Thứ Ba, 2025-01-07, 2:19 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2011 » Tháng Năm » 1 » QUỐC HỘI VÔ ĐẠO-PHÍ PHẠM-BÔI BÁC
7:27 AM
QUỐC HỘI VÔ ĐẠO-PHÍ PHẠM-BÔI BÁC

Phạm Trần



Hội đồng Bầu cử Quốc hội XIII của đảng Cộng sản Việt Nam đã công bố danh sách chính thức  827 người được chọn ứng cử Đại biểu Quốc hội tổ chức ngày 22 tháng 5 (2011) để lấy 500 người (tăng từ 494 như dự kiến ban đầu) , nhưng chỉ có 15 người tự ra ứng cử và 118 người ngòai đảng.

Trong số 827 người lọt vào vòng chung kết sau 3 cuộc bỏ phiếu được gọi là "hiệp thương” của  Mặt trận Tổ quốc thì chỉ có 27 người có đạo, kể cả 3 ông Linh mục và 4 Thượng tọa và Hoà thượng.  Như  thông lệ từ trước tới nay, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sẽ tiếp tục nằm trong tay đa số tuyệt đối những người không có tín ngưỡng hay vô thần như đảng và nhà nước.

Do đó mà từ xưa đến nay, chưa bao giờ thấy có Đại biểu Quốc hội nào, kể cả những người mặc áo tu hành ngồi trong Quốc hội đã lên tiếng về quyền tự do tôn giáo, hay bênh vực những người theo đạo bị công an đàn áp, bắt tù, hành hạ trước mắt người dân.

2 Linh mục, Đại biểu Quốc hội khóa XII  được chọn ứng cử  lại là Trần Mạnh Cường, Giáo xứ Đòan Kết, Hòa Khánh, Ban Ma Thuột, đơn vị Đắk Lắk và Linh mục Lê Ngọc Hòan, đơn vị tỉnh Nam Định.

Người thứ 3 có nhiều điều tiếng không tốt về đới sống cá nhân đã được chọn là Phan Khắc Từ, sinh ngày 28/12/1941, Chánh xứ Nhà thờ Vười Xòai, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Đòan kết Công giáo Việt Nam.

"Linh mục” Từ từng là Đại biểu Quốc hội các Khoá VIII, IX và X  lần này được cho ra ứng cử tại Đơn vị 9 gồm hai Huyện Củ Chi và Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh.

Mạng báo điện tử Nữ Vương Công Lý  (NVCL) do người Công giáo chủ trương đã công khai đăng tải các lời của giáo dân  phê bình "LM”  Từ  có  đời sống cá nhân không còn phù hợp với chức vụ của một Linh mục và chỉ trích ông đã hợp tác và tiếp tay cho chế độ, đi ngược lại giáo lý đạo Công giáo. Website này cũng yêu cầu Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Giáo phận Tp Hồ Chí Minh, là người có trách nhiệm với "LM” Từ, lên tiếng về trường hợp Phan Khắc Từ nhưng không được đáp ứng.

Ngòai ra Nhà báo giáo dân JB Nguyễn Hữu Vinh ở Hà Nội, vào ngày 20-10-2010  cũng đã phổ biến rộng rãi trên Internet bài Phỏng vấn của ông với "LM” Phan Khắc Từ về chuyện "riêng tư” này.

Ông Vinh viết : "Trong cuộc điện thoại, linh mục Phan Khắc Từ cho rằng việc đó là không đúng và ngài sẽ trình bày với Đức Hồng Y của ngài.

Khi tôi đặt câu hỏi:

- Nếu việc đó là không có thật, thì ngài hoặc Đức Hồng Y phải có ý kiến để mọi vấn đề được rõ ràng và các tín hữu khỏi hiểu lầm.

Ngài trả lời:

- Đức Hồng Y làm cái gì thì chuyện đó là chuyện của ĐHY, tôi không can thiệp vô. Phần tôi, tôi sẽ trao đổi với ngài rành mạch về vấn đề đó… Tôi sống giữa dân, dân đâu có tha cho mấy cái chuyện như thế, nói chuyện như giỡn, sống giữa năm sáu ngàn giáo dân, hàng ngày lễ lạy rồi chuyện nọ chuyện kia không phải chuyện giỡn được. Dân này tối mắt tối mũi hết cả hay sao mà làm như thế được?

