Hoàng Trường và Trần Giang
Vào ngày 22 Tháng 5, 2011 sắp tới đây, 85 triệu người
Việt lại được Nhà Nước CSVN lùa đi xem tuồng do Đoàn Kịch Lớn Xã Hội Chủ
Nghiã trình diễn, sau gần 1 năm trời quảng cáo rầm rộ và ra rả từng
ngày.
Một số ước tính tổng quát đã đủ cho thấy đây là vở bi
hài kịch công phu và tốn kém nhất trong lịch sử xã hội chủ nghiã Việt
Nam. Cho đến nay tốn phí đã lên tới 700 tỉ đồng, tức khoảng 35 triệu mỹ
kim (để bà con nước ngoài dễ theo dõi). Thành phần diễn viên thì gần như
đã biết từ sau đại hội Đảng CSVN thứ 11 và hầu hết đều là những gương
mặt quen thuộc. Giàn "đạo diễn" từ Trung ương xuống địa phương cũng đã
nhẵn mặt với dân chúng. Ngay cả kịch bản đã ngả màu của nhiều năm trước
vẫn được đem ra dùng lại dù có tới 15 cây viết được giao cho việc soạn
các tuồng tích lớn. Chẳng hiểu vì họ thấy tấn tuồng đã quá hoàn hảo hay
lại lên cơn sợ đổi một ly nó đi một dậm. Thật thế, cứ để "Lục Vân Tiên
cõng mẹ chạy ra, chạy vô, rồi lại chạy ra” cũng chẳng sao, chứ chỉ mới
sửa từ "Bao Công” sang "bao cao su” trong vụ ông Cù Huy Hà Vũ thôi, mà
lũ dân chúng nó đã cười lăn ra nhạo báng, và không biết chúng còn cười
tới bao giờ nữa. Mà đấy là đã có thêm 4 từ "đã qua xử dụng” đầy tính
pháp lý và khoa học rồi đấy.
Có lẽ vì còn quê từ vụ đó, mà đạo diễn ở mọi cấp được lệnh bám sát theo bài bản. Cấm mọi loại sáng kiến!
Thế là ban quảng cáo bao gồm toàn bộ làng báo "lề phải”
quyết không đụng đến những vấn đề như "vai trò của Quốc Hội trong cơ chế
chính phủ”, "vai trò đúng nghĩa của người Đại biểu nhân dân”, … và
tuyệt đối cấm đụng đến những kêu gọi "mở rộng dân chủ”. Hơn 700 cơ quan
báo, đài phát thanh phát hình, và cả triệu cái loa phường, loa xã, loa
làng trên cả nước, cứ liên tục tung hô tầm vóc hệ trọng của cuộc bầu cử
nhưng chẳng ai giải thích được chỉ 1 câu hỏi của dân. Đó là nếu xóa toàn
bộ cuộc bỏ phiếu "cực kỳ hệ trọng” này thì tất cả mọi sự vận hành, lãnh
đạo, kiểm soát trên cả nước có khác một gang nào không? Có lẽ sự khác
biệt duy nhất là quốc gia tiết kiệm được ít là 700 tỉ đồng.
Ấy thế nhưng ban trật tự, bao gồm toàn bộ các ban ngành
công an và trật tự phường xã, thi hành lệnh trên với tất cả tinh thần
nghiêm túc và nghiêm trọng. Không một ứng viên nào, đặc biệt là các ứng
viên độc lập, được phép tự ý đi gặp gỡ cử tri để trình bày các dự tính
hành động của họ. Theo các anh trật tự thì gặp cử tri như thế là bừa bãi
và "vi phạm pháp luật”. Tất cả mọi người phải chờ đến các buổi gặp gỡ
cử tri chính thức do Mặt Trận Tổ Quốc tổ chức. Có lẽ đây mới là phần
công phu nhất và chiếm phần lớn con số chi phí 700 tỉ đồng.
Trên cả nước, có tới hàng trăm ngàn màn kịch nhỏ, có tên
chung là "buổi gặp gỡ cử tri và hiệp thương” được dựng lên để chuẩn bị
cho màn kịch cấp quốc gia. Mỗi màn kịch nhỏ có các đoàn đạo diễn riêng.
Điểm đặc biệt lớn nhất ở cấp này là diễn viên được tuyển chọn để đóng
vai khán giả và sẽ diễn 2 kịch bản khác nhau. Đối với các ứng viên do
Đảng đề cử thì xàng xê "Lã Bố hí Điêu Thuyền”; còn thấy các ứng viên độc
lập là gằn ngay giọng "Võ Tòng sát tẩu”. Cả các anh trong ban trật tự
cũng được tuyển cho kịch bản 2 và đa số đóng rất đạt.
