Phạm Trần
Bà Nguyễn Thị Bình và Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp của Giáo phận Vinh yêu cầu ngưng ngay dự án Bauxite
Quốc
hội Nhà nước Cộng sản Việt Nam bắt đầu phiên họp thứ 8 dài 32 ngày, kể
từ 20/10 (2008), nhưng xem ra họ tòan được Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng
cho nghe những chuyện tào lao với những chữ vô nghĩa như : "Tiếp
tục đổi mới. hoàn thiện cơ chế chính sách, tiếp tục phát triển, triển
khai đồng bộ, bảo đảm tốt, đẩy mạnh cải cách, tập trung hoàn thiện,
tiếp tục cải thiện, rà soát để hoàn thiện, quyết liệt các giải pháp,
đẩy mạnh ứng dụng, nâng cao hiệu lực, tiếp tục đầu tư, thực hiện đồng
bộ, tập trung thực hiện, thực hiện nghiêm túc, thực hiện tốt, thực hiện
có hiệu quả, đánh giá đúng, khẩn trương xây dựng, tăng cường giám sát,
phối hợp hành động, nỗ lực phấn đấu tạo sự chuyển biến đồng bộ và mạnh
mẽ hơn nữa....”
Những cụm từ khô như cơm nguội này đã
từng được Dũng và Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng thường trực thay
phiên nhau nói đi,lập lại cả ngàn lần trước các Đại biểu của dân từ 5
năm qua, nhưng trong thực tế không có nghĩa gì vì càng đổi mới, càng
đẩy mạnh hay càng khẩn trương bao nhiêu thì mọi việc nước, việc đảng
càng ì ra, dậm chân tại chỗ bấy nhiêu.
Vì vậy, trong kỳ họp của
Quốc hội lần này có lập lại thêm lần nữa cũng chả được ai quan tâm vì
ai cũng "nghe rồi, khổ lắm nói mãi”.
Nội dung diễn văn của
Dũng hôm khai mạc đã tập trung vào báo cáo tình hình "thực hiện kế
hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010; kế
hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011; dự toán ngân sách nhà nước,
phương án phân bổ ngân sách trung ương, bổ sung ngân sách địa phương
năm 2011.”
So với các kỳ họp trước thì lần này có duy nhất một
điểm mới, đó là việc Chính phủ gửi cho mỗi Đại biểu Quốc hội một Báo
cáo dài 18 trang để phân bua vể chuyện làm ăn thua lỗ nghiêm trọng và
nợ nần chống chất của Công ty đóng tầu Vinashin.
Theo tài liệu
của Nhà nước thì tổng tài sản của Vinashin có khoảng trên 90.000 tỷ
đồng, vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng, nhưng tổng số tiền nợ lên tới trên
80.000 tỷ đồng. Như vậy là coi như trắng tay, đốt sạch tiền mồ hôi nước
mắt của dân và hàng trăm triệu Mỹ kim vay nợ nước ngòai.
Nhà
nước nói Công ty này phá sản vì đầu tư dàn trải, vay nợ nhưng chưa sử
dụng mà vẫn phải trả tiền lời rồi dám cả gan báo cáo khống cả những
khoản tiền lời. Trong khi các thanh tra nhà nước thì hoặc là đã bị Ban
Giám đốc che mắt hay được lót tay bằng bao bì tiền hối lộ nên vẫn quay
mặt làm ngơ cho Vinashin tiếp tục làm sai trái trong nhiều năm.
Trong Báo cáo gửi Đại biều Quốc Hội, nhà nước nói rằng "Các
chức danh chủ chốt ở tập đoàn này đều tập trung vào một người. Trong
những năm gần đây, người này đã trở nên độc đoán, gia trưởng.”
Người
đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam
Phạm Thanh Bình. Bình và Tổng giám đốc điều hành Vinashin Trần Quang
Vũ và đã bị bắt giam để điều tra.
