Thứ Năm, 2024-12-12, 2:00 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Bảy » 3 » SỬA HIẾN PHÁP CHO DÂN HAY CHO ĐẢNG?
2:33 PM
SỬA HIẾN PHÁP CHO DÂN HAY CHO ĐẢNG?

Phạm Trần


Cơ quan quyền lực cao nhất của nước là Quốc hội cũng chỉ
là một tổ chức bù nhìn, hữu danh vô thực.

Chỉ còn 7 tháng nữa đến ngày Đại hội Đảng XI (1/2011) thì qủa bóng sửa Hiến Pháp được Nguyễn Văn An, Cựu Chủ tịch Quốc hội Cộng sản Việt Nam tung ra thăm dò dư luận, nhưng có sửa cách mấy mà Điều 4 vẫn còn  thì có sửa cũng vô ích.

Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 viết : "Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”


Trong Cuộc phỏng vấn của  Báo điện tử ViệtNamNet thuộc Bộ Thông tin và Truyền Thông, ngày 24-6 (2010), An nói : "Tôi rất quan tâm, vì sửa đổi Hiến pháp là một sự kiện trọng đại của toàn dân. Tôi vừa hy vọng, lại cũng vừa lo, vừa băn khoăn trăn trở, vì không biết sửa đổi lần này có đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân không?

Tôi có tâm trạng như vậy là do kinh nghiệm cuộc sống mách bảo. Sửa đổi Hiến pháp là một cơ hội sinh hoạt chính trị dân chủ sâu rộng trong toàn dân, toàn dân có được hưởng quyền lợi và làm nghĩa vụ tham gia ý kiến và phúc quyết hay không?

"Nếu nhân dân được tham gia và phúc quyết sửa đổi Hiến pháp lần này thì đây là một cơ hội to lớn do ta tạo ra để thúc đẩy mạnh mẽ và toàn diện công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tôi hy vọng là như vậy.

Nếu nhân dân không được tham gia và phúc quyết sửa đổi Hiến pháp lần này thì chúng ta lại bỏ lỡ mất cơ hội vô cùng quan trọng.”


An nói thêm : "Kinh nghiệm các lần sửa đổi Hiến pháp trước đây là như vậy. Chúng ta đã sửa đổi Hiến pháp nhiều lần rồi song chưa đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân, nhân dân chưa có quyền phúc quyết Hiến pháp mà lẽ ra quyền phúc quyết Hiến pháp là quyền đương nhiên của người dân dưới chế độ dân chủ cộng hòa. Chính vì thế mà tôi lo, tôi băn khoăn, trăn trở.

Trước tiên tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta đã sửa đổi Hiến pháp nhiều lần rồi mà vẫn chưa đạt yêu cầu. Nếu tính từ năm 1946 đến 1992 là 46 năm, ta đã sửa đổi lớn 3 lần vào các năm 1959, 1980 và 1992. Đó là chưa kể nhiều lần chúng ta sửa đổi nhỏ khác.

Sửa đổi như vậy là nhiều lần rồi, song dân chưa được phúc quyết lần nào. Hiến pháp 1946 quy định dân phúc quyết Hiến pháp song dân cũng chưa được phúc quyết vì chiến tranh đã xảy ra ngay sau đó có mấy tháng.

Còn Hiến pháp sửa đổi 1959 lại quy định Quốc hội có quyền lập Hiến và lập Pháp. Thay đổi quan trọng đó do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bất khả kháng là đất nước trong tình trạng chiến tranh và chia cắt hai miền Nam - Bắc; rồi chịu ảnh hưởng của mô hình cộng hòa Xô Viết,...

Tuy vậy chúng ta cần hiểu bản chất của thể chế cộng hòa hay dân chủ cộng hòa là quyền lập hiến phải thuộc về nhân dân, mà trực tiếp là cử tri cả nước.”


Nghe An nói thì ai nghe cũng thấy sướng lỗ tai, nhưng mọi người  muốn hỏi : Tại sao khi còn tại chức  Chủ tịch Quốc hội từ ngày 27-6-2001 đến ngày 26-6-2006 và sau nhiều năm ăn cơm dân phục vụ đảng, không bao giờ  nghe An nói  đến những điều thuận lòng dân như thế?

Lý do An im tiếng vì sợ bị mất chức , mất ghế hay vì sợ bị kỷ luật đảng hay là lúc đó tình hình chưa chín muồi và lòng dân chưa thuận? Hay bây giờ đã nghỉ hưu rồi nên hết còn sợ mất lương và biết có nói cũng không ai thèm để ý,  nhất là đối với đảng cũng chả có kí lô nào nên Ban kỷ luật đảng cũng mặc thây, chả ai màng đến.