Tôi không trình bày với ai, mà tôi sẽ bày với ĐHY Tổng Giáo phận, người có trách nhiệm trên mình. Tôi luôn luôn vâng phục đấng bề trên của mình.

Tôi hỏi:

- Trước những thông tin bất lợi ảnh hưởng đến các linh mục, đấng bậc như thế, đấng bản quyền phải có ý kiến phải không ạ?

Ngài trả lời:

- Trước đây tôi đã nói với ngài một lần rằng thôi thì ngài cũng an tâm. Lần này tôi sẽ trình bày rành mạch hơn tất cả mọi chuyện để ngài nắm, bởi nó liên quan đến vị trí của ngài.

Cũng trong cuộc nói chuyện với tôi qua điện thoại linh mục Phan KhắcTừ cho rằng "đây là mục đích nhằm cố tình để đẩy tôi đi, mà thực ra tôi cũng không phải cố tình để nắm lấy họ đạo. Nhưng khi đã đặt vấn đề đến như thế này thì tôi sẽ trình bày với ĐHY cho đầy đủ”.


Ông JB Nguyễn  Hữu Vinh cũng  trích dẫn lời Linh mục Chấn Tín của Dòng Chúa Cứu Thế , viết trong cuốn sách Nói Cho Con Người, trong đó Linh mục Chân Tín xác nhận chuyện "đời sống cá nhân” của "LM” Phan Khắc Từ  là chuyện có thật ai cũng biết.

Tuy nhiên câu chuyện "riêng tư”  của  "LM” Từ  vẫn đứng nguyên một chỗ nên "LM” Từ mới có tên trong danh sách ứng cử viên Quốc hội.

Phiá Phật giáo thì có các ứng viên : Thượng tọa Thích Bửu Chánh (Lê Hải), Phó Ban trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai; Thượng tọa Thích Quảng Quyết (Lê Công Quyết), Ủy viên thường trực Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ( do Nhà nước bảo hộ), ứng cử Đơn vị tỉnh Quảng Ninh ; Hòa thượng Thích Thạch Huôi, Phó Hội trưởng Hội đòan kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng; Hòa thượng Thích Chơn Thiện (Nguyễn Hội), Phó Chủ tịch thường trực Hội dồng Trị sự Giáo hội PGVN, ứng cử đơn vị Thừa Thiên.

Trong số các ứng cử viên còn lại của Thành phố Hồ Chí Minh, có 2 người nổi tiếng là Nguyễn Đăng Trừng (Khóa XII), Chủ nhiệm kiêm Bí thư Đảng đòan Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Trừng là một trong số ít Đại biểu Quốc hội đã  có nhiều phát biểu thẳng thắn, độc lập với đảng và nhà nước trong Khoá XII.

Người thứ hai là ông Lê Kiên Thành, sinh ngày 23/5/1955, con trai trưởng của nguyên Tổng Bí thư đảng CSVN Lê Duẩn. Hiện nay Thành là Chủ tịch Hội dồng qủan trị Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Thái Minh ở Sài Gòn.

Thành đã ra ứng cử Quốc hội khoá X nhưng thất bại. Kỳ này được giới thương mại và kinh doanh tại Sàigòn đề cử ra tranh cử tại  Đơn vị 2 gồm hai Huyện Nhà Bè, Cần Giờ và quận 7.

Lê Kiên Thành có bằng Tiến sỹ, Kỹ sư hàng không học từ Nga, nhưng bỏ nghề đi buôn bán và là một thương gia có đấu óc tiến bộ, đôi khi cũng đã chỉ trích đướng lối làm kinh tế của nhà nước.

THÀNH PHẦN ỨNG CỬ VIÊN

Theo báo Quân đội Nhân dân ngày 15-4 thì : "Tỷ lệ số người ứng cử trong danh sách chính thức so với tổng số đại biểu được bầu là 1,66 (827/500).”