Báo chí trong nước còn tường thuật: "Về
nguyên nhân chủ quan, Chính phủ cho rằng, vì công tác dự báo còn nhiều
bất cập nên việc lập kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư
không chính xác. Các dự án đầu tư quá nhiều, dàn trải, có dự án đầu tư
bằng 100% vốn vay, nhiều dự án chưa đưa vào sử dụng nhưng vẫn phải trả
lãi. Phần lớn dự án chỉ được bố trí chưa đến 50% tổng vốn.”
Vẫn theo Báo cáo thì : "Khi
tập đoàn kiến nghị được mua tàu cũ vận chuyển hành khách Bắc - Nam, Thủ
tướng Chính phủ không đồng ý và chỉ cho chủ trương thực hiện đóng mới.
Việc tập đoàn mua tàu cũ (tàu Hoa Sen) là cố ý làm trái với sự chỉ đạo
của Thủ tướng Chính phủ và pháp luật về đầu tư...”.
"...Trong
khi đó, Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, các phó tổng giám
đốc yếu kém, không thực hiện được chức năng, nhiệm vụ được giao về lãnh
đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát, ngược lại còn đồng tình với những
việc làm sai trái của người đứng đầu tập đoàn.”
Báo cáo còn viết thêm rằng : "Dù
trong 3 năm có 11 cuộc thanh tra, kiểm toán, giám sát, nhưng lãnh đạo
tập đoàn đã không nghiêm túc chấp hành. Các bộ chức năng được giao
trách nhiệm đã không phát hiện được tập đoàn báo cáo không trung thực.
Nhiều năm liền Vinashin báo cáo không trung thực về sử dụng vốn, về đầu
tư và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2009 lỗ 1.600 tỷ
đồng nhưng lại báo cáo lãi 750 tỷ đồng, quý 1 năm 2010 thua lỗ vẫn báo
cáo lãi gần 100 tỷ đồng.”
Nếu ở một nước dân chủ thì, không
chỉ có Ban Giám đốc của Vinashin bị bắt giam và cả Thủ tướng Chính phủ
và Bộ trường Giao thông-Vận tải cũng phải xin lổi dân và tự ý xin từ
chức nhưng chuyện này đã không xẩy ra với Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng
Hồ Nghĩa Dũng.
Chuyện ngược đời không biết ngượng mặt này cũng
chỉ thấy viết trơ trẽn trong Báo cáo gừi các Đại biều Quốc hội, theo
như tường thuật của báo chí tronmg nước rằng : "Báo cáo của Chính
phủ đã đánh giá khá đầy đủ những hạn chế, yếu kém. Chính phủ khẳng định
đang chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để tái cơ cấu tập đoàn. Liên
quan đến những sai phạm vừa qua, Chính phủ cho biết, đã yêu cầu kiểm
điểm trách nhiệm và xử lý nghiêm minh những người vi phạm.”
Riêng
trong Diễn văn trước Quốc hội thì Dũng chỉ nói một đọan ngắn về sự cố
Vinashin như thế này : "Về Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam
(VINASHIN), theo chương trình của Kỳ họp, Chính phủ đã có báo cáo gửi
đến các vị đại biểu Quốc hội. Tình trạng nghiêm trọng hiện nay của
VINASHIN chủ yếu là do sự yếu kém trong quản lý, thiếu tinh thần trách
nhiệm, cố ý làm trái, báo cáo không trung thực của lãnh đạo Tập đoàn.
Thực trạng này có trách nhiệm của Chính phủ, của các Bộ liên quan trong
việc quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu. Chính phủ đã nghiêm
túc kiểm điểm, xác định nguyên nhân và đề ra kế hoạch cụ thể để xử lý,
chấn chỉnh các hoạt động của Tập đoàn. Bộ Chính trị đã nghe Chính phủ
báo cáo và đã có kết luận chỉ đạo. Chính phủ đang triển khai thực hiện
và đến nay đã có một số kết quả bước đầu. Chính phủ cũng đang chỉ đạo
rà soát, hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả
hoạt động của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước."
