Trù dập tinh thần ái quốc của cư dân mạng
(Hà Nội, ngày 10/09/2009) – Ở một nước mà tinh thần ái quốc mạnh như ở Việt Nam, thì
bạn có quyền nghĩ rằng nhà nước chắc hẳn phải rất hài lòng khi thấy công dân
mình thực hiện những cái áo thun có in những khẩu hiệu yêu nước. Tuy nhiên,
những cái áo này đưa ra những thông điệp chống Trung Quốc, một đối tác làm ăn
lớn của Việt Nam. Hơn nữa, những người thực hiện công việc này đều là những blogger
nổi tiếng và nhiệt huyết.
Hai bloggers nối tiếng và một nhà báo đã bị
bắt sau khi công an phát hiện họ dự tính in những chiếc áo thun có khẩu hiệu
chống Trung Quốc khai thác Bauxite ở Tây Nguyên và bác bỏ việc Trung Quốc tuyên
bố chủ quyền trên biển Đông.
Bộ ba này, là những người
thường viết bài
nói đến quan hệ Trung-Việt trên internet, đã bị bắt vì tội “Lợi dụng
quyền tự
do dân chủ” xâm phạm lợi ích nhà nước. Hồi giữa tuần, Bùi Thanh Hiếu
một blogger có biệt hiệu “Người Buôn Gió”, và Phạm Đoan Trang một nhà
báo của
TuanVietnam (của VietNamNet) đã được trả tự do sau khi bị tạm giam
nhiều ngày.
Riêng cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức là blogger “Mẹ Nấm” vẫn còn bị giam giữ.
Những cuộc bắt bớ vẫn tiếp diễn trong một
chiến dịch truy quét blogger và nhà báo. Trước thềm đại hội Đảng năm 2011, là
dịp đấu đá giành lấy 3 vị trí cao nhất trong Đảng, nhà nước càng có quyết tâm
truy bắt những ai dám lên tiếng.
Tháng 12 năm ngoái, nhà nước lại đưa ra
những đạo luật khắt khe hơn để quản lý các blogger, không cho phép họ được sử dụng
tên giả hoặc nặc danh để viết bài, hoặc viết về chính trị. Quả là khó lòng thực
thi điều này. Khó mà thực hiện được điều này.
Theo thống kê của nhà nước thì một phần tư
dân số, tức là khoảng hơn 21 triệu người hiện đang sử dụng internet. Người ta
cũng ước lượng có khoảng từ 1 triệu cho đến 4 triệu người có blog. Đa phần số
này là những blog nhật ký cá nhân, chứ không phải là blog chính trị, nhưng sự
phát triển nhanh chóng của nó và khó khăn trong việc chỉnh đốn đã làm cho nhà
nước điên đầu với công tác quản lý toàn diện ngành truyền thông báo chí.
Những blogger bị bắt là những người từng
viết bài tố cáo tham nhũng hoặc chỉ trích chế độ Liên Xô cũ trước đây. Nhưng dường
như nhà nước đặc biệt lo ngại về những chỉ trích nhắm vào Trung Quốc.
Nhiều người Việt vẫn còn thù hằn với anh
hàng xóm phương Bắc, sau 1000 năm đô hộ và cuộc chiến biên giới đẫm máu năm
1979. Nhưng Việt Nam hiện đang bị thâm thủng nặng trong cán cân thương mãi với Trung
Quốc cho nên rất cần sự đầu tư của Trung Quốc. Đó là lý do tại sao nhà nước Việt
Nam muốn thực hiện dự án khai thác bauxite, bỏ qua sự chống đối chỉ
trích của nhiều nhà khoa bảng, tướng lãnh, và kể cả blogger. Tất cả đều đặt
nghi vấn với hồ sơ bảo vệ môi sinh của các công ty Trung Quốc và bày tỏ lo ngại
cho nền an ninh quốc gia.
Những tổ chức tự do báo chí quốc tế thường
xếp hạng Việt Nam bên cạnh Trung Quốc và Miến Điện trong số những nước không an toàn
cho blogger, mới đây đã lên án những cuộc bắt bớ này. Những nhà ngoại giao lo
ngại rằng việc trấn áp sẽ gây nguy hại đến cuộc chiến chống tham nhũng. Những
luật lệ mới này sẽ làm cho blogger nghi ngại và các nhà báo sẽ lo sợ không dám
tường thuật bất cứ điều gì cho dù ít hiểm nguy - Luật pháp không rõ ràng đối
với những gì họ được phép và không được phép tường thuật.
Nhưng không phải bất cứ ai cũng sợ. Một blogger trẻ tuổi ở Hà Nội, người cũng từng chỉ trích Trung Quốc nhiều lần cho
rằng “Họ chỉ bắt những Con Cá lớn thôi”.
Ngoài ra anh bạn trẻ này còn nói nhà nước
làm như vậy là tự hại mình thôi, bởi vì khi các blogger bị bắt thì con số đọc
giả lại tăng vọt.
Lê Minh phỏng dịch từ Vietnam's nationalist bloggers Getting it off your chest - The
Economist
|