Main » 2012 Tháng Mười Một 16 » Phải thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam!
Như trong bài Việt Nam Đất Nước Tôi, viết vào tháng 6/2000 tôi cũng đã có dịp trình bày: Khi
nồi canh có một con sâu đã là "rầu" rồi, nhưng nếu nồi canh ấy đầy sâu
thì vấn đề là phải xét lại chính "người nhặt rau", hay nói chính xác hơn
là phải xét xem tại sao lại có cái "cơ chế nhặt rau" tai hại ấy! Theo
tôi, nếu không có sự thay đổi sớm thì một nền kinh tế Việt Nam với nợ
nần lút đầu, mất khả năng chi trả; đất nước bị xé lẻ ra để bán; vốn
trong các xí nghiệp quốc doanh hoặc các liên doanh có một bên góp vốn
thuộc sở hữu nhà nước chuyển dần sang tư nhân bằng nhiều cách khác nhau
là sẽ ngày càng trầm trọng, dẫn tới nguy cơ mất nước kiểu mới.
... Cũng từ sự bất lực trước quốc nạn tham nhũng, cộng với sự bất lực
trước quốc nạn buôn lậu và sự cực kỳ lãng phí của công đã làm cho nạn
hàng giả, hàng nhập lậu trốn thuế tràn vào bóp nghẹt hàng nội địa. Hậu
quả là sản xuất đi xuống và nạn thất nghiệp đi lên. Nó đẩy hàng triệu
nông dân Việt Nam - thành phần chiếm gần 80% dân số từ các vùng thôn quê
đổ về những thành phố để kiếm sống lây lất qua ngày; đẩy hàng trăm ngàn
trẻ em Việt Nam phải bỏ học để vào đời sớm và cũng đẩy hàng trăm ngàn
những cô gái Việt Nam phải bước vào cuộc sống dưới ánh đèn đêm,...
Trong chế độ độc đảng toàn trị, với bộ máy "chuyên chính vô sản” đồ sộ
nắm trong tay đã cho phép nó có khả năng thủ tiêu mọi ý kiến phản biện
xuất phát từ lòng dân tộc. Đặc biệt là những ý kiến phản biện đến tận
cùng, liên quan đến chế độ chính trị lỗi thời, phản dân chủ và phản dân
tộc ở Việt Nam hiện nay. Đó là nguyên nhân gốc dẫn tới mọi mối quốc nạn
và quốc nhục mà dân tộc ta đã và đang phải trải qua. Vì vậy, cái xấu cái
ác đã ngày càng lộng hành ngang ngược mà không có một bộ phanh, một lực
lượng dân tộc nào làm đối trọng, khả dĩ có thể kìm hãm được.
Nhìn vào những tổ chức chính trị, xã hội lớn ở Việt Nam hiện nay như:
Quốc Hội nước CHXHCNVN, Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam hay Ban chấp hành
Trung ương ĐCSVN,... chúng ta càng thấy rõ hơn cho nhận định này. Thực
chất, đó cũng chỉ là những cụm cây cảnh không hơn, không kém nhằm tô vẽ
thêm cho cái gọi là "Vườn hoa dân chủ xã hội chủ nghĩa” mà thôi. Sự kiện
có quyết định kỷ luật hay không kỷ luật "một đồng chí Ủy viên Bộ chính
trị” tại Hội nghị Trung ương 6, diễn ra vào đầu tháng 10/2012 vừa qua là
một ví dụ khá điển hình: nhân dân tẽn tò, đảng viên tẽn tò, làm gì nhau
nào!
Ở Việt Nam, nếu ai phản biện và muốn có sự thay đổi về chất chế độ chính
trị thì ngay lập tức, toàn bộ cái hệ thống chính trị kia sẽ vội lu loa
lên rằng: Đó là bọn phản động cực đoan trong nước, ham danh hám lợi
bị các thế lực thù địch bên ngoài mua chuộc, lôi kéo, giật dây để thực
hiện diễn biến hòa bình. Ý đồ của chúng là lợi dụng các quyền tự do dân
chủ của chế độ xã hội chủ nghĩa tươi đẹp để phá hoại Khối đại đoàn kết
toàn dân tộc, phá hoại cuộc sống yên lành của nhân dân. Mục tiêu cuối
cùng của chúng là lật đổ chế độ của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân
ở Việt Nam.
Tất nhiên, "bọn phản động” sẽ bị "cỗ máy nghiền” vào cuộc để "bề hội
đồng”, với vô số những chiêu trò độc ác, tiểu nhân. Trong khi những
người bị đàn áp không hề có một tấc sắt, một gam thuốc nổ trong tay thì
bên kia là một lực lượng hùng hậu, với súng đạn, nhà tù và "một nền pháp
trị xã hội chủ nghĩa tam quyền... nhập một”! Ai là người trong cuộc, ắt
là hiểu rất rõ điều này!
