Thứ Sáu, 2024-03-29, 11:46 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Ba » 25 » Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền Thư hiệp thông với Giáo xứ Cồn Dầu, Giáo phận Đà Nẵng
10:19 AM
Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền Thư hiệp thông với Giáo xứ Cồn Dầu, Giáo phận Đà Nẵng

26-03-2010


Kính gởi:
- Đức Giám mục Giáo phận Đà Nẵng,
- Linh mục Quản xứ Cồn Dầu,
- Các Tín hữu Giáo xứ Cồn Dầu.

            Kính thưa Đức Cha, Quý Cha, cùng Quý Anh Chị Em giáo hữu.

           
 
 
Chúng con ký tên dưới đây là đại diện cho Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền, gồm một số Linh mục nguyện sống theo tinh thần của Đức Cha Philipphê Nguyễn Kim Điền, nguyên Tổng Giám mục Tổng giáo phận Huế, vốn đã bị Cộng sản ám hại năm 1988 vì đã can đảm dấn thân tranh đấu cho tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền tại Việt Nam.

            Dựa theo tin tức và bài viết trên mạng kể từ ngày 26-01-2010 đến nay, liên quan tới Giáo xứ Cồn Dầu, chúng con xin có đôi lời gởi đến toàn thể Quý vị như sau:

            1- Chúng con hết sức vui mừng được biết sau khi xảy ra vụ việc nhà cầm quyền cộng sản thành phố Đà Nẵng, cụ thể là ông bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh, hôm 25-01-2010, đã dẫn công an, cán bộ các cấp trên dưới 100 người xuống tận Giáo xứ Cồn Dầu để bắt ép giáo dân ký giấy giao nộp 100 ha đất ở và ruộng vườn để nhà cầm quyền thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái Hòa Xuân, thì ngày 31-01-2010, Đức Cha cùng một số cha đã đến viếng thăm và dâng lễ tại Nhà thờ Giáo xứ. Hôm sau, ngày 01-02, Đức Cha lại ra "Thông cáo của TGM Đà Nẵng về những vấn đề liên quan đến Giáo xứ Cồn Dầu”. Đến ngày mồng 3 Tết Canh Dần (16-02-2010), Đức Cha lại đến Giáo xứ để dâng lễ cho giáo dân lần nữa. Mối quan tâm của Chủ chăn như thế, chúng con hy vọng và tin tưởng sẽ biến thành đức bác ái đích thực của một vị Mục tử biết lắng nghe tiếng nói đàn chiên, thấy rõ nỗi khổ của đàn chiên, bảo vệ đàn chiên thoát khỏi nanh vuốt sói rừng, và nếu cần thì xả thân hiến mạng vì đàn chiên theo gương Chúa Giêsu, Mục tử Nhân lành (x. Ga 10).

            2- Chúng con hết sức xúc động khi thấy vị Chủ chăn bản địa là Cha Quản xứ Emmanuel Nguyễn Tấn Lục, đã luôn ở bên cạnh đàn chiên trong cơn khổ nạn vốn đã bắt đầu từ tháng 7 năm 2008, khi nhà cầm quyền thành phố Đà Nẵng, quận Cẩm Lệ, phường Hòa Xuân quyết định giải tỏa trắng 430ha (trong đó có 100 ha của làng Cồn Dầu) với giá đền bù vô cùng rẻ mạt, hết sức bất công là 250 ngàn một mét vuông đất nhà và 50 ngàn một mét vuông đất ruộng. Mới đây, ngày 9-3-2010, khi bị bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu giảng trong nhà thờ khuyên giáo dân ký giấy đồng ý giải tỏa để nhà cầm quyền chuẩn bị giao đất cho các chủ đầu tư, Cha đã khẳng khái khước từ mà rằng: "Tôi chỉ có bổn phận về đời sống tâm linh cho họ thôi, còn về tài sản, của cải vật chất của họ, là do họ toàn quyền quyết định… Các ông nghĩ rằng cái nền nhà đó, cái thửa ruộng đó dễ có lắm sao ?… Bao nhiêu mồ hôi nước mắt họ đã đổ ra cho đến ngày nay! Phần tôi, chỉ mong giáo dân tôi được bình yên, no ấm trong cơ ngơi của họ đã bao đời tạo dựng nên…” Đó thực là lời nói và chân dung của một mục tử.

