Thứ Ba, 2024-12-10, 2:11 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2011 » Tháng Mười Một » 2 » Sự bất lực của Trung ương, sự vô hiệu của các thiết chế dân chủ ở địa phương và hệ lụy
7:26 PM
Sự bất lực của Trung ương, sự vô hiệu của các thiết chế dân chủ ở địa phương và hệ lụy
Posted on
Lê Anh Hùng (danlambao) - Đằng sau các các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, vốn đang liên tiếp tung ra những "quả đấm thép” khiến nền kinh tế khó lòng gượng dậy, chính là các thế lực chính trị vững mạnh. Thử hỏi, nếu không có sự bảo trợ của "ai đó” thì liệu Vinashin có dám đầu tư vung vít như thế hay không? (Để rồi một cuộc "kiểm tra Đảng” mới khiến cho các nhà "quản lý kinh tế” hết giả đui giả điếc!) Nếu không có thế lực nào đó đứng sau lưng thì liệu EVN có mãi một mình một chợ vẫn thấy chưa đủ mà còn đầu tư tràn lan ra ngoài ngành để rồi giờ đây phải ôm khoản lỗ 31.000 tỷ VNĐ trong khi vẫn cứ bình chân như vại hay không?...

1. 

Thời gian gần đây, khi thực trạng đầu tư công tràn lan từ trung ương đến địa phương được nhận diện là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng lạm phát cao và sản xuất đình đốn hiện nay, người ta mới bắt đầu nêu lên những bất cập trong khâu phân cấp quản lý, trong đó có quản lý đầu tư, giữa trung ương và địa phương. 

Phân cấp quản lý là một đòi hỏi tất yếu trong quá trình phát triển, khi chính quyền trung ương không đủ khả năng bao quát hết những khía cạnh đặc thù của từng địa phương để đưa ra các quyết định quản lý hiệu quả và giám sát việc thực hiện chúng. Ở Việt Nam, quá trình phân cấp quản lý trong suốt thời gian qua diễn ra song song với quá trình "đổi mới” từ năm 1986 đến nay, chuyển từ chế độ kế hoạch hoá tập trung bao cấp sang nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, do bản chất của cuộc "đổi mới” ở Việt Nam là một sự thay đổi thụ động và nửa vời, xuất phát từ sự thúc bách của tình thế, chứ không phải là một sự thay đổi chủ động, một cuộc "lột xác” theo đúng nghĩa (thể hiện qua cái đuôi "định hướng XHCN”), nên nó đã và đang bộc lộ nhiều vấn đề nan giải. 

Trong một bài viết cách đây hai năm, tác giả đã bàn qua về tình trạng bất lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng như sự vô hiệu của các thiết chế dân chủ ở địa phương, một thực tế khiến cho quá trình phân cấp quản lý trở nên thiếu hiệu quả và gây ra nhiều hệ luỵ kinh tế - xã hội sâu rộng.[1] Và xem ra tình hình hiện vẫn đang diễn ra theo chiều hướng ngày một xấu hơn. 

Trước hết, quý vị độc giả có thể hình dung ra phần nào bức tranh đầu tư công ở Việt Nam qua những con số sau đây từ chương trình Đối thoại chính sách: Tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả đầu tư, phát trên VTV1 vào hồi 22h20 ngày 26/10/2011: 

* Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư thì số liệu về đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2011 là: 

- Khởi công: 6.731 dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên (tăng gần 1.000 dự án so với cùng kỳ năm 2010); 

- Hoàn tất, đưa vào khai thác: 4.693 dự án. 

* Theo số liệu của Tổng cục Thống kê về đầu tư công trong 9 tháng năm 2011: 

- Tổng vốn 131.364 tỷ VNĐ, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2011; 

- Dự án chậm tiến độ: 6 tháng 2011: 11,15%; 6 tháng 2010: 9,78%. 

* Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: 

- Các dự án đầu tư công năm 2012 mà các bộ, ngành và địa phương đã trình lên Chính phủ lên tới 300 tỷ USD, tức gấp 3 lần quy mô GDP hiện nay (105 tỷ USD); 

- Trong 10 năm qua, đầu tư từ ngân sách Nhà nước chiếm 46% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội. 

