Trung Điền
Ngày
11 tháng 4 vừa qua, Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Cộng sản Việt Nam đã dẫn
một phái đoàn lên đường sang Mỹ dự Hội nghị cao cấp về an ninh hạt nhân
tại Hoa Thịnh Đốn. Ngày 15 tháng 4, ông Dũng tiếp tục sang viếng thăm
Argentina, theo lời mời của Tống Thống Cristina Fernandez de la
Kirchnez. Đây là chuyến đi Mỹ lần thứ hai của ông Dũng kể từ khi lên
thay thế ông Phan Văn Khải trong vai trò Thủ tướng từ tháng 7 năm 2007.
Theo tin tức từ phía Hoa Kỳ thì ông Nguyễn Tấn Dũng là người đầu tiên
đã trả lời cho phía Tòa Bạch Ốc biết sẽ tham dự Hội nghị an ninh hạt
nhân. Ngược lại Hồ Cẩm Đào, chủ tịch nước Trung Quốc thì trả lời trễ
nhất vào phút chót.
Sự kiện Việt Nam không có vũ khí hạt nhân, chỉ mới đang
tính chuyện xây lò nguyên tử nhưng lại sốt sắng ghi tên tham dự Hội
nghị do ông Obama mời, chắc chắn là ông Nguyễn Tấn Dũng có một dụng ý
khác khi đến Hoa Kỳ. Trong 4 ngày lưu lại Hoa Kỳ, ông Nguyễn Tấn Dũng
đã có một số những cuộc gặp gỡ như: Thăm nhà máy sản xuất máy bay
Boeing tại Seattle (11/4); tham dự và phát biểu tại Hội nghị hạt nhân
(12&13/4); chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn công
nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam và Ngân hàng CitiBank về việc tài
trợ vốn cho dự án khai thác Bô-xít tại Lâm Đồng (12/4); gặp Phó Tổng
thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Hatoyama và Chủ tịch Khối EU
(12/4); ăn sáng với một số doanh nhân Hoa Kỳ (14/4).
Ngoại trừ tham dự và phát biểu khoảng 15 phút tại Hội
nghị an ninh hạt nhân, ông Nguyễn Tấn Dũng đã không có những tiếp xúc
quan trọng tại Hoa Kỳ, đặc biệt là không có cuộc gặp riêng với Tổng
thống Hoa Kỳ Obama, chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống
Pháp hay Tổng tống Nga. Điều này cho thấy là vị trí của Nguyễn Tấn Dũng
nói riêng và Cộng sản Việt Nam nói chung không được đánh giá cao giữa
một số nguyên thủ bên thềm hội nghị. Ngay cả việc Nguyễn Tấn Dũng sốt
sắng trả lời đầu tiên tham dự hội nghị và phát biểu ủng hộ Hoa Kỳ trong
nỗ lực nghiêm cấm các hành động buôn bán bất hợp pháp vũ khí hạt nhân,
nhưng cũng không được ông Obama tiếp riêng. Vấn đề là tại sao ông Dũng
chọn đi Mỹ vào lúc này?
Thứ nhất, lần trước ông Nguyễn Tấn Dũng đến Mỹ vào cuối
tháng 7 năm 2008. Đây có thể coi là chuyến đi thất bại vì đã không vận
động được Hoa Kỳ cho vay tiền hầu tiến hành một số dự án cải tổ kinh
tế; lý do là vì ông Dũng đã không dám nâng quan hệ Việt Mỹ lên hàng
"đối tác chiến lược” như phía Hoa Kỳ yêu cầu. Chính từ sự thất bại này
mà phe thân Trung Quốc trong Bộ chính trị đã áp lực phe nhóm ông Nguyễn
Tấn Dũng phải chấp nhận cho tiến hành dự án khai thác Bô-xít tại Tây
Nguyên, để được Trung Quốc giúp đỡ về mặt tài chánh hầu chấn chỉnh hệ
thống tín dụng đang bị nguy kịch vào lúc đó. Tháng 10 năm 2008, ông
Nguyễn Tấn Dũng viếng thăm Bắc Kinh đã được Trung Quốc trải thảm đỏ đón
tiếp rất trọng thể, hơn cả đón Nông Đức Mạnh vào tháng 5 năm 2008.
Sau khi từ Bắc Kinh trở về, Nguyễn Tấn Dũng đã ra lệnh
cho khởi công xây dựng nhà máy khai thác Bô-xít tại Tân Rai, Lâm Đồng
vào đầu tháng 11 năm 2008. Quyết định cho xây dựng nhà máy Tân Rai của
Nguyễn Tấn Dũng đã bị các nhà trí thức, cựu cán bộ đảng viên đảng Cộng
sản Việt Nam phản đối mạnh mẽ qua một kiến nghị yêu cầu Quốc Hội cho
ngưng khai thác Bô-xít. Trước sự chống đối này, Bộ Chính Trị đảng Cộng
sản Việt Nam đã phải lên tiếng theo kiểu nước đôi, và ông Dũng thì chỉ
thị cho ông Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng tổ chức Hội nghị Bô-xít tại
Hà Nội vào tháng 4 năm 2009 để xoa dịu dư luận, cũng như tuyên bố rằng
chỉ khai thác Bô-xít tại Tân Rai làm thí nghiệm mà thôi.