Báo này cho biết thêm : "Có 261 ứng cử viên nữ (chiếm tỷ lệ 31,44%), 134 ứng cử viên là người dân tộc thiểu số (tỷ lệ 16,11%), 118 ứng cử viên là người ngoài Đảng (tỷ lệ 14,20%), 183 ứng cử viên trẻ tuổi-dưới 40 tuổi (tỷ lệ 22,04%), 183 ứng cử viên tái cử (tỷ lệ 22,04%).

Về trình độ học vấn, ứng cử viên có trình độ trên đại học là 35 người (chiếm tỷ lệ 36,75%); trình độ đại học là 494 người (tỷ lệ 59,52%); trình độ dưới đại học (từ cao đẳng trở xuống) là 31 người (tỷ lệ 3,73%).

Như vậy, so với cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XII năm 2007, trong danh sách lần này chỉ có cơ cấu ứng cử viên tái cử đạt tỷ lệ cao hơn. Các cơ cấu khác là ứng cử viên nữ, ứng cử viên là người dân tộc thiểu số, ứng cử viên ngoài đảng, ứng cử viên trẻ tuổi đều có tỷ lệ thấp hơn. Tuy nhiên, chất lượng ứng cử viên của lần này cao hơn, với số lượng ứng cử viên có trình độ trên đại học là 305 người (tỷ lệ 36,75%). Trong lần bầu cử trước, tỷ lệ ứng cử viên có trình độ trên đại học là 251 người (đạt 28,65%).”


Nhưng thực chất, những thành tích này có phản ảnh cho một Quốc hội tốt và làm được những việc có lợi cho đất nước và hợp lòng dân không?

Kinh  nghiệm các khóa Quốc hội trước đã chứng minh, dù thành phần đại biểu có trí thức mấy chăng nữa nhưng khi đã do "đảng cử cho dân bầu” và do đảng viên và những cảm tình viên của đảng chiếm tuyệt đại đa số thì Quốc hội vẫn không phải của dân hay đại diện cho dân mà là của đảng và do đảng dựng lên để hợp thức hoá bằng Luật cho những chủ trương và chính sách của đảng.

ĐẶT ĐÂU NGỒI ĐÓ

Một sắc thái cố hữu khác của Quốc hội là Trung ương đã chia các quan chức cao cấp lãnh đạo không thể bỏ được cho các đơn vị địa phương bỏ phiếu để họ tiếp tục gây ảnh hưởng hay nắm quyền trong Quốc hội.

Theo Lê Nhung của báo điện tử ViệtNamNet ngày 25-04 (2011) thì việc phân bổ  được thực hiện trên cơ sở 7 tiêu chí bao gồm:

"(1) Bảo đảm tất cả các vùng, miền, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có ứng cử viên của Trung ương;

(2) Lãnh đạo cấp cao (từ ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng và tương đương trở lên) căn cứ vào nhiệm vụ để lựa chọn địa phương về ứng cử; nhưng đối với các tỉnh, thành phố được bầu 6 đại biểu (4 đại biểu địa phương; 2 đại biểu trung ương) thì chỉ 1 người ứng cử là lãnh đạo cấp cao;

(3) Lãnh đạo cấp cao được phân bổ ở các tỉnh, thành phố là trung tâm chính trị, trung tâm kinh tế, hoặc vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, miền núi biên giới, hải đảo để bảo đảm sự lãnh đạo đồng đều trong cả nước;

(4) Người ứng cử đang công tác ở địa phương được giới thiệu ứng cử để chuyển về Trung ương công tác thì ứng cử ngay tại địa phương đó;

(5) Đại biểu khóa 12 tái cử cơ bản được tiếp tục tái cử tại địa phương đang là đại biểu;
 
(6) Mỗi người ứng cử được đăng ký ứng cử tối đa ở 3 tỉnh, thành phố gồm 1 tỉnh miền Bắc, 1 tỉnh miền Trung và Tây nguyên, 1 tỉnh Nam bộ;

(7) Ngoài các căn cứ trên thì Hội đồng bầu cử sẽ chủ động phân bổ.”

