Tác giả: Phan Thanh Hải
Người
xưa nói "nuôi tinh dưỡng khí tồn thần”, ý rằng thần khí là thứ cần phải
nuôi dưỡng để sức mạnh tinh thần được phát huy trong thân thể vật chất
của con người. Thần khí cũng là cái khiến cho các chức năng sinh học
của con người được liên kết phối hợp thông suốt với nhau. Chính nó điều
khiển và tạo ra tính tâm linh của con người.
Đối với một một quốc gia cũng vậy,
ngoài những yếu tố bề nổi về không gian, địa lý, dân cư và sản vật thì
những giá trị văn hóa, lịch sử và dân trí, dân khí là yếu tố cốt lõi
bên trong, có thể gọi đó là hồn dân tộc. Hồn dân tộc là thứ riêng biệt
ẩn sâu, nó tồn tại độc lập với các vương triều thể chế và thường trỗi
dậy mạnh mẽ nhất khi tổ quốc lâm nguy.
Phần vật chất của pháp luật chính là
tổng thể các chế định pháp luật từ hiến pháp đến các ngành luật riêng,
là các thiết chế quyền lực kèm theo, các cơ quan nhà nước, quốc hội,
tòa án, đội ngũ công chức, công an, súng ống, nhà tù… để đảm bảo tính
hiệu lực của nó. Tuy nhiên phần vật chất ấy chỉ được sinh ra nhằm phụng
sự cho pháp luật, ngay cả hành động lập pháp cũng phải nằm dưới sự chi
phối của pháp luật.
Những điều luật khô khan chỉ được phép
hiểu theo nghĩa đen, vị thần công lý bị bịt mắt như kẻ vô cảm… khiến
người ta nhầm hiểu rằng pháp luật vô hồn. Thực ra không hẳn thế, đó là
thuộc tính vô tư và bình đẳng khiến cho pháp luật đủ tầm vóc bao trùm
lên trên và chi phối mọi thực thể trong xã hội.
Nếu chỉ có phần vật chất thì pháp luật
chưa thể "linh ứng” và vận hành trôi chảy. Phần hồn của pháp luật khiến
cho các phần vật chất của nó phối hợp với nhau một cách tự nhiên, sinh
động và thông suốt.
Pháp luật có hồn bởi sự tín nhiệm và
ngưỡng vọng của dân chúng đối với nó. Người ta có thể phó thác sinh
mạng, sức khỏe, danh dự, tài sản của mình vào công lý và lẽ phải, vào
sự vô tư và bình đẳng của pháp luật.
Nếu bị một tòa án vô tư phán xử về mình
thì dẫu có tội ngàn lần đáng chết người ta cũng hài lòng ngậm cười nơi
chín suối. Ngược lại, nếu bị một tòa án thiếu vô tư, hoen ố và nhem
nhuốc buộc tội thì linh hồn oan khuất ấy ắt còn lẩn khuất trên dương
thế để trả thù và chắc chắn sẽ mưu toan tái phạm khi đầu thai…
Hồn pháp luật không chỉ đơn thuần là ý
thức pháp luật trong mỗi công dân, nó là sự mặc nhiên thừa nhận, tin
tưởng và thượng tôn vào lẽ phải và công lý, vào sự đúng đắn, công bằng,
bình đẳng mà pháp luật đang đại diện. Được sống trong một xã hội có
pháp luật là được hưởng thụ một sự an toàn và bình yên. Trong xã hội mà
pháp luật được thượng tôn thì các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền
đương nhiên được pháp luật bảo đảm.
Thành quả của cách mạng, giá trị cơ bản
của đạo đức, tư tưởng tiến bộ nhất của một dân tộc, nguyên khí của
những bậc hiền tài và sự chắt lọc tinh hoa văn hóa nhân loại đều được
kết tinh nơi pháp luật. Chính nhờ có nền pháp luật ổn định mà dân chúng
được yên vui, văn chương nghệ thuật được bày tỏ, kinh tế được phát
triển, môi trường sống, lãnh thổ được bảo vệ và quốc gia trở nên hùng
cường.
Khi dân chúng tôn thờ pháp luật và tự
nguyện tuân theo thì công việc của công quyền không còn nặng tính cai
trị cưỡng ép, các thủ tục hành chính không còn ai kêu ca. Khi họ thừa
nhận pháp luật công bằng thì đất đai giải tỏa cũng không mấy ai khiếu
kiện chống đối. Chỉ còn lại những người hiểu việc, hiểu trách nhiệm của
mình mà làm, quan là kẻ làm thuê cho dân nên quyền uy và khoảng cách
giữa quan và dân không phải là điều đáng e sợ…
Tuy nhiên, nếu thiếu phần hồn cao đẹp,
thì pháp luật chỉ còn trơ ra thân xác phì nộn của một tên bạo chúa đầy
sức mạnh nhưng chỉ phụng sự cho sự tham lam, độc ác và cảm tính của
chính hắn mà thôi.
Có thể nói phần hồn hay khía cạnh tinh
thần chính là sức mạnh cốt yếu nhất của pháp luật chứ không phải phần
vật chất với hàng vạn điều cấm đoán mà dân chúng không tự nguyện thi
hành.
"Phần hồn” của pháp luật Việt Nam bị đe dọa nghiêm trọng
Bởi được gán cho các đặc tính thượng
tôn và cao quý nên hồn pháp luật rất nhạy cảm với sự vấy bẩn, chê bai,
phỉ báng và nhất là khi nó bị một thứ quyền lực khác đè lên trên đầu.