* Theo số liệu của Bộ KHĐT thì bội chi năm 2009 (tính cả trái phiếu CP) là 9,7% và năm 2010 là 8,7% GDP, so với con số chính thức là khoảng 5% GDP. 

Cũng trong chương trình nói trên, ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, một trong hai khách mời tham gia chương trình (cùng với ĐBQH Trần Du Lịch), đã đưa ra con số ước định là nếu bắt đầu từ năm 2012 chấm dứt khởi công các dự án đầu tư công mới thì còn phải mất tới 8 năm nữa mới đủ ngân sách để hoàn tất các dự án đầu tư công đang dở dang. 

2. 

Tại cuộc hội thảo về tái cơ cấu đầu tư do Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức ngày 27/10/2011, TS Vũ Thành Tự Anh, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, nhận xét: "Việt nam có hơn 50 tỉnh địa phương đầu tư phụ thuộc vào ngân sách. Đầu tư dàn trải, phân tán, lỗi là ở người đi xin đã đành nhưng người cho cũng có lỗi.” Còn TS Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế Việt Nam, thì đưa ra bình luận thẳng thắn: "Quy hoạch ở Việt Nam đúng là một bức tranh châm biếm. Mỗi địa phương như một vương quốc độc lập. Tỉnh nào cũng có sân bay, cảng biển, khu công nghiệp, khu du lịch, sân golf, khu đô thị cao cấp... như một ‘đại công trường’ nhưng dang dở”. Nguyên Bộ trưởng bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, chủ trì cuộc hội thảo, lại nhận định: "Khuyết điểm quy hoạch đầu tư này là từ cơ quan Trung ương. Tôi không đồng tình với cách trả lời trước đây của Bộ trưởng bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc khi đổ lỗi là việc đầu tư đã phân cấp rồi, Bộ không có trách nhiệm gì. Rõ ràng, người đi xin thì cứ việc đi xin, nhưng quan trọng là ở trên, ông có dám từ chối hay không?”[2]

Tuy nhiên, nếu từ đó mà vội quy trách nhiệm cho cơ quan Trung ương, cụ thể ở đây là Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong khâu quy hoạch thì e rằng hấp tấp quá. Trong thời buổi hiện nay, chẳng ai cho không ai cái gì cả. Và khi mà cái quyền "cho” kia lại không phải chịu một hình thức ràng buộc hay giám sát đáng kể nào thì đấy chính là mầm mống cho đủ thứ tiêu cực trong xã hội. 

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từng nhắc lại trước diễn đàn Quốc Hội câu nói rất chân thật nhưng cũng đầy chua chát của một vị chủ tịch tỉnh: "Mình vừa có ý định thay nó (giám đốc sở) thì nó đã vận động thay mình”.[3] Và trên thực tế, những người bảo trợ ở Trung ương cho những đối tượng như vị giám đốc sở kia lại nhiều vô kể; họ không chỉ có khả năng kết bè để thao túng quyền lực ở địa phương mà còn đủ sức phá vỡ bất kỳ kiểu "quy hoạch” nào của Trung ương. (Trong cuộc hội thảo nói trên, TS Vũ Thành Tự Anh đưa ra một ví dụ minh họa sinh động là câu chuyện quy hoạch cảng biển vùng đồng bằng sông Cửu Long: Tháng 10/2009, Thủ tướng ký Quyết định phê duyệt quy hoạch với 21 cảng biển ở đây. Nhưng chỉ sau 2 năm, khi có quy hoạch chi tiết về cảng biển thì con số cảng biển đã tăng lên 27! TS Vũ Thành Tự Anh còn cho hay là khi thảo luận, chính Bộ KH-ĐT nhận định rằng con số 15 khu kinh tế ven biển là quá nhiều, mà chưa có khu nào đáng gọi là khu kinh tế. Đến lúc VN phải xem lại, chọn lựa một vài khu kinh tế biển để "làm cho ra hồn”. Thế nhưng, cũng chính Bộ KH-ĐT lại không cưỡng được "xu thế”, đầu tháng 9/2011 vừa qua lại bổ sung vào quy hoạch thêm 3 khu kinh tế biển nữa, thành 18 khu, mà mỗi khu chỉ cách nhau 40-50km.[4]) Với cơ chế hiện nay của chúng ta thì rõ ràng quyền hoặc tiền hoặc cả hai là sức mạnh đủ sức công phá mọi thành luỹ. 