Hầu như ở mọi nơi, chỉ sau vài buổi "buổi gặp gỡ cử tri
và hiệp thương” như vậy là các ứng viên độc lập đều xin rút tên. Và rất
lạ là hầu hết các ứng viên, từ già đến trẻ măng, đều xin rút vì "lý do
sức khoẻ”. Người dân chẳng hiểu tại sao các vị này đã biết mình có vấn
đề sức khỏe nghiêm trọng đến thế mà còn cố ra ứng cử để làm gì; hay là
họ đang khỏe mạnh bình thường nhưng chỉ lao tâm suy nghĩ về những việc
SẮP làm cho nước cho dân mà đã tổn hại sức khỏe đến mức đó. Cứ nhìn vào
đấy mới thấy mức hy sinh của các lãnh đạo Đảng đã đóng góp suốt cả đời
mình ở vị trí cao nhất, rồi còn buộc con cái mình phải hy sinh tiếp tại
những vị trí đó, và nay sắp truyền cho thế hệ thứ ba nữa. Nếu nhìn từ
góc bà Hồng Ngát (1), người ra phải tự hỏi liệu núi Thái Sơn có còn đủ
cao để làm biểu tượng không.
Tại điểm này, một tuần trước ngày kéo màn, khâu diễn
viên dĩ nhiên đã chọn xong. Trọng tâm việc chuẩn bị lúc này là ban trật
tự. Đây là lực lượng cực kỳ hùng hậu và đa dạng, từ cả chục loại sắc
phục cho công an, cảnh sát, an ninh, trật tự, thanh niên xung phong, chó
nghiệp vụ đến biết bao công an chìm trong đủ loại sắc mầu. Hầu như
thành viên nào thuộc ban trật tự đều được phát phương tiện hành nghề.
Chí ít cũng được một cây dùi cui sơn rằn trắng đỏ. Cao cấp hơn thì được
mũ sắt, khiên che, roi điện, lựu đạn cay, xe thùng, xe phá sóng. Hiện
nay, tinh thần ban trật tự đã lên rất cao với phương châm "đánh người đi
xem kịch cũng là một cách quảng cáo".
Chỉ còn một khâu khá lề mề là việc chia người vào những
nhóm "vận động” để lùa cử tri đến phòng bỏ phiếu. Khâu này thường chậm
trễ vào phút chót là vì phải phối hợp nhiều loại thành viên, từ các tổ
trưởng tổ phó dân phố đến các đại diện hội phụ nữ, hội thanh niên, đoàn
thanh niên CSHCM, v.v… Nhưng chậm trễ cũng vì nhiều thành phần quần
chúng cứng đầu. Đứa viện cớ đau ốm; đứa nêu lý do buôn bán; và có đứa
còn dám cáo bận sinh hoạt tôn giáo để khỏi đi bầu. May mà từ mấy kỳ bầu
cử trước đã có những sáng kiến cho "bầu chùm”, "bầu chung”. Nghĩa là mỗi
hộ chỉ cần cử một người mang giấy tờ của cả nhà đi bầu giùm cho tất cả.
Hiện nay, hầu như mọi địa phương đều đã tiếp thu kinh nghiệm và triển
khai kiểu bầu này và tiếng than vãn đã giảm nhiều.
Tựu trung thì đâu cũng sẽ vào đấy thôi. Sang ngày 23/5,
đố ai thấy có sự gì khác biệt so với ngày hôm trước hay tuần trước.
Người dân chỉ tiếc hùi hụi cái khoản chi phí 700 tỉ đồng. Giá mà dùng
tiền ấy xây những cây cầu vừa đủ cho học sinh đi học, khỏi phải đu giây
ròng rọc hay run từng bước qua cầu khỉ nguy hiểm mỗi ngày, thì chắc làm
được cả ngàn cây cầu trên cả nước chứ chẳng ít. Hay nếu lấy khoản tiền
ấy xây nhà đền bồi cho những người đang mất nhà mất cửa, chỉ cần khoảng
40 triệu cho một căn hộ thôi cũng đã hoàng tráng lắm rồi, thì được tới
trên 17 ngàn căn nhà cơ đấy. Trên 17 ngàn gia đình được thoát cảnh sống
màn trời chiếu đất hết năm này qua tháng khác.
Thật tiếc quá!
(1) https://dinhtanluc.wordpress.com/mối-tương-quan-mất-dạy/ Nguyễn
Thị Hồng Ngát, nhà thơ, nhà biên kịch, nguyên là lãnh đạo quản lý ngành
điện ảnh VN, Giám đốc HondaFilm, tác giả tứ thơ Trái Mùa "Cây đổ lâu
rồi, gió vẫn reo”, tác giả kịch bản phim truyện Canh Bạc…, trong 1 cuộc phỏng vấn của phóng viên Evan Williams đài truyền hình ABC bên Úc
(lúc đó Hồng Ngát còn đương chức Cục phó Cục Điện ảnh VN), đã nêu bật
một quan niệm chính quy về tương quan dân-đảng là: "Con cái không chê
cha mẹ khó…” (cho nên không được hỗn hào phản biện?!).
@ http://www.viettan.org/
|