Trong một tuyên bố gần đây, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nói: "Ở Việt nam không có tù chính trị, chỉ có những người vi phạm pháp luật”.
Nội dung câu này được hiểu rằng không có bất kỳ một sự phân biệt đối xử
nào trong những người đã bị khởi tố, điều tra, xét xử và thụ án. Đó
cũng chính là một phần trong nội dung của nguyên tắc bình đẳng trước
pháp luật. Bản thân bộ luật hình sự Việt nam hiện hành không phân loại
tội phạm dựa vào các chương của bộ luật mà chỉ phân lọai tội phạm dựa
trên khung hình phạt mà tội danh đó quy định, tức là dựa trên mức hình
phạt từng khung của từng tội danh để phân biệt: tội ít nghiêm trọng,
tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặt biệt nghiêm trọng.
Việc phân loại tội phạm dựa trên mức độ nguy hiểm tương ứng với khung
hình phạt mà điều luật quy định có những ý nghĩa pháp lý nhất định như:
xác định thẩm quyền xét xử, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, và tăng
nặng hình phạt, áp dụng thủ tục xét xử rút gọn v.v... Sự phân lọai này
không có nghĩa phân biệt đối xử giữa người phạm tội ít nghiêm trọng hay
nghiêm trọng, mà tất cả những người dù phạm ở bất cứ điều luật nào của
Bộ luật hình sự đều được bình đẳng như nhau trong suốt quá trình tiến
hành tố tụng..
Quan sát một số vụ án gần đây mà chính quyền gọi là " phạm tội an
ninh quốc gia” như vụ giáo sư Phạm Minh Hoàng, mục sư Dương Kim Khải,
luật sư Lê Công Định v.v... xa hơn là vụ Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Xuân
Nghĩa v.v... chúng ta thấy trong suốt quá trình điều tra các vụ án này
thì luật sư cũng như thân nhân gia đình hầu như đều không được tiếp xúc
gặp mặt bị can. Quy định này hết sức bất lợi đối với bị can trong các
vụ án "An ninh quốc gia” và tạo ra sự phân biệt đối xử giữa "bị can
thường” và "bị can an ninh quốc gia”. Nó hoàn toàn trái với nguyên tắc
bình đẳng đã được Hiến pháp và Bộ luật tố tụng hình sự ghi nhận. Quy
định này xuất phát từ điều luật sau đây:
Điều 58 khoản 1,Bộ luật tố tụng hình sự quy định: "Người bào
chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can... Trong trường hợp cần giữ
bí mật điều tra đối với tôi an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm
sát quyết định để người bào chữa tham gia từ khi kết thúc điều tra.”
Quy định này chứa đựng các bất cập sau đây:
- Không phù hợp với tinh thần và nội dung nguyên tắc: mọi người đều bình đẳng trước pháp luật bất kể họ phạm vào tội danh nào.
- Chỉ có cơ quan điều tra mới có thể nhận định "có cần giữ bí mật hay
không”. Điều này cản trở luật sư trong quá trình tìm chứng cứ phản bác
lại các chứng cứ buộc tội. Mặc khác điều này còn có thể dẫn tới thái độ
thiếu khách quan của cơ quan điều tra.
- Quy định này trái với quy định tại các điều 49 và khoản 2 điều 58
Bộ luật tố tụng hình sự đó là: bị can có thể nhờ luật sư bào chữa cho
mình và luật sư có quyền có mặt khi hỏi cung bị can, có quyền được gặp
người bị tạm giam, tạm giữ.
Tìm hiểu bộ luật tố tụng hình sự và các quy định về chế độ tạm giam
tạm giữ hiện hành cũng không thấy bất cứ điều luật nào hạn chế người
thân gặp mặt bị can trong giai đoạn điều tra. Tuy nhiên, lấy lý do bảo
đảm bí mật điều tra, cơ quan an ninh điều tra thường từ chối không cho
tiếp xúc với thân nhân. Cá biệt, lấy nhu cầu muốn gặp người thân, cơ
quan điều tra buộc bị can phải nhận tội hoặc khai nhận những điều bất
lợi cho mình. Đây là một trong những biểu hiện của hình thức bức cung
cần phải loại bỏ hẳn trong đời sống tố tụng hình sự.
Đành rằng phát hiện và xử lý tội phạm là công việc của bất kỳ nhà
nước nào để bảo vệ lợi ích của xã hội, của các cá nhân trong xã hội đó
nhưng con người sinh ra ai cũng có quyền sống trong môi trương an toàn
trong đó có sự an toàn về pháp lý, ai cũng mong mình được bình đẳng với
người khác trước pháp luật. Vừa bảo đảm phát hiện xử lý tôi phạm, vừa
bảo đảm không xâm phạm quyền con người là một mâu thuẫn mà giải quyết
mâu thuẫn đó theo khuynh hướng ưu tiên tôn trọng quyền con người là
biểu hiện của một mô hình tố tụng hiện đại, văn minh và tiên tiến.
Một người bị tình nghi và đưa vào vòng lao lý thì xem như đứng trước
một cuộc tranh đấu không cân sức giữa bản thân với hệ thống quyền lực
nhà nước. Mối quan hệ tương quan thiếu cân bằng về thế và lực đó được
thể hiện rõ nét giữa một bên là hệ thống nhà tù, hệ thống Tòa án, hệ
thống điều tra với đầy đủ trang thiết bị kể cả vũ khí với một bên tay
bị gông cùm và bị tước đoạt sự tự do. Đó là lý do loài người đã phát
hiện ra nguyên lý suy đoán vô tội để bảo đảm rằng các quyền con người
được tôn trọng trong suốt quá trình giam giữ, điều tra và xét xử.
Vào những năm 2002, 2003 đã nổ ra nhiều cuộc tranh luận xung quanh
chủ đề: "Có nên cho luật sư tham gia từ gia đoạn điều tra hay không”.
Cuộc tranh luận này cũng được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội trong
việc thông qua Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Trước những đòi hỏi
của thực tiễn khách quan cũng như lý luận, Nhà nước buộc phải thừa
nhận: luật sư có quyền tham gia từ gia đoạn điều tra. Tuy nhiên, sự
thừa nhận đó chỉ là nửa vời, nhà nước vẫn muốn dành riêng cho mình
những ưu tiên thuận lợi trong việc xử lý các tội phạm thuộc chương an
ninh quốc gia.
Việc phân biệt tội "an ninh quốc gia” với các tội khác và lấy lý do
bảo bí mật điều tra để hạn chế các quyền của bị can cho thấy nhà nước
Việt Nam vẫn cố tình ngụy biện để dành sự ưu tiên thuận lợi về mình,
đặc vấn đề an ninh quốc gia và sự tồn vong của thể chế chính trị lên
trên hết, bất chấp sự ưu tiên đó là trái với nguyên tắc bình đẳng, là
xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người mà cả thế giới đã công nhận.