Như vậy thì có phải đảng đã "đạo diễn” hết chưa hay chưa đủ mà báo chí lại cứ rỉ rả tuyên truyền phải bảo đảm cuộc bầu cử phái thật dân chủ và trong sạch ?

Mọi người hãy vảnh tai ra mà nghe Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, cơ quan được đảng giao phó trách nhiệm chọn ứng cử viên cho dân bầu, giải thích  với Báo chí trong nước hôm 24-04 (2011) : "Có 15/83 người tự ứng cử đã lọt vào danh sách bầu cử chính thức, thấp hơn so với khóa XII (30 người). Tuy nhiên, khóa XII có 238 người tự ứng cử được lập danh sách sơ bộ sau hiệp thương lần 2 và sau lần 3 còn 30 người. Đối với khóa XIII này, cả nước chỉ có 83 người tự ứng cử sau hiệp thương lần 2 và sau lần 3 thì còn 15 người. Đối với chất lượng người tự ứng cử khóa XIII, ông Pha đánh giá là "cao hơn nhiều” so với khóa trước. Về cơ bản, số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu đáp ứng được tiêu chí như dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.” (Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP), 25-04-011)

Lạ chưa, cả nước có gần 87 triệu người thì số công dân đến tuổi ứng cử (21 tuổi) cũng có cả mấy chục triệu mà tại sao lại chỉ có 83 người "tự ý ra ứng cử” rồi sau đó, sàng qua lọc lại, chỉ còn 15 mống thì có thấy bẽ bàng và mỉa mai không?

Như thế thì có phải vì người dân không thấy có hy vọng gì với lối bầu bán hiện nay nên chẳng ai thèm ra, hay là họ sợ cái  bàn tay vô hình đâu đó sờ lên gáy nên không dám nghe đảng xíu dại để bị ăn đòn ?

 Hãy nghe Phóng viên Lâm Nguyên của báo SGGP kế tiếp : "Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự băn khoăn về việc phân bổ đại biểu về các tổ bầu cử. Liệu có tình trạng "đệm lót”, "quân xanh, quân đỏ” hay không? Giải thích điều này, ông Nguyễn Văn Pha cho rằng, tất cả ứng cử viên được lựa chọn vào danh sách chính thức là những người đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện đề ra.

"Cơ quan quyền lực cao nhất có tính đại diện với các cơ cấu, thành phần nhất định. Do đó, cũng có những người được giới thiệu cho những cơ cấu định hướng trước. Nhưng tôi khẳng định, dù ai trúng cử thì cũng đủ điều kiện là đại biểu đại diện cho nhân dân”,
ông Nguyễn Văn Pha nói.

Liên quan đến những câu hỏi về việc làm thế nào để cử tri có thể lựa chọn người đại diện cho mình một cách phù hợp nhất, vì thực tế cử tri không thể nắm hết thông tin về ứng cử viên, nhất là những người do trung ương giới thiệu về.

Theo ông Nguyễn Văn Pha luật pháp quy định, việc hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử có sự phối hợp hết sức chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức. Những cơ quan này chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước nhân dân trong việc lựa chọn người ứng cử. "Xin cử tri hãy yên tâm về sự lựa chọn, giới thiệu người ứng cử của các cơ quan, tổ chức”, ông Nguyễn Văn Pha nói.”

Như thế thì có hai năm rõ mười là đảng chọn người cho dân bỏ phiếu chưa hay là  Nguyễn Văn Pha nói sai ý đảng ?

Bằng chứng "đảng đặt đâu đồng chí ngồi đó, không được cựa quậy” nhiều vô kể. Chỉ nêu ra vài trường hợp như :  Nguyễn Tấn Dũng (Ba Dũng), Thủ tướng được bưng về Hải Phóng ứng cử; Bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, sinh đẻ ở tỉnh Sơn La thì bê lên Đắk Lắk cho đồng bào thiếu số bỏ phiếu; Phùng Quang Thanh, Bộ trường Quốc Phòng, sinh ở Hà Nội lại leo lên ứng cử ở tỉnh Hưng Yên; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyến giáo Trung ương, quê Nam Định thì được đảng chở lên tận Hoà Bình tranh cử; Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực, đẻ ở Nghệ An nhưng lại sang ứng cử ở Hà Tĩnh; Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, sinh ra ở Kiên Giang thì được đảng phái đến Cần Thơ; và Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, người quê Thanh Hoa mà lại leo lên tận Bắc Ninh tranh phiếu v.v…

