Phạm Trần
Đại hội đảng
địa phương và đơn vị của đảng Cộng sản
Việt Nam sẽ bắt đầu từ tháng 5/2010 để chọn đại biểu dự Đại hội đảng XI tòan quốc vào tháng 1/2011,
nhưng xem ra mọi chuyện đã định sẵn và
mọi việc sẽ vẫn giữ nguyên như cũ.
Như vậy tương lai đất nước và dân tộc sẽ ra sao
trước hiểm họa xâm lăng của Trung Quốc đang ngày một hiện ra là trách nhiệm
riêng của đảng Cộng sản Việt Nam trước lịch sử.
Bởi vì, căn cứ vào những lời tuyên bố và bài viết
của Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư đảng; Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội và hai
cựu Tổng Bí thư đảng đã từng đóng vai then chốt trong quyết định duy trì Chủ
nghĩa Cộng sản là Đỗ Mười (khóa VII) và Lê Khả Phiêu (khóa VIII) thì Việt Nam, sau Đại hội đảng XI vẫn còn là
một nước chậm tiến và tụt hậu.
Những con người giáo điều, chậm tiến, bảo thủ này và
những người ủng hộ họ cho đến thập niên thứ hai cùa Thế kỷ 21 vẫn còn cận thị
để kiên định lấy Chủ nghịa Mác-Lênin và Tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh làm nền
tảng xây dựng đất nước để qúa độ lên xã hội chủ nghĩa, mặc dù chính họ cũng không
biết cái thiên đàng "xã hội chủ nghĩa” lý
tửơng ấy như thế nào !
Nhưng theo mô hình họ vạch ra thì đảng CSVN sẽ tiếp
tục độc tài, đảng trị; vẫn độc quyền yêu
nước để
được bảo vệ quyền lợi và chia
đều; vẫn phủ quyết đa nguyên đa đảng;
vẫn thi hành dân chủ có phép và tự do ngôn luận một chiều.
Hãy đọc Đỗ Mười, cựu Tổng Bí thư đảng viết trong Tạp
chí Tuyên giáo, cơ quan tuyên truyền chính thức của Ban Tuyên giáo Trung ương
ngày 1/2/2010 : "Hơn lúc nào hết, lúc này
chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh phải là nền tảng tư tưởng và kim
chỉ nam cho hành động để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng
ta......Thực tiễn cho thấy, không có Ðảng Cộng sản Việt Nam thì không có công
cuộc đổi mới, không có sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng Cộng sản Việt Nam thì
không có được công cuộc đổi mới theo định hướng đúng đắn. Càng đổi mới, càng
đổi mới sâu rộng thì càng cần tăng cường vai trò, chức năng lãnh đạo của Ðảng
như Hiến pháp đã quy định. Không thể đổi mới thành công nếu không có sự lãnh
đạo đúng đắn của Ðảng.”
Đỗ Mười là người có tiếng nói mạnh nhất trong việc sọan thảo "Cương lĩnh
xây dựng đất nước trong thời
kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (gọi tắt là Cương lĩnh năm 1991) ra đời
tháng 6-1991, trong bối cảnh tan rã giây chuyền của các chế độ Cộng sản ở Nga và các nước trong khối Liên bang Xô viết.
Nhưng Cương lĩnh này do Nguyễn Đức Bình, Chủ tịch
Hội đồng Lý luận Trung ương và Nguyễn Phú Trọng, lúc đó là Trưởng ban Tư
tường-Văn hóa Trung ương (nay đồi là Ban Tuyên giáo Trung ương) điều hợp sọan
thảo đã được Đại hội đảng kỳ VII đồng
ý nhằm mục tiêu giữ cho đảng khỏi tan
trước tình trạng hoang mang, dao động mãnh liệt của 3 triệu đảng viên.
Nhưng sau 19 năm thi hành, Cương lĩnh 1991 đã chứng minh chính nó là rào cản
Việt Nam tiến ra biển lớn; là hòn đá tảng khổng lồ chận đường Việt Nam phát
triển để hòa nhập với thế giới; làm tê liệt
trí tuệ người dân không mở mang được vì
đảng không cho dân có tự do và dân chủ. Vì vậy đã có nhiều cán bộ, đảng
viên cấp lãnh đạo và trí thức trong nước đã khuyên đảng, nếu muốn đưa đất nước tiến lên ngang tầm với thời đại
thì phải xét lại quyết định tiếp tục duy trì chủ nghĩa lỗi thời Cộng sản; từ bỏ
lãnh đạo độc quyền theo Điều 4 Hiến Pháp; can đảm chấp nhận đa nguyên đa đảng,
bầu cử và ứng cự tự do; phải đổi mới thật sự, phải có một nhà nước pháp quyền biết
tôn trọng luật pháp trong mọi lĩnh vực và có khả năng đòan kết dân tộc.