            3- Chúng tôi hết sức chia sẻ nỗi lo âu, buồn khổ mà tất cả Anh Chị Em Tín hữu đã gánh chịu kể từ tháng 7 năm 2008 cho đến hôm nay. Nhà cửa, ruộng vườn, thánh đường, giáo xứ chính là công sức xây dựng bao đời của Anh Chị Em, chính là ý nghĩa cuộc sống của Anh Chị Em, chính là đóng góp quý giá của Anh Chị Em vào nền văn hóa và sự phát triển của xã hội. Vậy mà những kẻ nắm nhiều quyền lực chính trị nhưng ít lòng thương nhân dân, nhiều tham vọng mở mang phát triển nhưng ít quan tâm chuyện an cư lạc nghiệp, đang dùng mọi phương cách phi pháp vô luật, mọi thủ đoạn thâm độc đê hèn, mọi biện pháp bạo hành gian trá để đẩy Anh Chị Em vào đường cùng, tước đoạt gia sản lẫn cuộc sống, hiện tại lẫn tương lai của Anh Chị Em. Tuy thế, dẫu chân yếu tay mềm, thấp cổ bé miệng, Anh Chị Em vẫn cương quyết cất lên tiếng nói của sự thật và lẽ phải qua Đơn Kêu cứu của tập thể ngày 26-01-2010 gởi tới nhà cầm quyền mọi cấp và qua Lời phát biểu của vị đại diện ngày 16-02-2010 gởi tới vị chủ chăn giáo phận. Tiếp đó, Anh Chị Em vẫn nhất định không ký nhận giấy kiểm định để người ta tự do thi hành tội ác. Điều đó đã gây nên sự khâm phục nơi tất cả đồng bào lương lẫn giáo, quốc nội lẫn hải ngoại nói chung và chúng tôi nói riêng. Dầu sao, cơn bão vẫn đang chuẩn bị giáng xuống trên Anh Chị Em qua lời kẻ đang nắm quyền lực vốn đã ngang nhiên tuyên bố rằng tháng tư này, ông ta sẽ cho hàng ngàn xe ủi đất đến san phẳng nhà cửa và lấp bằng vườn ruộng của Anh Chị Em. Chúng tôi xin được lấy nỗi khổ đau của Quý Anh Chị Em làm nỗi đau khổ của riêng mình.

            4- Chúng tôi cực lực tố cáo nhà cầm quyền cộng sản thành phố Đà Nẵng, vì lòng tham vô đáy, đã và đang tước đoạt nguồn sống và chà đạp cuộc sống của đồng bào, để làm giàu cho bản thân và ngoại nhân xa lạ. Chúng tôi cực lực phản đối lời nói của ông bí thư thành ủy Đà Nẵng khẳng định rằng "Đất đai là của nhà nước, nhân dân chỉ là người xử dụng. Khi cần thì nhà nước có quyền đòi lại để xây dựng phát triển”. Tuyên bố ngang ngược này phản ảnh một thực trạng tại Việt Nam, đó là từng có một nhóm người tự xưng "vô sản”, dùng một lý thuyết "xây dựng công bằng xã hội” đầy gian trá, một chiêu bài "giải phóng đất nước dân tộc” đầy lường gạt để gây nên một cuộc chiến đẫm máu hầu chiếm lĩnh quyền lực và sau đó hành xử như sở hữu chủ toàn bộ tài sản quốc gia (nấp dưới mỹ từ "đất đai thuộc về toàn dân nhưng do nhà nước quản lý”). Lối hành xử man rợ, vô luật và phản dân chủ này đã trở thành nguyên tắc chính trị và đường lối cai trị số một của đảng Cộng sản, đẻ ra cơ chế Xin-Cho đầy phi lý và lăng nhục, gây ra bao vụ chiếm hữu đầy bất công của nhà cầm quyền đối với đất đai của cá nhân lẫn tập thể, đẩy bao dân oan đến bước đường cùng và cộng đồng tôn giáo đến chỗ tê liệt, nhất là đẩy Tổ quốc đến chỗ bị tiêu diệt qua việc đảng CS tự tiện nhượng đất, dâng biển, cống đảo, bán rừng cho lân bang xâm lược từ năm 1958 đến nay.

