Ngô Nhân Dụng
Hôm trước, mục này đã kể chuyện một phái đoàn Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo do
một thứ trưởng cầm đầu đến Hội An ra lệnh cách chức ông hiệu trưởng Ðại
Học Phan Châu Trinh, nhưng bị đuổi về. Nhân đó, một vấn đề vượt lên
trên cuộc tranh chấp giữa hai phe, bộ Giáo Dục và Ðại Học được nêu lên.
Ðó là tình trạng một quốc gia không có kỷ cương, không có thể thống: "Trong
một nước có hai cơ cấu quyền lực song hành, Ðảng và Nhà Nước trồng tréo
lẫn nhau, nhiều lúc không biết đâu là quyền hạn, đâu là trách nhiệm của
ai nữa. Nói là Loạn cũng không ngoa!”
Nhắc đến chữ Loạn, chúng ta nghĩ đến câu "Thượng bất chính, hạ tắc
loạn.” Trên không Chính (ngay ngắn) thì dưới tất sinh Loạn (hay là nổi
loạn). Khi nào từ trên xuống dưới đều cư xử theo những quy tắc chung
được công nhận là Chính, thì quốc gia có Kỷ Cương. Trong câu chuyện
này, ở trên là bộ Giáo Dục và Ðào Tạo mà bà Thứ Trưởng Nguyễn Thị Nghĩa
đại diện ra lệnh; bên dưới thì ông bí thư thành ủy Hội An và ban giám
đốc Ðại Học Phan Châu Trinh phản đối lệnh đó.
Trong vụ Ðại Học Phan Châu Trinh, các công chức trong Bộ Giáo Dục hẳn
nghĩ rằng họ đang làm đúng. Bộ đã cử người đến "thanh tra” đại học này
từ trước, họ kết luận là: "Trường đã vi phạm quy chế tổ chức hoạt động
đại học tư thục và vi phạm quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng từ năm
2007.”
Ngược lại, nhà trường và những người lãnh đạo đảng ở thành phố Hội An
đã trình bày rằng tất cả các việc thanh tra và quyết định trên hoàn
toàn do một nhóm người viết sẵn "kịch bản,” những người này vừa là công
chức cao cấp trong bộ, vừa là cổ đông góp vốn, muốn thao túng đại học
để sinh lợi. Chính đại học đang tố cáo nhóm người này về tham nhũng.
Quyết định của họ là Bất Chính.
Ðọc bài tường thuật chi tiết trên mạng Bô Xít Việt Nam
chúng ta thấy mối mâu thuẫn giữa guồng máy Nhà nước và Ðảng, khi nghe
ông bí thư thành phố Hội An mắng bà Thứ Trưởng Nguyễn Thị Nghĩa. Có lúc
cuộc đối đáp trở thành chuyện cá nhân: "Làm thứ trưởng như chị đừng
tưởng ngon, tôi đây cũng thừa sức làm!” Chống lại quyết định cách chức
ông Hiệu Trưởng Phan Ngọc Thu, ông bí thư nói: "Ông Thu là bí thư
chi bộ nhà trường, là đảng viên do địa phương tôi quản lý, tại sao
không ai bàn bạc trước với tôi chuyện này? Ban cán sự đảng của Bộ Giáo
Dục là cái gì?”
Ông mắng tiếp: "Muốn can thiệp vào tổ chức trực thuộc của
tôi, vào đảng viên của tôi, thì phải vào đây mà làm việc. Chị là cái
gì, chị là thứ trưởng thôi chứ chị to hơn đảng à! Tôi sẽ báo cáo ra Ban
Bí Thư Trung Ương Ðảng chuyện này chứ tôi không để yên đâu, đừng có
quen thói cửa quyền đứng trên luật pháp!” Qua những câu
hỏi trên, người ta thấy mâu thuẫn về thẩm quyền giữa một bên là "Ban
cán sự đảng” ở một bộ trung ương; bên kia là cấp ủy địa phương. Ai sẽ
quyết định người nào có quyền hơn người nào trong vụ này? Khi nói đến
"luật pháp” thì ông bí thư nghĩ đến luật của quốc gia hay là luật trong
nội bộ đảng cộng sản?
Cuối cùng chắc sẽ có người đứng ra dàn xếp, phân phối đều quyền lợi cho
cả hai bên, vì cần phải "giữ đoàn kết như giữ con ngươi trong mắt
mình.” Trong khi chờ đợi được dàn xếp, thì cứ theo quy tắc giang sơn
nào anh hùng nấy, chờ xem bên nào "ngon” hơn!