Tiếc rằng, sau vài lần họp, Ban Chấp hành Trung ương
đảng khóa X vẫn không sao thóat ra khỏi
tư duy xơ cứng, giáo điều nên việc bổ
xung, sửa đổi Cương lĩnh 1991 vẫn dậm chận một chỗ, bởi vì đảng không muốn từ
bỏ chủ nghĩa Cộng sản và quyền cai trị một mình !
Bây giờ, trước thềm Đại hội đảng XI, quan
điểm "dằn mặt” những ai đòi thay đổi đã thóat ra từ những con người thủ cựu và
giáo điều hàng đầu trong đảng.
Đỗ Mười viết tiếp : "Mặc cho các thế lực
thù địch ra sức xuyên tạc rằng Ðảng Cộng sản Việt Nam "độc tài toàn
trị", Ðảng ta càng vươn lên làm tốt nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện, không trừ
lĩnh vực nào, từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, từ đối nội
đến đối ngoại, từ nhà nước cho đến các đoàn thể nhân dân. Ðảng phải lãnh đạo
việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược kế hoạch kinh tế - xã hội,
xây dựng và tổ chức thực hiện công tác cán bộ... Ðảng lãnh đạo tất cả, không
trừ mặt nào. Ðối với lực lượng vũ trang, Ðảng ta có trách nhiệm lãnh đạo tuyệt
đối, trực tiếp về mọi mặt.”
Để đề phòng có nội loạn, Đỗ Mười hù họa : "Nền dân chủ của
ta là nền dân chủ của đa số, đường lối của Ðảng và mọi chính sách, pháp luật của
Nhà nước đều phải phản ánh ý chí, nguyện vọng của đa số nhân dân. Những
ai chống lại pháp luật của Nhà nước Việt Nam thì đều bị nền dân chủ của ta trừng
trị để bảo đảm thực sự đó là nền dân chủ của đa số..... Các thế lực
thù địch cùng những kẻ xấu thường rêu rao rằng nguồn gốc mất dân chủ do có đảng
cộng sản áp đặt lãnh đạo. Ðó là lối nói ngược đời, đổi trắng thay đen. Phải vạch
trần những lời vu cáo, xuyên tạc đó. Phải thẳng thắn chỉ ra rằng không có đảng
cộng sản lãnh đạo thì không có nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, không có đảng cộng
sản lãnh đạo thì không có nhà nước của dân, do dân, vì dân.”
Người
kế vị Đỗ Mười là Lê Khả Phiêu cũng viết trên Báo Quân đội Nhân dân ngày Thứ Tư, 03/02/2010: ".. Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh
là kim chỉ nam, là sáng tạo, chứ không phải là giáo điều, không phải là mọi thứ
đã bày sẵn. 80 năm qua chỉ ra rằng: Khi nào Đảng ta nắm vững tinh thần cốt lõi
của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, biết vận dụng sáng tạo vào
thực tiễn thì thu được thắng lợi to lớn. Khi nào giáo điều rập khuôn máy móc bê
nguyên si mô hình cách mạng hoặc mô hình kinh tế từ nước ngoài thì vấp phải sai
lầm và khó khăn.”
Khác Đỗ Mười,
Phiêu nhìn nhận : "Những tồn tại trong Đảng ta
hiện nay tuy đã có đấu tranh song đạt kết quả thấp, những biểu hiện tiêu cực
như tham nhũng, quan liêu, cá nhân chủ nghĩa vẫn kéo dài, niềm tin trong Đảng,
trong dân đang bị ảnh hưởng, uy tín của một số đảng viên cộng sản bị giảm sút. Những nguyên tắc cơ bản của Đảng về tập trung dân chủ, tự phê bình và
phê bình chấp hành chưa thật nghiêm và còn hình thức. Quan hệ giữa Đảng, giữa
Nhà nước với dân có những biểu hiện chưa thực hết lòng vì dân phục vụ. Chưa
thực bảo vệ tính chất dân chủ, bảo vệ và giải quyết nguyện vọng chính đáng của
dân, khiến lòng dân không yên. Trong khi đó thì ta vẫn chủ quan chưa thấy sâu
sắc sự giảm sút lòng tin của không ít người dân đối với Đảng, với Nhà nước, với
những cán bộ đảng viên thiếu gương mẫu về đạo đức, thiếu tầm cao về trí tuệ.”
Tuy vậy, Phiêu vẫn lạc quan tếu : "Trong
một thời kì lịch sử dài các chế độ chính trị khác nhau vẫn song song tồn tại. Chủ
nghĩa tư bản tuy còn tiềm năng, nhưng chứa chất những mâu thuẫn gay gắt không
thể tự nó giải quyết nổi, đã và đang từng bước suy yếu. Chủ nghĩa xã hội đang
được từng bước củng cố và phát triển.
Tương lai thuộc về chủ
nghĩa xã hội.”
