Thứ Năm, 2025-01-23, 11:02 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2011 » Tháng Sáu » 25 » Quan ngại công an đánh người – hỏi cung
8:14 AM
Quan ngại công an đánh người – hỏi cung
2011-06-24

Gần đây dư luận đặc biệt quan tâm việc một em nhỏ mười một tuổi bị công an đánh rất nặng khi hỏi cung vì tội ăn cắp do người cô tố cáo.

Photo courtesy of 24h

Người thân vào thăm Bé Ngô Đình Phát đang chữa trị tại Bệnh viện Giao thông vận tải Thừa Thiên Huế ngày 17-6-2011.


Tại Việt Nam công an đánh đập người phạm tội khi hỏi cung là chuyện vẫn thường xảy ra. Gần đây thêm một vụ việc khiến dư luận đặc biệt quan tâm là một em nhỏ mười một tuổi bị  công an hỏi cung vì tội ăn cắp do người cô tố cáo và em đã bị đánh  rất nặng đến phải nhập viện. Thanh Trúc trình bày vấn đề liên quan.

Dùng nhục hình với trẻ em


Ngô Đình Phát là tên của em nhỏ mười một tuổi mà người cô giao cho công an xét xử vì nghi ngờ em ăn cắp tiền mua điện thoại. Người đánh đập em trong khi hỏi cung là thiếu uý công an Trần Nguyễn Hồng Quang, cảnh sát khu vực 5 công an  phường Thủy Xuân, thành phố Huế.

Hình ảnh em Ngô Đình Phát  đưa lên mạng với những vết bầm đỏ ở phần mông và sau đùi do bị đánh khiến dư luận  một lần nữa không đồng tình với chuyện công an đánh người, đặc biệt lần này thêm một em nhỏ khác bị nhục hình tại đồn công an.

Trong Bộ Luật Hình Sự đối với trẻ em vi phạm pháp luật dưới mười bốn tuổi thì không chịu trách nhiệm hình sự.

Trần Đình Triển
Luật pháp Việt Nam qui định thiếu nhi dưới mười bốn tuổi dù có phạm tội cũng  không được coi là can phạm hình sự, không bị hỏi cung hay điều tra khi không có mặt của người giám hộ tức cha hay mẹ.

Một  luật sư trong nước, ông Trần Đình Triển, khẳng định chuyện thiếu úy công an Trần Nguyễn Hồng Quang hỏi cung và đánh đập em Ngô Đình Phát là vi phạm pháp luật và cần được  xử lý nghiêm minh:

"Việt Nam đã tham gia công ước về quyền trẻ em, đã xây dựng bộ luật bảo vệ và chăm sóc giáo dục trẻ em. Trong Bộ Luật Hình Sự đối với trẻ em vi phạm pháp luật, dưới mười bốn tuổi thì không chịu trách nhiệm hình sự. Do đó đối với cháu mười một tuổi mà cháu có hành vi, cũng chưa được điều tra, hai nữa với một cái điện thoại thì giá trị tài sản cũng chưa lớn, do đó việc đưa cháu đến đồn công an để xứ lý việc đó là vi phạm pháp luật.

Thứ hai, trong qui định của luật pháp Việt Nam, đối với trẻ vị thành  niên có những hành vi cho rằng có vi phạm pháp luật, thì trước hết khi xét hỏi hay làm rõ vấn đề liên quan đến các cháu thì điều kiện bắt buộc phải có người giám hộ, đó là bố mẹ của các cháu. Còn nếu ở đây, trong trường hợp này, giả sử công an mà đánh đập cháu như vậy thì đấy là sự vi phạm nghiêm trọng pháp luật cần được xử lý nghiêm minh.” 

1308379329-200.jpg
Bé Ngô Đình Phát và Mẹ tại Bệnh viện Giao thông vận tải Thừa Thiên Huế ngày 17-6-2011. Photo courtesy of 24h.
Sau khi  em Ngô Đình Phát từ đồn công an trở về với thân thể bầm dập và phải nhập viện, thì câu hỏi ở đây là tại sao một sĩ quan công an như thiếu úy Trần Nguyễn Hồng Quang  lại có cách cư xử thiếu hợp lý với một đứa trẻ "ăn chưa no lo chưa tới” như vậy. Một nhà báo trong nước chuyên về pháp luật và đã theo dõi vụ này rất sát, nói nguyên văn là công an thành phố Huế đã biết là sai cho nên người ta đã đình chỉ công tác anh thiếu úy Quang đó rồi.

