Đỗ Thái Nhiên
Nhu cầu tìm kiếm lương thực và
nhiên liệu để nuôi sống trên một tỉ 300 trăm triệu dân đã làm cho Trung
Quốc ngày càng trở nên hung hãn trong việc lấn chiếm lãnh thổ, lãnh
hải, tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia lân bang. Đối diện với
tình huống vừa kể, Hoa Kỳ, các tổ chức quốc tế, tổ chức ASEAN, đặc biệt
là Việt Nam không thể không quan ngại. Giải pháp nào có thể giúp cho
các quốc gia Đông Nam Á được sống ổn định bên cạnh ông khổng lồ Bắc
Kinh đói ăn và khát nhiên liệu? Câu trả lời nằm ở các bản tin sau đây:
Ngày 22/07/2009 Hoa Kỳ ký thoả ước bất tương xâm với các quốc gia
trong tổ chức ASEAN. Theo ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, thoả ước
kia là lời khẳng định: Hoa Kỳ đã trở lại Á Châu.
Tháng 07/2009, trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo Bloomberg,
Honolulu, ông Raymond Burnhardt, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam các năm
2001-2004, nhận định rằng: “Các bất đồng ý kiến về quần đảo Trường Sa
và các vùng phụ cận có vẻ êm xuống một thời gian, bây giờ căng thẳng
trở lại, một phần lý do là Trung Quốc muốn bành trướng thế lực”.
Ông cựu đại sứ Raymond Burnhardt nhấn mạnh: “Mỹ và Việt Nam cùng
có chung nhiều lợi ích chiến lược, trong số đó có cả sự duy trì cân
bằng (thế lực) ở Đông Nam Á”.
Ngày 19/08/2009, từ giã Miến Điện TNS Jim Webb đến Việt Nam. Ông
Jim Webb là chủ tịch Tiểu Ban Đông Nam Á Thái Bình Dương, Uỷ Ban Đối
Ngoại, Thượng Viện Mỹ. Trong một cuộc họp báo tại Hà Nội, khi đề cập
tới những tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam
Á, TNS Jim Webb tuyên bố: “Hoa
kỳ nên xác định rõ ràng, chi tiết và cụ thể công việc bảo vệ chủ quyền
của các quốc gia trong khu vực này. Tôi không ám chỉ một đối đầu quân
sự, nhưng tôi muốn nói đến vai trò ngoại giao. Với tư cách của một quốc
gia, ý muốn của Hoa Kỳ sẽ trở thành một lực cân bằng-không phải để
chống đối mà để cân bằng thế lực- đối với Trung quốc trong vùng này”.
Ngày 27 tháng 08 năm 2009, ông Lê Công Phụng, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho Thông Tấn Xã Việt Nam
biết: Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao CSVN đang chuẩn bị tới
Mỹ. Đồng thời, ông Lê Công Phung còn nói thêm: Mỹ và Việt Nam đang thảo
luận việc tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng quốc phòng Việt Nam đến
thăm Hoa Kỳ.
Các tin tức vừa trích dẫn cho thấy: Cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam đều
đồng ý với nhau trên quan điểm rằng: Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam
cần Hoa Kỳ đóng vai trò đối lực hữu lý trong việc đương đầu với tham
vọng bành trướng của Bắc Kinh. Vấn đề còn lại là làm thế nào biến quan
điểm kia thành hành động cụ thể?
Chúng ta hãy khảo sát hành động cụ thể của CSVN và Hoa Kỳ:
Về phía Hoa Kỳ:
Ngay khi đến Hà Nội, TNS Jim Webb đưa ra nhận xét: Trung Quốc đã tạo
điều kiện để Miến Điện phải sống bám vào Trung Quốc như một loài ký
sinh: sống dở, chết dở; không thể phát triển được. Nói cho Hà Nội nghe
về Miến Điện, TNS Jim Webb có hậu ý cảnh báo CSVN rằng: Bám vào Bắc
Kinh, Hà Nội không thể không trở thành Miến Điện.
Mặt Khác, nhằm trấn an CSVN về lo sợ mất đảng, TNS Jim Webb đã không đề
cập đến dân chủ, nhân quyền vào dịp Jim Webb đến Hà Nội ngày
19/08/2009. Tuy nhiên, do nhu cầu hợp lý của chính trị quốc tế, Hoa Kỳ
không thể thực tâm hợp tác chiến lược với một chế độ độc tài và tham ô
kiểu Hà Nội. Vì vậy, khi trả lời báo chí về dân chủ nhân quyền tại Việt
Nam, ông Jim Webb chỉ nói vắn tắt: Vấn đề vừa nêu “là một tiến trình
đang diễn ra”. Tuy nói là “vắn tắt” nhưng Hà Nội phải hiểu là quốc hội
Hoa Kỳ, do đòi hỏi của cử tri, không thể nuôi dưỡng lâu dài một chế độ
tham ô kiểu CSVN.
Về phía CSVN:
Bản chất của nhà cầm quyền Hà Nội là tham lam và thiển cận. Hà Nội
tin là chế độ hèn kém và tham ô của họ có thể vừa van xin Trung Quốc
bảo vệ CSVN ở vị thế thống trị Việt Nam, vừa dùng Hoa Kỳ để ngăn cản
sức bành trướng của Bắc Kinh. Nhằm thực hiện âm mưu kia, Hà Nội đã đón
tiếp TNS Jim Webb bằng cách: vào ngày ông Jim Webb tới Hà Nội, CSVN rầm
rộ cho trình chiếu trên các hệ thống truyền hình của CSVN đoạn video
ghi nhận bốn nhà đấu tranh dân chủ Việt nam đang “nhận tội và xin khoan
hồng”. Bốn nhà dân chủ kia bao gồm: thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, kỹ sư
Trần Huỳnh Duy Thức, cựu trung tá Trần Anh Kim, luật sư Lê Công Định.