Nông
Đức Mạnh, người thay Lê Khả Phiêu thì nói trong diễn văn kỷ niệm 80 năm ngày
thành lậo đảng (3/2/1930 – 3/2/2010) : "Tiến
lên chủ nghĩa xã hội là con đường phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam đã
được đề ra từ Cương lĩnh đầu tiên của Đảng. Đó là sự lựa chọn đúng đắn của Chủ
tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và nhân dân ta - Sự lựa chọn của chính lịch sử…”
"... Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định và vận
dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững
mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nâng cao bản lĩnh chính trị và
năng lực lãnh đạo, thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý
luận, giải quyết đúng đắn những vấn đề do cuộc sống đặt ra. Thực hiện nghiêm
túc nguyên tắc tập trung dân chủ và các nguyên tắc khác trong tổ chức và hoạt
động của Đảng.”
Đến
phiên Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội là người có
nhiều khả năng lên thay Nông Đức Mạnh cũng xum xoe trên Tạp chí Cộng sản, cơ
quan lý thuyết của Trung ương đảng ngày 16/2/2010 : "Phải bảo đảm và giữ vững sự lãnh đạo của Đảng; chăm lo xây dựng Đảng
trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức trên nền tảng tư
tưởng là chủ nghĩa Mác- Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trên cơ sở nguyên tắc
tổ chức là tập trung dân chủ và gắn bó chặt chẽ với nhân dân, coi đây là nhiệm
vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn của Đảng, nhân tố hàng đầu quyết định sự thành
công của cách mạng. Phải phòng và
chống nguy cơ sai lầm về đường lối,
bệnh quan liêuvà sự thoái hóa biến chất của cán bộ, đảng viên.”
Ngay
cả trong lĩnh vực văn hóa, Cương lĩnh 1991, theo lời Nguyễn Phú Trọng cũng chủ
trương "xa hội chủ nghĩa hoá” : "Tiến
hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa làm cho thế
giới quan Mác - Lê-nin và tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh giữ vị trí chỉ đạo
trong đời sống tinh thần xã hội. Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa
tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân
loại, xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh vì lợi ích chân chính và phẩm giá
con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao. Chống
tư tưởng, văn hóa phản tiến bộ, trái với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc
và những giá trị cao quý của loài người, trái với phương hướng đi lên chủ nghĩa
xã hội.”
Nhưng "qúa độ” mãi mà chưa tới đích thì người dân cũng phải mỏi chân chứ ?
Nguyễn Phú Trọng trả lời : "Cương lĩnh cũng xác định, quá độ lên
chủ nghĩa xã hội ở nước ta là quá trình lâu dài, trải qua nhiều chặng đường. Mục
tiêu tổng quát phải đạt tới khi kết thúc thời kỳ quá độ là xây dựng xong về cơ
bản những cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội, với kiến trúc thượng tầng về
chính trị và tư tưởng, văn hóa phù hợp, làm cho nước ta trở thành một nước xã
hội chủ nghĩa phồn vinh.... Tìm tòi bước đi, hình thức và biện pháp thích hợp
xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Điều quan trọng nhất là phải cải biến căn
bản tình trạng kinh tế - xã hội kém phát triển, chiến thắng những lực lượng cản
trở việc thực hiện mục tiêu đó, trước hết là các thế lực thù địch chống độc lập
dân tộc và chủ nghĩa xã hội.”
Người Cộng sản Việt Nam có tập qúan nếu chưa biềt làm,hay vẽ ra mà làm hỏng thì lại chối quanh, đổ tội cho tình
thế hay cấp dưới giờng hệt như "thời đại qúa độ”, tuy đã mất 19 năm rồi mà vẫn bảo là hãy còn trong
giai đọan tìm tòi, vừa làm vừa nghiên cứu !
Thực
tế là có rất nhiều kế họach phát triển kinh tế đã lãng phí hàng ngàn tỷ đồng đóng
thuế của dân mà vẫn thua lỗ hay chưa đạt tiêu chuẩn, như đã xẩy ra trong các
chương trình miá đường, bến cảng, bắt cá xa bờ, xi măng, lò vôi v.v…
Cũng
đã có nhiều công ty nhà nước hay liên doanh thua lỗ liên tục, nợ nần chồng chất
mà vẫn chưa muốn khai phá sản vì sợ khi tan hàng rã đám thì mất miếng cơm nên
cứ bám víu lầy nhau lấy tiền nhà nước mà sống ! Lại cũng có nhiều công ty không
chịu bán cổ phần cho dân mà chỉ muốn bán cho nhau, cho bạn bè, dòng họ để được
tiếp tục ăn trên ngồi trốc !
Đó
là lý do tại sao đảng CSVN cứ mãi "qúa độ” mà đất nước vẫn chưa nhích lên được
một bước ?
Do
đó khi người CSVN nói là, sau 24 năm Đổi Mới, họ vẫn còn đang trong giai đọan
"dò dường” hay chưa đi đến cửa Thiên Đàng của Chủ nghĩa Xã hội vì lối làm kinh
tế "theo định hướng xã hội” của Việt Nam hãy còn quá mới, hay chưa có tiền lệ
thì nên hiểu đó là lối biện minh của những kẻ "nói Tiều nói Quảng” để che
đi lạc hậu và chậm tiến của mình. -/-
Phạm Trần
(03/010)
|