Hơn 100 nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp đã
kéo đến trụ sở Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để
khiếu kiện hôm thứ Ba ngày 28/2..
Các nông dân đến từ phường Dương Nội, quận
Hà Đông, Hà Nội này đã đến tụ tập trước cổng trung ương Mặt
trận tại số 46 Tràng Thi Quận Hoàn Kiếm từ lúc 10 giờ sáng
để nộp hai đơn: một đơn xin cứu đói và một đơn yêu cầu giải
quyết quyền lợi của các nông dân bị mất đất. Sau khi được Mặt trận Tổ quốc
tiếp nhận đơn, đến 3 giờ chiều, đoàn nông dân này đã rời đi
đến Đài Tiếng nói Việt Nam ở số 58 Quán Sứ để tiếp tục
‘biểu tình ngồi’.
‘Mất hết nguồn sống’
Trao đổi với BBC qua điện thoại, một nông
dân 40 tuổi ở xã Dương Nội tham gia vào đoàn khiếu kiện cho
biết các cụ lớn tuổi đi khiếu kiện vì không muốn cho con cháu
sau này phải khổ sở như các cụ.
Người nông dân này cũng kể cho BBC về cuộc
sống của người dân Dương Nội kể từ khi bị mất đất với điều
kiện giấu tên vì sợ rắc rối với chính quyền địa phương.
"Chúng tôi từ có ruộng đất trở thành
trắng tay vì bị cướp hết tư liệu sản xuất,” anh nói, "Đối với
nông dân chúng tôi mất đất là mất hết nguồn sống. Chúng tôi
còn biết làm gì cho qua ngày?”
Ông cho biết bản thân ông trước giờ ‘chỉ
biết làm ruộng’ nên bây giờ hai vợ chồng ông mỗi buổi sáng
phải ra chợ lao động xem ‘người ta có thuê gì thì làm’ để kiếm
tiền nuôi bốn đứa con ăn học. Bên cạnh đó ông còn thuê ruộng
của làng bên để cày cấy thêm.
"Ví dụ như bây giờ tôi muốn đi làm thợ hồ
thì không có ai thuê một người nhỡ nhàng như tôi vừa không đủ
sức khỏe vừa chưa từng làm phụ hồ bao giờ,” ông nói.
Ông cho biết những người nông dân mất đất
ở Dương Nội đều đã đứng tuổi nên khó mà chuyển đổi công việc
dù chính quyền phường có mở những khóa đào tạo chuyển đổi
việc làm cho người dân.
"Vả lại đó chỉ là những khóa ngắn hạn nên cũng không có tác dụng gì nhiều,” ông nói.
"Hoàn cảnh của gia đình tôi cũng không đến
mức phải đứt bữa, nhưng chúng tôi phải đi vay đi mượn rất
nhiều nơi,” ông than thở và cho biết bản thân đã gửi đơn xin cứu
đói rất nhiều nơi nhưng không được giải quyết.
'200.000 đồng/ mét vuông'
Ông kể năm năm trước, chính quyền đã cưỡng chế hơn 300 mét vuông đất của ông và bồi thường gần 70 triệu đồng.
"Tính ra họ bồi thường hơn 200.000 đồng
một mét vuông, chỉ đủ để mua bảy bát phở theo giá hiện giờ ở
Hà Nội,” ông nói.
Theo người nông dân này thì đất của nông
dân bị chính quyền thu hồi để triển khai hàng chục dự án,
trong đó chủ yếu là các dự án bất động sản.
"Nhưng hiện nay chỉ có một nhúm đất nhỏ
là triển khai dự án còn phần lớn vẫn bỏ hoang cỏ mọc cao gần
đầu người,” ông bức xúc.
Ông cho biết kể từ khi bị thu hồi đất từ
năm 2008, người dân Dương Nội đã liên tục về Hà Nội để khiếu
kiện. Có tháng ‘ngày nào cũng đi’.
"Bà con tự bảo ban nhau đi khiếu kiện. Chúng tôi tự viết đơn. Không thuê luật sư,” ông nói.
"Cái khó khăn là nông dân chúng tôi không
có trình độ, học vấn thấp nên khiếu kiện không có kết quả,”
ông nói thêm. "Chúng tôi còn không biết đi đâu để khiếu kiện.”
"Chúng tôi đã từng đến văn phòng tiếp dân
của Trung ương Đảng tại Quận Hà Đông nhưng đến nay không có kết
quả gì,” ông nói.
Trả lời câu hỏi tại sao lại đến khiếu
kiện ở Mặt trận tổ quốc, nông dân này cho biết ông mong cơ quan
này sẽ tác động cơ quan chức năng để việc của họ sớm được
giải quyết.
‘Không giải quyết gì’
Đối với nhiều nông dân Việt Nam, ruộng đất là nguồn sống duy nhất của họ
Bà Lê Hiền Đức, người phụ nữ chống tham
nhũng nổi tiếng năm nay 82 tuổi, cũng đã đến tận nơi để ủng
hộ tinh thần cho dân khiếu kiện.
"Nông dân khổ lắm. Họ không biết đường đi nên cứ đi khắp nơi gửi đơn lung tung,” bà Đức nói với BBC.
"Toàn cụ ông cụ bà 70 tóc bạc, chống
gậy, đói khát, rét mướt từ Hà Đông ra đây từ sáng đến giờ,”
bà kể lại tình hình và cho biết các nông dân khiếu kiện đã
không ăn uống gì từ sáng đến quá trưa.
"Trông họ mà không thể nào cầm được nước mắt,” bà nói.
"Họ (Mặt trận Tổ quốc) nhận đơn bảo về
đi còn chuyển,” bà Đức nói về kết quả khiếu kiện của nông
dân, "Chuyển lên chỗ nọ chỗ kia chuyển đi đâu tôi không biết nhưng
không giải quyết gì cho dân.”
Bà kể với BBC phía Mặt trận Tổ quốc có
tiếp người phụ nữ trưởng nhóm khiếu kiện và đưa lại một
phiếu biên nhận có ghi ‘Đề nghị thủ tướng chính phủ ra văn bản
giải quyết dứt điểm vụ việc cho công dân tiếp tục xin trợ cấp
cứu đói’.
"Đời nào thủ tướng giải quyết đâu,” bà
bức xúc, "(Người nhận đơn) còn không đọc nữa thì làm sao mà
giải quyết.”
Bà Đức cho biết người dân Dương Nội có
đến chính quyền địa phương – những người mà bà cho rằng ‘đã ăn
đất của người ta rồi thì giải quyết sao được?’
"Người thì đói; đất thì bỏ hoang,” bà bức xúc.
Về tình hình giám sát an ninh với đoàn
người khiếu kiện, bà Đức cho biết: "Người dân tay không lại già
nua yếu đuối mà họ cầm gậy quăng đi quăng lại như là dọa dân.”
Bên cạnh đoàn của nông dân Dương Nội, tại
trụ sở Mặt trận tổ quốc trong ngày 28/2 còn có một đoàn nông
dân đến từ huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên nhưng đã về sau buổi
sáng.
Trước đó còn có đoàn nông dân Đắc Nông chủ yếu là người dân tộc ra Hà Nội.
Bà Đức cho biết nhóm này "không chịu nổi cái rét" của Hà Nội nên một số người ốm phải đi bệnh viện
|