thỉnh thoảng lại lan truyền trên mạng.
"Chúng tôi thúc giục quý vị hãy bãi bỏ tất cả mọi hạn chế trên mạng
Internet,” ông Bergman lên tiếng thay mặt cho Liên hiệp châu Âu.
Việt Nam đã gây ra nên nhiều sự chỉ trích từ quốc tế trong năm nay khi
họ bắt giữ nhiều bloggers và một luật sư nổi tiếng tranh đấu cho nhân
quyền.
Các nhà tài trợ cũng bày tỏ mối quan tâm về một số quy định mới mà theo
họ thì sẽ đặt nhiều giới hạn đối với các cơ quan truyền thông báo chí
và những tổ chức phi chính phủ.
"Chính phủ Việt Nam phải cho phép báo chí được xem xét kỹ lưỡng quyền
hành của họ. Nên khuyến khích các tổ chức phi chính phủ, chứ đừng làm
họ chán nản, để họ giữ nhiệm vụ như những nhà giám sát”, nhằm giúp cho
đất nước thực hiện được hoài bảo của mình là trở thành một quốc gia
công nghiệp vào năm 2020, ông Bergman nói.
Ông Michalak cho biết một nghị định của chính phủ tên là Nghị định 97,
được đưa ra hồi Tháng Chín, giới hạn khả năng của các tổ chức nghiên
cứu độc lập muốn công bố những phát hiện nghiêm trọng về chính sách của
nhà nước.
"Nghị định đó làm Việt Nam kém hấp dẫn hơn đối với các đối tác nước
ngoài, đặc biệt nhưng không nhất thiết, trong lãnh vực giáo dục,” ông
nói.
Trong một bản tuyên bố, Hoa Kỳ đã lên tiếng cho biết quyền được nghiên
cứu và tự do bày tỏ tư tưởng sẽ còn bị giới hạn hơn nữa dưới Nghị định
88 đã được sửa đổi, về các tổ chức hiệp hội. Tuyên
bố còn thúc giục chính phủ Việt Nam hãy thông qua một đạo luật để
khuyến khích "sự phát triển nhanh chóng của một xã hội dân sự từ kết
quả của việc tự do mở rộng kinh tế.”
Việt Nam đang sắp sửa trở thành một quốc gia có lợi tức trung bình,
cũng đang đề xuất việc phạt vạ các cơ quan truyền thông về các vi phạm
trong đó có việc đăng tải các thông tin "không phù hợp với lợi ích của
đất nước" và "tuyên truyền” chống lại nhà nước.
Bà Deanna Horton, đại sứ Gia Nã Đại lên tiếng trong buổi họp, "Chúng
tôi mạnh mẽ đề nghị chính phủ Việt Nam nên bảo đảm rằng bất cứ luật lệ
và quy định mới nào có liên quan đến vai trò của những tổ chức xã hội
dân sự và giới truyền thông báo chí, đều cho phép họ được tham gia tích
cực hơn với người dân trong việc phát triển Việt Nam. Bà cũng lên tiếng
thay mặt cho các nước Na Uy, Tân Tây Lan và Thụy Sĩ.
Ông Bergman, đại sứ Thụy Điển cũng nói rằng một "môi trường toàn diện”
sẽ giúp cho chính phủ Việt Nam trong công cuộc phòng chống tham nhũng.
Nguyễn Phương Nga phỏng dịch từ "Vietnam's restrictions threaten progress: donors"
|