            Chúng tôi xác tín rằng những vụ như Cồn Dầu (và trước đó là Thiên An, Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Tòa, Loan Lý, Định Quán, An Hòa, Vĩnh Long, Bát Nhã, Phước Huệ…) sẽ vẫn còn bao lâu còn tồn tại nguyên tắc "quyền sử dụng đất đai thuộc về nhân dân và quyền sở hữu đất đai thuộc về nhà nước”. Mà nguyên tắc này sẽ vẫn còn bao lâu còn tồn tại chế độ cộng sản độc tài, độc đảng, độc hại và độc ác trên đất nước Việt Nam. Thành thử bổn phận của mọi con Hồng cháu Lạc là phải chung tay giải thể cho được chế độ phản dân hại nước này!

Làm tại Việt Nam ngày 26-03-2010, kỷ niệm 35 năm tỉnh Thừa Thiên Huế rơi vào tay CS.

Đại diện nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền
- Linh mục Têphanô Chân Tín, Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn
- Linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải, Tổng Giáo phận Huế
- Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý, Tổng Giáo phận Huế
- Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi, Giáo phận Bắc Ninh
(Quý vị nào muốn cùng ký tên thông hiệp thì xin kính mời)



Phụ lục

Ðơn Kêu cứu khẩn cấp đến các nhà lãnh đạo nước Việt Nam

Kính gửi:
- Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam
- Bí thư nước CHXHCN Việt Nam
- Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam
- Thủ tướng chính phủ nước CHXHCN Việt Nam
- Bộ Công an nước CHXHCN Việt Nam
- Cơ quan thanh tra TW Ðảng nước CHXHCN Việt Nam
- Ðài truyền hình nước CHXHCN Việt Nam
- UBND TP Ðà Nẵng

            Chúng tôi đồng viết đơn này để nói và kể rõ sự việc của một Giáo xứ thôn quê - thôn Cồn Dầu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Ðà Nẵng.

            Sự thật mọi việc như sau:

            Chúng tôi đã sinh sống, sinh ra và sống tại nơi đây gắn liền cuộc đời của chúng tôi gần 200 năm.
            Giáo xứ Cồn Dầu là một Giáo xứ rất lâu đời dân số gần 4000 người. Trên 2000 người đi kinh tế và lập nghiệp tại Easup - Buôn Mê Thuộc, Trà Cổ - Hố Nai tỉnh Ðồng Nai, thành phố Ðà Nẵng và nhiều nơi khác... Còn lại gần 2000 người ở lại tại làng. Trên 90% người dân nơi đây sống bằng nghề nông, chăn nuôi và các ngành nghề khác. Hầu hết người dân nơi đây theo đạo Công giáo. Cách đây 5 đến 10 năm về trước người dân nơi đây đời sống kinh tế phát triển chưa cao, nay đời sống của họ đã ổn định và phồn vinh cuộc sống, sung túc và ổn định.

            Nhưng vào năm 2003 lãnh đạo thành phố Ðà Nẵng đưa ra dự án chỉnh trang tại chỗ, sống xung quanh gần nhà thờ của Giáo xứ. Người dân chúng tôi vô cùng vui mừng, mong ước có cuộc sống sung túc, được ở lại quê hương mà bao đời nay người dân gắn liền cuộc đời của họ vào mảnh vườn thửa ruộng, con gà, con vịt, con trâu, con bò...

            Rồi không biết vì lý do gì dự án không thành làm cho người dân phải khổ sở vì phải vay tiền xây dựng nhà cửa để mong được chỉnh trang tại chỗ.

            Năm 2008 Lãnh đạo thành phố Ðà Nẵng Lại có dự án Khu du lịch sinh thái Hòa Xuân, giải tỏa trắng 430ha. Trong đó làng Cồn Dầu chúng tôi 100ha gồm đất ở và ruộng vườn, đưa người dân chúng tôi phải đi xa Nhà thờ và mảnh đất mà bao đời nay gắn liền trong bao thế hệ phải gánh đất tôn tạo nền nhà với giá đền bù như sau:

            * Ðường 2m: 250.000đ/m2

            * Ðường 3m: 350.000đ/m2

            * Ðường 4m: 450.000đ/m2

            Ði đến chỗ ở mới với giá mua lại như sau:

            * Ðường: 5m5: 800.000đ/m2

            * Ðường: 7m5: 900.000đ/m2

            * Ðường: 10m5: 1.100.000đ/m2.