Đúng như Milovan Djilas (1911 – 1995), nguyên là Phó tổng thống Nam Tư
dưới thời Tổng thống Josept Tito đã viết trong cuốn sách Giai Cấp Mới
của ông như sau: Các nhà cách mạng và các cuộc cách mạng không bao
giờ từ chối sử dụng các biện pháp vũ lực và đàn áp. Nhưng chưa có cuộc
cách mạng nào, chưa có nhà cách mạng nào lại sử dụng bạo lực một cách có
ý thức, đưa bạo lực thành hoàn thiện, thành công việc thường ngày như
những người cộng sản.
Xét trong toàn Hệ thống xã hội chủ nghĩa, sự tập trung quyền lực ở mức
độ cao chưa từng có trong lịch sử loài người vào trong tay duy nhất một
Đảng cộng sản cầm quyền. Sau đó lại dồn tiếp cho một nhóm người chính là
mảnh đất thuận lợi dẫn tới tình trạng cực kỳ nguy hiểm. Nó đã sản sinh
ra những nhà lãnh đạo độc đoán chuyên quyền, sẵn sàng đem cả dân tộc ra
để đánh những canh bạc xả láng. Ở Việt Nam cũng vậy, kể từ ngày 2/9/1945
đến nay thì "nhân dân anh hùng” xét cho cùng chỉ là công cụ đáng thương
để cho các thế hệ lãnh đạo trong ĐCSVN nối tiếp nhau lừa mỵ, bóc lột và
sẵn sàng hy sinh họ. Trước đây trong chiến tranh là vậy và nay, khi các
cuộc chiến tranh đã lùi xa nhiều năm rồi cũng vẫn là như vậy!
III – Những lời thay cho kết luận:
Cách đây khoảng 40 năm, có một người lính ra đi từ mái tranh nghèo từ
vùng quê Thái Bình. Ngày 29/4/1975, anh đã ngã xuống tại vùng đất Củ Chi
- Cửa ngõ Sài Gòn. Người mẹ già của anh hơn 30 năm khóc con Nước mắt tưởng khô, mấy chục năm không khô nổi.
Những đồng đội của anh sau những cố gắng đã giúp đưa được hài cốt của
anh về quê. Mẹ anh và gia đình muốn để anh ở nhà trống kèn một ngày một
đêm rồi mới đưa anh ra nghĩa trang huyện. Lúc ra đi, con mẹ là một thanh
niên cường tráng; nay trở về, con mẹ là một hình hài bé thơ. Một bài
thơ do đồng đội của anh làm, có tên Đêm cuối cùng mẹ ru con đã ra đời trong dịp ấy:
... Tám mươi tuổi mẹ lại bồng con, vườn nhà nức nở
Mẹ bồng con à ơi
Hài cốt quấn vuông vải mới
Có tã lót nào đau xé lòng đến thế?
Mẹ ru con quằn quại tiếng trống kèn
Ngủ đi con
Đêm nay mẹ ru con lần cuối...
Có lẽ không ai trong chúng ta khi đọc những vần thơ trên lại không khỏi
xúc động đến rơi nước mắt, cho dù trong chiến tranh họ từng ở phía bên
này hay phía bên kia. Thời gian như một phép mầu đã giúp cho tình tự dân
tộc và tính nhân bản của người Việt Nam dần được phục hồi và chiến
thắng tất cả. Nó có khả năng hàn gắn được tốt những vết thương của một
thời đã bị cuộc chiến tranh lâu dài gây ra. Đó là quy luật tất yếu của
cuộc sống.
Nhưng một điều cũng rất hợp với quy luật là: khi những vết thương ngày
càng được hàn gắn tốt bao nhiêu thì lại càng bộc lộ sâu sắc hơn mâu
thuẫn cơ bản trong lòng dân tộc ta hôm nay bấy nhiêu. Đó là mâu thuẫn
giữa đại bộ phận dân tộc với một thiểu số nắm thực quyền đang cố duy trì
cái thể chế chính trị độc đảng toàn trị ở Việt Nam. Mâu thuẫn này là
đối kháng, không có cơ sở dung hòa, khi mà nguyên nhân sinh ra nó vẫn
còn nguyên!
Theo tôi, con đường đúng đắn duy nhất của dân tộc ta hôm nay là phải dân
chủ hóa được thực sự đất nước bằng con đường hòa bình, bất bạo động. Cụ
thể là phải thay thế được một cách triệt để chế độ chính trị ở Việt
Nam. Rằng: Muốn chống áp bức, bất công, đói nghèo, tụt hậu; muốn hoàn
thành những mục tiêu của một nước Việt Nam mới nhằm hòa nhập được tốt
vào thế giới hiện đại; ngoài con đường dân chủ, đa nguyên, đa đảng và
pháp trị, nhân dân Việt Nam không còn con đường nào khác!
Việt Nam, tháng 11/2012.
|
|
Section categories
Search
Entries archive
Our poll
Site friends
|