VRNs (09.11.2012)
– Hà Nội – Hầu hết các nước trên thế giới, công dân của họ đều có quyền
im lặng và quyền có luật sư. Điều này được qui định cụ thể trong luật
và không phân biệt đó là vụ án hình sự bình thường, vụ án có liên quan
đến an ninh quốc gia hay liên quan đến chính trị. Nếu các quyền này
không được tôn trọng thì bản án sẽ bị hủy bỏ vì không có giá trị. Khi
cảnh sát bắt giữ nghi phạm, câu nói bắt buộc đầu tiên là: "Anh có quyền
giữ im lặng. Bất cứ điều gì anh nói có thể và sẽ được sử dụng để chống
lại anh trước toà án. Anh có quyền nói chuyện với luật sư, và có luật sư
hiện diện trong quá trình xét hỏi. Nếu anh không thể thuê luật sư, anh
vẫn sẽ được cung cấp một luật sư bằng nguồn tài chính của chính phủ.”
Câu nói này có tên là Miranda warning
(tạm dịch là Lời cảnh báo Miranda). Lời cảnh báo Miranda còn được cảnh
sát Mỹ (nhiều nước khác cũng có các câu nói tương tự) đọc lên với nghi
phạm trước khi họ tra hỏi về việc phạm tội. Nếu cảnh báo Miranda không
được đọc cho nghi phạm thì những lời nói/khai của nghi phạm sẽ không
được sử dụng như là các bằng chứng buộc tội trước toà án. Tuy nhiên,
cảnh sát có thể hỏi các thông tin về cá nhân như tên, tuổi, hay địa chỉ
mà không cần phải đọc cảnh báo Miranda.
Câu chuyện liên quan đến quá trình hình
thành nên cảnh báo Miranda cũng khá dài dòng. Năm 1963, một người đàn
ông tên là Ernesto Miranda bị bắt vì tội bắt cóc và hiếp dâm tại bang
Arizona, Mỹ. Anh ta đã tự thú tội mà trước đó không được cho biết về
quyền được im lặng và được có luật sư hiện diện trong khi bị cảnh sát
hỏi cung. Khi ra trước toà, các công tố viên chỉ sử dụng lời thú tội của
anh ta để làm bằng chứng phạm tội. Toà án Tối cao đã kết luận rằng
Miranda đã bị đe doạ trong khi thẩm vấn và anh ta không hiểu rằng mình
có quyền không buộc tội chính mình hay quyền có luật sư. Vì thế, họ đã
huỷ bản án trước đó. Miranda sau đó bị buộc tội trong một lần xử khác,
với các nhân chứng và các bằng chứng mới.
Ở Việt Nam, quyền im lặng không được qui định trực tiếp và rõ ràng trong Bộ luật TTHS. Nhưng trong điều 10 Bộ luật TTHS
qui định: "Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến
hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh
là mình vô tội.”
Theo qui định này có nghĩa là bất kỳ
công dân nào khi bị tạm giữ, tạm giam, bị đưa ra xét xử không cần thiết
phải đưa ra những chứng cứ, lý lẽ để chứng minh là mình vô tội. Người bị
tạm giữ, tạm giam không có nghĩa vụ chứng minh là mình không liên quan
đến thời gian, địa điểm hay nghi can của một vụ án nào đó. Tức
là không có nghĩa vụ trả lời các câu hỏi của cơ quan điều tra như: Ngày
hôm đó anh, chị ở đâu và làm gì? Hôm đó anh, chị đi đâu và gặp ai hay có
biết người này, người kia không?….. Và những câu hỏi tương tự
như vậy. Đó là việc của cơ quan điều tra phải đưa ra chứng cứ để chứng
minh rằng ngày đó, vào thời điểm đó người đang bị điều tra có mặt hay có
liên quan đến địa điểm và thời gian sảy ra một vụ án nào đó, có liên
quan đến một nghi can nào đó.
Qui định này còn có nghĩa là
người đang bị tạm giữ, tạm giam để điều tra có quyền im lặng trước các
câu hỏi của cơ quan điều tra hoặc có quyền bác bỏ các chứng cứ cáo buộc
đó mà không có nghĩa vụ phải chứng minh ngược lại.