KHIẾU NẠI - ĐẤU TỐ

Theo báo chí trong nước,  Ban Tổ chức bầu cử  "đã nhận được 114 đơn thư. Trong đó có 37 đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiếp nhận 32 đơn tố cáo cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó có 12 đơn tố cáo người ứng cử ĐBQH khóa 13 và HĐND cấp tỉnh. Hiện nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang kiểm tra, xác minh nội dung tố cáo để sớm có kết luận.”

Đáng chú ý là có cả đơn tố cáo, khiếu nại liên quan đến các ứng viên của Bộ Chính trị nhưng Ban bầu cử không tiết lộ tên tuổi những người bị tố cáo và tình trạng nghiêm trọng ra sao.

Tuy nhiên, báo chí trong nước cũng đã nói đến trưpờng hợp bị bác đơn ứng cử mất dân chủ của Ông Nguyễn Phúc Giác Hải, một chuyên viên có uy tín của Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người.

Việc này đã diễn ra trong buổi họp của tổ dân phố tối 29/3/2011 do Mặt trận Tổ quốc phường Chương Dương, Quận Hoàn Kiếm tổ chức.

Theo lời ông Hải và nhiều người trong Cơ quan của ông thì nhiều người được giới thiệu là dân phố quanh nơi cư ngụ của ông Hải, nhưng ông Hải  chưa  hề  biết mặt đã được Mặt trận cho mời đến dự ngồi chật phòng và thay nhau lên tiếng xuyên tạc, tố cáo không bằng chứng đối với cá nhân ông Hải.

Nhưng ông Hải lại không được phép trả lời và khi được phát biểu thì Ban tổ chức không cho nói dài mà còn bị cắt máy khi muồn nói nữa !

Ông Hải nói với báo chí : "Căng thẳng lắm. Người ta cứ việc lên tố tôi những điều không có. Tôi thì không được phép trả lời…Có người có mặt ở đó bình luận là thật chẳng khác gì đấu tố địa chủ hồi xưa.”

Việc làm phi pháp của Ban tổ chức  họp dân phố đã bị những người giới thiệu và ủng hộ ông Hải làm đơn khiếu nại lên Hội đồng tổ chức Bầu cử.

Họ viết : "Tất cả những điều đó cho thấy việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi ứng cử viên cư trú này là không dân chủ, không minh bạch, không công bằng. Điều đó gây ra những nghi vấn về sự trung thực của việc lấy phiếu tín nhiệm. Bởi thế chúng tôi đề nghị Ban tổ chức bầu cử  xem xét lại việc bỏ phiếu tín nhiệm này” .

Nhưng đến ngày 27-4 (2011) khi Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Trung ương phổ biến Danh sách 827 ứng cử viên Đại biểu Quốc hội thì ông Hải không có tên trong số 50 ứng cử viên của Thành phố Hà Nội.

Làm ăn bôi bác lộ liễu như thế mà vẫn tốn phí 700 tỷ đồng tiền của mồ hôi nước mắt của dân, nhưng nghe đâu có nhiều địa phương còn đòi thêm vì chưa chắc khỏan 700 tỷ đã chia đều!

Khỏan tiền nay cũng được chi cho việc bầu bán các đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được bầu của 63 tỉnh và  thành phố trực thuộc Trung ương.

Như vậy thì thà đừng có bầu bán gì cả, cứ việc bốc thăm cho đủ số thì có phải đỡ tốn thời giờ và tiền bạc cho dân không? Đằng này cứ 4 năm đảng lại bầy ra làm trò một lần nhưng khổ nỗi  là tuồng tích và đào kép thì vẫn như cũ có gì mới đâu mà coi mãi không chán ? -/-

Phạm Trần
(04/2011)
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 619 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 26
Khách: 26
Thành Viên: 0