Kinh nghiệm của những lời tuyên bố nẩy lửa, hợp lòng dân, nghe đã con ráy, có nhiều khuyến cáo, đề nghị hợp lòng dân với Chính phủ của Võ Văn Kiệt sau khi rời chức vụ Thủ tướng năm 1997 còn sờ sờ ra đấy.

Ngay đến công thần của đảng là Võ Nguyên Giáp, Đại tướng, cũng khuyên  đảng ngưng dự án khai thác Bauxite trên Tây  Nguyên vì ông sợ sự có mặt của Công ty Trung Quốc và hàng ngàn công nhân người Tầu ở vùng đất an ninh chí nguy của Tổ Quốc là "Nóc nhà Đông Dương” sẽ có ngày mang họa.

Thế mà đảng đâu có màng. Bộ Chính trị  15 người, đứng đầu bởi Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư  đã hành động lấy "mũ ni che tai” tạt  gáo nước lạnh vào Võ Nguyên Giáp bằng Thông báo 245-TB/TW  ngày 24/4/2009 quyết định tiếp tục "Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bauxite giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025.

Khỏang hơn 10  Đại biểu Quốc hội trong phiên họp năm 2009 cũng đã gay gắt  lên tiếng đòi Chính phủ ngưng ngay dự án khai thác Bauxite để Quốc hội điều tra và biểu quyết, nhưng nhà nước đã tìm mọi cách lách luật bằng cách xé dự án không lồ này ra thành nhiều mảnh nhỏ đế không phải xin phép Quốc hội!

Do đó, đối với trường hợp Nguyễn Văn An đòi  cho dân "được tham gia và phúc quyết sửa đổi Hiến pháp” trong lần Quốc hội thảo luận Sửa đổi một số điều khỏan của Hiến pháp 1992, dự trù bắt đầu từ cuối năm 2010, cũng không có đủ cân lượng gãi ngứa cho đảng!

SỬA ĐIỀU NÀO, CHO AI ?


Nhưng nếu có sửa thì  Hiến pháp sẽ được sửa như thế nào?

Hãy nghe Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận giải thích với Báo chí hôm 09/06/2010 : "Lần sửa đổi cuối năm nay chỉ riêng về trình tự thủ tục, một số vấn đề kỹ thuật để thông suốt phục vụ cho kỳ bầu cử tới vào năm 2011.

Những thay đổi lớn về quan điểm, tiêu chuẩn Đại Biểu... thì phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, nên luật mới phải đưa vào chương trình chuẩn bị cho năm sau.

"Riêng về việc sửa đổi Hiến pháp 1992, nếu sau khi tổng kết thí điểm mà QH đồng ý không tổ chức HĐND cấp quận nữa, được phép của Ban chấp hành Trung ương, thì sẽ sửa một phần Hiến pháp ngay trong kỳ họp cuối năm. Riêng những sửa đổi căn cơ, có liên quan đến thể chế thì phải thực hiện trong nhiệm kỳ QH sau".  

Báo VietNamNet viết ngày 09-06-2010 về  Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng cho biết: "Trong giai đoạn 2007-2012, sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ do Quốc hội quyết định thành lập. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho hay: nội dung sửa đổi Hiến pháp sẽ tập trung chủ yếu vào việc đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước.”

Đến phiên Uông Chung Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội giải thích chu kỳ sửa đổi Hiến pháp thì vấn đề còn rắc rối hơn nữa.

Lưu tuyến bố : "Việc sửa đổi Hiến pháp liên quan đến nhiều vấn đề của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, tổ chức bộ máy và các hoạt động cơ bản của Nhà nước. Cho nên phải tổ chức việc nghiên cứu, tổng kết việc thực hiện các chế định của Hiến pháp, làm cơ sở cho việc thực hiện một số chủ trương, đường lối, chính sách đã đề ra trong nghị quyết của Đảng"

Phó Chủ tịch QH cho rằng, cần chờ Đại hội Đảng toàn quốc để sửa đổi cương lĩnh, trên cơ sở đó, đặt vấn đề sửa đổi Hiến pháp thì sẽ đáp ứng được nhiều yêu cầu hơn. "Bây giờ nếu chúng ta sửa Hiến pháp, rồi sau khi Đảng sửa cương lĩnh, lại đặt vấn đề sửa Hiến pháp nữa thì rất phức tạp".(VietNamNet, 11/10/2007)

VNNET kết luận : "Như vậy, sau rất nhiều ý kiến đề nghị của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, việc sửa đổi Hiến pháp không được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa XII. Tuy nhiên, QH sẽ đề nghị Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, đánh giá, tổng kết việc thực hiện các chế định của Hiến pháp.”