Lo sợ Nguyễn Tấn Dũng có thể làm trì hoãn kế hoạch khai
thác Bô-xít, Trung Quốc đã một mặt cử Đới Bình Quốc, Ủy viên Quốc Vụ
Viện (Văn Phòng Chính Phủ) sang thăm Việt Nam vào ngày 8 tháng 3, chính
thức mời Nguyễn Minh Triết thăm Trung Quốc vào tháng 6 năm 2009, đồng
thời thông báo cho Nguyễn Tấn Dũng là Bắc Kinh cho vay ưu đãi 300 triệu
Mỹ Kim (theo kiểu vay lâu dài và có tiền thì trả còn không cứ để đó).
Mặt khác, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã gặp riêng Nguyễn Tấn Dũng hứa sẽ đẩy
mạnh hợp tác kinh tế vảo ngày 17 tháng 4 năm 2009, khi Nguyễn Tấn Dũng
sang đảo Hải Nam tham dự Hội nghị Diễn Đàn Kinh Tế Châu Á Bắc Ngao.
Trước những "săn đón” của Bắc Kinh nói trên, Nguyễn Tấn Dũng và cả Bộ
chính trị đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn ngã theo Trung Quốc.
Trong năm 2009, Bắc Kinh và Hà Nội đã có đến 150 phái đoàn trao đổi với
nhau, trong đó có 118 phái đoán từ cấp Thứ trưởng trở lên.
Mối quan hệ "mật thiết” này đã làm cho dư luận nhìn
thấy Hà Nội ngày một lệ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh. Nhiều cựu đảng
viên cao cấp như ông Nguyễn Trung (cựu đại sứ tại Thái Lan), Tướng Đồng
Sĩ Nguyên, Tướng Nguyễn Vĩnh Trọng… đã viết những bài phê phán về mối
quan hệ lệ thuộc quá đáng vào Trung Quốc của Hà Nội hiện nay. Những phê
phán này đã gây ảnh hưởng trong nội bộ đảng và dấy lên một làn sóng
chống Trung Quốc trong đảng Cộng sản Việt Nam. Lo sợ làn sóng chống đối
này sẽ ảnh hưởng đến việc tổ chức đại hội đảng kỳ XI diễn ra vào tháng
1 năm 2011 nên Nguyễn Tấn Dũng đã phải sốt sắng xin sang Mỹ họp để
chứng tỏ là nhà nước Cộng sản Việt Nam vẫn còn có những quan hệ "gắn
bó” với Mỹ.
Thứ hai, sự sốt sắng xin đi họp của Nguyễn Tấn Dũng còn
nhằm muốn gặp Tổng thống Obama để vừa tạo hình ảnh gần với Mỹ và qua đó
chính thức mời ông Obama viếng thăm Việt Nam vào tháng 9 nhân Hội nghị
Thượng đỉnh ASEAN. Nếu vận động được ông Obama đi thăm Việt Nam vào
tháng 9 năm nay sẽ giúp nâng cao tư thế cho ông Dũng rất nhiều trong
đại hội đảng khi mà uy tín của ông ta và của Bộ chính trị đảng Cộng sản
Việt Nam nói chung, đang bị coi là những "quan thái thú” của Trung Quốc
tại Việt Nam.
Nhưng ông Dũng đã không đạt được điều mong đợi nói trên
trong lần đến Mỹ kỳ này. Quan tâm của Hoa Kỳ và của Tổng thống Obama
hiện nay không phải là vấn đề Việt Nam và Đông Nam Á. Hoa Kỳ đang muốn
thế giới đứng sau Mỹ để cô lập Iran và Bắc Triều Tiên. Hai quốc gia này
đang dùng vũ khí hạt nhân thách đố vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ. Ngay
vào lúc ông Nguyễn Tấn Dũng và phái đoàn Cộng sản Việt Nam có mặt tại
Hoa Thịnh Đốn thì tin tức loan tải về việc Hà Nội đã không cấp Visa cho
bà dân biểu Sanchez thuộc đơn vị Quận Cam vào Việt Nam - dù chỉ là một
ngày, cho thấy là Hà Nội đã hành xử thiếu khôn ngoan. Ngoài ra, Nguyễn
Tấn Dũng chứng kiến lễ thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn công nghiệp
Than và Khoáng sản với Ngân hàng CitiBank của Hoa Kỳ trong việc khai
thác Bô-xít tại Lâm Đồng, cho thấy là Nguyễn Tấn Dũng và Bộ chính trị
Cộng sản Việt Nam bất chấp mọi sự chống đối của người dân, cố đi tìm
những hỗ trợ để khai thác Bô-xít bằng mọi giá cho Trung Quốc. Chỉ qua
hành động nhỏ này cho thấy là việc đi Mỹ của Nguyễn Tấn Dũng lần này
chỉ là để che đậy một dã tâm đã và đang tiến hành là Hán hóa đất nước
Việt Nam trong gọng kềm của Bắc Kinh mà thôi.
Tóm lại, Hôi nghị an ninh hạt nhân không phải là hội
nghị quan trọng đối với khả năng của Việt Nam hiện nay. Sự tham dự Hội
nghị cũng không làm thay đổi tư thế của Hà Nội trên trường quốc tế là
bao. Nếu phải tham dự Hội nghị vì đang là chủ tịch ASEAN trong năm
2010, Nguyễn Tấn Dũng đã phải có những cuộc gặp gỡ cao cấp hơn; nhưng
đã không xảy ra như điều Cộng sản Việt Nam mong muốn nhằm giảm bớt đi
cái bóng của Bắc Kinh. Kết quả chuyến đi Mỹ lần này của Nguyễn Tấn Dũng
là hệ quả của những chọn lựa sai lầm trong cách đu dây của Cộng sản
Việt Nam giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn trong thời gian qua.
Trung Điền
Ngày 15/4/2010
|