Các xác kềnh càng của pháp luật với đủ thứ trang bị vũ lực, phạt vạ,
nhà tù càng trở nên nguy hiểm khi phần hồn của nó bị ma quỷ nhập vào.
- Hệ thống tư pháp bị phát hiện là thiếu tính độc lập, bị quyền lực chỉ đạo trước khi điều tra, xét xử… khiến cho hồn pháp luật hoảng sợ phải đi trú ẩn.
- Pháp luật bị quan chức lạm dụng thành
đại lượng đổi chác và tham nhũng. Súng ống để phụng sự cho pháp luật
lại trở thành công cụ dọa nạt và đem bắn vào dân chúng chưa rõ tội tình
gì. Mới đây ở Hà Nội chỉ trong một tuần mà có đến hai cái chết ở trong
đồn công an đều do bị đánh. Tìm kiếm trên Google cụm từ "công an đánh
dân” sẽ ra hàng trăm ngàn kết quả với những tin tức, hình ảnh ghê hồn.
Sự lạm quyền khiến cho hồn pháp luật bị tha hóa.
- Ở Việt Nam không những có "dân oan”,
mà còn có những "nhà báo oan”, "nhà thơ oan”, "nhà văn oan”, "luật sư
oan”, "doanh nghiệp oan” và "blogger oan”… ở khắp nơi. Dân oan mất đất
mất nhà, nhà báo bị vào tù oan vì đưa tin chống tham nhũng, văn nghệ sĩ
bị tước đoạt giải thưởng, bị vào sổ đen không cho đăng bài viết, bị
buộc phải dẹp bỏ trang web cá nhân, luật sư bị tước thẻ hành nghề,
doanh nghiệp bị phá sản, blogger bị bắt bớ, tù tội… Sự oan ức hằn sâu
vào tư duy con người chính vì pháp luật không được thực thi đúng đắn.
Sự oan ức khiến cho hồn pháp luật bị teo tóp lại.
- Bao nhiêu đơn thư khiếu nại, tố cáo
chỉ là thứ nước đổ đầu vịt, bặt vô âm tín không được trả lời, thậm chí
chỉ có đi nộp đơn và xin cái chữ ký đã nhận đơn mà đã bị gây khó khăn.
Có người may mắn được trả lời thì lại vướng vào tình trạng trên bảo
dưới không nghe, bị kẻ thi hành phớt lờ như không. Nhiều ngàn lá đơn
khiếu nại chưa được giải quyết, có người làm hàng trăm tờ đơn khiếu nại
lên nhiều cấp, kiên trì từ đời cha ông đến đời con cháu mà chưa biết
công lý rốt cục có hình dáng như thế nào…
Sự im lặng và vô cảm của những người có thẩm quyền khiến cho hồn pháp luật trở nên thờ thẫn.
- Những dự án bô-xít gây nguy hại cho
môi trường, cho an ninh quốc gia được thông qua bất chấp sự phản đối
của hàng ngàn trí thức. Rừng đầu nguồn và phòng hộ biên giới được dễ
dãi giao cho người Trung Quốc với giá rẻ mạt. Lãnh hải bị đe doạ, cuộc
mưu sinh và sinh mạng của ngư dân trên biển không đảm bảo, những danh
từ méo mó như "tàu lạ”… khiến cho hồn pháp luật bị nghi ngờ.
- Quần chúng tự phát dùng bạo lực, lưu manh côn đồ đánh đập sư sãi, dân thường ngay trước mặt công an… khiến cho hồn pháp luật dường như bị ma ám.
Khi hồn pháp luật bị thất thế thì con
người vứt bỏ đi danh diện, sự hỗn loạn và luật của kẻ mạnh trở nên
thắng thế. Người ta làm mọi thứ để có quyền thế hơn người và vơ vét tài
sản vật chất về cho mình bằng mọi giá. Quan và dân làm hư hỏng lẫn nhau
chỉ vì lợi riêng.
Người ta bỏ tiền mua từ cái chỗ học tốt
cho con, đến sự tận tâm của ông bác sĩ. Mua điểm chác, mua luận án, mua
văn bằng, mua cái "chỗ ngồi” và đặc biệt phổ biến là "mua quan hệ”.
Khoe rằng mình quen thân với quan chức cấp cao thì có vẻ "vinh dự” và
"oai phong” hơn cả chuyện khoe nhà mình giàu có như thế nào. Thậm chí
một tấm hình chụp chung với lãnh đạo cấp nhà nước để treo lên tại văn
phòng chính của một ban quản lý dự án khu dân cư cao cấp, khu công
nghiệp… cũng bị người ta đồn là có thể mua được nếu trả giá đúng… Câu
nói cửa miệng thế gian là "nhất thân nhì thế”. Đã có ô có dù thì "xin
xỏ” cái gì cũng dễ…
Tất cả những hành động và lối suy nghĩ
ấy đã đầu độc và hủy hoại hồn pháp luật nhanh chóng khiến nó lâm vào
tình trạng hấp hối. Bảo rằng nó bị ung thư di căn cũng không phải là
quá lời vì tính lây lan và khó chữa của nó.
Cách duy nhất để chữa trị là phải "thổi hồn” vào để cho pháp luật có thể "sống lại” và trở nên khỏe mạnh.
Kẻ say mà biết được mình say chỉ cần
ngưng uống rượu thì sẽ tỉnh. Người có bệnh mà biết được nguyên nhân căn
bệnh của mình thì ắt có cách chữa khỏi.
Sài Gòn, 04/04/2010
© 2010 Phan Thanh Hải
© 2010 talawas
|