Trong thể chế chính trị hiện hành ở Việt Nam, ngoài một Thủ tướng về mặt chính thức, chúng ta còn có hai "siêu Thủ tướng” là Tổng Bí thư BCHTW Đảng và Chủ tịch nước, 11 vị uỷ viên Bộ Chính trị còn lại đều có uy quyền và ảnh hưởng tương đương những "Phó Thủ tướng Thường trực”, ấy là chưa kể các Phó Thủ tướng chính thức khác trong Chính phủ và các thế lực khác trong Đảng. Câu nói trên rõ ràng là không chỉ thể hiện nỗi chua chát của vị chủ tịch tỉnh kia mà còn là "nỗi niềm” của bản thân nguyên Thủ tướng, người chính thức phải chịu trách nhiệm trước Quốc Hội, trước nhân dân, còn mười mấy vị uỷ viên Bộ Chính trị kia (kể cả Tổng Bí thư BCHTW) thì chẳng phải chịu trách nhiệm trước một thực thể "chính danh” nào cả. Đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng từng giãi bày trước Quốc Hội: "Hơn ba năm nay, tôi chưa kỷ luật ai!”[5] Dĩ nhiên là không phải ông không muốn kỷ luật những thuộc cấp kém năng lực hay mắc sai phạm của mình để nâng cao hiệu lực của quyết định quản lý và hiệu quả của công tác điều hành. Trong bối cảnh đó, nếu vị Thủ tướng "chính thức” không đủ tài năng, bản lĩnh và đức độ để "cầm cương” thì dễ trở thành "con rối” và tình hình ngày một thêm bi bét là thực tế khó tránh khỏi. 

Đằng sau các các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, vốn đang liên tiếp tung ra những "quả đấm thép” khiến nền kinh tế khó lòng gượng dậy, chính là các thế lực chính trị vững mạnh. Thử hỏi, nếu không có sự bảo trợ của "ai đó” thì liệu Vinashin có dám đầu tư vung vít như thế hay không? (Để rồi một cuộc "kiểm tra Đảng” mới khiến cho các nhà "quản lý kinh tế” hết giả đui giả điếc!) Nếu không có thế lực nào đó đứng sau lưng thì liệu EVN có mãi một mình một chợ vẫn thấy chưa đủ mà còn đầu tư tràn lan ra ngoài ngành để rồi giờ đây phải ôm khoản lỗ 31.000 tỷ VNĐ trong khi vẫn cứ bình chân như vại hay không? (Một kết quả từ cuộc thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá và thuế tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam, do Thanh tra Bộ Tài chính thực hiện, cho thấy là vào tháng 2/2010, trong Thông tư số 08/2010/TT-BCT, Bộ Công Thương đã cho phép EVN tăng giá bán điện bình quân năm 2010 lên mức 1.058 đồng/KWh, cao hơn 2,2% so với mức mà Thủ tướng cho phép.)[6]

3. 