Theo một chi tiết được phóng viên này cho biết thì thiếu úy Trần Nguyễn Hồng Quang là kỹ sư giao thông chuyển sang ngành công an và có thể vì thế mà không hội đủ khả năng và nghiệp vụ chuyên môn.

Mặt khác, vẫn theo lời phóng viên, người này đã đối xử với em Ngô Đình Phát theo kiểu  một người lớn nóng giận và gia trưởng  mà quên rằng cần phải hành xử như một  cảnh sát chuyên nghiệp đối với dân. Dù sao đi nữa, vẫn  theo lời phóng viên, tra vấn một em nhỏ mười một tuổi dẫn đến việc đánh đập em để khảo cung là hành động sai phạm chắc chắn mà người sĩ quan công an phải gánh chịu hậu quả  việc làm sai trái của mình.

Dưới mắt luật sư Trần Đình Triển, sau khi bị đình chỉ công tác, hậu quả mà thiếu uý Trần Nguyễn Hồng Quang phải  gánh chịu  tiếp là:

"Ví dụ như hạ cấp bậc hay tước quân tịch, loại bỏ ra khỏi ngành công an. Hoặc nếu có dấu hiệu và đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì trước hết phải truy cứu tội cố ý gây thương tích. Ở đây sẽ có những tình tiết tăng nặng, đó là phạm tội đối với trẻ em, hai nữa là phạm tội đối với người đang nắm giữ pháp luật mà lại xử sự một cách vô pháp luật. Đấy là những tình tiết tăng nặng trong Luật Hình Sự.”

Báo chí trong nước số ra thứ Năm loan tin  công an thành phố Huế đề nghị giám đốc công an tỉnh tước danh hiệu công an nhân dân của thiếu úy Trần Nguyễn Hồng Quang.

Bên cạnh đó, ban kỷ luật công an thành phố Huế còn đề nghị  cách chức  phó trưởng công an phường Thuỷ Xuân là trung tá Nguyễn Ánh, người đã giao nhiệm vụ hỏi cung em Ngô Đình Phát cho thiếu úy Trần  Nguyễn Hồng Quang.

Không phải lần đầu


Nếu có dấu hiệu và đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì trước hết phải truy cứu tội cố ý gây thương tích. Ở đây sẽ có những tình tiết tăng nặng, đó là phạm tội đối với trẻ em.

Trần Đình Triển

Trước đó, năm 2010, một em nhỏ mười tuổi  ở Đồng Tháp bị công an hỏi cung  về tội lấy cắp tiền ngân quĩ của lớp. Việc này khiến Ngọc Trâm bị hoảng loạn tinh thần, phải vào điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1 một thời gian khá  lâu.

Khi đó, người tình nguyện bảo vệ pháp lý cho em Ngoc Trâm là luật sư Hồng Liên, cho biết:

"Khi cháu nhập viện ở Nhi Đồng 1 thì hồ sơ có ghi là tâm lý bị hoảng loạn. Cháu co rúm người, che mặt khi gặp người lạ, nhất là đàn ông. Cháu còn tự đánh mình rồi la hét. Công an xã và cả thầy giáo đã dẫn giải cháu qua công an lấy cung đều bị kỷ luật và đều bị cho nghỉ  việc hết.”

Những vụ  công an Việt Nam, vô tình hay cố ý,  đánh chết người trong lúc làm việc và hỏi cung, thường là chuyện được báo chí trong nước quan tâm và tường thuật chi tiết. Điển hình như  trường hợp ông Nguyễn Công Nhựt bị đánh chết tại công an huyện Bến Cát  mà  Viện Kiểm Sát Nhân  Dân và cơ quan điều tra cấp tỉnh  đang tiếp tục làm rõ sự việc.

Mới đây nhất là một người tên Lê Ngọc Du ở Củ Chi, đến đồn công an báo tin xe bị cướp thì không rõ tại sao bản thân anh lại bị một công an viên tên Hiếu cùng nhiều người khác xúm vào đánh tới ngất xỉu.

Khi về nhà, anh Du lên cơn sốt mê man phải đi cấp cứu ở bệnh viên đa khoa Củ Chi, sau đó chuyển lên bệnh viện  Chợ Rẫy khi có biến chứng nặng hơn.  Giám định mức độ thương tật ban đầu cho thấy  Lê Ngọc Du bị chấn thương vùng ngực, vùng hông kèm theo nhiều vết bầm tím ở bả vai và mông.

Mẹ của người bị đánh, bà Loan, đã gởi đơn khiếu nại lên các cấp chính quyền.
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 593 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 24
Khách: 24
Thành Viên: 0