            Nền nhà đất đổ nền cao chính quyền hỗ trợ: 5 triệu, 10 triệu, 15 triệu cho mỗi nền. Người dân Cồn Dầu đã họp với lãnh đạo thành phố trên 20 lần. Trong đó 6 lần họp với bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh, người dân ước nguyện xin ở lại tại chỗ nhưng ông Nguyễn Bá Thanh trả lời:

- Ðã bán 110ha và buộc nhân dân phải di dời đi nơi khác và các ông có mua lại nổi không?

- Các ông không đủ tiền mua chỗ ở của mấy ông đâu!

- Các ông là người răng hô, tráng dồ nghèo hèn phải ở phía sau!

            Chúng tôi thấy bất công và làm đơn Kêu cứu gởi lên các cấp từ phường, quận, thành phố đến Trung ương, và vẫn không giải quyết cho người dân chúng tôi. Ngày đêm người dân chúng tôi âm thầm cầu nguyện xin ở lại mảnh đất chúng tôi mà bao thế hệ đã gắn liền.

            Lý do duy nhất là người dân không chấp nhận đi vì mất ruộng đất, vườn ở, đời sống gắn liền với người dân. Nhưng sau đó từ ngày 10 đến 20-01-2010 Ðài phát thanh phường Hòa Xuân đọc lệnh thu hồi đất ở của người dân Giáo xứ Cồn Dầu do ông Võ Văn Thương ký năm 2008. Nhưng nay ông Thương là bí thư quận Cẩm Lệ chứ không phải là chủ tịch quận Cẩm Lệ bây giờ, mà buộc nhân dân chúng tôi phải chấp nhận theo quyết định!

            Ngày 25-01-2010 bí thư thành ủy Ðà Nẵng là ông Nguyễn Bá Thanh dẫn công an, an ninh, cán bộ các cấp từ phường, quận, thành phố trên 100 người xuống tận nhà dân chúng tôi để kiểm định, làm người dân rất kinh sợ, phải đóng cửa nhà đi lánh nạn. Công an, ban giải tỏa đền bù, cán bộ các cấp vây suốt cả ngày đêm, ăn cơm tại chỗ, có nhà dán giấy chụp hình, dỡ ngói quay phim, làm những điều nhân dân không tưởng được. Không biết những ngày tiếp theo đây người dân Cồn Dầu của chúng tôi có còn yên ổn dưới sự vây hãm của các lực lượng an ninh không? Hiện nay công an, dân phòng và các thành phần khác đang bao vây một số gia đình buộc họ phải sơ tán. Khủng bố tinh thần giáo dân, niêm phong nhà giáo dân...

            Chúng tôi đồng viết đơn này để nói lên sự thật. Kính gởi chính quyền các cấp Trung ương và các nơi nghiên cứu để giúp đỡ cho chúng tôi, đừng để nhân dân chúng tôi đi đến con đường cùng... và giúp đỡ cho chúng tôi được toại nguyện người công dân đúng theo hiến pháp và pháp luật nước Việt Nam:

            1- Ðược ở lại sống trên mảnh đất mà bao đời đã gắn liền.

            2- Ðược ở lại đi lễ nhà thờ, nhà thờ này là của Giáo hội, cha ông chúng tôi và chúng tôi bỏ tiền ra xây dựng để sống tốt đời đẹp đạo hơn.

            3- Không nên lấy đất ruộng của người dân chúng tôi vì nông dân phải có ruộng, có nhà. Chúng tôi lấy gì để sống sau khi mất ruộng, nhà.

            4- Tại sao chúng tôi không hưởng được Nghị định 69 của Thủ Tướng chính phủ áp dụng với dân làng chúng tôi? Hỏi như vậy có công bằng, dân chủ và thương dân không ?

            5- Tại sao chúng tôi là người nông dân không được làm ruộng để sinh sống ?

            6- Trong luật đất đai có quy định: người dân phải có cuộc sống tốt hơn chỗ ở cũ khi di dời. Hỏi thành phố Ðà Nẵng trong luật đất đai như cách đền bù ở trên, chúng tôi lấy gì để sống và đảm bảo an ninh lương thực như Thủ tướng mong muốn hay không ?