Việc người bị tạm giữ, tạm giam để điều
tra thực hiện quyền im lặng của mình, cương quyết không chịu hợp tác với
cơ quan điều tra có bị xử lý nặng hơn các trường hợp thông thường khác
khi bị đưa ra tòa xét xử hay không?
Câu trả lời là KHÔNG. Bởi vì:
Thứ nhất, điều 48, 49 Bộ luật TTHS qui
định người bị tạm giữ, tạm giam được quyền trình bày lời khai. Đó không
phải là nghĩa vụ. Tức là người bị tạm giữ, tạm giam có quyền im lặng
trong suốt quá trinh tố tụng.
Thứ hai, trong điều 48 Bộ luật hình sự
không qui định hành vi "ngoan cố”, "im lặng không khai báo” là tình tiết
tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Tại sao người bị tạm giữ, tạm giam nên thực hiện quyền im lăng của mình?
Phần lớn người bị tạm giữ, tạm giam có
sự hiểu biết hạn chế về pháp luật, trong khi phải đối diện một mình với
các điều tra viên được đào tạo bài bản và đầy kinh nghiệm. Đồng thời
những người bị tạm giữ, tạm giam đang bị khủng hoảng tinh thần, đang lo
lắng và dễ dàng rơi vào "bẫy” của điều tra viên để cung cấp lời khai
theo ý của họ. Tới khi luật sư được tiếp cận hồ sơ thì mọi việc đã rồi.
Khi người bị tạm giữ, tạm giam im lặng
trước mọi câu hỏi, trước sự đe dọa hay dụ dỗ của các điều tra viên. Dần
dần người bị tạm giữ, tạm giam sẽ bình tĩnh trở lại và sẽ sáng suốt
trong mọi tình huống.
Người bị tạm giữ, tạm giam mà càng trả
lời các câu hỏi của điều tra viên trong khi họ thiếu bình tĩnh thì họ sẽ
càng bị dồn ép và dẫn tới viêc trả lời bất lợi cho bản thân, cuối cùng
tự mình kết tội mình.
Khi người bị tạm giữ, tạm giam
đã trả lời các câu hỏi của cơ quan điều tra thì chắc chắn luật sư chỉ có
thể được chấp nhận khi việc điều tra đã kết thúc. Và khi đó cho dù luật
sư có cực kỳ tài giỏi cũng không thể làm thay đổi quan điểm của cơ quan
điều tra. Người bị tạm giữ, tạm giam sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả do
tự cung cấp chứng cứ để buộc tội chính mình.
Người bị tạm giữ, tạm giam nên làm gì?
Yêu cầu cơ quan điều tra tôn trọng
quyền, danh dự, nhân phẩm của mình vì lúc đó người bị tạm giữ, tạm giam
chưa hoàn toàn bị mất quyền công dân. Yêu cầu cơ quan điều tra không
được xúc phạm, đe dọa.
Yêu cầu cơ quan điều tra liên lạc với
gia đình và người thân của mình, thông báo việc mình đang bị tạm giữ,
tạm giam. Thông báo gia đình thuê luật sư để bảo vệ quyền và nghĩa vụ
hợp pháp của mình.
Thực hiện quyền im lặng của mình cho đến
khi luật sư có mặt. Người bị tạm giữ, tạm giam bắt buộc phải kiên định,
vững vàng đến cùng, bất chấp sự đe dọa, dụ dỗ của các điều tra viên.
Cho dù thời gian tạm giữ, tạm giam kéo dài bao lâu, người bị tạm giữ,
tạm giam phải luôn giữ im lặng đến cùng.
Khi luật sư có mặt, người bị tạm giữ,
tạm giam sẽ tham khảo ý kiến luật sư điều gì cần trả lời, điều gì không
trả lời. Mặt khác người bị tạm giữ, tạm giam vẫn có quyền giữ im lặng
cho đến khi bị đưa ra tòa.
IM LẶNG là quyền con người trong Tố tụng
hình sự. Cơ quan điều tra tôn trọng sự im lặng của người bị tạm giữ,
tạm giam là tôn trọng quyền con người.
Luật sư Nguyễn Văn Đài
Tác giả gởi cho VRNs
|