Đây
là thứ lập luận trốn trách nhiệm và để đánh bùn sang ao vì Nhà nước đã
"tái cơ cấu Vianshin” để san sẻ nợ của Vinashin cho Tập đoàn Dầu khí
(PVN), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và các công ty khác
của Nhà nước để trả nợ thay.
Theo lời Ông Phạm Viết Muôn, Phó trưởng ban đổi mới và sắp xếp doanh nghiệp Trung ương thì "Sau
tái cơ cấu các khoản nợ liên quan vẫn phải chuyển về các đơn vị tiếp
nhận. Số nợ chuyển sang PVN và Vinalines khoảng 20.000 tỷ đồng.”
Trước
những lấn cấn cố tình nuôi nợ để ăn theo của Nhà nước khi không chịu
giải tán Vinashin, Tác gỉa Nguyên Hà đặt nghi trên báo Điện tử
ViệtNamNet ngày 20 tháng 10 (2010) vấn về quyết định tiếp tục duy trì
các công ty của nhà nước dù biết đã làm ăn thua lỗ trong nhiều năm.
Nguyên Hà viết: "Ví
dụ về tập đoàn Vinashin thua lỗ, nợ lên tới gần 100 ngàn tỷ đồng, có
nguy cơ phá sản và tình trạng kinh doanh kém hiệu quả của nhiều tổng
công ty, doanh nghiệp nhà nước khác đã báo hiệu những hậu quả tệ hại
khôn lường nếu khu vực kinh tế này tiếp tục được coi trọng, độc quyền,
được ưu đãi, sử dụng phần lớn nguồn lực quốc gia: vốn, đất đai, khoáng
sản…”
"Không chỉ có vậy, còn rất nhiều vấn đề lớn,
dài hạn quyết định sự phát triển lâu dài của đất nước, mà đông đảo cử
tri băn khoăn lo lắng về khả năng điều hành, xử lý của Chính phủ cần
được đặt lên bàn nghị sự Quốc hội. Đó là việc xây dựng một môi trường
kinh doanh bình đẳng, huy động sức dân đầu tư phát triển thế nào một
khi khu vực kinh tế nhà nước vẫn làm ăn kém hiệu quả lại tiếp tục được
giữ vai trò "chủ đạo” trong nền kinh tế?”
Cử tri cả nước
cũng thắc mắc việc làm của Nhà nước, theo Báo cáo trước Quốc hội của
Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đảm nói :
"Đối với vụ việc tiêu cực của Tập đoàn Vinashin, cử tri và nhân dân cho
rằng trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với Tập đoàn
này có nhiều bất cập, yếu kém; việc kiểm tra, kiểm soát của nhà nước
còn kém hiệu quả nên chưa phát hiện được đầy đủ và ngăn chặn kịp thời
những quyết định sai trái về đầu tư, sử dụng vốn không đúng mục đích...
dẫn đến hiệu quả vốn đầu tư của nhà nước đạt hiệu quả thấp, thậm chí bị
thất thoát rất nghiêm trọng. Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ làm
rõ những sai phạm của lãnh đạo Tập đoàn Vinashin và trách nhiệm quản lý
nhà nước của Chính phủ, các bộ có liên quan và xử lý nghiêm đối với tập
thể, cá nhân vi phạm; đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tiến hành
các hoạt động kiểm tra, đánh giá đúng thực trạng về tình hình tài chính
cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn kinh tế, tổng
công ty nhà nước khác.”
Nhưng liệu Quốc hội có cơ hội để
đặt vần đề với Đảng là dù các tập đòan kinh tế của Chính phủ tiếp
tục làm ăn thua lỗ hết năm này qua năm khác mà Nhà nước vẫn muốn giữ
vai "chủ đạo” không ?
Chuyện này khó xẩy ra vì Chương trình
nghị sự do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và được Nguyễn Phú
Trọng, Chủ tịch Quốc hội công bố thì trong kỳ họp này thì các Đại biểu
cũng chỉ được "ghé mắt” vào việc : "xem xét về hoạt động của
Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin); về cho nước ngoài
thuê, liên doanh trồng rừng ở khu vực biên giới và một số báo cáo
chuyên đề khác” .