            Chúng tôi đồng viết đơn này để nói lên sư thật về một miền quê, một Giáo xứ mà người dân sống chân thật hiền lành, muốn ở lại trên quê hương mà họ đã từng nặng tình nghĩa đã bao đời. Chúng tôi viết đơn này xin gửi lên chính quyền các cấp muôn vàn lần cứu xét cho người dân thôn Cồn Dầu được nhờ.

Ðà Nẵng, ngày 26-01-2010
Người dân thôn Cồn Dầu đồng ký tên (180 chữ ký)

FreeVietNews  đưa lên mạng ngày 26-01-2010


Tâm tư và Nguyện vọng của Giáo dân Cồn Dầu trình lên Đức Giám mục giáo phận Đà Nẵng

VietCatholic News (08-03-2010)

            ĐÀ NẴNG - Sau đây là bài phát biểu của ông Thái Văn Liên - Chủ tịch HĐGX Cồn Dầu nói lên nguyện vọng của giáo dân Cồn Dầu trong thánh lễ mồng 3 Tết Canh Dần (16-02-2010) tại thánh đường Giáo xứ, có sự hiện diện của Đức Cha Đà Nẵng, Cha Tổng đại diện, Cha hạt trưởng và Cha quản lý của giáo phận:

            Trọng kính Đức cha, cha tổng đại diện, cha hạt trưởng, cha quản lý địa phận, cha sở, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn dân bạn đã từ khắp nơi xa gần trong giáo phận đã tụ họp về đây dâng thánh lễ cầu nguyện cho công ăn việc làm trong ngày mồng 3 tết Canh Dần này.

            Thật là rất vinh dự và rất hân hạnh cho chúng con được đón tiếp Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể quý vị đã về nơi này dâng thánh lễ cầu nguyện hiệp thông cho Giáo xứ chúng con, công ăn việc làm của chúng con, cách riêng cho những ai đang lo toan về kế sinh nhai trong những ngày tháng sắp tới của mình mà thư mục vụ của giáo phận đã nêu lên. Con xin đại diện cho cộng đoàn giáo dân Giáo xứ Cồn Dầu nói lên vài tâm tư, nguyện vọng của đồng bào giáo dân Giáo xứ chúng con.

            Trong tháng chín năm 2009 vừa qua, giáo dân chúng con chịu nhiều gian khổ bởi trận thiên tai lũ lụt. Mùa màng, hoa màu mất trắng làm đời sống chúng con rất khó khăn. Đức cha, cha sở, quý vị ân nhân xa gần đã chia sẻ, đã kêu gọi giúp đỡ chúng con khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt đã giúp chúng con mua lại lúa giống để gieo lại vụ Đông Xuân. Giờ đây, nhìn cánh đồng lúa đang trải một màu xanh hy vọng, gieo vào lòng chúng con một niềm hy vọng được một mùa lúa bội thu.

            Nhưng thiên tai chưa hết nguôi ngoai, cải thiện đời sống chưa xong thì lại đến cái nạn nhân tai! Cái nhân tai mà chúng con nói đến đã làm cho chúng con nghẹn ngào, khiếp đảm. Ai ai trong chúng con cũng ăn không ngon, ngủ không yên, trừ những người đã chọn phần sung sướng cho riêng mình mà đánh mất quê hương, làng xóm, láng giềng.

            Quê hương là con đò, là chiếc diều, là cây đa, là cội nguồn văn hóa dân tộc, là vựa lúa nuôi ta sống hằng ngày. Ai không quyến luyến, không yêu mến, không xót xa thì không phải là người.

            Kính thưa Đức Cha, quý cha, quý vị.

            Trong những ngày qua, chắc chắn Đức cha cùng mọi người đã hiểu được nỗi khổ đau của chúng con trước sự đàn áp, khủng bố của chính quyền. Chúng con đã phải, đóng cửa rào gai bỏ nhà đi lánh nạn "kiểm định" (kiểm tra, đo đạc, định giá trả tiền). Chúng con muốn đòi sự công bằng, công lý, sống để hưởng những giá trị tinh thần của quê hương, nhưng những tiếng kêu khóc của chúng con đều bị chính quyền làm ngơ. Đã qua nhiều cuộc họp, chúng con xin lãnh đạo chính quyền cho chúng con nguyện vọng được sống và được hưởng quyền lợi trên mảnh đất quê hương dựa trên hiến pháp và pháp luật, nhưng tất cả mọi sự kêu gào đều không được đáp ứng. Chính quyền một mực muốn đòi giải tỏa trắng. Bỏ đất, bỏ nhà, bỏ ông bà, bỏ nhà thờ đi nơi khác làm sao chúng con có thể sống?