Thiết chế dân chủ cơ bản ở địa phương chính là hội đồng nhân dân các cấp (tỉnh, huyện, xã). Tuy nhiên, như mọi người đều biết, hội đồng nhân dân các cấp phần lớn đều chỉ mang tính hình thức, do cơ chế "Đảng cử, dân bầu” và do sự thao túng của (ban thường vụ) cấp uỷ đối với hội đồng nhân dân. Vì nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng nên ở Trung ương thì Bộ Chính trị thao túng và thường phớt lờ Ban Chấp hành TW[7] (vốn xuân thu nhị kỳ nhóm họp dăm ba ngày chủ yếu chỉ để "đọc báo cáo” của Bộ Chính trị – chú nào mà dám "ho he” thì sớm muộn gì cũng đều bị "ăn đòn” tập thể, bởi với cơ chế này thì chỉ có thánh thần mới không dính chàm, mà người cộng sản vốn không mê tín nên thánh thần làm gì được "cơ cấu” vào "cấp uỷ”), còn ở các địa phương thì các ban thường vụ cấp uỷ lại thường qua mặt cấp uỷ. Ngoài ra, như đã nói ở trên, hầu hết các thế lực ở địa phương đều (buộc phải) có một cái "ô” vững mạnh nào đó ở Trung ương. Nếu lãnh đạo địa phương là bộ hạ của Thủ tướng thì nỡ nào ông lại tự bắn vào chân mình; còn nếu họ là thuộc hạ của một vị uỷ viên Bộ Chính trị nào đấy thì Thủ tướng đành phải "vuốt mặt nể mũi” thôi. Trong khi đó, như một lẽ tự nhiên, các ban thường vụ cấp uỷ, mà cao nhất là Bộ Chính trị, thì lại luôn có ý thức bao che cho nhau vì "lợi ích” của nhúm người đó, để rồi người dân và đất nước phải gánh chịu mọi hậu quả. (Như vụ tham nhũng đất đai ở Đồ Sơn chẳng hạn, Thường vụ Thị uỷ Đồ Sơn còn "đi đến thống nhất” về việc chia chác đất cho nhau.[8]

Những hạn chế, bất cập của hoạt động HĐND các cấp hiện nay: 

* Về cơ chế tổ chức: 

Đại biểu HĐND hầu hết là kiêm nhiệm, số lượng không tương xứng với với chức năng, nhiệm vụ. Các thành viên của các ban thuộc HĐND tỉnh, huyện (5 đến 7 thành viên/ban) chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm. 

* Về cơ chế giao nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND: 

HĐND, thường trực, các ban của HĐND và mỗi đại biểu có rất nhiều nhiệm vụ, nhưng quyền hạn lại không tương ứng. Đến nay, chưa có một văn bản pháp quy nào hướng dẫn cụ thể về công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. HĐND, thường trực, các ban, đại biểu HĐND không có quyền lực gì ngoài quyền "kiến nghị”, "yêu cầu”, "chất vấn” chung chung. Bởi thế, hiện tượng phổ biến hiện nay là nhân dân rất ít đến với HĐND để kiến nghị. 

Nội dung kỳ họp HĐND các cấp có rất nhiều vấn đề (ít nhất không dưới 9 nội dung theo luật định, lại còn các nội dung chuyên đề, báo cáo thẩm định của các ban thuộc HĐND), trong khi đó thời gian của mỗi kỳ họp lại rất ít. HĐND thường mỗi năm có hai kỳ họp, mỗi kỳ họp cấp tỉnh thường từ 3 đến 4 ngày, cấp huyện từ 2 đến 3 ngày, cấp xã từ 1 đến 2 ngày. Điều đó dẫn tới các vấn đề cần thảo luận, quyết định và ra nghị quyết không tương xứng với thời gian kỳ họp, là một nguyên nhân làm cho kỳ họp HĐND nhiều khi chỉ là hình thức, chung chung, không đi sâu vào những vấn đề bức xúc, nổi cộm, xây dựng các phương án khả thi. 

* Cơ chế đảm bảo điều kiện hoạt động cho HĐND: 

Hầu hết các HĐND không có trụ sở làm việc riêng, không có văn phòng riêng; ở cấp xã không có các ban. HĐND, UBND cấp xã hoạt động đã khó khăn lại càng khó khăn hơn bởi năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở, điều kiện phục vụ công việc, chế độ phụ cấp là rất thấp. 

Tóm lại, từ cơ chế tổ chức, cơ chế giao nhiệm vụ, đến cơ chế đảm bảo cho điều kiện hoạt động của HĐND hiện hành, nhằm thực hiện quyền lực, thực hiện nhiệm vụ của HĐND còn nhiều vướng mắc, chưa thông thoáng, hiệu quả hoạt động của HĐND còn nhiều hạn chế, còn mang nặng tính hình thức. 