Nhưng từ việc "xem xét” đến đặt vấn đề
cần thay đổi hay bỏ vai trò chủ đạo nền kinh tế của các tập đòan
kinh tế của nhà nước còn xa vời vợi. Bởi vì Cương lĩnh 1991 (bổ sung
năm 2011) sẽ đem ra biểu quyềt tại Đại hội đảng XI vào tháng 1/2011 vẫn
kiên định : "Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo…. Nhà nước quản
lý nền kinh tế, định hướng, điều tiết, thúc đẩy sự phát triển kinh tế -
xã hội bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và
lực lượng vật chất.”
Như thế là nhà nước chưa muốn bỏ
quyền kiểm soát dạ dầy của dân nên đã tìm mọi cách bám lấy các Tập đòan
kinh tế như Vinashin để độc quyền thao túng thị trường, miễn sao có
lợi cho một số cấp lãnh đạo đảng và nhà nước.
Còn chuyện 10
Tỉnh đầu nguồn cho người Tầu Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan thuê
rừng dài hạn 50 năm để trồng cây công nghiệp thì cũng là chuyện đã rồi,
vì trước đây chính Quốc hội đã chấp thuận một Đạo luật cho phép các
Tỉnh quyền cho người nước ngòai thuê đất.
Nhưng vụ ngừời Tầu
vào làm chủ đất ở 10 tỉnh đầu nguồn đã gây hoang mang và bất bình trong
dân chúng vì vùng đất cho thuê là khu vực chiến lược Quốc phòng của
Việt Nam. Do đó, kỳ này mà Quốc hội có thảo luận thì cũng chỉ hạn chế
được từ nay về sau mà thôi chứ không thay đổi được tình hình.
Mặc dù, theo lời Hùynh Đảm thì các cử tri đã Quốc hội và Chính phủ phải :
"Xử lý trách nhiệm của các tập thể và cá nhân cho doanh nghiệp nước
ngoài thuê đất rừng dài hạn, trong đó có cả rừng phòng hộ, rừng đầu
nguồn, rừng tại các vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng.”
NGUY CƠ BÙN ĐỎ-BAUXITE
Ngòai
ra, cả Dũng và Trọng đều không nói gì đến yêu cầu của nhiều Đại biểu
Quốc hội đòi phải thảo luận nguy cơ vỡ hồ chứa bùn đỏ của hai dự án
khai thác Bauxite ở Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông), như đã
xẩy ra tại Hung Gia Lợi ngày 4/10(2010).
Sự cố Bùn đỏ ở Hung Gia
Lợi không chỉ hủy họai con người, sinh vật của Thị trấn Ajka mà còn
có nguy cơ gây thảm họa cho hàng triệu dân ở 12 nước Châu Âu có liện
hệ với dòng nước của sông Danube, lớn thứ hai ở Châu Âu. Sông này
chảy từ miền Nam Hung Gia Lợi qua Coatia, Serbia, Romania, Bulgaria,
Ukraine and Moldova trước khi đến Hắc Hải.
Tuy nhiên nguy cơ vỡ
hồ chứa chất độc bùn đỏ phế thải từ hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ do
Công ty Kỹ thuật Nhôm Quốc tế Trung Hoa (China Aluminum International
Engineering Corporation (CHALIECO)) xây dựng theo hợp đồng với Tập
đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), sẽ không được thảo luận tại
Quốc hội.
Người dân sẽ được nghe có một số nhỏ Đại biểu Quốc
hội lo âu lên tiếng nhưng chỉ khác một điều là các cuộc thảo luận này
sẽ không đi đến đâu vì vấn đề này "không có trong nghị trình” thảo luận
và biểu quyết của Quốc hội. Có chăng thì may ra ai có ý kiến thì cứ
nói hay viết gửi Chính phủ còn chuyện có làm hay không và bào giờ làm
là chuyện khác, bởi vì Nông Đức Mạnh, đã bí mật ký giấy đồng ý cho
Tầu vào khai thác Bauxite ngay sau khi lên làm Tổng Bí thư năm 2001 mà
không cho Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất nước biết.