Vấn đề chính trị trong mọi xã hội, từ thượng cổ tới giờ, cuối cùng chỉ
là một câu hỏi này: Ai được quyền ra lệnh cho ai? Ai sai bảo và ai vâng
lời? Nói kiểu so sánh là "Ai ngon hơn ai?” Khi nào đại đa số những
người trong xã hội đồng ý với nhau trước những câu hỏi như vậy, thì
quốc gia có kỷ cương. Khi tôi đang lái xe mà thấy ông cảnh sát đi phía
sau nháy đèn ra hiệu bảo táp vô lề đường, tôi không thắc mắc gì cả. Ở
trên đường công, chắc chắn ông ấy ngon hơn tôi. Nhưng ví thử tôi làm
quản lý một tiệm ăn mà ông ấy vô gọi ly cà phê, tôi có quyền bắt ông ấy
đợi, đi tiếp một cô khách khác có nụ cười tươi hơn. Ở trong tiệm, tôi
ngon hơn ông khách cảnh sát! | Chúng tôi giành quyền từ chối bất cứ khách hàng nào! | Nhiều
tiệm ăn ở Mỹ yết bảng rõ ràng: Chúng tôi giành quyền từ chối bất cứ
khách hàng nào! Ở nước Thụy Ðiển, ông vua lái xe vượt đèn đỏ (cụ già,
lẫn cẫn, chứ không phải ỷ mình làm vua!); bị cảnh sát biên phạt, vua
líu ríu vâng lời! Ở Mỹ, các đại biểu Hạ Viện đàn hặc kết tội ông tổng
thống, đáng bị cất chức; nhưng ông ta "thoát chết” không bị truất phế
vì Thượng Viện không đủ 2 phần 3 số phiếu theo Hiến Pháp quy định. Một
cuộc tranh cãi làm ly tán nhân tâm, suýt nữa làm một ông tổng thống mất
chức, sau khi ngã ngũ, mọi người thôi không ai nói nữa, trở về đời sống
hàng ngày của mình. Vì khi theo luật mà làm thì khỏi cần thắc mắc. Sống
trong một xã hội có kỷ cương, người ta cảm thấy an toàn vì biết làm cái
gì thì được coi là Chính, cái gì bị coi là Bất Chính! Không kỷ cương,
nhiều lúc không biết số phận mình sẽ ra sao.
Trước đây 2000 năm từ thời Mạnh Tử, ông đã nêu lên quy tắc là nếu ông
vua mà bất chính thì dân có quyền không nghe lệnh, có thể nổi dậy lật
đổ vua. Nhưng dùng tiêu chuẩn nào để phê phán một hành động của ông vua
hay một người cai trị là Chính hay Bất Chính? Muốn vin vào lời Mạnh Tử
để công nhận dân có quyền nổi loạn thì mọi người lại phải chia sẻ một
điều khác với nhau, đó là: Ðịnh nghĩa thế nào gọi là Chính!
Khi nào trong xã hội đại đa số đồng ý với nhau về định nghĩa này, với
các tiêu chuẩn đã thỏa thuận để phê phán người cầm quyền, thì quốc gia
có Kỷ Cương. Khi nào mỗi người hiểu theo ý kiến riêng của mình, mỗi thế
lực hiểu theo một nghĩa khác nhau tùy theo quyền lợi của họ, thì quốc
gia không có Kỷ Cương. Trước sau rồi sẽ Loạn.
Trong lịch sử nhân loại, thứ Kỷ Cương được thi hành sớm nhất trên bảo
dưới nghe. Nếu mọi người đều tuân theo mệnh lệnh của một ông trùm bộ
lạc, thì loạn nữa. Thomas Hobbes (1588-1679) quan tâm nhất vấn đề an
ninh, vì ông đã chứng kiến mấy lần nội chiến. Ông cho rằng xã hội loài
người muốn sống an ninh, ngăn ngừa loạn ly, bạo hành, thì phải đồng ý
với nhau có một "chính phủ mạnh.” Trong hợp đồng xã hội của ông, không
cần đến quy tắc phân quyền. Các ông vua chắc rất thích ý kiến này. Các
lãnh tụ độc tài sau này cũng vậy. Súng đẻ ra quyền hành, Mao Trạch Ðông
nói như vậy. Kỷ Cương trong chế độ độc tài là trên bảo dưới nghe, Lãnh
tụ thế nào cũng là một đấng anh minh. Tiêu biểu cho lập trường này là
lời khẳng định: "Bác cháu chúng ta có thể sai nhưng đồng chí Stalin nói
thì phải đúng, không thể sai được.” Không khác gì các tín đồ thuần
thành tin một đức giáo chủ.