(Hoàng Sỹ Hạnh: Hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp ở nước ta - Thực trạng và giải pháp

Xem thêm bài: Hội đồng nhân dân tỉnh còn bị động khi ra nghị quyết 

4. 

Khi đồng lương công chức không đủ sống thì mặc nhiên tham nhũng được coi là hiện tượng đương nhiên trong xã hội; người dân ai cũng biết điều đó và các nhà lãnh đạo lại càng không thể không biết. (Với một hệ thống tầng tầng lớp lớp nào Đảng, nào chính quyền, nào đoàn thể, nào tổ chức chính trị - xã hội… như hiện nay thì thử hỏi tiền thuế của dân làm sao kham nổi?) Chỉ có điều "ăn quen bén mùi” lại là khuyết tật cố hữu của con người. Và khi mà Bộ Chính trị nằm ngoài khả năng giám sát của các thiết chế dân chủ và cơ quan bảo vệ pháp luật ở Trung ương còn các cấp uỷ ở địa phương lại nằm ngoài khả năng giám sát của các thiết chế dân chủ và cơ quan bảo vệ pháp luật cùng cấp thì những ý tưởng kiểu như thay vai trò trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng của chủ tịch tỉnh bằng bí thư tỉnh uỷ hoặc chủ tịch HĐND tỉnh như ông Tổng Thanh tra Chính phủ mới đưa ra gần đây chẳng qua chỉ là chuyện thay trò hề này bằng màn bịp bợm kia thôi. Hay nói như người dân quê tôi, "Bầu cái thằng nó ‘ăn’ nhiều rồi thì may ra còn chút hy vọng là nó sẽ ‘ăn’ ít hơn thôi, chứ với cơ chế này mà bầu thằng mới thì nhiều khả năng nó lại còn ‘tạp ăn’ hơn thằng cũ”. 

Mỉa mai thay, tuy là chính thể độc đảng, không có đảng phái đối lập, nhưng có lẽ một trong những cơ chế ít nhiều còn có tác dụng kiềm chế sự lạm dụng quyền lực ở cả trung ương lẫn địa phương lại chính là sự tồn tại của các phe cánh trong Đảng. Nếu không như thế thì những Phạm Thanh Bình, Lã Thị Kim Oanh, v.v. vẫn còn ung dung để tiếp tục tác oai tác quái, và Chính phủ thỉnh thoảng lại cứ phải họp để "bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn” cho doanh nghiệp này doanh nghiệp nọ. Chừng đó thôi cũng đủ cho thấy các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Trung ương bất lực đến thế nào. (Theo khoản 1, Điều 5 của Luật Công an Nhân dân thì "Công an Nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Trong khi đó, Đại hội Đảng thì 5 năm mới diễn ra một lần, BCHTW Đảng thì mỗi năm nhóm họp hai lần với độ dăm ngày một lần; do vậy cụm từ "Đảng Cộng sản Việt Nam” kia nếu chẳng phải là Bộ Chính trị ở Trung ương và thường vụ tỉnh uỷ, huyện uỷ ở địa phương thì còn ai vào đây? Lực lượng nòng cốt và tinh nhuệ nhất trong công cuộc chống thứ giặc "nội xâm” kia mà bị trói chân, trói tay như thế thì còn biết trông mong gì? Điều đó cũng cho chúng ta thấy "pháp luật” ở Việt Nam là của ai và nằm trong tay ai.) 