            Suốt hơn tuần lễ qua, lãnh đạo tỉnh là ông Nguyễn Bá Thanh đã dẫn các ban ngành đoàn thể cùng hàng trăm công anh đủ loại: sắc phục có, thường phục có, an ninh có, CSCĐ có cùng đủ loại xe cộ, chó nghiệp vụ, dùi cui điện, roi điện, còng, phong tỏa khống chế các ngã đường, không cho người dân tiếp cận với các nhà bị kiểm định. Với một lực lượng hùng hậu như vậy trong khi chúng con chỉ có tay không làm sao mà không hoảng sợ? Chỉ vì mảnh đất tổ tiên, cái nhà, cái vườn mà chúng con đã chịu nhiều khổ đau kêu trời không thấu. Có thực mới vực được đạo. Không có đất đai làm sao chúng con kiếm sống? Hơn nữa, mảnh đất này rất linh thiêng đối với chúng con. Họ đã đưa ra những dự án rất to lớn nhưng trả cho chúng con những đồng bạc rất nhỏ. Một mét vuông không đủ mua một ký thịt. Như vậy đời sống chúng con sẽ ra sao khi mất hết nhà cửa, đất đai, ruộng vườn và cũng mất luôn ngôi nhà chung yêu dấu.

            Thưa Đức Cha, quý cha, quý vị.

            Tài sản chúng con đang có là tài sản vô giá vì nó đã được gầy dựng bởi nước mắt, mồ hôi và cả bằng máu của tổ tiên, con cháu bao đời. Nhìn những tấm lưng còng của những ông già, bà cả trong làng chúng con mới thấu hiểu và thâm thiá những giá trị mảnh đất mình đang sống. Chính những con người già cả này đã gánh từng cục đất đắp lên nền nhà cao cho con cháu ngày nay hưởng dùng. Công lao vất vả, sự hy sinh to lớn của bậc tiên nhân không bút mực nào kể cho xiết. Điều chúng con muốn nói ra đây là sự công bằng, công lý, pháp luật dựa trên sự thật. Chúng con chỉ mong được sống an lành với gia đình, quê hương,làng xóm, láng giềng. Sáng chiều tham dự lễ kinh, hiệp thông nguyện cầu cho nhau. Giáo dân chúng con đã và đang cầu nguyện cho những ngày giông bão sắp đến.

            Sau cái Tết Canh Dần đạm bạc này, chúng con sẽ đối mặt với trận bão sắp tới, lên đến cấp độ nào chúng con không rõ. Chỉ có điều là chúng con không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải bảo vệ mảnh đất tổ tiên, ông bà để lại. Qua bài đọc sách Sáng thế đoạn 2, câu 15 hôm nay đã gieo vào lòng chúng con một nỗi niềm: Đức Chúa là Thiên Chúa đã đem con người đặt vào vườn Eden để trồng cấy và canh giữ đất đai, cũng như bài Tin Mừng ông chủ giao cho người đầy tớ những nén bạc phải làm lợi cho chủ tùy theo khả năng của mỗi người.

            Trong thánh lễ sáng mồng 3 Tết này -thánh lễ thánh hóa công ăn việc làm- chúng con muốn nói lên vài tâm tư nguyện vọng của giáo dân chúng con mong Đức Cha, quý cha, quý vị cảm thông và hiệp lời cầu nguyện cho giáo dân chúng con được sống bình an và được tồn tại trên mảnh đất linh thiêng với bao nhọc nhằn, gian khổ mà chúng con cùng tổ tiên bao đời đã xây đắp, vun bồi.

            Thay mặt cho cộng đoàn Giáo xứ, chúng con xin cảm tạ Đức Cha, quý cha, quý nam nữ tu sĩ, giáo dân đang hiện diện nguyện cầu, hiệp thông cho Giáo xứ chúng con trong thánh lễ này. Nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Maria ban nhiều sự an lành và khôn ngoan cho Đức Cha, quý cha hầu hướng dẫn đoàn chiên sống thánh thiện trong ơn nghĩa của Đức Giêsu Kitô./.
Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 600 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0