PHẢN ỨNG

Nhưng tại sao lại phải đợi xem Đại hội đảng vào tháng 1/2011 quyết định bổ sung Cương lĩnh 1991 (Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội")  ra sao rồi Quốc hội mới dàm sửa đổi Hiến pháp?

Lý do đơn giản là nếu Cương lĩnh vẫn duy trì điều 12 của Cương lĩnh viết rằng : "Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản” thì có cho ăn vàng Quốc hội cũng không dám đụng đến Điều 4 Hiến pháp năm 1992.

Hơn nữa ngay trong Lời Mở Đầu, Hiến Pháp 1992 đã hồ hởi cao rao : "Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ qúa độ lên chủ nghĩa xã hội, nhân dân Việt Nam nguyện đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường xây dựng đất nước, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác với tất cả các nước, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp, giành những thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”

 Vì những ràng buộc chắc như nêm cối có xiềng xích tròng vào cổ nên các đảng viên trong Quốc hội chiếm 90 phần trăm Đại biểu không dám bàn bạc đến bất cứ sửa đồi Hiến pháp nào sẽ thật sự công nhận quyền làm chủ đất nước và tôn trọng quyền phúc quyết của  người dân như Nguyễn Văn An nêu lên. Bởi lẽ đảng CSVN không dám lấy ý kiến dân hay cho dân quyền phủ quyết những quyết định phản dân chủ và hạn chế tự do của người dân.

Do đó mới có ý kiến của Tác giả Hà Đình Sơn viết trên Báo Điện tử Bauxite Việt Nam ngày 25-6-2010 rằng Hiến pháp 1992 của đảng CSVN cần phải thay đồi vì những lý do chính yếu như sau :

1. Vì Hiến pháp năm 1992 khi ban hành đã không trưng cầu ý kiến toàn dân Việt Nam. Hạn chế, nên chưa huy động được tối đa nguồn lực của người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài.

2. Chưa đủ cơ sở pháp lý mạnh mẽ để thực hiện hòa giải và đoàn kết dân tộc.
3. Là đòi hỏi cấp bách của nhân dân Việt Nam trước yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình thế hiện nay.

4. Nội dung và logic hình thức của Hiến pháp 1992 tồn tại những mẫu thuẫn cơ bản.

5. Chế định Nguyên thủ Quốc gia không rõ ràng, thiếu, yếu không xứng tầm gây bất lợi cho quan hệ đối nội, đối ngoại.

6. Đã hủy bỏ quyền tư hữu đất đai của người dân. Đây là quyền lợi cơ bản, chính đáng của người dân được lịch sử kế thừa đương nhiên. Đây là lời hứa của cuộc cách mạng trước khi cướp chính quyền. Nhà nước phải bảo đảm cái quyền cơ bản ấy. Đây chính là nguyên nhân gây ra đại họa tham nhũng từ các cấp chính quyền; nguyên nhân phổ biến của oan khuất trong nhân dân. Tài nguyên khoáng sản bị chiếm đoạt, môi trường bị hủy hoại, an ninh – quốc phòng bị nới lỏng. Hình thành nên lực lượng người dân bị mất đất, mất nhà ngày càng đông đảo; dân oan khiếu kiện lên các cấp chính quyền không sao giải quyết cho xuể…

7. Cơ quan xét xử không được độc lập xét xử, chỉ tuân theo ý kiến chỉ đạo của một tổ chức đứng trên và chi phối nó.

8. Bỏ sót cá nhân, tổ chức đứng ngoài vòng pháp luật. Không có chế định xét xử Thủ tướng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội.

9. Quyền ứng cử, bầu cử tự do của công dân không có quy chế cụ thể nên đã bị Nhà nước lạm dụng xâm phạm.

10. Chưa có chế định bầu cử trực tiếp Nguyên thủ Quốc gia.

Tiếc rằng với cơ cấu tổ chức vị trí nào trong guồng máy Nhà nước cũng phải do đảng lựa chọn,  sắp xếp và chi phối nên Cơ quan quyền lực cao nhất của nước là Quốc hội cũng chỉ là một tổ chức bù nhìn, hữu danh vô thực.

Vì vậy, 10  lý do phải sửa đổi Hiến pháp của Tác giả Hà Đình Sơn gửi đi từ Hà Nội cũng sẽ không tạo được tiếng vang nào trong dư luận, nhất là sẽ chẳng lung lay được những Nhà lập pháp  nghị gật đang lo chạy chức chạy quyền trước Đại hội đảng XI, nói chi đến quyền lợi của dân ? -/-

Phạm Trần
(07/010)
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 624 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0