Do sự thao túng của các ban thường vụ cấp uỷ nên hội đồng nhân dân và các cơ quan bảo vệ pháp luật thường bất lực trong việc giám sát các cơ quan công quyền cùng cấp. Điều này giải thích cho thực tế là các vụ tham nhũng được phanh phui chỉ là những vụ nhỏ lẻ, ở cấp dưới, còn tỷ lệ án tham nhũng ở cấp cao rất ít. Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2010, trong tổng số bị can bị khởi tố về hành vi tham nhũng, cán bộ cấp xã phường chiếm tỷ lệ 30,9%, còn cấp Trung ương chỉ chiếm 0,3%.[9] Đơn giản là làm gì còn có cấp nào "to” hơn cấp Trung ương để mà giám sát họ. Riêng ở khoản này thì các ban thường vụ cấp uỷ từ Trung ương đến địa phương đã làm đúng lời Bác Hồ dạy: "Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.”[10] 

Bằng chứng rõ ràng nhất cho sự bất lực của các thiết chế dân chủ và các cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương chính là tình trạng khiếu kiện vượt cấp tồn tại từ bao năm qua.[11] Nguyên Đại biểu QH Nguyễn Minh Thuyết cho biết: "Ngày nào tôi cũng nhận được vài đơn thư, mỗi lần đi công tác về là cả một chồng dày đơn khiếu nại mà chưa thể giải quyết hết được.”[12] Trong năm qua, có nhiều địa phương không phát hiện và khởi tố được vụ án tham nhũng nào, hoặc ít phát hiện và khởi tố các vụ án tham nhũng. Một số tỉnh như Quảng Trị, Điện Biên, Bến Tre, Sóc Trăng… chỉ khởi tố 1 vụ, 1 đối tượng tham nhũng. Đặc biệt, tỉnh Hà Nam không khởi tố vụ tham nhũng nào.[13]

5. 

Đáng tiếc là trước tình trạng băng hoại đạo đức và tội phạm tràn lan trong xã hội hiện nay mà dự thảo Luật Tố cáo vừa được Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội trình ra trước Quốc Hội ngày 25/10/2011 lại đặt ra những điều khoản mâu thuẫn với một số luật khác, trong đó có Luật Báo chí và Luật Phòng chống tham nhũng.[14] Một trong những nội dung gây ngạc nhiên của dự thảo là quy định hạn chế hình thức tố cáo, theo đó việc tố cáo qua thư điện tử, qua fax hay điện thoại không được chấp nhận.[15] Đây là một điều gây bất ngờ bởi ngày 12/10/2011, trong phiên thảo luận ở Thường vụ Quốc Hội, ban soạn thảo đã thống nhất bổ sung cách thức tố cáo bằng email, điện thoại, fax.[16] Phải chăng 18 vị uỷ viên Uỷ ban Thường vụ QH là đều là những đứa "con nít” đồng bóng hay có "thầy phù thuỷ” nào đó phù phép ở đây? Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội mà còn như vậy thì còn trông mong gì ở hội đồng "nhân dân” các cấp? 

ĐBQH Nguyễn Đăng Trừng từng ví von: "Nước nào cũng có tham nhũng, mức độ ít hoặc nhiều. Nhưng tại Việt Nam hiện nay, công tác phòng chống tham nhũng như dòng văn học hiện thực phê phán cuối thế kỷ 19, thấy hiện trạng, có phê phán, nhưng lại không có giải pháp gì để tháo gỡ cả.”[17] GS.TS Đỗ Thế Tùng (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) đưa ra lời nhận định thẳng thắn trong cuộc hội thảo do Tạp chí Cộng sản và Viện Khoa học Xã hội VN tổ chức ngày 23/8/2011: "Nếu như tham nhũng không được đẩy lùi thì nên hiểu là tham nhũng nằm ngay trong cơ chế, và cơ chế đang ‘nuôi dưỡng’ chứ không phải đẩy lùi tham nhũng!”[18]

Rõ ràng, trước tình hình nóng bỏng hiện nay của đất nước, cũng như bối cảnh và xu thế trong khu vực và trên thế giới, các nhà lãnh đạo Việt Nam đang đứng trước những quyết định lịch sử, quyết định vận mệnh của dân tộc. Và nếu Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự là "Đảng của Dân tộc Việt Nam” thì Đảng chỉ có một lựa chọn duy nhất ở đây, đó là: CẢI CÁCH THỂ CHẾ SÂU RỘNG VÀ TRIỆT ĐỂ./. 

Quảng Trị, 1/11/2011

Lê Anh Hùng
danlambaovn.blogspot.com
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 438 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0