Các lãnh tụ đời sau không thể nhân danh "mệnh Trời” như các ông vua đời
xưa thì họ bịa ra những thứ khác cũng trừu tượng không kém để nhân danh
nó mà nắm quyền, tức là ra lệnh cho người khác. Có lãnh tụ nhân danh "ý
chí của dân tộc” để sai bảo mọi người. Một thứ cũng có da có thịt nhưng
được trừu tượng hóa là Ðảng. Lãnh tụ anh minh chết rồi, hào quang
(charisma) không còn nữa, nhưng đảng thì vẫn còn. Chỉ cần đổi chủ từ:
Ðảng lúc nào cũng đúng, là có thể chuyển uy quyền từ một lãnh tụ anh
minh đã chết, sang một Ðảng. Max Weber (1854-1920) đã bàn nhiều về
những thứ này. Uy quyền của một cá nhân được biến thành một thứ uy
quyền kế thừa, theo tập tục. Ðứng đằng sau danh từ Ðảng này, có thể là
bất cứ anh chị nào có tài leo lên đầu người khác để ngồi chỗ chóp bu.
Làm cách nào leo lên được địa vị này, đó là chuyện nội bộ trong đảng.
Leo lên được rồi, có thể truyền ngôi cho đời con, đời cháu, như ở Bắc
Hàn, không khác gì thời quân chủ. Ðây là một thứ Kỷ Cương đã được duy
trì ở nhiều nước, có khi dài tới cả trăm năm, cho tới khi sụp đổ.
Cuối cùng sẽ phải sụp đổ vì khi loài người bắt đầu khôn ra thì người ta
không chấp nhận các thứ Kỷ Cương do một cá nhân hay một nhóm người áp
đặt nữa. Loài người muốn được tham dự vào quyết định ai là người ra
lệnh, ai phải vâng lời. Từ đó, mới có các thể chế tự do dân chủ. Ðó là
khi nền tảng của Kỷ Cương được thay đổi. Từ căn bản bạo lực, từ nay Kỷ
Cương được đặt trên Lý Lẽ.
Một trăm năm trước đây, Phan Châu Trinh là một nhà trí thức đầu tiên đã
lên diễn đàn giải thích sự khác biệt giữ thứ Kỷ Cương dựa vào tư cách
cá nhân ông vua cầm quyền, nó khác với thứ Kỷ Cương dựa trên ý muốn của
người dân, diễn tả trong luật lệ do dân bầu cử người làm ra, không tùy
thuộc cá nhân nào hết. Thật đáng tiếc khi thấy trong cuộc tranh cãi về
Ðại Học Phan Châu Trinh vừa rồi, người ta không quan tâm đến những quy
tắc cụ Phan đã nêu ra. Chúng ta thấy yếu tố cá nhân nổi bật, yếu tố
luật pháp không được nêu rõ. Ông bí thư thành phố luôn miệng nói đến
TÔI : Ðảng viên của tôi; tổ chức trực thuộc của tôi; bí thư đảng do địa
phương tôi quản lý; Hiệu trưởng là đảng viên của tôi, tôi cũng bảo vệ
đến cùng, vân vân. Câu hỏi là nếu những việc này xẩy ra không liên can
đến đảng viên của ông, thì ông có phản đối hay không? Ông hành động vì
phân biệt Chính và Bất Chính, vì luật pháp, vì Kỷ Cương, hay vì uy tín,
quyền lợi cá nhân, vì địa phương? Chúng ta không vội vã trả lời những
câu hỏi này, nhưng chỉ nghe qua các lời nói chúng ta thấy thói quen suy
nghĩ của một thế hệ những người cầm quyền ở nước ta. Những người thi
hành quyền lực, ở bất cứ địa vị nào, đều nhân danh quyền lợi chung. Một
người cảnh sát thổi còi phạt xe, hay một ông chủ tịch xã đưa ra một
thông cáo về việc đổ rác, đều nhân danh uy quyền của quốc gia. Họ được
quốc gia ủy quyền làm những việc đó. Khi mọi người đều nghĩ như vậy, họ
phải làm phận sự mà quốc gia trao cho, không còn cá nhân nữa. Như vậy,
quốc gia có Kỷ Cương. Nếu những người ở các ấp được ủy quyền mà lại
nghĩ đấy là uy quyền của cá nhân mình, thì quyền hành dựa trên cá nhân
chứ không phải luật lệ. Xã hội đó vẫn có thể có Kỷ Cương, khi các cá
nhân nắm quyền biết cách chia phần đều với nhau, ai cũng thỏa mãn.
Nhưng đó là cách cai trị kiểu mafia, không phải thứ Kỷ Cương của một xã
hội dân chủ. Liệu người Việt Nam có chấp nhận một thứ Kỷ Cương mafia
hay không?
Nhà văn Nguyên Ngọc khi lên án quyết định của Bộ Giáo Dục đã phê phán: "Quá
trình thanh tra, kết luận về trường mang đầy tính áp đặt, thiếu minh
bạch, thiếu công khai dân chủ, thậm chí thiếu cả sự đối thoại.”
