Báo Người Việt phỏng vấn đặc biệt đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam
Tiffany Lê/Người Việt Bản dịch: Cổ Lũy
|
Ðại Sứ Michael Michalak, năm 2008. (Hình: Vũ Quí Hạo Nhiên) | Năm
2010 đánh dấu 15 năm tái lập bang giao Việt-Mỹ, và cũng là thời điểm
ngoại trưởng Hoa Kỳ sắp tới Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN
(Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á). Vào đầu tháng 6, chiếc tàu cứu
thương USNS Mercy cũng đến Việt Nam trong gần hai tuần để chữa trị miễn phí cho 19,000 bệnh nhân Việt Nam.
Nhân dịp này, Ðại Sứ Michael Michalak dành riêng cho phóng viên Tiffany
Lê báo Người Việt cuộc phỏng vấn qua điện thoại dưới đây.
Tiffany Lê (NV): Năm
2010 là một năm đầy biến cố ở Việt Nam, như kỷ niệm 35 năm chiến tranh
chấm dứt, kỷ niệm 15 năm tái lập bang giao Việt-Mỹ, và là năm Việt Nam
làm chủ tịch luân lưu ASEAN. Mối quan hệ Việt-Mỹ có thân thiện và biểu
tượng đủ để hai bên nói chuyện nhân quyền không?
Ðại Sứ Michalak:
Chắc chắn là có. Hai bên từng nói chuyện với nhau về nhân quyền trong
quá khứ và hiện nay tại các buổi thảo luận tại Tòa Ðại Sứ. Chúng tôi
tiếp tục đối thoại với chính quyền Việt Nam.
NV: Ông có yêu cầu Việt Nam thả các nhà đấu tranh dân chủ như Lê Công Ðịnh, Nguyễn Tiến Trung hay Nguyễn Văn Ðài không?
Ðại Sứ Michalak: Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục làm việc này. Cho đến nay chính quyền Việt Nam vẫn chưa chịu ân xá.
NV: Họ nói gì về vụ này.
Ðại Sứ Michalak: Họ nói những nhà tranh đấu này vi phạm luật Việt Nam và phải được xử theo luật Việt Nam.
NV: Những khía cạnh ngoại giao nào cần được cải thiện? Như thương mại, y tế, tự do báo chí, nhân quyền?
Ðại Sứ Michalak:
Chúng tôi đang cố gắng cải thiện đủ mọi mặt. Có những chuyện như thay
đổi khí hậu là chuyện hai bên mới bắt đầu. Có những chuyện khác như
thương mại đã thảo luận qua lại từ lâu. Lúc nào cũng cần có những cải
thiện. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc một cách thông minh để cải thiện
liên hệ nói chung.
NV: Chính
quyền VN có cái nhìn về nhân quyền, tự do báo chí khác với cái nhìn của
Hoa Kỳ. ông có cách nào để giải thích cho phía Việt Nam hiểu được những
giá trị Hoa Kỳ xem là quan trọng như thế nào mà vẫn tôn trọng quan điểm
của họ?
Ðại Sứ Michalak:
Chúng tôi làm việc giải thích này bằng nhiều cách khác nhau. Qua thảo
luận trực tiếp với nhau. Chúng tôi thảo luận chính thức với nhau về
quan hệ quân sự, về nhân quyền, về thay đổi khí hậu. Chúng tôi có địa
điểm rất chính thức để gặp nhau và thảo luận về chuyện này. Những thảo
luận có thể rất thẳng thắn. Chúng tôi cũng có những buổi gặp gỡ riêng,
và tôi cố mời càng nhiều viên chức cao cấp VN càng tốt. Nhiều cuộc gặp
gỡ này hoàn toàn kín đáo. Không có báo chí ở đó, và hai bên có thể nói
chuyện thẳng thắn cởi mở với nhau. Ðây là một trong những gì chúng tôi
đã làm trong 15 năm... Chúng tôi đi gặp đủ mọi thành phần dân chúng.
Chúng tôi cố gắng có mặt bên cạnh người VN và trong xã hội VN và để tự
họ phán xét chúng tôi. Họ nhìn thấy những giá trị chúng tôi xem là quan
trọng, lối lý luận của chúng tôi và tự họ sẽ nhận ra những thông điệp
của chúng tôi.
NV: Không có báo chí thì thảo luận sẽ cởi mở hơn?
Ðại Sứ Michalak:
Thường thì vậy. Khi người ta nói chuyện với báo chí, sẽ có nhiều cử tọa
khác và người ta sẽ có cách nói chuyện với các cử tọa khác. Có nhiều
yếu tố ảnh hưởng tới nhiều cuộc thảo luận. Ðôi khi tốt hơn là không
thảo luận trước ống kính truyền hình, hoặc tốt hơn là không thảo luận
một vấn đề trước mặt báo chí. Ðây không chỉ riêng ở mặt quan hệ ngoại
giao, mà còn trong quan hệ thương mại và các mối quan hệ khác. Một số
trường hợp tốt nhất là giữ riêng tư, mặt đối mặt nói riêng.
NV: Chúng ta có thể nói chuyện ngoài cuộc phỏng vấn ("off the record”) không?
Ðại Sứ Michalak: (Cười lớn) Chẳng bao giờ có chuyện gì là ngoài cuộc phỏng vấn!
NV: Ngay cả khi một phóng viên đang hỏi ông?
Ðại Sứ Michalak: (Cười lớn)
NV: Có
một số người Mỹ gốc Việt ở Orange County rất ghét chính quyền VN hiện
nay, họ nghĩ ông có cảm tình với chính quyền cộng sản, phản ứng của ông
thế nào về những lời chỉ trích này?
Ðại Sứ Michalak:
Những người chỉ trích tôi, tôi đã trực tiếp nói chuyện với họ, tại các
buổi họp mặt cộng đồng, tại những buổi gặp gỡ riêng, cũng như ở những
buổi gặp gỡ trước ống kính của truyền thông. Tôi cố trả lời thẳng thắn
đến mức có thể được. Ðây là điều tuyệt vời về nước Mỹ: Ai cũng được
quyền có quan điểm riêng. Tôi tới Orange County để lắng nghe quan điểm của cộng đồng ở đó, và đúng vậy, nhiều người trong cộng đồng không thích chính quyền ở đây (Việt Nam).
Quan trọng là tôi nghe quan điểm của họ và họ nghe quan điểm của tôi.
Trao đổi với nhau luôn luôn là điều tốt. Tôi luôn cố gắng làm điều này
mỗi lần tôi về Hoa Kỳ, thăm cộng đồng Việt Nam ở Bắc Virginia, Texas và California.
|