Kịch bản “nhận tội và xin khoan hồng” của Hà Nội nhằm nói lên hai điều:
1. Nói với Trung Quốc: CSVN quyết tâm bảo vệ quan hệ nước mẹ và
nước con giữa Trung Quốc và CSVN. Quyết tâm vừa nói được CSVN thể hiện
bằng hành động thẳng tay đàn áp tất cả người Việt Nam nào dám đấu tranh
đòi hỏi tự do dân chủ, hoặc đấu tranh chống Trung Quốc xâm lược.
2. Nói với Hoa kỳ: CSVN rất cần Hoa Kỳ đóng trọn vai trò đối
trọng đối với tham vọng bành trướng của Bắc Kinh tại Đông Nam Á. Tuy
nhiên điều này không có nghĩa là CSVN để mặc cho Mỹ tùy nghi dân chủ
hóa Việt Nam. Chủ trương bất biến của CSVN là: Thà mất nước còn hơn mất
đảng.
Trong quan hệ với Mỹ, vì quá cực đoan với công việc bảo vệ đảng độc
tài, CSVN đã để lộ cho thế giới thấy Hà Nội vừa mới thực hiện một quái
tượng ngoại giao có một không hai trong lịch sử bang giao quốc tế. Thực
vậy, trong đoạn video được gọi là “Nhận tội và xin khoan hồng” nói ở
trên, guồng máy thông tin, tuyên truyền của chế độ Hà Nội đã làm cho
công luận chú ý tới tiết mục Luật Sư Lê Công Định đọc lời nhận tội. Từ
tài liệu nhận tội này luật sư Định cho biết ông đã có lần gặp mặt
nguyên thứ trưởng ngoại giao Hoa kỳ John Negroponte và đại sứ Hoa Kỳ
tại Việt Nam Michael Michalak. Mang các cuộc tiếp xúc vừa kể đặt vào
phần nhận tội của luật sư Lê Công Định, CSVN muốn thông báo cho toàn
thế giới văn minh biết rằng: tại Việt Nam nói chuyện với giới chức
ngoại giao cao cấp của Mỹ là một tội phạm hình sự.
Theo tập quán bang giao quốc tế, quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và CSVN
chỉ có ý nghĩa, chừng nào quan hệ này hội đủ bốn chuẩn mực sau đây:
Thứ nhất: tình thân hữu, gọi tắt là thịnh tình. Tình thân hữu không thể
thành hình trên điều luật: công dân Việt Nam nói chuyện với giới chức
ngoại giao của Mỹ là một tội phạm hình sự.
Thứ hai: CSVN và Hoa Kỳ phải thực sự đứng ở vị trí của hai quốc gia
hoàn toàn độc lập, gọi tắt là đắc vị. Không thể có yếu tố đắc vị nếu
CSVN vừa bang giao với Mỹ, vừa run sợ đôi mắt trông chừng của quan thầy
Trung Quốc.
Thứ ba: mỗi quốc gia trong cuộc bang giao phải làm trọn nghĩa vụ của
mình, gọi tắt là tận phần. Nói cách khác tận phần có nghĩa là “có đi,
có lại mới toại lòng nhau”. Làm gì có được tận phần khi CSVN toan tính
vừa làm tay sai cho Trung Quốc vừa lấy tiền Mỹ, vũ khí Mỹ để cùng với
Trung Quốc quấy nhiễu Hoa Kỳ?
Thứ tư: tính hợp lý hàng đầu trong bang giao quốc tế đòi hỏi các quốc
gia trên cuộc bang giao phải thường xuyên trung thành với hai mục tiêu:
một là phục vụ quốc gia mà mình đại diện, hai là xây dựng một cộng đồng
quốc tế hòa bình và thịnh vượng chung. CSVN chỉ phục vụ quyền tham ô
của đảng, không phục vụ quốc gia. Mặt khác, đối với CSVN, không có xã
hội quốc tế hiểu theo nghĩa lành mạnh. Hãy nhìn cung cách CSVN phục vụ
Olympic 2008 của Trung Quốc để hiểu rằng CSVN chỉ biết quốc tế Tàu và
chối bỏ mọi hình thái quốc tế khác. Đi tìm tính hợp lý của chế độ Hà
Nội trong bang giao quốc tế chẳng khác nào mò tìm mặt trăng dưới đáy
giếng.
Khảo sát bốn yếu tố căn bản của bang giao quốc tế, có thể thấy rằng
CSVN không thực tâm mời gọi Hoa Kỳ đóng vai trò đối lực trong mục tiêu
ngăn cản âm mưu bành trướng của Bắc Kinh. Bang giao Việt Mỹ chỉ là một
loài hoa giấy. Nó chỉ có tác dụng làm cho dư luận quốc nội và quốc tế
có cảm nghĩ là CSVN đang tìm đường thoát ra khỏi vòng tay của Trung
Quốc. Xin nhấn mạnh cảm nghĩ kia chỉ là ảo tưởng. Từ vùng ảo tưởng vừa
xác định, nhìn về tương lai Việt Nam, chúng ta chỉ thấy một khối mây
xám khổng lồ. Ngoại giao gây ảo tưởng gọi là quái tượng ngoai giao vậy.
Nguồn: Thông Luận
|