Ông đã vượt lên trên phạm vi cá nhân và địa phương. Ông đã nói tới
những "giá trị” tốt và xấu thí dụ như "áp đặt” (xấu), "minh bạch”
(tốt), "công khai dân chủ, đối thoại” (tốt). Khi ông Nguyên Ngọc nêu ra
các giá trị trên, để bác bỏ quyết định của Bộ Giáo Dục, chắc ông giả
thiết rằng đó cũng là những giá trị được quý vị công chức đảng viên
trong Bộ Giáo Dục công nhận. Giả thiết này không biết có đúng không.
Nhưng khi được ông chủ tịch hội đồng quản trị một đại học nêu lên, thì
chúng ta yên tâm rằng cả đại học này cũng coi đó là những giá trị đáng
quý, đáng xiển dương. Trước đây, trong ngôn ngữ các đảng viên cộng sản
không hay sử dụng các từ như "minh bạch,” "công khai.”
Những giá trị này quan trọng, cần được xã hội đồng ý, thỏa thuận với
nhau. Vì ngay cả khi xã hội sống trong quy tắc dân chủ tự do thì, ai
cũng biết, luật pháp không thể quy định tất cả các trường hợp có thể
xẩy ra, mỗi trường hợp cho biết phải hành xử như thế nào. Xã hội nào
cũng cần có sự thỏa thuận giữa các công dân về các giá trị đạo lý phải
kính trọng, phải bảo vệ. Những giá trị đó cũng là nền tảng cho Kỷ Cương
của một xã hội.
Ông Trần Văn Chính, một giám đốc trong Bộ Giáo Dục đang bị Ðại Học Phan
Châu Trinh tố cáo là trước đây ông ủng hộ việc tổ chức thi tuyển sinh
viên, sau này vì không thao túng được đại học cho nên ông tố cáo việc
thi tuyển là sai. Ðại học kể trước đây "ông Chính và bà Trần Thị Thịnh
bay từ Hà Nội vào Hội An trực tiếp tham gia tổ chức kỳ thi và ông Chính
cũng tự làm bản kê khai để nhận các khoản tiền chi phí cho việc xin cấp
chỉ tiêu, chi phí đề nghị xin thi tuyển (những chứng từ này nhà trường
vẫn còn lưu giữ...). Ngoài ra, ông Chính còn kể và nhận nhiều khoản chi
phí ‘ngoại giao’ khác ở Bộ Giáo Dục Ðào Tạo, kể cả chi phí cho việc...
bổ nhiệm hiệu trưởng.”
Ðọc những lời kể tội này, chúng ta có thể ngạc nhiên không hiểu những
chữ "chi phí” trên đây nghĩa là gì? Một đại học xin cấp chỉ tiêu phải
chi. Xin tổ chức thi tuyển cũng phải chi. Muốn bổ nhiệm hiệu trưởng
cũng phải chi nữa. Những khoản chi phí "ngoại giao” khác ở Bộ Giáo Dục
Ðào Tạo nghĩa là gì? Tại sao những người cùng làm việc giáo dục lại
phải ngoại giao với Bộ Giao Dục? Như vậy là có giáo dục hay không có
giáo dục? Nhà Nho của chúng ta đã mỉa mai hỏi: "Có tiền việc ấy mà xong nhỉ?” Cụ may mắn không phải sống trong năm 2010!
Mấy lời tố giác về ông Trần Văn Chính cũng lộ mặt thật của cả guồng máy
công quyền. Nó dựa trên "chi phí,” nó chạy hay không là do "chi phí!”
Bên cạnh guồng máy công an vĩ đại, guồng máy truyền thong dối trá và
các món chi phí là thứ dầu mỡ bảo vệ Kỷ Cương của chế độ cộng sản. Xã
hội Việt Nam hiện nay đang sống với một hệ thống giá trị khác hẳn những
giá trị mà tổ tiên chúng ta đã sống trong hàng ngàn năm.
Nhưng ngay câu chuyện Ðại Học Phan Châu Trinh vừa rồi cũng cho chúng ta
thấy rằng cả xã hội Việt Nam đang chuyển mình, đòi hỏi một thứ Kỷ Cương
mới. Người Việt Nam không chấp nhận thứ Kỷ Cương dựa trên còng số 8 và
chi phí! Ngay hiện tượng một nhà văn như Trần Mạnh Hảo dám công khai
việt bài đòi Sự Thật cũng cho thấy người dân Việt Nam đang muốn thấy
một thứ Kỷ Cương mới, trong đó Sự Thật là một giá trị.
http://www.nguoi-viet.com/
|