Nhưng đe dọa vỡ hồ Bùn đỏ ở Tây Nguyên đã lan đến các cựu Lãnh đạo đảng và nhà nước ờ các cấp cao nhất.
Theo
tin của các Nhà trí thức điểu hành trang Báo điện tử Bauxite Việt Nam
thì Nguyên Phó Chủ tịch nước, Bà Nguyễn Thị Bình và Giám mục Địa Phận
Vinh, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa
Bình của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã để tên vào Kiến nghị yêu cầu
Nhà nước đình chỉ ngay lập tức dự án khai thác Bauxite để tránh hiểm
họa về sau.
Ngòai ra Bauxite Việt Nam cũng cho biết còn có một
số người nổi tiềng khác đã tham gia chiến dịch này như Giáo sư Viện sĩ
Nguyễn Văn Hiệu, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Chủ tịch tỉnh An
Giang Nguyễn Minh Nhị, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Giáo sư, giải
thưởng Fields Ngô Bảo Châu, Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, các Thiếu
tướng Nguyễn Hữu Anh, Trần Kinh Chi, Huỳnh Đắc Hương, Trần Minh Đức, Tô
Thuận, Bùi Văn Quỳ; các vị lão thành cách mạng: Lê Hữu Hà (64 tuổi
Đảng), Hồ Sĩ Bằng (63 năm tuổi Đảng), Lê Hữu Đức (65 tuổi Đảng), Lê Kim
Toàn (65 tuổi Đảng), Đại tá Trần Thế Dương (58 tuổi Đảng), Đại tá
Nguyễn Ngọc Tất (61 tuổi Đảng), Đại tá Lê Văn Trọng (65 tuổi Đảng), ông
Bùi Đức Lại, cựu Chuyên gia cao cấp Ban Tổ chức Trung ương đảng, Nguyên
Thứ trường Bộ Tài Nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ và hàng trăm Nhà
trí thức, chuyên viên trong và ngòai nước khác.
Nhưng phía đảng
và nhà nước thì vẫn "im lặng là vàng” vì chiến còng khóa miệng nhiều
vòng sản xuất từ Bắc Kinh nặng qúa và khó tháo qúa.
Chuyện
này cũng giống như chuyện Tầu phá rối tại Biển Đông, nghiêm trọng nhất
là các vụ tấn công, bắt tù và đâm thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam
quanh hai quần đảo Hòang Sa và Trường Sa từ mấy năm nay cần được Quốc
hội cởi bỏ tính "bù nhìn” của mình để đối thọai với Trung Quốc,
nhưng chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lại bảo Quốc hội không cần
phải bàn chuyện Biển Đông vì tình hình "không có gì mới” ?
Như
vậy là Quốc hội kỳ này chỉ tòan bàn những chuyện tào lao. Còn những
vấn đề bức xúc khác như an ninh của Tổ quốc, chuyện các tập đòan kinh
tế nhà nước ăn hại đái nát, nguy cơ Bùn đỏ ở Tây Nguyên, quốc nạn tham
nhũng và các tệ nạn xã hội khác như cướp của , ghiết người, ma túy,
tai nạn lưu thông chết người như ngóe hàng ngày, nạn môi trường bị
nhiễm độc khắp nước, nạn lạm phát đang có cơ lên cao hơn 8%, vấn đề cán
bộ hà hiếp dân tiếp tục và nạn hành chính hành dân nhiều hơn giúp dân
v.v… thì không thấy ghi trong Nghị trình của Quốc hội trong kỳ họp này.
Xem
đảng làm ăn như thế thì Quốc hội có còn xứng đáng là một thành phần
của cái gọi là "Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền” của dân, do dân và
vì dân không, hay các Đại biểu của dân chỉ biết ăn cây nào rào cấy ấy
của một đảng cầm quyền độc tài vô tích sự?
Phạm Trần (10/010)
|